Đứng trước mặt tôi là một cháu bé khó đoán ra tuổi. Cháu có thân hình nhỏ choắt nhưng trên khuôn mặt đã vương vất những nét khắc khổ của trẻ bụi đời.
- Tên cháu là gì nào? Tôi hỏi.
- Dạ thưa Không Anh Khoa.
- Không hay là Khổng? Tôi phân vân.
- Không Anh Khoa. Cháu nhắc lại như một lời khẳng định.
Tôi đoán cháu họ Khổng.
- Cháu bao nhiêu tuổi?
- Mười bốn ạ.
- Mười bốn sao cháu bé vậy? Tôi ngạc nhiên.
- Dạ không chín tuổi. Trong nháy mắt, cháu bớt đi của mình 5 tuổi.
- Bố mẹ cháu đâu?
- Bố chết rồi. Hồi đó người ta khiêng bố đi chôn, mẹ khóc dữ lắm. Cháu ngây thơ kể.
- Thế còn mẹ cháu?
- Cháu cũng không biết nữa. Cháu lạc mất mẹ rồi.
- Cháu có nhớ quê cháu đâu không?
- Dạ thưa xa lắm. ở Nghệ Tĩnh, ở Sài Gòn.
Tôi bất lực ngoảnh lại cầu cứu chị Nguyễn Thị Trang - cán bộ phụ trách trại. Chị cười buồn:
- Chúng tôi cũng không thể biết đích xác, dù cho vài dòng "lý lịch trích ngang" của cháu. Trong một chuyến đi thu gom trẻ bụi đời, đội công tác thanh niên nhặt được cháu ngủ vật vờ bên hè phố, co ro trong cái mưa lạnh Đà Lạt. Hình như cháu không được bình thường - Chị nói thêm.
Đỗ Hồng Anh năm nay 16 tuổi. Cháu không có tuổi thơ, hay nói đúng hơn tuổi thơ cháu chìm trong tủi nhục vất vả, Từ tỉnh Thanh Hóa, vào huyện Lâm Hà lập nghiệp, vốn liếng gia đình cháu chỉ có hai bàn tay. Lên 8 tuổi cháu mất mẹ. Mẹ cháu ra đi để lại một đàn con 12 đứa. Không cam chịu cảnh "gà trống nuôi con", bố cháu lại bày đặt đi bước nữa. Thêm hai miệng ăn ra đời góp vào cái gia đình vốn đã quá nhân mãn. Thế là mạnh ai nấy lo. Cái tổ đông đúc đó bỗng chốc tan đàn xẻ nghé. Năm cháu 14 tuổi, bố cháu lạnh lùng đặt trên đôi vai nhỏ bé của cháu cái gánh nặng khủng khiếp.
- Tao giao cho mày bốn đứa em đó - Bố cháu nói. Mày làm sao nuôi sống tụi nó thì làm. Tao chịu rồi.
Thế rồi bố cùng mẹ kế bỏ vào Lộc Châu (huyện Bảo Lộc) làm nghề chẻ đá, giao bốn đứa nhỏ lại cho cháu. Cũng phải sống thôi, không còn cách nào khác - cháu nghĩ. Cháu cùng đám nhỏ đi mót lúa, mót khoai, vào rừng hái măng đem ra chợ bán mua gạo. Rồi làm thuê, cuốc mướn, ai gọi gì làm nấy, chỉ mong kiếm vài ký gạo qua ngày. Một ngày, sau khi vào rừng kiếm măng về. Đỗ Hồng Anh chứng kiến một cảnh đau lòng: Đứa em trai của cháu qua đời vì bệnh tật và suy kiệt. Một buổi chiều xám, mây vần vũ trên bầu trời Lâm Hà, anh em Hồng Anh cùng dăm bảy bà con lối xóm đưa tiễn đứa em bất hạnh về nghĩa địa. Chia tay đứa em xong, Hồng Anh cảm thấy cùng đường vội lếch thếch kéo theo ba đứa em nhỏ vào Lộc Châu tìm bố.
Vào đấy, cháu làm nghề chẻ đá với bố. Nghề nghiệp nặng nhọc của người lớn đặt lên hai bàn tay của đứa trẻ 14 tuổi. Công việc quá ư vất vả, tuy nhiên mỗi lần về lại nhà - thực ra là một căn lều trống hoác, lòng cháu đau nhói: Bố và mẹ kế cùng hai đứa em ăn riêng, Hồng Anh và ba đứa nhỏ một bếp, người chị với hai đứa con bị chồng bỏ một bếp khác. Cảnh gia đình chẳng giống ai. Buồn và chán nản, Hồng Anh có lần toan tự tử. Tuy nhiên nghĩ đến ba đứa em cháu cảm thấy mình không nỡ làm liều. Thế rồi cô ánh ở Huyện Đoàn Bảo Lộc biết được hoàn cảnh bi đát của cháu đã đưa cả bốn anh em lên trại xã hội của tỉnh.
Trường hợp của hai chị em người dân tộc: Ka Thìn, Ha Ban lại hơi đặc biệt. Ka Thìn lên 4, Ha Ban một tuổi. Bố chết, mẹ tâm thần. Mẹ dẫn hai chị em lang thang khắp rừng già đến rừng thưa và sống như những con thú hoang. Người mẹ kiệt sức gục ngã. Hai chị em bơ vơ giữa rừng núi hoang vắng. May thay, những người đi rừng đã tìm thấy hai cháu và đưa về huyện. Các cháu được đưa đến trại xã hội trong trạng thái suy kiệt: Cả hai đều đứng không vững. Hai con mắt Ka Thìn gần như bị mù. Bác sĩ phải mổ và thay thủy tinh thể. Trại đã dành một chế độ chăm sóc đặc biệt và phải 4,5 tháng sau mới dần dà phục hồi.
