Lâm Đồng những bài báo chọn lọc

ừ thị trấn Di Linh về buôn Gung Răng Gia, một trong ba buôn căn cứ cách mạng của xã 5 anh hùng, nay là thôn 10 của xã Đinh Trang Thượng, chúng ta phải đi theo đường 14 chừng hơn 30 cây số. Từ năm 1960 đến nay, buôn làng đã dời chuyển hàng chục chỗ nhưng vẫn tựa lưng vào đỉnh núi Tạ Nung và gối đầu lên dòng sông Đồng Nai. Đỉnh núi Tạ Nung, sau hàng trăm lần Mỹ dội bom và rải chất độc hóa học xuống, vẫn ngẩng cao đầu sừng sững dưới trời xanh như thách thức với mọi kẻ thù xâm lược. Núi Tạ Nung mãi mãi vẫn là điểm tựa của buôn làng và là niềm kiêu hãnh của đồng bào, đồng chí vùng căn cứ cách mạng xã 5 anh hùng. 

Chúng tôi đến Gung Răng Gia vào giữa ngày mùa, bà con đang lên rẫy suốt lúa. Vụ này không bị con thú phá, lại được cách mạng hướng dẫn trỉa sạ đúng thời vụ, nên rẫy nào cũng tốt. Cả một vùng đồi lúa óng vàng dưới chân núi Tạ Nung ôm lấy buôn làng thơm mùi cơm mới. Đồng chí K'Đoàn, trong đánh Mỹ, là một chiến sĩ du kích gan dạ của xã, trên mình anh vẫn còn hằn sâu 3 vết thương kỷ niệm về 3 trận đánh Mỹ trước đây, nay anh là Bí thư của xã Đinh Trang Thượng, vui vẻ nói với chúng tôi: "Năm nay được mùa lúa, được cả mùa vui vì xã 5 được Quốc hội và Chính phủ tặng danh hiệu đơn vị anh hùng. Bà con mừng lắm, cái ruộng, cái rẫy, cái bản làng nó cũng mừng theo. Xã 5 đánh Mỹ được thì xây dựng chủ nghĩa xã hội nhất định cũng phải được!". 

Về với đồng bào xã 5, chúng tôi như được về lại gia đình đầm ấm của mình. Xã 5 đây rồi. Những năm tháng kháng chiến gian khổ trước kia tưởng đã lùi vào trong kỷ niệm. Nhưng không, về xã 5, chúng tôi như đang sống lại với đồng bào, đồng chí những ngày chống Mỹ sôi sục nhất! Bà con Gung Răng Gia ùa ra vây chặt lấy chúng tôi, tay nắm tay, mặt nhìn mặt, mừng vui, thương nhớ đan vào nhau đầm ấm như ngày nào đánh Mỹ. 

Tin xã 5 được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng danh hiệu đơn vị anh hùng, bà con người nào cũng đã biết. Ai cũng vui, cũng mừng, nhưng cái vui mừng của đồng bào cũng thầm kín và khiêm tốn như sự chịu đựng gian khổ của đồng bào trong đánh Mỹ trước đây.

 Tôi chăm chú ngắm nhìn trong ánh mắt của từng người để cố tìm ra bóng dáng của những năm tháng chiến đấu gian khổ trước kia, nhưng thật khó lòng mà thấy được. Sự chịu đựng gian khổ và hy sinh to lớn trước đây của đồng bào như đã lắng sâu vào máu thịt. Rừng núi, sau bao trận bom đạn và thuốc độc của Mỹ tàn phá, bây giờ đã trở lại màu xanh. Cái màu xanh bất diệt của sự sống cứ ngời lên trong ánh mắt của đồng bào, đồng chí xã 5. Đó chính là lòng tin và sức sống, là nguyên nhân của sự tồn tại bất diệt của xã 5 anh hùng ngày hôm nay. 

