TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH LÂM ĐỒNG

Ước 9 Tháng và cả năm 2007

 

I/ Sản Xuất Nông Lâm nghiệp

1. Sản xuất nông nghiệp:

Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã cơ bản kết thúc thu hoạch cây trồng vụ Hè thu. Tính đến ngày 10/10/2007 toàn tỉnh đã thu hoạch 34.399 ha cây trồng các loại, bằng 86,18% so cùng vụ năm trước. Trong đó, lúa đã thu hoạch hết diện tích gieo cấy trong vụ với 5.909 ha, tăng 5,99% so cùng kỳ; sản lượng lúa thu hoạch đạt 25.519 tấn, tăng 3.576 tấn so cùng vụ năm trước do diện tích và năng suất tăng; năng suất bình quân đạt 43,2 tạ/ha, tăng 3,8 tạ/ha. Các cây trồng khác đã thu hoạch: ngô 15.024 ha, đạt 100% diện tích gieo trồng trong vụ, giảm 4,16% so cùng kỳ, sản lượng đạt 68.275 tấn giảm 2.009 tấn so cùng kỳ do diện tích giảm, năng suất bình quân đạt 45,11 tạ/ha, tăng 0,27 tạ/ha; rau các loại thu hoạch 12.248 ha, tăng 16,91% so cùng kỳ, đạt 80% diện tích gieo trồng, sản lượng đạt 298.915 tấn, năng suất bình quân đạt 255 tạ/ha, tăng 10,6 tạ/ha so cùng kỳ; đậu các loại thu hoạch 1.218 ha, giảm 17,37% so cùng kỳ. Đồng thời với thu hoạch cây trồng hàng năm vụ Hè thu và các cây trồng có đặc điểm thu hoạch thường xuyên như chè, rau, hoa… các địa phương cũng bắt đầu thu hoạch phê Catimor.

Song song với thu hoạch cây trồng vụ Hè thu, bà con nông dân đang khẩn trương gieo trồng vụ Mùa. Tình hình sản xuất vụ Mùa năm nay thuận lợi hơn so năm trước, do đó tiến độ gieo cấy các loại cây trồng đều tăng so cùng kỳ. Riêng cây ngô giảm do một số địa phương chuyển đổi sang trồng cà phê. Tính đến ngày 10/10/2007, toàn tỉnh đã gieo trồng 17.936 ha lúa, vượt 6,48% kế hoạch, tăng 2,91% so cùng kỳ; ngô gieo tỉa 2.641 ha, bằng 89,93% cùng kỳ và đạt 96,56% kế hoạch; rau các loại 8.534 ha, tăng 4,51%; đậu các loại 1.420 ha, bằng 90,48% so cùng kỳ.

Trồng mới cây lâu năm tính đến ngày 10/10/2007, toàn tỉnh đã thực hiện 4.002 ha cây trồng các loại, tăng 68,86% so cùng kỳ. Trong đó, chè trồng mới và chuyển đổi 144 ha, tăng 8,27% so cùng kỳ và chỉ đạt 25,71% kế hoạch do bà con nông dân tập trung đầu tư thâm canh và chuyển đổi sang cây cà phê (giá cà phê hiện ổn định ở mức cao có lợi cho người sản xuất); cà phê 2.244 ha, tăng 120,22% so cùng kỳ, vượt 173,66% kế hoạch do giá cà phê ổn định ở mức cao đã tác động tâm lý người sản xuất; điều 1.349 ha, vượt 92,73% kế hoạch, tăng 54,71% cùng kỳ; dâu tằm 184 ha, đạt 49,04% kế hoạch, tăng 21,79% so cùng kỳ;  cây ăn quả 81 ha, đạt 32,02% kế hoạch và bằng 41,54% so cùng kỳ.

 Tình hình chăn nuôi: hiện nay đàn gia súc, gia cầm đẫ phát triển ổn định trở lại. Tuy nhiên theo kết quả điều tra chăn nuôi thời điểm 1/82007, xu hướng tốc độ phát triển đàn gia súc giảm nhẹ so cùng kỳ do tình hình dịch bệnh vẫn còn xuất hiện ở nhiều địa phương trong nước ảnh hưởng đến tâm lý người chăn nuôi, đồng thời giá thức ăn, vật tư chăn nuôi tăng mạnh trong khi giá thịt heo hơi không ổn định.

2. Lâm nghiệp:

Dự ước tháng 10 năm 2007 sản lượng lâm sản do các đơn vị lâm nghiệp khai thác gồm: 2.550m3 gỗ tròn các loại, bằng 91,73% cùng kỳ, trong đó tận thu tỉa vệ sinh rừng 1.400m3; tre nứa lồ ô các loại 64 ngàn cây, tăng 8,475 so cùng kỳ; tre nứa giấy 56 tấn; củi thước 400 ster, tăng 60% so cùng kỳ; keo, thông nguyên liệu giấy 1.000m3... Ước thực hiện 10 tháng năm 2007: gỗ tròn các loại 27.760m3, tương đương so cùng kỳ, trong đó tận thu tỉa vệ sinh rừng 13.310m3; tre nứa lồ ô các loại 470 ngàn cây, tăng 1,73%; tre nứa giấy 186 tấn, tăng 33,81%; củi thước 4.160 ster, tăng 49,32%; keo nguyên liệu giấy 4.000m3, đạt 80% so cùng kỳ...

