Trang trước

Mục lục

Trang sau

 
 

 

 

 

   

Thanh pho Da Lat

ỉnh Lâm Đồng nằm về phía Tây Nam Việt Nam. Diện tích tự nhiên 1.017.260 ha. Đà Lạt, Tỉnh lỵ Lâm Đồng là thành phố du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng của Việt Nam.

Lâm Đồng, nằm trong vùng cao nguyên phía Tây Trung bộ Việt Nam. Do kiến tạo của vỏ quả đất, địa hình Lâm Đồng từ một đồng bằng cổ đại được nâng lên thành ba bậc thềm.

Bậc thềm thứ nhất, là cao nguyên Lâm Viên gồm Đà Lạt, Lạc Dương và phần cao nguyên của Đơn Dương, Lâm Hà. Vùng này được nâng từ 1.600-2.000m. Ba cạnh Đông, Bắc, Tây là các núi cao, với các đỉnh cao nhất Bidoup 2.287m, Langbian 2.167m, Hòn Nga 1.998m. Phần bên trong bình sơn Lâm Viên là một bề mặt cổ bị chia cắt rất mạnh, tạo thành các dẫy đồi lượn sóng, giữa có suối nhỏ. Độ cao địa hình phía Đông Bắc 1.600-1.700m (Kill Planol) thấp xuống 1.400-1.500m về phía Tây Nam .

Bậc thềm thứ hai là cao nguyên Di Linh gồm: Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà (Phía Bắc) Di Linh, Bảo Lộc (Phía Nam). Bậc thềm này được nâng cao tổng cộng 800-1.200m. Viền theo rìa Đông Nam và Tây là các sườn dốc cao, đổ xuống Bình Thuận, Ninh Thuận và các cụm tương đối cao: Pargolo đông Đơn Dương 1.396m. Borain Đông Di Linh 1.865m, các núi phía Tây Bảo Lộc 1.200-1.300m. Về bên trong, phần phía Bắc tuổi địa hình trẻ hơn và bằng phẳng hơn. Có các sông lớn chảy qua: Đa Nhim, ĐaQueyon (Đa Quân). Phần phía Nam có tuổi địa hình cổ hơn, bị chia cắt mạnh hơn, tạo thành hệ thống đồi đỉnh rộng, sườn dốc, giữa có các thung lũng hẹp, hạ lưu có nước thường xuyên. Các suối này tạo thành hình rẻ quạt, từ phía Tây, Nam, Bắc đổ về phía Đông, hợp thành sông lớn Đa Rgna (Đại Nga) chảy về Bình Thuận.

Bậc thềm thứ ba gồm huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Phần lớn bậc thềm có tuổi địa hình tuổi rất cổ, nên bị chia cắt rất mạnh, sâu, tạo thành các dẫy đồi thấp ở phía Đông Bắc. Một phần nhỏ khác, đã được phù sa các sông lớn bồi lắng, tạo thành vùng tương đối bằng phẳng ở huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh. Trong vùng có sông Đồng Nai đi theo ranh giới phía Tây và các sông nội địa ngắn, dốc: Đạmbri, Đạ tẻ, Đalei.

Trên lãnh thổ Lâm Đồng, diện tích các loại đất có độ dốc dưới 15 độ, chiếm trên 500.000 ha, trong đó đất đỏ vàng chiếm tỷ lệ cao nhất (85%). Có ý nghĩa đặc biệt đối với nông nghiệp, là các đất nâu đỏ, nâu vàng, phát triển trên Bazan, phân bố tập trung ở Di Linh, chiếm hơn 200.000 ha. Đây là loại đất tốt nhất, có tầng dày lớn, mùn nhiều, rất thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp. Các đất đỏ vàng phát triển trên đá sét phổ biến ở bình sơn Đà Lạt, tuy chất lượng có kém thua đất bazan, nhưng cũng là loại đất thích hợp cho chè, cà phê. Quỹ đất dành cho cây lương thực không lớn, chủ yếu là đất phù sa đệ tứ, có nhiều ở ĐạTẻh, Cát Tiên, một ít ở Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng.

Do tác động cộng hưởng của ba nhân tố: Bức xạ mặt trời, hoàn lưu khí quyển và vị trí địa lý cùng địa hình, đã hình thành ở Lâm Đồng một kiểu khí hậu đặc biệt: Khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng sơn cao nguyên.