CHUYỆN KỂ BÊN BẾP LỬA

Ngồi quanh bếp lửa ở giữa nhà ông K'Dó, trưởng thôn Gung Răng Gia, bây giờ là thôn 10 xã Đinh Trang Thượng, có gần đủ mặt những người già trong xã 5 cũ, những cán bộ chủ chốt, những đảng viên kiên cường, những chiến sĩ du kích dũng cảm trước kia cũng như bây giờ và cả những trẻ con được sinh ra và lớn lên trong đánh Mỹ gian khổ trước kia cũng như từ sau ngày quê hương được giải phóng. 

Chuyện đánh Mỹ trước đây của xã được bà con kể lại bùng lên trong lòng tôi như ngọn lửa trong bếp than rực hồng trước mặt. 

Đồng chí K'Rềnh, nguyên là Chủ tịch xã trước đây, một trong 6 đảng viên đầu tiên của chi bộ xã này, nay vì sức khỏe yếu, được chuyển sang làm công tác mặt trận, chậm rãi và sôi nổi kể lại truyền thống của xã mình. 

Anh nói: "mình có nhiều tuổi rồi. Trước đây mình không được học cái chữ. Mình không biết ghi chép như K'Bàng, K'Đoàn. Cái nhớ của mình nó rơi rụng như hạt lúa ngoài rẫy. Chuyện đánh Mỹ của xã mình, chuyện chịu đựng gian khổ, hy sinh của bà con, chuyện đóng góp cho cách mạng thì nhiều như cây rừng, nước suối, mình nhớ không hết nổi. Mình nhớ được đâu kể đấy. Bà con ai nhớ nhiều, nhớ ít thì kể thêm giúp mình. Giá K'Lanh còn sống chắc nó sẽ kể đủ hơn mình, vì nó là người được cách mạng bắt mối đầu tiên. Nó được gặp K'Đạt nói chuyện cách mạng (tức là đồng chí Ba Đạt, Bí thư Huyện ủy Di Linh bây giờ). Ngày đó, Ba Đạt là đội trưởng đội công tác phụ trách cả xã 5 này và xã Tân Rai của Bảo Lộc. Ba Đạt đã dìu dắt nó, chỉ vẽ nó hoạt động và nó trở thành đảng viên trước nhất của xã mình. K'Lanh chết vì đạn của thằng Mỹ. Bà con thương nó lắm. Bà con căm thù thằng Mỹ, thằng ngụy lắm. Chính K'Lanh đã bảo dân làng này sống cùng sống, chết cùng chết! Núi Tạ Nung hết cây, sông Đồng Nai hết nước thì Gung Răng Gia mới hết người đánh Mỹ. Đã mười mấy cái mùa rẫy đi qua rồi, nhưng hình ảnh K'Lanh vẫn còn như mới hôm qua hôm kia đây thôi, Gung Răng Gia này lúc ấy nằm kẹp giữa hai đồn bảo an Bờ Trộ và Kênh Đạ. Trong buôn, địch lập một trung đội dân vệ. Chúng nó đều là bà con trong buôn cả, nên K'Lanh bảo là chúng nó nghe theo. Chúng nó được Ba Đạt giác ngộ nên cũng tốt với cách mạng. Ba Đạt dạy cho chúng nó vừa làm dân vệ vừa làm du kích mật cho cách mạng. 

Mấy tháng sau, đảng viên có thêm K'Bìu, K'Xuyên, K'Sung và mình nữa. Sau đó kết nạp thêm YRan và K'Bàng, Chủ tịch xã bây giờ! 

Bọn địch ở Bờ Trộ, Kênh Đạ và Tân Rai vẫn kềm chặt buôn mình. Ngày chúng nó lùng sục khắp buôn, khắp rừng. Nhưng đêm xuống thì chúng nó sợ trốn vào đồn ngủ cả. Lúc ấy, Ba Đạt, K'Lanh lại vận động bà con gùi lúa, gùi bắp lên núi Tạ Nung và sang bên kia sông Đồng Nai tiếp tế cho cách mạng Tuyên Đức. Lúc ấy vui lắm, cả người già và trẻ con cũng kéo nhau đi nuôi cách mạng. Mấy đứa ở dân vệ được K'Lanh giác ngộ thì vác súng đi theo bảo vệ cho đồng bào. 