Công tác lâm sinh dự ước tháng 10 năm 2007, trồng rừng tập trung 118 ha, chăm sóc 100 ha rừng trồng. Dự ước 10 tháng năm 2007, trồng rừng tập trung 993 ha, đạt 100% kế hoạch năm và bằng 53,24% so cùng kỳ; chăm sóc rừng trồng 2.400 ha, đạt 95,92% kế hoạch và bằng 66,63% so cùng kỳ năm trước; giao khoán quản lý bảo vệ rừng 328.000 ha, đạt 103,65% kế hoạch và tăng 4,01% so cùng kỳ năm trước.

Tình hình vi phạm lâm luật (theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tính đến ngày 20 tháng 9 năm 2007) đã xảy ra: phá rừng trái phép 569 vụ, giảm 47,6% so cùng kỳ, với diện tích rừng bị phá 199 ha, giảm 37,59%; trong đó phá rừng làm nương rẫy 309 vụ, với diện tích 122 ha, giảm đáng kể so cùng kỳ cả về số vụ và diện tích. Khai thác rừng trái phép 419 vụ, tăng 5,01%; vận chuyển, mua bán trái phép lâm sản, động vật rừng 796 vụ, tăng 8,74% so cùng kỳ năm trước. Lâm sản thu qua xử lý vi phạm: 788,8m3 gỗ tròn các loại, 858,8m3 gỗ xẻ các loại. Thu nộp ngân sách 6,29 tỷ đồng, trong đó tiền bán lâm sản và phương tiện tịch thu 4,72 tỷ đồng.

II/ Công nghiệp - Xây dựng cơ bản - Giao thông vận tải

1. Sản xuất công nghiệp:

Trong những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10 tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, bão lụt ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất công nghiệp của khu vực. Riêng Lâm Đồng do bị ảnh hưởng nên đã xảy ra mưa nhiều trên diện rộng, gây lũ lụt ở các huyện phía Nam, tác động đến hoạt động sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, để phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong dịp Festival Hoa Đà Lạt diễn ra trong tháng 12/2007, các doanh nghiệp đã chủ động tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới. Do đó, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 10/2007 trên địa bàn tỉnh nhìn chung tăng trưởng khá so cùng kỳ.

Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp (giá cố định 1994) dự ước tháng 10/2007 đạt 345,04 tỷ đồng, tăng 19,45% so cùng kỳ. Trong đó kinh tế nhà nước đạt 164,26 tỷ đồng, tăng 7,32% so với cùng kỳ (kinh tế Nhà nước Trung ương đạt 160,42 tỷ đồng, tăng 7,74%; kinh tế Nhà nước địa phương đạt 3,84 tỷ đồng, giảm 7,58%); kinh tế ngoài nhà nước đạt 135,61 tỷ đồng, tăng 34,41% do các doanh nghiệp chủ động tăng cường sản xuất để phục vụ trong dịp Festival Hoa Đà Lạt và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 45,17 tỷ đồng, tăng 29,41% so cùng kỳ năm trước.

Chia theo ngành Công nghiệp:

- Công nghiệp khai thác mỏ đạt 12,45 tỷ đồng, tăng 25,71% so cùng kỳ. Một số sản phẩm chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn tăng khá so cùng kỳ: quặng bôxít 11.000 tấn, tăng 22,22%; ben tô níc 920 tấn, tăng gấp 5 lần; đá các loại 58,9 ngàn m3, tăng 52,2%; cát sỏi các loại 48,7 ngàn m3, tăng 26,79%; cao lanh các loại 5.778 tấn, tăng 133,64%.

- Công nghiệp chế biến đạt 189,3 tỷ đồng, tăng 35,72% so cùng kỳ, do các tháng cuối năm các đơn vị tăn cường sản xuất để đảm bảo kế hoạch năm 2007, đồng thời phục vụ nhu cầu trong dịp Lễ nên sản phẩm chế biến tăng so cùng kỳ: chè chế biến đạt 3.781,7 tấn, tăng 27,27%; cà phê chế biến đạt 52,6 tấn, tăng 60,7%; hạt điều chế biến đạt 154 tấn, tăng 37,5%; rượu mùi các loại 255,4 ngàn lít, tăng 28,68%; rau sấy khô các loại 39 tấn, tăng 21,12%; rau quả cấp đông 846 tấn, tăng 62,22%; sợi tơ tằm các loại 118,8 tấn, tăng 88,33%; gỗ xẻ các loại 2,9 ngàn m3, tăng 67,25%; quần áo may sẵn đạt 215,8 ngàn cái, tăng 38,76% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, cũng có một số sản phẩm sản xuất giảm như: lụa tơ tằm các loại đạt 67 ngàn m2, giảm 46,18%; vật liệu chịu lữa đạt 290 tấn, giảm 1,69% so cùng kỳ.

