Bất kỳ quốc gia nào trên hành tinh này đều có một nền
văn hóa riêng biệt. Cái riêng biệt này làm nên sức mạnh dân tộc, quốc gia đó.
Việt Nam, dù bị ngoại bang đô hộ 1.000 năm, rồi lại bị ngoại bang xâm lược hàng
chục lần nhưng văn hóa Việt Nam vẫn giữ được bản sắc riêng. Trong bài viết này,
chúng tôi chỉ đề cập đến sự vào cuộc của “Tổ chức cơ sở đảng với việc bảo tồn di
sản văn hóa hiện có ở địa phận cấp huyện”.

Diễn tấu cồng chiêng tại lễ hội truyền thống của bà con
DTTS huyện Đạ Tẻh. Ảnh: H.Sang
Ở tỉnh Lâm Đồng, huyện nào cũng tồn tại các giá trị văn
hóa tinh thần, vật chất hiện có ở trong các thôn, buôn, tổ dân phố, xã, phường.
Đơn cử, huyện Đạ Tẻh là địa phương có đến 60% dân số là người Kinh thuộc đồng
bằng, trung du Bắc Bộ vào lập nghiệp những năm 1982 - 1985 của thế kỷ 20. Những
món ăn tinh thần mà bà con mang theo là các làn điệu chèo, quan họ Bắc Ninh, hát
xoan Phú Thọ, theo cùng nó là các loại nhạc cụ phù hợp. Ngành Văn hóa Đạ Tẻh
cũng đã điều tra, lập danh sách các nghệ nhân thuộc các loại hình nghệ thuật này
vào năm 2002.
Nói và viết “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” phải bắt
đầu từ công việc cụ thể nhất tại địa phương của mình, không hô hào chung chung.
Ví như, hiện tại có bao nhiêu đồng chí bí thư chi bộ ở thôn buôn biết rõ địa
phương mình còn lại những loại hình nào được xếp loại di sản văn hóa cần giữ gìn
và phát huy? Liệu các đồng chí bí thư chi bộ thôn, buôn có nắm rõ ở địa phận
mình có bao nhiêu bộ chiêng, số người biết sử dụng, rồi còn bao nhiêu nghệ nhân
biết đan lát, dệt thổ cẩm, làm rượu cần, có bao nhiêu ché đựng rượu cần tuổi từ
150 năm trở lên trong các gia đình, rồi còn có những nhạc cụ nào nữa? Và các làn
điệu dân ca vùng miền nào hiện có ở địa phương mình?
Vẫn biết rằng, các loại hình di sản được giao cho ngành
văn hóa - du lịch nhưng tổ chức cơ sở đảng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát
sự quản lý của ngành văn hóa: Không để thất thoát chiêng quý, ché quý - dưới
hình thức: mua bán chiêng. Việc làm nhanh nhất, hiệu quả nhất là tổ chức họp với
bà con cô bác nào ở trong thôn buôn có chiêng, ché… để nói rõ cho bà con hiểu về
giá trị của chiêng, ché, của các loại nhạc cụ trong dân tộc mình để cùng nhau
giữ gìn, tránh việc để cho đám đầu nậu đồ cổ lừa gạt như một số địa phương ở Tây
Nguyên đã xảy ra.
Tiếp tục, cần tổ chức những lớp truyền dạy cồng chiêng
cho lớp trẻ, bởi số người thuộc các làn điệu dân ca của dân tộc mình cũng chỉ
tập trung đa phần ở lớp người lớn tuổi. Nghệ nhân K’Thanh ở thị trấn Đạ Tẻh lo
lắng chia sẻ: “Tuổi mình cũng hơn 60 mùa rẫy rồi rất muốn truyền dạy cho con
cháu nhưng ít đứa muốn học. Mình lo nhiều người cùng tuổi mình khi nay mai Yàng
(trời) gọi đi thì ai giữ được cái chiêng, cái ché của dân tộc mình chứ?”.