Đầu năm 1965, cả buôn Gung Răng Gia, Kon Giàng vùng lên phá ấp chiến lược, lập căn cứ cách mạng. Trung đội dân vệ được giác ngộ, quay súng trở lại giết bọn đầu sỏ ác ôn, bỏ về với buôn làng tham gia kháng chiến. Tiểu đoàn 186, dân ở đây coi như con đẻ của vùng căn cứ này, đã hướng dẫn nhân dân xây làng chiến đấu, giúp đồng bào lập đội du kích, bày cho đồng bào cách đánh Mỹ và dạy cho đồng bào học chữ Cụ Hồ. Bộ đội thương đồng bào, đồng bào thương bộ đội, bộ đội và đồng bào đoàn kết, dựa vào nhau để sống và chiến đấu. Mấy ngày nay từ buôn Gung Răng Gia, bộ đội, du kích và đồng bào kéo lên bao vây, tấn công đồn bảo an ở Bờ Trộ. Trước sức mạnh của lực lượng cách mạng, chúng vứt súng, bỏ đồn kéo nhau tháo chạy như vịt. Thừa thắng, ta đánh tới Tà Nu, Su Lạch, Su Gia, giáp quận lỵ Di Linh bây giờ. Có sống với đồng bào trong những ngày quật khởi ấy mới biết hết cái sức mạnh như thác lũ của quần chúng. 

Chi bộ Đảng đầu tiên, chính quyền cách mạng đầu tiên của xã 5 ra đời trong những ngày sôi sục ấy. K'Bìn được bầu làm Bí thư Chi bộ xã. Các đoàn thể cách mạng lần lượt được thành lập. Phụ nữ chuyên lo việc sản xuất, tiếp tế và nuôi bộ đội. Thanh niên tham gia du kích, ngày sản xuất, đánh giặc, đêm đi liên lạc, tiếp tế, tải gạo, tải đạn cho chiến trường. Các em thiếu nhi thì giữ trâu, coi rẫy vừa trông chừng thằng giặc đến để báo cho du kích, cho buôn làng. Những ngày ấy, ai cũng làm cách mạng, ai cũng ham đánh Mỹ, tuy gian khổ nhưng buôn làng vui lắm. 

Bọn địch từ Di Linh, từ Tân Rai mấy lần lên định càn vào căn cứ, nhưng đều bị bộ đội và du kích chặn đánh từ xa, buộc chúng phải rút chạy. Làng buôn được nhân dân bố phòng và cắm chông dày đặc bốn phía. Hàng trăm kiểu đánh địch như hố sập, hầm chông, mìn mo, đạp lôi, bẫy nỏ, bẫy đá, mang cung... do quần chúng sáng chế được giăng ra khắp cả núi rừng. Bọn địch đi đến đâu cũng khiếp sợ vì khó thoát chết. Chúng rất sợ và tìm trăm mưu ngàn chước để tiêu diệt vùng căn cứ này. Nhưng chúng hoàn toàn thất bại..." 

Qua ánh lửa bập bùng, K'Rềnh càng kể giọng nói của anh càng say sưa. Mọi người nghe anh, ánh mắt sáng lên đầy khí phách quật cường. Chị Grầu, trước kia cũng là một du kích gan dạ. Chị đã trực tiếp tham gia chiến đấu nhiều trận và đi dân công phục vụ bộ đội 18 lần. Đợi lúc K'Rềnh ngừng kể, chị nói xen vào: "Đồng bào ai cũng dũng cảm, ai cũng anh hùng, nhưng phụ nữ chúng tôi trong những năm ấy thật là vất vả. Vừa nuôi con, vừa phải nuôi cách mạng, vừa đánh giặc lại vừa sản xuất, nặng nhọc bao nhiêu cũng dồn lên cái lưng của phụ nữ cả. Trước bụng địu con, trên lưng cõng đạn, đuổi theo bộ đội 186 đánh đồn Tân Rai. Ôi chà, những ngày đó mới cực làm sao và cũng vui như mùa lúa chín!". 