- Công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước đạt 143,29 tỷ đồng, tăng 2,74% so cùng kỳ. Điện sản xuất đạt 283,7 triệu Kw, tăng 2,18%; điện thương phẩm 37 triệu Kwh, tăng 13,18%; nước sản xuất đạt 1.314 ngàn m3, tăng 12,5%; nước ghi thu đạt 1.060 ngàn m3, tăng 11,34% so cùng kỳ năm 2006.

Dự ước 10 tháng năm 2007, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp (giá cố định 1994) thực hiện 2.687,4 tỷ đồng, đạt 75,27% kế hoạch cả năm, tăng 9,57% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế nhà nước 1.047,24 tỷ đồng, đạt 65,11% kế hoạch, xấp xỉ cùng kỳ (kinh tế nhà nước trung ương 1.006,24 tỷ đồng, đạt 64,94% kế hoạch, giảm 2%; kinh tế nhà nước địa phương 41 tỷ đồng, đạt 69,72% kế hoạch, tăng 35,16% so cùng kỳ); kinh tế ngoài nhà nước 1.195,54 tỷ đồng, đạt 90,95% kế hoạch, tăng 17,95%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 444,62 tỷ đồng, đạt 68,67% kế hoạch, tăng 16,41% so cùng kỳ năm trước. Theo ngành Công nghiệp thì: Công nghiệp khai thác mỏ đạt 86,81 tỷ đồng, tăng 20,77%; Công nghiệp chế biến đạt 1.789,37 tỷ đồng, tăng 15,77% và Công nghiệp sản xuất phân phối điện nước đạt 811,22 tỷ đồng, giảm 2,87% so cùng kỳ.

2. Đầu tư xây dựng:

Sang tháng 10/2007 công tác thi công của các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ nhằm đảm bảo thực hiện theo kế hoạch đề ra; tập trung đầu tư phát triển các ngành kinh tế có ưu thế của địa phương và xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, thuỷ lợi, điện, nước, trường học, bệnh viện... Công tác cấp phát vốn cũng được quan tâm chú trọng tạo điều kiện phân bổ vốn kịp thời cho các công trình, nhất là các công trình chỉnh trang đô thị chuẩn bị cho Festival hoa 2007 sắp tới. Tuy nhiên thời tiết mưa nhiều, giá cả một số loại vật tư tiếp tục tăng, và công tác đền bù giải toả còn nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các công trình xây dựng trên địa bàn. Nhìn chung tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý  trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong tháng 10 và 10 tháng tăng khá so cùng kỳ.

Ước tháng 10/2007 vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn đạt 173,5 tỷ đồng, tăng 25,12% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu thực hiện các công trình trọng điểm và các công trình nông, lâm nghiệp, giáo dục, y tế, văn hoá, phục vụ cộng đồng trên địa bàn. Trong đó: Nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước đạt 141,02 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 81,28% trong tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý tăng 132,93% so với cùng kỳ (Vốn ngân sách Trung ương đầu tư 61,55 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương đầu tư đạt 79,5 tỷ đồng).

Ước 10 tháng đầu năm 2007, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt 1.295,6 tỷ đồng, tăng 27,91% so cùng kỳ năm trước, tăng khá do từ tháng 7/2007 bổ sung thêm vốn từ trái phiếu Chính phủ, kiên cố hóa kênh mương và vốn JBIC. Trong đó:

 - Nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước thực hiện 1.129,8 tỷ đồng, đạt 90,5% so kế hoạch năm 2007, tăng 67,60% so với cùng kỳ.

- Vốn vay đạt 145,4 tỷ đồng, bằng 53,1% cùng kỳ năm trước. Trong tổng vốn vay, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư của Nhà nước đạt 35,9 tỷ đồng tăng 19,14% so cùng kỳ, đạt 23,71% so kế hoạch giao và vốn vay từ các nguồn khác đạt 109,5 tỷ đồng.

 - Vốn tự có của các doanh nghiệp nhà nước đầu tư đạt 10,9 tỷ đồng, giảm 80,74% so cùng kỳ năm trước do một số doanh nghiệp chuyển đổi loại hình. Các nguồn vốn khác đầu tư 9,56 tỷ đồng, tăng 10,11% so cùng kỳ năm 2006.