Được biết, mấy năm gần đây, ngành Văn hóa Đạ Tẻh có tổ
chức một số lớp ngắn hạn về cồng chiêng, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, nhưng
cái thiếu vẫn là con người, chủ yếu là lớp trẻ, kinh phí cho việc này cũng còn
bất cập. Khó khăn là khó khăn chung, nhưng nếu ta biết cách làm thì hiệu quả vẫn
đạt được. Theo ý kiến cá nhân thì, tổ chức cơ sở đảng cần sâu sát hơn nữa, cử
hẳn một đồng chí cấp ủy viên phụ trách việc này. Một việc tưởng đơn giản nhưng
chắc gì nhiều đồng chí cấp ủy cơ sở đã làm, đó là: Nghiên cứu, mua và tìm đọc kỹ
cuốn “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, “Lịch sử Việt Nam”, “54 dân tộc Việt Nam”. Đọc kỹ,
hiểu kỹ để phục vụ cho công tác tuyên truyền miệng - trực tiếp đến Nhân dân ở
các thôn, bản nơi có đồng bào dân tộc. Phải nói nhiều lần để mọi người hiểu rằng
tại sao người nước ngoài từ mấy thế kỷ nay chỉ tìm để chiếm đoạt hoặc mua rẻ
những cổ vật của chúng ta? Vì họ hiểu rõ giá trị của đồ cổ đó, vậy thì chúng ta
phải giữ lấy cho muôn đời con cháu. Cái gì lỡ mất thì mất, nhưng văn hóa thì
không được để mất. Nói cách khác, văn hóa chính là những cái còn lại khi người
ta quên hết mọi thứ.
Tại Đạ Tẻh có nhiều hộ người Tày ở phía Bắc vào lập
nghiệp những năm 1985 - 1990 của thế kỷ XX. Đồng bào người Tày đã hòa đồng với
các dân tộc trong huyện, cùng phấn đấu xây dựng quê mới. Người Tày có nhiều loại
hình văn hóa nghệ thuật như hát đối, hòa tấu, đơn tấu nhạc cụ, với nhiều làn
điệu dân ca của mình. Đặc biệt, nhạc cụ có cây đàn tính. Hai mươi năm nay, các
đêm diễn văn nghệ quần chúng, đàn tính của người Tày vang lên, như thể âm thanh
của đại ngàn Việt Bắc hòa điệu với âm thanh muôn điệu của đại ngàn Tây Nguyên,
cùng tô thêm sắc màu của vườn hoa văn hóa dân tộc Việt Nam đẹp hơn, rực rỡ hơn.
Viết bài này, tôi luôn nghĩ, những giá trị văn hóa dân
tộc chỉ có lưu giữ không thì chưa đủ, mà phải tiếp tục truyền lại cho các thế hệ
mai sau những giá trị đó. Đồng thời, phải quảng bá rộng rãi trong nước và thế
giới những tinh hoa văn hóa Việt Nam. Mỗi công dân ở tuổi trưởng thành biết,
hiểu và thuộc ít nhất một làn điệu dân ca của dân tộc mình. Phải hiểu di sản văn
hóa dân tộc có cả truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết, truyền thống đạo
đức.
Thấy rõ việc cần phải tuyên truyền sâu rộng trong Nhân
dân về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nên Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị
quyết số 33 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu
cầu phát triển bền vững của đất nước”. Vì văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động
lực phát triển đất nước nên chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện chiến lược phát
triển văn hóa, trong đó tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Bảo tồn
và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc mà trọng tâm là xây dựng văn hóa con
người. Đó chính là để giữ vững ổn định chính trị và xã hội.
Ở Lâm Ðồng có các dân tộc ở các vùng miền trong nước đến
định cư lập nghiệp nên văn hóa mang nét chung và nét riêng. Cái chung và cái
riêng ấy đã và đang hòa quyện trong cuộc sống luôn vận động để hướng tới cái
hoàn thiện và hiện đại hơn.
Hiện nay hầu như thôn buôn nào ở nước ta cũng có hội
trường thôn (gọi là nhà sinh hoạt cộng đồng), vì vậy, việc tập hợp quần chúng để
tuyên truyền không mấy khó khăn. Muốn đi nhanh thì chỉ đi một người, nhưng muốn
tới đích thành công tốt đẹp thì phải cần nhiều người. Tổ chức cơ sở đảng không
thể làm thay chính quyền mà chỉ là giám sát việc thực hiện mọi công việc. Sức
mạnh Việt Nam là sự thủy chung và cần cù sáng tạo. Vũ khí tự vệ của Việt Nam là
văn hiến. Văn hiến dựa vào cái gốc là dân. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc chính
là Dân - dân biết, dân bàn, dân làm dân kiểm tra thì mọi việc sẽ thành công.