Cứ như vậy, sự tích của một xã anh hùng được những người làm nên sự tích anh hùng ấy lần lượt kể lại. Nhiều chuyện gian khổ bà con đã quên đi hay thấy nó cũng bình thường nên không nhắc lại nữa. Nhiều thành tích rất lớn nhưng bà con cho đó là nghĩa vụ của mình nên chẳng cần kể lại. Chẳng hạn như lời đồng chí Tám Giang, hiện là Phó chủ tịch huyện Di Linh, kể lại: "Hồi đó tôi là cán bộ kinh tài của K2, xã 5 này là vùng trọng điểm tôi thường hoạt động. Lúc ấy toàn xã có chừng 350 người gồm cả ông già bà cả, và trẻ con. Số thanh niên, phụ nữ khỏe mạnh thì đi bộ đội và du kích, đi dân công phục vụ tiền tuyến, hoạt động liên tục gần như thoát ly. Anh em không có tiêu chuẩn cấp phát của Nhà nước, mà chủ yếu là do dân nuôi, sống bằng cơm gạo của đồng bào. Lực lượng ấy, chiếm khoảng 1/4 dân số của ba buôn Gung Răng Gia, Kon Giàng và Bờ Trộ. Trong số này gồm có 60 đồng chí là du kích thoát ly, 16 cán bộ và hơn chục đồng chí ở trên tăng cường về làm công tác phát động quần chúng. Bình quân cứ 4 người dân nuôi 1 cán bộ. Nếu chỉ như vậy thôi thì khó khăn của đồng bào chưa phải là nhiều lắm. Cái khó khăn lớn nhất, nhiệm vụ nặng nề nhất là phải có lương thực, thực phẩm để nuôi bộ đội ở trên căn cứ. Hầu như cả huyện Di Linh và Tuyên Đức đều dựa vào căn cứ xã 5 này để hoạt động. Hằng tháng, chúng tôi phải huy động của đồng bào từ 15 đến 20 tấn lương thực, thực phẩm cho riêng căn cứ K2. Có đợt tập trung cao điểm, chúng tôi phải huy động tới 50 tấn cho một chiến dịch. Cần huy động bao nhiêu đồng bào đều cung cấp đầy đủ. Gạo, bắp, củ mì đều dành nuôi bộ đội. Còn đồng bào thì ăn lá bép, củ chụp. Tất cả cho cách mạng, cho bộ đội Cụ Hồ ăn no đánh thắng. Đồng bào nói như vậy đó. 

Những năm tháng ấy, giặc Mỹ đâu có để yên cho đồng bào làm rẫy để lấy thóc, lúa nuôi bộ đội. Chúng rải chất độc hóa học xuống làm rụng sạch lá rừng. Những nương lúa, rẫy mì, rẫy bắp... tất cả đều khô cây, trụi lá. Không những thế, chúng còn đổ quân xuống cắt hết đường tiếp tế cho bộ đội, đốt cháy hết buôn làng, phá sạch từng rẫy mì, rẫy bắp. Chúng dùng trực thăng sà xuống thật thấp nhắm bắn từng người, từng cành cây lay động. Khó khăn như thế nhưng đồng bào không hề nao núng. Còn một người sống, còn một cụm rừng xanh, còn dãy núi Tạ Nung là còn làm ra lúa, gạo để nuôi bộ đội. Đó là lời thề của cả người già, người trẻ trên mảnh đất này. Cuộc sống và chiến đấu ở chiến trường cực Nam Trung bộ nổi tiếng là gian khổ, thiếu thốn. Nhưng riêng ở vùng căn cứ này thì sự gian khổ, thiếu thốn ấy nhiều lúc tưởng như không vượt nổi. Vậy mà bộ đội, cán bộ đều sống dựa vào đồng bào xã 5. 