Những trẻ thơ đến với trại xã hội Lâm Đồng đều có những cảnh ngộ khác nhau, nhưng đều giống nhau ở sự bất hạnh. Phạm Nhật Q 15 tuổi trong nhóm bụi đời "Phước Ki" Đà Lạt với bề bộn thành tích bất hảo: bài bạc, ăn cắp, đánh lộn. Hai anh em ruột Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Văn Hương mất mẹ, sống với người cha nghiện xì ke trong một túp lều dựng tạm bên bờ hồ Bảo Lộc, lượm ve chai, bữa no, bữa đói. Nguyễn Thị Mỹ Thuận, 14 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với chị gái, nhưng chị cũng quá nghèo, không đủ sức nuôi em. Nguyễn Đức Không, còn nguyên cha mẹ nhưng không chịu nổi sự hà khắc đến vô lý của một người cha độc đoán: không cho con cái đến trường, cấm giao tiếp với bà con lối xóm...
Gần một trăm trẻ thơ mà cháu bé nhất mới ba ngày tuổi - kết quả của sự chối bỏ của một người mẹ vì một lý do nào đó - và cháu lớn nhất cũng khoảng 14, 15 tuổi đã quy tụ trong một mái ấm. Những mảnh đời bất hạnh đó đang được sưởi ấm bởi tình thương bao dung của bà con thành phố Đà Lạt.
Ông Thắng, chủ tiệm đàn Organ ở đường Phan Đình Phùng đã đến với các cháu bằng một tấm lòng đầy nhân hậu. Ông đã đến tận trại, đo kích cỡ từng cháu và sau đó may tặng cho mỗi cháu một bộ quần áo. Dì Tuyết và các dì bán cá ở chợ Đà Lạt, tháng nào cũng sắp xếp vào thăm trại và mỗi lần đến thăm đều có quà cáp cho các cháu: khi dăm ba thùng mì, khi ít bánh kẹo, thuốc thang... Cảm động nhất là cô giáo Khánh Vân ở Trường tiểu học Đa Thiện. Với đồng lương khiêm tốn của mình, cô giáo thỉnh thoảng nấu những bữa bún chiêu đãi các cháu và hơn thế, cô còn vận động bà con trồng rau ở gần trại mang tới ủng hộ các cháu đủ các thứ rau. Cô sắp xếp thời gian tới trại dạy văn hóa cho các cháu lớn không có điều kiện tới trường. Rồi các ông Trí, ông Thông, cơ sở X-Q, nhận các cháu 15, 16 tuổi về nhà mình, coi như con dạy nghề mộc, làm bánh, thêu đan và trả lương đầy đủ để sau này các cháu có vốn vào đời.
Mới gần hai năm, trại đã dần dần đi vào nề nếp. Đã vắng tiếng chửi thề, các cháu bỏ hẳn thuốc lá. Thay vì ẩu đả, đánh lộn là những cuộc chơi lành mạnh.
Tỉnh Lâm Đồng đã dành một khu nhà khang trang với không gian thoáng và rộng. Khu chơi ngoài trời đầy đủ bãi đá bóng, bãi chơi cầu lông, các dụng cụ giải trí như đu quay, cầu trượt, bập bênh. Mỗi cháu được nhà nước trợ cấp 84.000 đồng/tháng.
Hãy đến thăm các cháu vào những ngày chủ nhật để được nhìn các cháu vui chơi. Sân trại đầy ắp tiếng cười, tiếng nô đùa, tiếng đàn, tiếng hát. Trại có một phòng tập đàn với 12 cây đàn ghita, một phòng học nghề với 4 máy khâu, một phòng thể thao để các cháu chơi bóng bàn, cờ vua, cờ tướng và một phòng sinh hoạt cộng đồng để các cháu xem tivi và phim ảnh. Trại có 30 chiếc xe đạp dành cho các cháu lớn đi học xa. Hội võ thuật Aikido chiều nào cũng cử người tới dạy võ cho các cháu lớn. Nhà thiếu nhi thành phố dạy nữ công gia chánh. Hãy nghe cháu Nguyễn Thị Mỹ Thuận, một trẻ mồ côi tâm sự:
- Cháu ở đây gần được hai năm. Cháu đang học lớp 6 trường Bùi Thị Xuân. Cháu đi học xa 4 cây số, trại cấp cho một chiếc xe đạp. Mỗi năm cháu được một áo len, hai bộ quần áo. Ngoài giờ học, cháu học may ở nhà cô Trâm, học thêu đan ở Cung Thiếu nhi, học đàn thầy Hiếu dạy... cháu chẳng thiếu gì cả.
Ông Nguyễn Văn Đích đang cai nghiện xì ke. Khi đến thăm hai con ở trại thấy con được ăn no, mặc ấm, được học hành vui chơi đầy đủ, xúc động đến nghẹn lời, ông chỉ biết ân hận:
- Tôi có lỗi với con cái lớn lắm. Không có trại, chẳng biết con cái tôi sẽ đi về đâu.
NGHIÊM SĨ THÁI
Sinh năm 1942
Tốt nghiệp Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội
Hiện là phóng viên Báo Tuần Tin Tức.
(Đà Lạt Nguyệt san số 22/7/1996)