3. Giao thông vận tải:

Trong thời gian từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp BCVT trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển mạng lưới, đẩy mạnh công tác quảng bá và chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng để phát triển thuê bao và tăng doanh thu. Đồng thời các đơn vị vận tải cũng mở rộng và tăng cường hoạt động của các tuyến xe buýt nên hoạt động vận tải và bưu chính viễn thông trong thời gian qua đã tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước. Để giảm phương tiện cá nhân lưu thông trên các tuyến đường nhất là xe môtô, xe gắn máy nhằm hạn chế tai nạn giao thông đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân trong việc sử dụng phương tiện vận tải công cộng, Sở GTVT đã phối hợp với các địa phương, các đơn vị vận tải quy hoạch, tổ chức mở rộng các tuyến xe buýt đến các trung tâm huyện, các khu trung tâm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Nhìn chung vận chuyển hành khách cũng như hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong tháng 10/2007 đều tăng so cùng kỳ. Hàng hóa vận chuyển chủ yếu là vật tư phân bón và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Dự ước vận chuyển hành khách trong tháng 10/2007 đạt 937 ngàn hành khách, tăng 4,26% so cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hành khách đạt 90.578 ngàn HK.km, tăng 8,09% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế nhà nước vận chuyển 70 ngàn hành khách và luân chuyển 7.700 ngàn Hk.km; kinh tế ngoài nhà nước vận chuyển 867 ngàn hành khách và luân chuyển 82.878 Hk.km.

Sản lượng hàng hóa vận chuyển ước thực hiện tháng 10/2006 đạt 361,47 ngàn tấn, tăng 4,51% so cùng kỳ; khối lượng  luân  chuyển  đạt 37.571,5 ngàn tấn.km tăng 8,68% so cùng kỳ chủ yếu được thực hiện bởi đường bộ. Trong đó, kinh tế nhà nước vận chuyển 900 tấn và luân chuyển 130 ngàn tấn.km; kinh tế ngoài nhà nước vận chuyển 360,57 ngàn tấn và luân chuyển 37.441,5 ngàn tấn.km. 

Tổng doanh thu vận tải và bưu chính viễn thông ước tháng 10/2007 đạt 88.541,3 triệu đồng tăng 19,55% so cùng kỳ; trong đó doanh thu vận tải đạt 51.971,3 triệu đồng chiếm 58,76%, tăng 14,17%; doanh thu bưu chính viễn thông đạt 36.480 triệu đồng, chiếm 41,24% và tăng 28,14% so cùng kỳ. Ước 10 tháng năm 2007 tổng doanh thu vận tải và bưu chính viễn thông đạt 833,69 tỷ đồng, tăng 16,45% so cùng kỳ.

III/ Thương mại - giá cả

1. Nội thương:

Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10/2007 đạt 770,61 tỷ đồng, giảm 3,54% so với tháng trước và tăng 21,87% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 52,65 tỷ đồng, chiếm 6,83% trong tổng mức, tăng 6,68% so cùng kỳ; kinh tế ngoài nhà nước đạt 705,83 tỷ đồng, chiếm 91,6% trong tổng mức, tăng 35,64% so với cùng kỳ (kinh tế tập thể đạt 60 triệu đồng tương đương cùng kỳ, kinh tế cá thể đạt 592,87 tỷ đồng tăng 26,16%, kinh tế tư nhân đạt 112,9 tỷ đồng tăng 10,81%); kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 12,13 tỷ đồng, chiếm 1,57% trong tổng mức, tăng 9,28% so cùng kỳ năm trước.

Chia theo ngành hoạt động:

Ngành thương nghiệp đạt 686,81 tỷ đồng, chiếm 89,13% trong tổng mức, tăng 23,66% so cùng kỳ, tập trung chủ yếu vào các ngành hàng: lương thực, thực phẩm đạt 187,24 tỷ đồng, chiếm 27,26% trong tổng mức thương nghiệp; hàng may mặc đạt 221,59 tỷ đồng, chiếm 32,26% trong tổng mức thương nghiệp; nhóm hàng đồ dùng, dụng cụ và trang thiết bị gia đình đạt 53,23 tỷ đồng, chiếm 7,75% trong tổng mức thương nghiệp; vật phẩm, văn hoá và giáo dục đạt 9,97 tỷ đồng, chiếm 1,45% trong tổng mức thương nghiệp; phương tiện đi lại đạt 29,71 tỷ đồng, chiếm 4,33% trong tổng mức thương nghiệp; xăng dầu các loại đạt 46,42 tỷ đồng, chiếm 6,76% trong tổng mức thương nghiệp.

Ngành khách sạn - nhà hàng đạt 66,89 tỷ đồng, chiếm 8,68% trong tổng mức, tăng 7,94% so cùng kỳ.

Ngành du lịch lữ hành đạt 2,79 tỷ đồng, chiếm 0,36% trong tổng mức, tăng 15,6% so cùng kỳ. Dự ước trong tháng 10 lượng khách đến Lâm Đồng đạt 140.768 lượt khách qua đăng ký ở các đơn vị lưu trú và phục vụ  lữ hành, tăng 27,71% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế 5.824 lượt khách tăng 8,7%; khách nội địa 134.944 lượt khách tăng 32,15% so cùng kỳ năm trước.