NHỮNG NGÀY RỰC LỬA TIẾN CÔNG

Lực lượng du kích của xã 5 lúc đầu chỉ vỏn vẹn có 7 người do K'Tam chỉ huy. Sau khi giải phóng xong ấp Bờ Trộ, diệt đại đội bảo an, thu nhiều vũ khí và đạn dược, đồng thời lại được tiểu đoàn 186 bồi dưỡng huấn luyện, nên chẳng mấy lúc lực lượng du kích của xã đã lên tới 60 đồng chí. Trong đó có Y Vùng, Y Ráu và Y Rám là 3 nữ du kích cũng hoạt động thoát ly như các nam du kích khác. Vũ khí chủ yếu vẫn là những cây bá đỏ và thêm vào một vài cây tiểu liên cực nhanh thu được của bọn bảo an ở đồn Bờ Trộ. Một số thanh niên bị ép làm dân vệ nhưng lại làm cơ sở cho cách mạng, sau khi làm nội ứng giải phóng xong đồn, mang về được hơn chục cây súng và một số mìn, lựu đạn nữa. Sau ba trận phối hợp với bộ đội 186 chặn đánh bọn địch từ Di Linh lên, diệt gần 1 đại đội thì tinh thần và khả năng chiến đấu của mỗi người được nâng lên. Anh em đã làm quen với chiến trường, không sợ ác liệt và sẵn sàng chiến đấu hy sinh để giữ vững căn cứ kháng chiến. Chi bộ Đảng trực tiếp chỉ đạo lực lượng du kích xã, K'Lanh, K'Bìu và K'Xuyên phân nhau nắm từng đội du kích để giáo dục, huấn luyện và tổ chức chiến đấu. Không một trận đánh nào vắng mặt các đồng chí lãnh đạo của Đảng ở xã. Đồng bào dành cơm gạo và cả quần áo cho du kích. Anh em đi đến đâu cũng được bà con đùm bọc, che chở và nuôi dưỡng. Các em thiếu nhi làm liên lạc, làm tai mắt cho du kích. 

Năm 1966, bọn Mỹ và quân chư hầu ồ ạt đổ quân, đổ bom đạn vào miền Nam. Chúng tổ chức những cuộc càn quét khủng bố lớn vào các vùng căn cứ cách mạng. Xã 5 là một trong những trọng điểm đánh phá của quân Mỹ - ngụy. Trung tâm biệt kích Tân Rai thường xuyên cho quân lấn ra lùng sục và đánh phá căn cứ cách mạng. Bọn gián điệp từ Di Linh, Tân Rai thì len lỏi vào tung tin đe dọa: "Mỹ sẽ rải bom, bắn phá vào các buôn làng cứng đầu cứng cổ, theo cách mạng chống lại người Mỹ. Người Mỹ lắm súng, lắm đạn, Việt cộng không chống nổi người Mỹ đâu. Hãy bỏ buôn ra ở với người Mỹ để khỏi chết oan...". 

Trước những luận điệu ấy, lúc đầu một số bà con vì nhẹ dạ cả tin đâm ra hoang mang muốn bỏ buôn làng đi nơi khác. Chi bộ Đảng lúc ấy họp lại và hạ quyết tâm: "Phải sống chết đứng vững trên căn cứ cách mạng này để chiến đấu". Chi bộ lãnh đạo nhân dân rào làng kháng chiến, đào hầm, đắp ụ để đánh giặc và tránh bom đạn của kẻ thù. Trước mắt, phải tiêu diệt bọn gián điệp vào tung tin lung lạc tinh thần đồng bào! Nghị quyết của chi bộ biến thành sức mạnh của quần chúng! Ngay hôm sau, du kích xã do K'Vàng xã đội phó, chỉ huy đi phục kích bắt được 3 tên gián điệp tại suối Đạ Nài. Bọn này được đưa ra xử trước nhân dân. Từ đó về sau bọn gián điệp không dám bén mảng tới vùng căn cứ này nữa. Khí thế của quần chúng lại được dấy lên mạnh mẽ và vững chắc hơn bao giờ hết.

