Lâm Đồng những bài báo chọn lọc

 

Qua khỏi bãi sình của nhánh suối Đạ Bàng, chúng tôi đến thôn 2, Phi Tô (Lâm Hà). Màu xanh của những vườn cà phê, và vườn cây ăn trái như làm dịu bớt cái nắng gay gắt giữa trưa. Nhìn quang cảnh buôn làng, quả thật ngạc nhiên, khi biết nơi đây là vùng định canh định cư của bà con dân tộc Kơho. 75 hộ đồng bào, mỗi hộ đều có gần 2 sào lúa nước và trên 6 sào cà phê vườn. Đùm bọc, giúp đỡ nhau, hơn 5 năm định canh định cư, chưa giàu, nhưng cuộc sống của bà con đã ổn định. Người đầu tiên chúng tôi gặp là anh K'Rít - nhân viên kiểm lâm, trước giải phóng là đội viên du kích. Anh cho biết: "trong thôn người khá nhiều hơn người nghèo. Người khá, từ vườn cà phê, sau khi trang trải cuộc sống cũng có thể mua vài "chỉ", một "cây" cất để dành. Người nghèo, chỉ đến khi giáp mùa mới thiếu ăn, nhưng được bà con trong thôn giúp đỡ, không cần nhà nước cứu trợ. Đã vài năm nay, bà con không còn ai đốt rừng, làm rẫy...". Anh có vẻ hài lòng với cuộc sống hiện tại. Gặp gỡ nhiều bà con khác, chúng tôi đều ghi nhận được một điều: Họ đã gắn bó với mảnh đất này. 

Phi Tô, mảnh đất đầu nguồn con suối Đạ Lu Mong đã tự bao giờ là mảnh đất "ông bà" của một bộ phận người Kơho trên cao nguyên này. Những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà con ở đây đã từng nuôi dấu nhiều cán bộ cách mạng. Đại đội 840 quân giải phóng cũng đã từng đóng quân ở đây. Có bao nhiêu kỷ niệm gắn bó để rồi trong những ngày hội cúng lúa, quanh choé rượu cần, già làng kể lại cho con cháu nghe. Năm 1962, để cách ly bà con với cách mạng, địch đã mở một trận càn lớn và dồn dân vào ấp chiến lược cách buôn Phi Tô 2 trên dưới 10 cây số đường rừng. Vậy mà, đêm đến, bà con vẫn trở về buôn cũ để tiếp tế cho cách mạng. Những cái tên như Tám Bích, K'Che, K'Long... bây giờ bà con vẫn thường nhắc. 

Sau mùa xuân 1975, bà con được tổ chức định canh định cư ngay tại Đinh Văn. Gần đường dễ đi thật, nhưng vì thiếu vốn, không có kinh nghiệm và có cả cái gì đó chưa "ưng với cái bụng", đồng bào vẫn đói, vẫn nghèo, Nhà nước hàng năm vẫn cứu trợ vài tấn lúa. Già làng K'Măng KRong kể lại: "Chân thì ở đó nhưng cái bụng của mình vẫn hướng về mảnh đất "ông bà". Hàng ngày, bà con vẫn kéo về mảnh đất cũ để phát nương làm rẫy và rồi ở lại đây làm nhà, lập buôn. Già làng đứng ra chia đất cho mỗi hộ, vận động thanh niên trong thôn đắp đập ngăn một phần của nhánh suối Đạ Bàng để cải tạo thành ruộng nước, chia cho các hộ. Lúc bấy giờ còn nông trường quốc doanh số 1 do ông Thuận làm giám đốc, thấy bà con tự tổ chức định canh định cư, nông trường đã giúp đỡ cho bà con cây cà phê giống để trồng trên vườn. Từ những cây cà phê giống ban đầu, giờ đây đã trở thành vườn cà phê. Bà con vẫn gọi là "cà phê ông Thuận". 

Rời Phi Tô 2, tội chợt nhớ lại điều tâm sự của anh K'Lêu, phó Chủ tịch huyện Lâm Hà: "Đối với đồng bào dân tộc, mảnh đất ông bà là mảnh đất thiêng liêng. Cho dù đi đâu họ vẫn nhớ về mảnh đất thiêng của họ. Vì thế, muốn giúp bà con ổn định cuộc sống, định canh định cư tốt, phải đồng thời gắn với đặc điểm tâm lý của đồng bào". Phải chăng Phi Tô 2 đã chứng minh cho điều suy nghĩ ấy? 

HOÀNG HUYỀN QUYÊN

Bút danh khác: Hoàng Oanh, Hoàng Hà

Sinh năm 1954

Tốt nghiệp Đại học báo chí - Phân viện Báo chí - tuyên truyền

(Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Hiện là phóng viên Báo Lâm Đồng. 

(BLĐ Xuân Giáp Tuất 1994)

Lâm Đồng những bài báo chọn lọc