Lâm Đồng là một tỉnh có bức xạ mặt trời tổng cộng vào loại cao nhất Việt Nam, nhưng do độ cao mặt đệm lớn, nên cán cân bức xạ có thấp hơn các tỉnh ven biển Trung bộ. Nguồn năng lượng có bức xạ cộng với độ cao địa hình đem lại cho Lâm Đồng một nền nhiệt độ trung bình và ổn định. Hoàn lưu khí quyển đã tạo ra cơ chế theo mùa của khí hậu. Đồng thời các yếu tố khí hậu của Lâm Đồng cũng bị địa hình và độ cao các dãy núi làm biến đổi, có nơi biến đổi mạnh, tạo thành các tiểu vùng khí hậu tương đối khác nhau.

Các tác động nói trên, làm cho các đặc trưng khí hậu Lâm Đồng có sự khác biệt với các địa phương có cùng vĩ độ.

Nhiệt độ trung bình năm tương đối thấp. Bình sơn Đà Lạt không có thời kỳ dài trên 20 độ, và cao nguyên Di Linh không có thời kỳ dài trên 20 độ. Biên độ nhiệt tháng nhỏ, nhưng biên độ ngày đêm tương đối lớn. Do mất nhiều rừng, nên khí hậu có xu hướng nóng lên.

Độ ẩm không khí tương đối thấp, trung bình toàn tỉnh 80-85%. Các tháng mùa khô độ ẩm từ
75-80% và mùa mưa độ ẩm từ 85-90%, lượng bốc hơi mùa khô tương đối lớn.

Khí hậu Lâm Đồng chia làm hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Lượng mưa trung bình năm tương đối lớn. Đặc biệt Bảo Lộc có lượng mưa rất lớn, vùng Tây Bảo Lộc có lượng mưa trung bình năm lên trên 3.600mm, vào loại lớn nhất Việt Nam.

Lượng mưa mùa khô chiếm từ 10-17%, còn mùa mưa chiếm từ 83-90%. Số ngày có mưa trung bình năm ở Đà Lạt , Liên Khương 140-150 ngày, Di Linh 130 ngày, Bảo Lộc 170- 180 ngày.

Theo hoàn lưu khí quyển, hướng gió thịnh hành mùa đông tháng 11-4 là hướng Tây, và mùa hạ tháng 5-10 là hướng Đông. Giữa mùa hạ, tần suất gió Tây ở Bảo Lộc là 60-70, ở Liên Khương là 50-60 %,gió Tây Nam chỉ chiếm 20-30 %. Các tháng giữa mùa đông ở Liên Khương gió Đông chiếm tới
60-70%, còn ở Bảo Lộc là gió Đông Bắc 20-30%. Tốc độ trung bình gió mùa đông ở Liên Khương, Đà Lạt 4-6m/s, ở Bảo Lộc là 2-3m/s. Về mùa hạ trung bình cả tỉnh là 2-3m/s. Tốc độ gió lớn nhất trên 20m/s.

Bảo Lộc là vùng có lượng mây nhiều nhất Tây Nguyên. Trong mùa mưa, mây ở vùng trời Bảo Lộc chiếm 80-85% bầu trời, nhiều nhất vào tháng 9 (90%). Đà Lạt, Liên Khương thuộc vùng ít mây, lượng mây mùa mưa 70-80%và tháng ít mưa 40-50% bầu trời. Trong mùa khô mỗi tháng trung bình có
200-250 giờ nắng, còn mùa mưa 100-150 giờ. Đà lạt, Liên Khương có số giờ nắng nhiều nhất.

Nếu thiên nhiên Lâm Đồng có một lịch sử phát triển cổ xưa, thì lịch sử kinh tế trái lại rất trẻ, nhưng không kém đặc sắc. Lịch sử đó có thể tạm chia thành bốn giai đoạn lớn, với đặc điểm khác nhau.