Ngành dịch vụ đạt 14,12 triệu đồng, chiếm 1,83% trong tổng mức, tăng 12,56% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu kinh doanh tài sản và tư vấn đạt 3,82 tỷ đồng, chiếm  27,05% trong tổng doanh thu dịch vụ; doanh thu dịch vụ văn hóa thể thao đạt 4,46 tỷ đồng, chiếm 31,59% trong tổng doanh thu dịch vụ; doanh thu dịch vụ cá nhân cộng đồng đạt 4,67 tỷ đồng, chiếm 33,07% trong tổng doanh thu dịch vụ.

2. Xuất, nhập khẩu:

a) Xuất khẩu:

Trong những tháng đầu năm 2007, tình hình xuất khẩu hàng hóa tỉnh Lâm Đồng có nhiều chuyển biến tốt do các doanh nghiệp ngày càng phát huy năng lực sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, nhất là thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thị trường xuất khẩu ổn định, các doanh nghiệp đã chú trọng phát triển nông nghiệp chất lượng cao nên tạo nguồn hàng xuất khẩu ổn định cả về số lượng và chất lượng.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 10/2007 dự ước đạt 18,84 triệu USD, tăng 31,92% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 4,06 triệu USD, tăng 39,47%; kinh tế tư nhân đạt 2,17 triệu USD, tăng 29,65%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 12,61 triệu USD, tăng 30,04% so cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu chủ yếu là: cà phê xuất khẩu 5.289 tấn đạt trị giá 9,04 triệu USD, hạt điều xuất khẩu 143 tấn đạt trị giá 620 ngàn USD, hàng nông sản xuất khẩu đạt 1,02 triệu USD, hàng dệt may xuất khẩu đạt 1,49 triệu USD...

Dự ước kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2007 đạt 168,19 triệu USD, đạt 90,9% kế hoạch năm và tăng 31,72% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 27,05 triệu USD, tăng 3,27%; kinh tế tư nhân đạt 17,5 triệu USD, xấp xỉ cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 123,64 triệu USD, tăng 47,41% so cùng kỳ.

b) Nhập khẩu:

Kim ngạch nhập khẩu tháng 10 năm 2007 dự ước đạt 3.471 ngàn USD, tăng 40,87% so cùng kỳ, trong đó kinh tế nhà nước đạt 2.525 ngàn USD, tăng 57,62%; kinh tế tư nhân đạt 580 ngàn USD, tăng 121,37%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 366 ngàn USD, bằng 61% so cùng kỳ năm trước.

Hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu tơ, sợi thô và một số máy móc thiết bị phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.

Dự ước tháng 10/2007 nhập 140 tấn tơ, xơ, sợi dệt với trị giá 2.865 ngàn USD, chiếm 82,71% tổng kim ngạch nhập khẩu, chủ yếu là Tổng công ty dâu tằm tơ nhập để sản xuất hàng xuất khẩu, vải may mặc 80 ngàn USD và hàng hóa khác 526 ngàn USD…

3. Giá cả thị trường:

 Chỉ số giá tiêu dùng chung toàn tỉnh Lâm Đồng tháng 10/2007 tiếp tục tăng, tăng 0,56% so tháng trước, tăng 10,97% so cùng kỳ và tăng 8,42% so tháng 12 năm trước. Nhóm hàng lương thực tăng 0,41% so tháng trước, tăng 10,43% so tháng 12 năm trước và tăng 20,56% so cùng kỳ do dịch bệnh và thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa ở nhiều địa phương trong cả nước, đồng thời hiện nay các doanh nghiệp trong nước đang đẩy mạnh thu mua lúa, gạo để chế biến xuất khẩu nên đã làm cho cung không đủ cầu dẫn đến giá lúa, gạo tăng; nhóm hàng thực phẩm tháng này tăng 0,77% so tháng trước, tăng 12,1% so tháng 12 năm trước;  nhóm hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,65% so tháng trước, tăng 11,72% so tháng 12 năm trước; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,23% so tháng trước và tăng 9,95% so tháng 12 năm trước. Riêng nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,53% so tháng trước và nhóm hàng giáo dục giảm 0,43% so tháng trước do sau tháng khai giảng năm học mới thị trường thiết bị đồ dùng học sinh đã ổn định trở lại.

Chỉ số giá vàng tháng 10/2007 tăng 6,16% so tháng trước, so tháng 12/2006 tăng 13,95% và so tháng này năm trước tăng 19,5%.

Chỉ số giá Đôla Mỹ giảm 0,56% so tháng trước, tăng 0,57% so tháng 12/2006 và tăng 0,6% so cùng tháng năm trước.