Nhưng cũng từ đó, cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt giữa một bên là từng sư đoàn lính Mỹ và quân ngụy có xe tăng, máy bay, pháo binh yểm trợ với một bên là mấy trăm đồng bào do một chi bộ Đảng gồm 12 đảng viên lãnh đạo và một đội du kích 60 người được vũ trang bằng những cây súng trường và chông mìn, cạm bẫy... 

Cuộc đọ sức ấy diễn ra vào một buổi sáng đầu năm 1966. Khi con chim Kơđo chưa kịp cất lên tiếng hót đầu tiên báo một ngày mới, thì tiếng máy bay trực thăng, tiếng đạn pháo từ Di Linh, Tân Rai đã đổ ập xuống buôn làng. Núi Tạ Nung chao đảo trong màn khói của các cỡ bom và đạn pháo của Mỹ. Tiếng trẻ con khóc thét lên và tắt lịm đi trong tiếng gầm rú của bom đạn địch. 

TRẬN THỬ SỨC

Đội du kích, sau khi tổ chức cho đồng bào sơ tán vào căn cứ thứ hai, liền quay lại, phân chia ra thành từng tổ nhỏ bám giữ buôn làng và chiến đấu với kẻ địch. Sau một buổi bắn phá, buôn Gung Răng Gia không còn sót lại một nóc nhà, buôn Bờ Trộ xác xơ như vừa qua một trận động đất, buôn Kon Giàng lửa cháy đỏ lựng một góc trời, bọn địch mới yên trí đổ quân xuống dãy núi Hàng Tầng trước mặt. Chúng dàn quân ra hùng hổ như đàn lợn rừng. Tay cắp súng lăm lăm, mặt đỏ lựng như gà chọi, mắt nháo nhác dò xét từng lùm cây, từng hốc đá. Nhưng bọn xâm lược làm sao phát hiện được trí thông minh và tinh thần gan dạ của du kích khéo léo ẩn mình bên trong những quả mìn và cạm bẫy gài sẵn! ùng! ùng! Hai quả mìn của tổ K'Him nổ. Khói bốc lên che khuất cả đám quân Mỹ. Bọn chết nằm sõng soài trên đất. Những tên sống sót vội chạy giật lùi và giạt ra hai bên. Một số tên sa xuống hố chông, rống lên như bò rừng bị bắn! Hoảng hốt, chúng co cụm lại trên đỉnh núi. Ngay lúc ấy, K'Lanh dẫn đầu một tổ du kích bò theo bìa rừng tiến đến thật gần nhắm tỉa từng tên. Xác chúng to như con voi, nên bắn phát nào trúng phát ấy. 

Trời tối rất nhanh. Bọn chúng sợ màn đêm chụp xuống, nên vội vã kéo nhau tháo chạy về Di Linh. Trận thử sức đầu tiên ấy, đội du kích của xã hoàn toàn chiến thắng, 20 tên giặc phải đền tội. 

Sau thắng lợi này, du kích và đồng bào trong xã càng vững tin ở sức mình. Người già vui vẻ nói: "Đánh thắng Mỹ như đánh con hổ, con heo thôi. Nó hung ác nhưng thua trí khôn của bà con mình. Thằng Tây đã thua thì thằng Mỹ cũng không thắng nổi ta đâu!".

