Lâm Đồng những bài báo chọn lọc

hững người quan tâm đến nghề trồng dâu, nuôi tằm trong tỉnh không khỏi băn khoăn khi thấy nghề trồng dâu, nuôi tằm của huyện Bảo Lộc vài năm gần đây không những không phát triển, lại có sự thụt lùi. Thử lấy một vài con số chứng minh: Năm 1978-1979, năm diện tích trồng dâu của Bảo Lộc lên cao nhất khoảng 2.000 ha; cuối năm 1981, diện tích trồng dâu thực sự còn được thu hoạch khoảng gần 1.000 ha. Về thu mua kén, năm 1980, sau một năm được thành lập, Công ty Dâu tằm tơ của tỉnh thu mua được 4.300 kg tơ; năm 1981 Công ty chỉ thu mua được gần 3.000 kg tơ. Nếu năm 1979, nghề trồng dâu, nuôi tằm mở rộng ra toàn huyện, thì cuối năm 1981 vừa qua, số xã thực sự "đeo đuổi" nghề này còn lại khoảng 2/3 số xã trong huyện. 

Những số liệu đối chứng trên đây, không chỉ cho thấy sự sa sút về diện tích trồng dâu, số lượng kén đã thu mua được những năm vừa qua, mà còn cho thấy một điều: Giữa diện tích trồng dâu và lượng kén, tơ thu mua được tỷ lệ không cân đối, có sự chênh lệch lớn. Nguyên nhân do đâu? Do Nhà nước không đủ giống cung cấp để mở rộng diện tích trồng dâu và nghề nuôi tằm? Hoàn toàn không. Nếu diện tích trồng dâu của Bảo Lộc vẫn giữ ở mức 2.000 ha, lượng trứng tằm cũng chỉ tiêu thụ hết khoảng 1/4 số lượng trứng giống do Công ty giống tằm Trung ương sản xuất. Do phương tiện, vật tư nuôi tằm thiếu? Vấn đề này vài năm gần đây không riêng gì nghề trồng dâu, nuôi tằm gặp khó khăn, các ngành kinh tế khác cũng gặp tình trạng trên. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, và do tính chất công việc, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Bảo Lộc vẫn có những thuận lợi, có thể khai thác được thế mạnh ở địa phương, giải quyết được về phương tiện, dụng cụ nuôi tằm và phân bón cho cây dâu. Thực tế đã chứng minh, có nhiều gia đình ở Bảo Lộc hiện nay vẫn có diện tích trồng dâu lớn tới 5-6 sào dâu, sản lượng kén thu hoạch cao. Vậy nguyên nhân trên do đâu? 

CÁCH NGHĨ VÀ CÁCH LÀM CHƯA ĐÚNG

Làm việc với các đồng chí lãnh đạo trong ngành dâu tằm, các ngành có liên quan và các đồng chí lãnh đạo huyện Bảo Lộc, điều có thể dễ dàng nhận thấy là: Các cấp lãnh đạo thuộc các ban, ngành trong tỉnh có liên quan đến nghề trồng dâu, nuôi tằm những năm vừa qua, chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến nghề "một vốn, bốn lời" này. Nhiều người quan niệm rằng đây là một nghề không mang lại hiệu quả kinh tế, đã thế, quy trình sản xuất ra sản phẩm lại phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, nếu không làm cẩn thận, mất cả vốn lẫn lời. Họ so sánh và đánh giá trà, cà phê, hai loại cây trồng có nguồn thu lợi trước mắt và có hiệu quả kinh tế cao, quy trình kỹ thuật đơn giản, vốn đầu tư ít, phù hợp với đất đai và tập quán của địa phương... 