IV/ Hoạt động tài chính -  ngân hàng

1. Thu chi ngân sách:

Dự ước tổng thu ngân sách nhà nước tháng 10/2007 thực hiện 88,38 tỷ đồng, tăng 7,27% so cùng kỳ. Dự tính tổng thu 10 tháng đầu năm 2007 thực hiện 1.265,34 tỷ đồng, đạt 88,49% dự toán TW giao và 76,67% dự toán địa phương, tăng 30,73% so cùng kỳ. Cơ cấu nguồn thu: thu nội địa đạt 1.069,57 tỷ đồng, đạt 78,56% kế hoạch địa phương, tăng 19,4% so cùng kỳ, trong đó đó các khoản thu chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn đều tăng khá so cùng kỳ năm 2006 như thuế từ doanh nghiệp địa phương tăng 23,97%; thuế ngoài quốc doanh tăng 47,97%; thuế trước bạ tăng 39,38%; thuế nhà đất tăng 8,26%; thu phí, lệ phí tăng 21,18%; thu từ nhà, đất tăng 49,11% so cùng kỳ...

Tổng thu ngân sách địa phương ước tháng 10/2007 đạt 132,38 tỷ đồng, tăng 12,32% so cùng kỳ. Dự tính tổng thu ngân sách địa phương 10 tháng 2007 đạt 2.651,51 tỷ đồng, đạt 102,74% dự toán địa phương, tăng 35,33% so cùng kỳ. Trong đó thu điều tiết thực hiện 1.064,22 tỷ đồng, đạt 78,4% kế hoạch địa phương, tăng 17,75% so cùng kỳ; thu trợ cấp theo kế hoạch từ NSTW thực hiện 765,22 tỷ đồng, đạt 84,29% kế hoạch địa phương, tăng 30,08% so cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương ước tháng 10/2007 là 176,11 tỷ đồng, tăng 18,84% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương ước 10 tháng đầu năm 2007 là 2.634,26 tỷ đồng, đạt 102,08% so dự toán địa phương và tăng 61,51% so cùng kỳ; trong đó chi thường xuyên 1.103,3 tỷ đồng, đạt 81,87% so dự toán địa phương, tăng 18,1% so cùng kỳ; chi xây dựng cơ bản tập trung 571,93 tỷ đồng, đạt 123,48% so dự toán địa phương và tăng 130,5% so cùng kỳ. Trong tổng chi thường xuyên: chi giáo dục đào tạo 470,21 tỷ đồng, chiếm 42,62%, tăng 26,23%; chi y tế 122,78 tỷ đồng, chiếm 11,13% tăng 50,49%; chi quản lý hành chính 276,01 tỷ đồng, chiếm 25,02%, tăng 8,3%...

2. Hoạt động ngân hàng:

Hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong 10 tháng đầu năm 2007 tiếp tục tập trung vào việc tăng cường huy động vốn, đôn đốc các loại nợ, giải ngân cho một số công trình trọng điểm và tiếp tục cho vay sản xuất kinh doanh đối với các thành phần kinh tế. Ngoài ra các tổ chức tín dụng cũng quan tâm đẩy mạnh công tác quảng cáo, tiếp thị, tặng quà…đáp ứng nhu cầu của khách hàng gửi tiền. Trong quý III/2007, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Lâm Đồng và Ngân hàng Công thương chi nhánh tỉnh Lâm Đồng đã khai trương đại lý giao dịch chứng khoán và đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh. Thực hiện việc trả lương cho cán bộ công nhân viên ở một số cơ quan, đơn vị qua thẻ ATM theo Nghị định của Chính phủ.

Hoạt động huy động vốn: Ước đến cuối tháng 10/2007, số dư vốn huy động của các TCTD trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 5.140 tỷ đồng, tăng 38,92% so với đầu năm và tăng 61,08% so cùng kỳ. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm, kỳ phiếu và trái phiếu của dân cư ước đạt 3.840 tỷ đồng, tăng 50,18% so đầu năm do  các NHTM huy động vốn với nhiều hình thức hấp dẫn như huy động tiết kiệm dự thưởng, tiền gửi bậc thang, phát hành thẻ ATM miễn phí...

Hoạt động sử dụng vốn: Tổng dư nợ hữu hiệu (kể cả nợ ODA và khoanh nợ) của các TCTD trên địa bàn ước đến 30/10/2007 là 8.300 tỷ đồng, tăng 34,22% so với đầu năm và tăng 40,82% so cùng kỳ. Trong tổng dư nợ toàn địa bàn, dư nợ trung dài hạn ước đạt 3.880 tỷ đồng, tăng 36,62% so đầu năm; dư nợ ngắn hạn ước đạt 4.420 tỷ đồng, tăng 32,18% so đầu năm.

Về chất lượng tín dụng trong 10 tháng đầu năm 2007: Nợ xấu của hệ thống các TCTD trên địa bàn ước 430 tỷ đồng, chiếm gần 5,18% tổng dư nợ.