Giai đoạn cuối thế kỷ 19 về trước :

Khai quật di chỉ Đại Làng (Cát Tiên) gần đây cho biết, đã có con người sinh sống và khai thác lãnh thổ này ít ra từ thế kỷ thứ 10. Nhưng sử liệu hiện có về giai đoạn này quá ít ỏi, chỉ cho biết rất sơ lược. Trong các năm 1877- 1880, Nguyễn Thông, giữ chức Dinh điền sứ triều Nguyễn đã khảo sát và lập kế hoạch khai khẩn cao nguyên Di Linh. Cho đến cuối thế kỷ 19, sự phát triển kinh tế - xã hội trên lãnh thổ này, chỉ ở trình độ sơ khai. Nền kinh tế tự cấp, tự túc, theo phương thức hỏa canh, du canh, kết hợp hái lượm, săn bắt, chăn nuôi gia súc. Tuy vậy đã có một số tiến bộ: Đã biết làm lúa nước, biết trồng bông dệt vải, luyện thô quặng sắt để rèn xà gạc, đã đem sản phẩm quý như trầm hương đi trao đổi. Cư dân chủ yếu là các dân tộc thiểu số gốc bản địa: K'Ho, Mạ... sống quần cư theo bộ lạc với chế độ mẫu hệ.

Giai đoạn từ cuối thế kỷ 19 đến 1954:

Bắt đầu từ lúc người Pháp nghiên cứu vùng này và được tiến hành khẩn trương vào cuối thế kỷ 19. Trong đó Yersin đã đóng góp rất quan trọng, đưa đến quyết định của Nhà Nước bảo hộ Pháp về thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng (tên đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng) và xây dựng trạm nghỉ dưỡng Đà Lạt. Từ đó lãnh thổ Lâm Đồng chuyển sang bộ mặt mới. Một số cơ sở hạ tầng thiết yếu nhất đã được xây dựng: Đường ô tô nối Đà Lạt với Sài Gòn và Phan Rang. Đường sắt với hệ thống đường ray và đầu máy loại đặc biệt để leo núi Đà Lạt - Phan Rang Tháp Chàm, hệ thống nước điện, kể cả thủy điện Angkroet; hệ thống bưu điện. Thành phố Đà Lạt đã được xây dựng theo yêu cầu một tỉnh lỵ vừa có cơ sở giáo dục; y tế (vào loại lớn Đông Dương lúc bấy giờ) vừa xây dựng các cơ sở nghỉ dưỡng, kể cả hệ thống đường đất ô tô đến các các điểm du lịch sâu trong rừng cao nguyên. Đồng thời đã khai thác các mặt khác, trồng và chế biến Trà xuất khẩu. Đã xây dựng được vùng rau hoa xứ lạnh tập trung, chuyên camh, với thị trường nhiều tỉnh phía Nam. Toàn bộ hoạt động trên đều gắn với việc di dân, tổ chức xã hội, khai thác sức lao động của người mới đến và người tại chỗ. Tóm lại, có thể coi đây là giai đoạn định hướng, đặt nền móng và bước đầu khai thác ưu thế khí hậu, đất đai, đưa Lâm Đồng - Đà Lạt tiến một bước vào nền sản xuất hàng hóa, đi đôi với phát triển xã hội.

Giai đoạn 1954-11975:

Giai đoạn này tiếp tục nâng cao, mở rộng các hướng đã có, đồng thời phát triển một số hướng mới của nền kinh tế - xã hội. Đến 1975 việc nghỉ mát theo kiểu hộ với nhà riêng ở Đà Lạt, đã mở rộng riêng thành kiểu du lịch theo đoàn, gắn với xây dựng nhà cửa quy mô lớn ở Đà Lạt, Bảo Lộc. Về trồng chế biến Trà, đã có thêm nhiều vùng mới lớn hơn như Bảo Lộc, Di Linh, Phú Sơn. Vùng rau hoa Đà Lạt được mở rộng, hình thành vùng mới Đơn Dương, tiêu thụ khắp miềm Nam Việt Nam. Đã khai thác gỗ qui mô lớn, đi đôi với khai khẩn đất rừng, chuyển qua trồng lương thực và chè. Hình thành vùng ngô lớn Đức Trọng - Đơn Dương và một số cánh đồng lúa nước, có hệ thống thủy nông kiên cố bảo đảm nước. Về khoáng sản đã khai thác và chế biến cao lanh, sản xuất sứ gia dụng chất lượng khá. Về cơ sở hạ tầng, đã cải tạo nâng cấp quốc lộ 20, xây dựng nhà ga hàng không Liên Khương, Cam Ly, B'lao mở đường hàng không thương mại Tân Sơn Nhất. Xây dựng thủy điện lớn Đa Nhim (160.000kw) và đường cao thế 220kv. Phát triển thêm một số trường phổ thông trung học, và trường dạy nghề. Thành lập viện Đại Học Đà Lạt, xây dựng Lò Phản ứng Hạt nhân phục vụ nghiên cứu khoa học ở Đà Lạt.