Từ nhận thức lệch lạc trên, cây dâu, con tằm mặc nhiên bị buông trôi, dẫn tới khâu tổ chức, chỉ đạo sản xuất bị coi nhẹ. Hậu quả của lối làm việc tắc trách, thiếu đi sâu, đi sát và chỉ đạo chặt chẽ của các ngành cũng là một vấn đề cần khắc phục kịp thời. Năm 1979 khi mới thành lập, Công ty được giao nhiệm vụ quản lý toàn diện ngành dâu tằm tơ trong toàn tỉnh ở cả 3 khu vực, từ việc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao, đến việc chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật, phân phối vật tư, kỹ thuật trong ngành, chưa kể đến việc thu mua kén, sản xuất tơ và đào tạo công nhân. 

Với một công ty chuyên doanh của một ngành kỹ thuật, nhiệm vụ được giao như vậy là chưa hợp lý. Bởi vì, do tính chất công việc Công ty chỉ có thể quản lý theo ngành dọc, chứ không thể quản lý theo lãnh thổ được. Vả lại, khi đã giao nhiệm vụ rồi, nhưng quyền hạn để thi hành nhiệm vụ Công ty lại không có. Tất cả vật tư, tiền vốn, lương thực để cấp cho người sản xuất do các ngành khác nắm giữ, Công ty hầu như chỉ có hai bàn tay trắng. Chính vì cách đặt vấn đề chưa đúng, sau khi có quyết định trên, các ngành đều coi Công ty Dâu tằm tơ chịu trách nhiệm cả phần việc của mình nên thiếu sự quan tâm; thậm chí ngay cả huyện Bảo Lộc, năm 1980 cũng không có nghị quyết về việc phát triển dâu tằm. Bởi vì, nhiệm vụ giao cho huyện cũng chung chung. Do không nắm được gì trong tay nên huyện chỉ làm được mỗi việc vận động trồng dâu, nuôi tằm. Còn Công ty Dâu tằm tơ cũng chỉ thực hiện được nhiệm vụ làm khâu trung gian cung cấp giống tằm cho các hợp tác xã, tập đoàn rồi hộ gia đình, rồi thu mua kén theo lượng trứng giống các nơi đã đăng ký. Những mặt công tác quan trọng khác như: Tổ chức, hướng dẫn và chỉ đạo sản xuất, giải quyết những khó khăn dưới cơ sở, hầu như Công ty không làm được. Bên cạnh công tác tổ chức, chỉ đạo thiếu chặt chẽ, một vấn đề có tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Bảo Lộc là do chính sách giá cả chưa thỏa đáng. Năm 1978, tỉnh có chính sách kinh tế đối với ngành trồng dâu, nuôi tằm, song chính sách này mới dừng lại ở người trồng dâu. Còn các khâu công việc tiếp theo chưa có. Từ một chính sách thiếu đồng bộ, dẫn tới tình trạng mất cân đối trong sản xuất; giữa người trồng dâu và nuôi tằm thường không đáp ứng đúng yêu cầu, thậm chí còn gây khó khăn cho nhau. Giá chính thức do Nhà nước quy định 0,30 đồng/kg lá dâu, nhưng trên thực tế có những lúc lá dâu lên tới 5-6 đồng/kg. Cũng có lúc lá dâu không có nơi tiêu thụ, quá lứa phải bỏ, gây tình trạng bất ổn cho người sản xuất. Từ một vấn đề thiếu thống nhất giữa người trồng dâu và nuôi tằm đã ảnh hưởng đến giá cả và việc thu mua của Nhà nước. Vì phải chấp nhận một giá cả lá dâu quá đắt đỏ, những người nuôi tằm không thể bán sản phẩm với giá 7-8 đồng/kg kén cho Nhà nước (mặc dù mỗi kg giá cả ngoài thị trường Nhà nước chỉ thu mua được khi giá thị trường hạ). Ngay khi đã có sự "thuận mua, vừa bán" rồi, việc thanh toán tiền, gạo cũng thiếu sự sòng phẳng. Sau khi giao hàng rồi, người sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, phải đi qua nhiều thủ tục phiền phức, có khi 1-2 tháng sau mới lấy được gạo, tiền về. Chưa kể đến việc mua bán bị gìm giá, chất lượng hàng hóa Nhà nước bán kém phẩm chất. Từ đó gây sự thiếu tin tưởng, phấn khởi đối với người lao động. Nhiều gia đình bỏ nghề trồng dâu, nuôi tằm cũng cùng lý do trên. 