V/ Một số lĩnh vực xã hội

1. Công tác đảm bảo y tế, vệ sinh ATTP:

Trong tháng 10/2007, ngành Y tế Lâm Đồng tiếp tục triển khai các biện pháp giám sát, phòng chống cúm tuýp A H5N1 trên người cũng như gia cầm và các loại bệnh dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh. Ngành y tế đã tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí, tuyên truyền chăm sóc sức khỏe, nhân ngày Quốc tế người cao tuổi ngày 01/10, triển khai tuần lễ dinh dưỡng và phát triển từ ngày 16/10 đến ngày 23/10/2007.

Tính từ đầu tháng đến nay không có dịch sốt rét xẩy ra trên địa bàn toàn tỉnh, có 34 trường hợp mắc sốt rét (giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2006), không có trường hợp tử vong do sốt rét; sốt xuất huyết có 11 trường hợp mắc bệnh, tăng 09 trường hợp so cùng kỳ năm 2006, không có tử vong do sốt xuất huyết. Trong tháng tiếp tục giám sát côn trùng sốt xuất huyết tại 81 điểm thuộc 8/12 huyện, thị xã Bảo Lộc, cung cấp thuốc cho nhân dân để vệ sinh môi trường diệt lăng quăng nguyên nhân gây nên bệnh sốt xuất huyết.

Công tác phòng chống bệnh phong, không phát hiện thêm trường hợp bị bệnh phong mới. Hiện toàn tỉnh đang quản lý 218 bệnh nhân phong và đang chăm sóc cho 206 bệnh nhân phong tàn phế. Phát hiện 17 bệnh nhân lao, 01 trường hợp bệnh nhân lao bị tử vong, hiện toàn tỉnh đang quản lý điều trị cho 379 bệnh nhân lao.

Trong tháng, phát hiện thêm 14 trường hợp nhiễm HIV mới, số nhiễm HIV tích lũy tính đến nay là 1.123 trường hợp; có 2 trường hợp mắc AIDS mới, số bệnh nhân AIDS tích lũy là 274 trường hợp, không có trường hợp tử vong do AIDS mới, tử vong do AIDS tích lũy là 206 trường hợp.

Về vệ sinh an toàn thực phẩm: Trong tháng 10/2007 không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Trong dịp tết Trung thu vừa qua, ngành y tế cùng với các ngành chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm  tại huyện Di Linh, huyện Đức Trọng, thị xã Bảo Lộc và TP Đà Lạt. Tổng số cơ sở kiểm tra là 33 cơ sở, phát hiện 01 cơ sở sản xuất bánh Trung thu tại huyện Đức Trọng không đảm bảo vệ sinh, đã xử phạt theo luật định và tạm giữ giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ sở.

Từ đầu năm đến nay, ngành y tế tiến hành tiêm chủng đầy đủ cho 14.340 trẻ dưới 1 tuổi đạt 63,31%; tiêm phòng uốn ván 2 (+) cho 14.029 phụ nữ có thai đạt 63,01% và cho 6.261 phụ nữ tuổi sinh đẻ đạt 51,07%.

Công tác bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em - kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được duy trì, khám phụ khoa cho 15.148 lượt người, điều trị phụ khoa cho 8.254 trường hợp. Có 930 người đặt dụng cụ tử cung mới, quản lý 71.306 người đang mang dụng cụ tử cung, trong đó có 23.620 người đang dùng thuốc uống tránh thai, 7.164 người dùng thuốc tiêm tránh thai, 2.582 người cấy thuốc tránh thai. Triệt sản mới cho 42 người (nữ: 38, nam: 04). 

2. Hoạt động văn hóa - tuyên truyền:         

Trong tháng 10 năm 2007, các hoạt động VH-TT chú trọng nâng cao hiệu quả chất lượng cả về nội dung, hình thức và phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường văn hóa vui tươi, lành mạnh, khích lệ mọi người hăng hái thi đua sản xuất. Hưởng ứng ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy (4/10). Tổ chức tuyên truyền phát động quyên góp quỹ vì người nghèo “Nhân ngày vì người nghèo 17/10 hàng năm” đồng thời triển khai các nội dung chuẩn bị cho Festival Hoa Đà Lạt năm 2007.

Các hoạt động sự nghiệp văn hóa được tổ chức sôi nỗi, rộng khắp đoàn Ca múa nhạc, các đội tuyên truyền lưu động xây dựng chương trình mới tham gia hội diễn nghệ thuật để đi phục vụ biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Đồng thời tổ chức liên hoan thông tin lưu động toàn tỉnh tại huyện Lâm Hà. Tiếp tục tuyên truyền cổ động toàn dân thực hiện đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy.

Hoạt động bảo tàng mở cửa thường xuyên tại phòng trưng bày Bảo tàng tỉnh, đón trên 300 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu. Thư viện tỉnh mở cửa phục vụ bạn đọc  trên 3 ngàn lượt người.