Như vậy có thể coi đến giai đoạn này nhiều thế mạnh kinh tế của Lâm Đồng - Đà Lạt đều bắt đầu được khai thác với các quy mô khác nhau. Giai đoạn này cũng đã tăng nhanh dân số và sức lao động, đưa Lâm Đồng - Đà Lạt từng bước thành một tỉnh phát triển ngang tầm với các tỉnh trong cả nước.

Giai đoạn từ 1975 đến nay:

Đặc điểm của giai đoạn này là tiếp tục mở rộng, nâng cao việc khai thác có kế hoạch các thế mạnh kinh tế, đi đôi ổn định xã hội, phát triển văn hóa, từng bước rút ngắn sự chênh lệch trình độ của đồng bào dân tộc thiểu số so với trình độ chung của cộng đồng.

Nông nghiệp đã phát triển mạnh, nhất là về cây lương thực và cây công nghiệp. Tổng sản lượng lương thực tăng 22,6 lần so với 1976, đảm bảo trên 30%. Cây cà phê và cây dâu tằm ở các giai đoạn trước phát triển là không đáng kể, đến nay đã chiếm vị trí hàng đầu. Tổng giá trị xuất khẩu cà phê nhân và tơ tằm tăng lên rõ rệt hàng năm, đưa Bảo Lộc thành trung tâm dâu tằm lớn nhất Việt Nam. Cây rau, hoa đã được khôi phục, đang có đà phát triển.

Về lâm nghiệp, đã phát triển toàn diện hơn giai đoạn trước. Coi trọng trồng rừng. Đưa việc khai thác gỗ đi vào ổn định, bảo đảm phát triển vốn rừng. Đưa việc khai thác gỗ đi vào ổn định, bảo đảm phát triển vốn rừng. Khai thác kinh doanh các sản phẩm mới: nhựa thông, cô lô phan, tùng hương, bột giấy, song mây, tăm nhang...

Về khoáng sản, duy trì ngành cao lanh sứ, bắt đầu khai thác quặng bô xít, bentonit, vàng thiếc, mở rộng sản xuất đá, gạch, cát, phát triển công nghiệp cơ khí .

Về du lịch, tiếp tục phát triển mạnh, nhất là thành phố Đà Lạt.

Về cơ sở hạ tầng, phát triển mạnh hệ thống tỉnh lộ vào các vùng sâu, xa, vùng kinh tế mới. Đặc biệt đã xây dựng nhiều hệ thống thủy nông lớn nhỏ, tăng diện tích tưới vững chắc lên trên 25 lần so với giai đoạn trước. Xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt Suối Vàng, bảo đảm nhu cầu nước cho Đà Lạt. Xây dựng đường điện 35 kV đến hầu hết các huyện trong tỉnh.

Qua 7 thập kỷ phát triển, Lâm Đồng Đà Lạt đã đi từ vùng bán khai lên trình độ sản xuất hàng hóa tương đối toàn diện. Đến nay có thể kết luận thế mạnh kinh tế của Lâm Đồng là:

1. Cây công nghiệp trên đất đỏ bazan, đặc biệt là dâu tằm, cà phê, chè, rau hoa quả ôn đới đặc sản; bò sữa và sản phẩm từ sữa.

2. Rừng thông và cây lá rộng, tre nứa; nguyên liệu công nghiệp giấy và sản phẩm chế biến từ lâm sản.

3. Quặng bô xít, cao lanh, than nâu, Bentonit, Diatomit, thiếc, vàng và đá quý trữ lượng lớn, chất lượng tốt.

4. Du lịch nghỉ dưỡng, nhất là ở Đà Lạt.

5. Nguồn thủy điện phong phú.