CÓ THỂ KHẮC PHỤC ĐƯỢC NHỮNG TỒN TẠI TRÊN KHÔNG?

Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo ở các ngành có liên quan và trách nhiệm với người trồng dâu, nuôi tằm trong tỉnh về vấn đề "Ngành trồng dâu, nuôi tằm của huyện Bảo Lộc có thể phát triển được không?", các ý kiến đều đi đến kết luận là: Nghề trồng dâu, nuôi tằm của huyện Bảo Lộc có đầy đủ cơ sở để vươn lên khi có sự quan tâm đầy đủ của các cấp lãnh đạo và các ngành có liên quan. Song song với những biện pháp tổ chức chỉ đạo chặt chẽ; có chính sách giá cả hợp lý; đưa việc phát triển của ngành dâu tằm vào chiều sâu. Nhưng vấn đề bắt đầu từ đâu? Vẫn là công tác tổ chức. Phương hướng chung và phương thức sản xuất thống nhất là những nơi có hợp tác xã và tập đoàn sản xuất thì tập thể chịu trách nhiệm một phần, còn lại đưa dâu tằm vào các hộ gia đình. Hiện nay vấn đề tổ chức quản lý đang còn hai ý kiến khác nhau. ý kiến thứ nhất cho rằng tỉnh nên thành lập một huyện liên doanh dâu tằm. Liên doanh này lấy Xí nghiệp giống tằm Trung ương làm trung tâm về chỉ đạo kỹ thuật. Trách nhiệm trồng dâu, nuôi tằm thuộc về huyện Bảo Lộc. Quản lý giá cả, sản phẩm thuộc Công ty Dâu tằm tơ của tỉnh. Các ngành có liên quan của tỉnh được giao nhiệm vụ cụ thể hỗ trợ cho ngành. Liên doanh này chịu trách nhiệm toàn bộ chỉ tiêu, kế hoạch Nhà nước giao, cũng như việc chỉ đạo các mặt trong quá trình làm ra sản phẩm. ý kiến thứ hai lại muốn trên cơ sở cung cấp vật tư kỹ thuật của tỉnh, huyện chịu trách nhiệm việc thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch Nhà nước giao. 

Với trình độ sản xuất và vấn đề cung cấp vật tư kỹ thuật, nhất là với trình độ tổ chức quản lý và trình độ kỹ thuật về nghề trồng dâu nuôi tằm như hiện nay, cấp huyện chưa có thể đảm đương được yêu cầu phát triển của ngành. Chúng tôi thấy, ý kiến thứ nhất nêu ra là phù hợp. Chính cách tổ chức này phù hợp với tình hình hiện nay. Các ngành có điều kiện tham gia và có trách nhiệm với phần việc được giao, bớt khâu trung gian; đồng thời tận dụng được đội ngũ cán bộ kỹ thuật của ngành dâu tằm, vừa thực hiện thống nhất chính sách giá cả đối với người trồng dâu, nuôi tằm. Có sự hợp đồng chặt chẽ của các ngành mà huyện là một thành viên của liên doanh, chắc chắn nghề trồng dâu, nuôi tằm của Bảo Lộc sẽ phát triển mạnh mẽ, đúng hướng. 

VƯƠNG DỨA

Sinh năm 1951

Tốt nghiệp Ngữ văn - ĐH Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh; Đại học báo chí

Hiện là Trưởng Ban Khoa giáo - Báo Nhân dân.

(BLĐ số 212 ngày 23/4/1982)

 

Lâm Đồng những bài báo chọn lọc