ùng với ông Giám đốc Sở Nông - Lâm - Thủy đi kiểm tra công tác bảo vệ rừng, chúng tôi về buôn Kin Cút, một buôn "dự án 327". Chiếc xe Uoát nặng nề lăn bánh theo con đường lâm nghiệp mới mở giữa những nương lúa "thổ" còn rải rác những gốc cây cháy
sém, dấu tích của những cánh rừng đại ngàn mới bị "chuyển mục đích sử dụng" cách đây 5-7 năm, khi dân buôn Kin Cút chưa được định canh, định cư, khi dân Kin Cút còn trụ lại ở buôn chỉ cách buôn mới hiện nay một thôi đường. Buôn Kin Cút cũ
còn đó với khoảng trên 180 ha lúa thổ cho 95 hộ dân với cái đói, cái khát triền miên vì thiếu nước ăn, nước tưới. Dân Kin Cút vì cái ăn đã phá trắng hàng trăm ha rừng thông hỗn giao, hết rừng cũ họ lại bồng bế nhau đi tìm rừng mới và lại tàn
phá rừng. Qua thăm hai buôn đã định canh, định cư bên cạnh và cùng xã Mê Linh (Lâm Hà) là buôn Hang Hót và buôn Thực Nghiệm mới cảm nhận hết cái khổ của dân Kin Cút và "sự nghiệp phá rừng" của họ.
Làm gì để ổn định đời sống cho dân Kin Cút và hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép trong vùng, đã và đang là trách nhiệm của ngành lâm nghiệp và UBND huyện Lâm Hà. Từ nguồn vốn dự án 327 do Lâm trường Nam Ban làm chủ đầu tư, công cuộc định canh định cư cho buôn Kin Cút đang được thực hiện. Dân Kin Cút đang dần dần đổi đời, tuy khó khăn còn chồng chất. Ông Jeremy, cán bộ buôn cho biết: Năm 1994 vừa qua, dự án 327 thông qua Lâm trường Nam Ban được sự hỗ trợ của UBND huyện Lâm Hà đã vận động nhân dân đến địa điểm hiện nay lập buôn mới. Ngoài việc quy hoạch khu dân cư, ngày đầu tiên chủ dự án đã cùng các ngành liên quan lo vấn đề nước sạch cho dân. Gần 37 triệu đồng đầu tư cho chương trình nước sạch của nhà nước và hàng trăm ngày công lao động của nhân dân đã được huy động làm 3 bể nước, hàng nghìn mét ống dẫn nước sạch đã về tận từng gia đình. Có nước sạch, dân Kin Cút đã có thể ăn sạch, uống sạch và ở sạch. Mặc dù về buôn mới mới có gần năm, 95 hộ dân Kin Cút đã làm được nhà ở tuy còn mái tranh, vách ván nhưng khá khang trang, cao ráo dọc bên hai con đường lớn, xung quanh "vườn hộ" cây cà phê bắt đầu bén đất. Lâm trường Nam Ban, chủ dự án 327 đã đầu tư 50 ha vườn hộ cho 97 gia đình với đầu tư 2 triệu đồng/ha hướng dẫn nhân dân làm đất, ươm và xuống giống. Giao cho các hộ quản lý bảo vệ 128 ha rừng cây quanh vùng còn lại, ngoài ra còn giúp đỡ kỹ thuật để bà con Kin Cút canh tác 188 ha rẫy cũ trong đó có 56 ha mì (sắn) giống mới, đầu tư 44 triệu đồng trồng lại 22 ha rừng bị tàn phá trước đây.
Nhìn chung, sau khi lập buôn mới, đời sống dân Kin Cút đã bắt đầu đi vào ổn định, tình trạng khai phá rừng kiếm sống đã được đẩy lùi, người lớn không còn du cư, du canh, trẻ em được đến lớp... Thu nhập từ rẫy, từ quản lý, trồng rừng đã giúp nhân dân ở đây ổn định để làm vườn hộ cho vài năm sau. Đồng chí giám đốc Lâm trường Nam Ban cho biết: Hiện dự án 327 đang chuẩn bị đầu tư mua bò cho các hộ, phấn đấu trong năm nay cùng với số bò cũ đã có, mỗi hộ trong buôn phải có một con bò để tự túc sức kéo và phân bón...
Từ khi thực hiện dự án 327 buôn Kin Cút, một buôn nghèo nhất nhì huyện Lâm Hà, đã bắt đầu một ngày mới, cuộc sống mới...
ĐỨC HƯNG
Tên thật: Đinh Xuân Đức
Sinh năm 1954
Tốt nghiệp Triết học - Đại học Tổng hợp Hà Nội
Hiện là phóng viên Báo Lâm Đồng.
(BLĐ số 1124 ngày 23.6.1995)