Đầu tháng 8 năm 1993, Ban định canh định cư và huyện Đạ Huoai tổ chức nghiệm thu và bàn giao chiếc cầu treo qua sông Đạ Ploa ở xã Đạ Ploa huyện Đạ Huoai - chiếc cầu được xây dựng vững chắc và đẹp. Và một điều quan trọng là có chiếc cầu treo này, 470 hộ đồng bào Mạ trong xã Đạ Ploa như thấy lòng mình vui hơn, gần nhau hơn.
Chuyện kể rằng từ đời nào đến giờ con sông Đạ Ploa chia xã Đạ Ploa làm 2 - bên này sông có 4 thôn với 270 hộ - còn bên kia sông là thôn 4, thôn 6 với 200 hộ. Người bên này muốn sang bên kia phải lội qua sông. ấy là mùa khô, còn mùa mưa thì đành chịu. Nhiều mùa mưa trước, người thôn 4, thôn 6 bị đói kém, bệnh tật muốn đi qua bên kia nhưng ngặt vì không có chiếc cầu, ngày tháng trôi qua, dân hai bên bờ sông mặc dù cùng một tộc họ, cùng một xã nhưng bên này bên kia cũng giống như dòng sông bên lở bên bồi. Trong buổi lễ bàn giao chiếc cầu treo, anh Ka Năm Xoa, Chủ tịch xã Đạ Ploa xúc động nói với tôi lòng biết ơn Đảng, chính quyền. Ông Chủ tịch huyện Đạ Huoai và ông trưởng ban định canh định cư tỉnh đã quan tâm tới đồng bào Châu Mạ ở đây và hứa sẽ cùng đồng bào trong xã đẩy mạnh sản xuất, ổn định định canh định cư và anh còn hứa là sẽ cùng đồng bào gìn giữ chiếc cầu.
Rời Đạ Huoai, tôi về Di Linh, quê hương của phong trào Mộ Kộ, phong trào đấu tranh chống thực dân trên cao nguyên Di Linh. Còn nhớ trong một buổi lễ tập hợp quần chúng của phong trào Mộ Kộ có lời cầu nguyện: "Hỡi thần núi, hỡi thần nước! Hỡi các thần! Hãy giết hết bọn thực dân Pháp xâm lược! Để cho người Thượng, người Chăm, người Kinh cùng nhau chung sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc".
Bỏ đi những yếu tố mê tín, nội dung lời cầu nguyện có một ý nghĩa thiết thực cho đến hôm nay.
Đánh Pháp, đuổi Mỹ rồi giải phóng đất nước, 18 năm qua trên 3 vạn đồng bào các dân tộc thiểu số ở Di Linh đã chung tay cùng người Kinh, cùng chính quyền cách mạng xây dựng làng để từng ngày từng ngày đổi mới.
Từ chỗ chỉ biết phá rừng làm rẫy, đến nay đa số bà con trong huyện đã ổn định định canh định cư và phát triển sản xuất theo kiểu vườn hộ. Nhiều nhà ở Đinh Trang Hòa, Tân Châu, Gung Ré, Đinh Lạc đã giàu lên nhờ trồng cà phê, trồng chè. Có tiền nhưng cái chữ có ít quá nên ngày nay con em của bà con cũng lo chuyện sách đèn, trường lớp. Nếu như năm học 1992-1993, toàn huyện có 4.086 học sinh các dân tộc thiểu số đến trường thì năm học này con số này là 4.500. Đặc biệt toàn huyện đã có 100 giáo viên là người dân tộc địa phương.
Hôm tôi đến, các anh ở phòng giáo dục huyện Di Linh đang tất bật lo cho ngày khai giảng. Bận lắm nhưng anh Nguyễn Văn Hậu, Phó Phòng Giáo dục cũng dành một ít thời gian để tiếp chúng tôi. Anh cho biết đặc biệt của huyện là có số lượng học sinh dân tộc nhiều nên phải quan tâm đúng mức từ cơ sở trường lớp đến các chính sách đối với học sinh dân tộc như phải cấp cho mỗi em 2 quyển vở và một cây bút. Anh cũng cho biết mục tiêu của huyện trong năm học này là phải huy động từ 90-95% trẻ em dân tộc đến lớp.
Ghi nhặt những thông tin đó đây ở Di Linh và các vùng định canh định cư trong tỉnh lòng tôi buồn vui lẫn lộn. Buồn vì có một số ít giáo viên ở các trường cấp I đã bỏ lớp, bỏ trường. Và vui một niềm vui lớn bởi tôi nghĩ việc vận động trẻ em dân tộc thiểu số đến lớp cũng là bắc một nhịp cầu. Nhịp cầu nối những bờ vui.
Chưa đến ngày khai giảng năm học mới, nhưng tôi như thấy trên các buôn làng nối buôn làng từ Lạc Dương đến thôn 5 Cát Tiên đâu đâu cũng có tiếng trẻ bi bô học bài. Học để biết làm người, biết đoàn kết, chung tay xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Vào hôm nay, hơn 10.000 học sinh các dân tộc thiểu số trong tỉnh đang sẵn sàn cho một năm học mới như bắc một nhịp cầu cho tương lai.
TRẦN QUÂN
Tên thật: Trần Nhất Hùng
Sinh năm 1953
Hiện là phóng viên báo Lao động - Xã hội.
(BLĐ số 940 ngày 3/9/1993)