Công ty điện ảnh tỉnh, đoàn ca múa nhạc dân tộc tiếp tục tổ chức các buổi chiếu phim và biểu diễn phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” triển  khai rộng khắp trong toàn tỉnh. Hiện tỉnh Lâm Đồng có 398 đơn vị đạt danh hiệu thôn, khu phố văn hoá và 382 CLB gia đình văn hoá (từ đầu năm đến nay chưa bình xét thôn, khu phố văn hoá). Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, tập trung ngăn chặn có hiệu quả các vi phạm, đặc biệt là các dịch vụ quảng cáo, băng đĩa hình, internet và quản lý di tích.

3. Hoạt động thể dục - thể thao:

Trong tháng 10 năm 2007, ngành thể dục - thể thao Lâm Đồng tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, với phương châm đưa thể dục thể thao về cơ sở nhằm phát triển phong trào TDTT quần chúng rộng khắp. Sở TDTT tiếp tục chỉ đạo các phòng VHTT-TT và trung tâm VH-TT các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các hoạt động, thu hút nhiều đối tượng thuộc các lứa tuổi tham gia vào việc rèn luyện sức khỏe, vui chơi lành mạnh góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới ở địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. 

Thể thao thành tích cao: Tham gia cúp giải thể dục thể hình các câu lạc bộ toàn quốc tổ chức tại tỉnh Khánh Hoà; giải cầu lông toàn quốc tại tỉnh Nghệ An; tổ chức giải bóng đá thanh niên dân tộc thiểu số cụm 7 Tây Nguyên tại huyện Đức Trọng. Đồng thời tăng cường tập luyện các lớp năng khiếu hiện có để bổ sung lực lượng vận động viên cho các đội tuyển.

Thể thao quần chúng: Hoạt động thể thao quần chúng tiếp tục duy trì đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể dục - thể thao, thu hút đông đảo số người tham gia tập luyện thể dục - thể thao thường xuyên như gia đình thể thao, cán bộ - chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và cán bộ - công chức trong các cơ quan đoàn thể. Tổ chức giải vô địch cờ tướng toàn tỉnh tại huyện Lâm Hà; giải bóng bàn trung cao tuổi toàn tỉnh tại TP Đà Lạt; giải cầu lông nữ  toàn tỉnh tại TP Đà Lạt; giải bóng chuyền nữ toàn tỉnh tại TP Đà Lạt. Đồng thời tiếp tục duy trì tập luyện các lớp năng khiếu hiện có để bổ sung lực lượng VĐV cho các đội tuyển. Ngoài ra, giúp đỡ công tác chuyên môn cho các ngành tổ chức Hội thao, tiếp tục duy trì tập luyện thể dục thể chất trong các trường học.

4. An toàn giao thông:

Trong những tháng đầu năm 2007, các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị, các địa phương đã có nhiều cố gắng triển khai, thực hiện các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông; đặc biệt thực hiện tinh thần chỉ đạo của chính phủ, UBND tỉnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình hình tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn trong những tháng cuối năm, phấn đấu thực hiện chỉ tiêu giảm tai nạn giao thông do Chính phủ giao, các ngành, các cấp, các địa phương đã tổ chức thực hiện quyết liệt Nghị quyết 13/2007/NQ-CP của Chính phủ về  các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Nghị quyết 32/2007/NQ-CP, Chỉ thị số 11/2007/CT-UBND ngày 3/8/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tuyên truyền đến từng người dân, nhất là việc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy nên số vụ tai nạn giao thông cũng như số người bị thương xu hướng giảm mạnh. Tuy nhiên tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, số người chết do tai nạn giao thông vẫn tăng. Tính từ đầu năm đến ngày 30/9/2007 (theo số liệu của Ban ATGT tỉnh) trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 166 vụ tai nạn giao thông làm chết 179 người và làm bị thương 120 người. So với cùng kỳ năm 2006, số vụ tai nạn giao thông giảm 24 vụ (giảm 12,6%), số người bị thương giảm 16 người (giảm 11,8%), nhưng số người chết tăng 25 người (tăng 16,2%) so cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 9/2007  là tháng ATGT  chỉ xảy ra 14 vụ giảm 1 vụ so cùng kỳ, làm 13 người chết tăng 3 người và 9 người bị thương bằng cùng kỳ năm trước.

Công tác phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường, chủ động nắm tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo an ninh, làm tốt công tác tuyên tuyền, phổ biến giáo dục, phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc kết hợp với việc đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội tại các địa phương; đồng thời tiếp tục thực hiện công tác tập trung các đối tượng lang thang, xin ăn tại các địa bàn, nhất là địa bàn thành phố Đà Lạt và Thị xã Bảo Lộc. Vì vậy, nhìn chung tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong 10 tháng đầu năm 2007 tiếp tục được giữ vững./.