 Thừa thắng, ngay đêm hôm sau, 2 tổ du kích xã phối hợp với bộ địa phương tấn công vào bọn bảo an đóng ở ấp Kênh Đạ. Sau hơn 1 giờ chiến đấu, ta diệt được 16 tên, thu 8 khẩu súng và rất nhiều đạn dược. Bọn bảo an ở Kênh Đạ từ đó hết dám phá rẫy và cướp lúa gạo của đồng bào. Bọn biệt kích ở Tân Rai nham hiểm và xảo quyệt hơn. Được bọn lính Mỹ huấn luyện rất công phu, chúng đánh phá vào các căn cứ cách mạng rất quyết liệt. Bọn này đã nhiều lần mon men đến Gung Răng Gia và Kon Giàng nhưng chúng vẫn khiếp sợ du kích ở đây nên chưa dám thọc vào. Thời gian này, một số nòng cốt của du kích đã chuyển lên bộ đội địa phương huyện. K'Lanh về làm chính trị viên huyện đội, K'Bàng, K'Khẹ, K'Vọt, K'Ban, K'Tàng, K'Nhan, K'Tạo... đều đi thoát ly. Anh em được huyện điều lên đi bám đánh địch ở dọc quốc lộ 20. K'Nài một mình một súng cũng bắn rớt được máy bay của Mỹ. Thành tích của anh em là thành tích của buôn làng. Bà con rất tự hào về chiến công của con em mình. 

CẢ NÚI RỪNG ĐỨNG DẬY  

Cuối năm 1967, thời kỳ chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công Mậu Thân, cả vùng căn cứ náo nức như ngày hội. Bộ đội kéo về chật buôn, chật ấp. Phụ nữ giã gạo nuôi quân suốt đêm ngày. Người già, trẻ em đều xung phong làm trinh sát hoặc liên lạc cho bộ đội. Du kích thì canh gác, tuần tra và chuẩn bị hợp đồng chiến đấu. Một nhiệm vụ rất nặng nề đặt ra cho cả buôn làng lúc bấy giờ là làm thế nào để đảm bảo cho bộ đội ăn no, đánh thắng? xã 5 giải quyết rất nhẹ nhàng, nhanh chóng: tất cả nhường cơm gạo cho bộ đội, đồng bào ăn củ chụp, lá bép, măng rừng...ý chí quyết tâm của đồng bào vượt qua tất cả mọi khó khăn. Cả xã 5 là một hậu phương, một pháo đài, một binh đoàn chiến đấu, một lực lượng hậu cần; mỗi người dân là một chiến sĩ. Tất cả biến thành sức mạnh bão táp góp phần tạo nên cuộc tổng tấn công Mậu Thân lịch sử trên chiến trường Bảo Lộc, Di Linh vào mùa xuân 1968. 

Sau Mậu Thân, địch tăng cường phòng thủ, ra sức càn quét đánh phá vùng căn cứ và bình định vùng chúng kiểm soát. Chúng lập lại trại biệt kích Tân Rai. Chúng đóng đồn ba phía, kẹp xã 5 vào giữa ba gọng kìm bằng sắt, thép của kẻ thù. K'Lanh, K'Hàm, K'Pùng, K'Prắc, K'Rá, K'Vọt, K'Tàng rồi cả anh Thiêng, anh Hải, những cán bộ của cách mạng, đã từng sống chết với buôn làng từ bao năm nay đều lần lượt ngã xuống cho mảnh đất anh hùng này xanh mãi màu xanh hôm nay. Chúng càng khủng bố, bắn giết tàn bạo bao nhiêu thì lòng căm thù của đồng bào, đồng chí xã 5 càng bốc lên mãnh liệt bấy nhiêu. Mẹ K'Lin ở buôn Kon Giàng có 3 con, 2 người vào du kích, một người đi bộ đội đều đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất này. Mẹ thương con khóc đến mờ cả hai mắt, nhưng vẫn không chịu khuất phục. Mẹ dồn tất cả tình thương con vào cho bộ đội và du kích. Ban ngày, mẹ đi làm rẫy, ban đêm, mẹ cùng chị em gùi gạo lên căn cứ tiếp tế cho du kích! Mẹ không còn một nguồn động viên, an ủi nào khác ngoài sự chiến đấu để trả thù cho các con của mẹ và anh em cán bộ, đồng bào bị giặc giết hại. Những ngày ấy thật là khốc liệt. Một túp lều dựng lên, bom pháo của kẻ thù cũng nhắm bắn cho đến khi tan nát. Một bóng người trên rẫy cũng thường bị bọn giặc lái trực thăng cán gáo theo dõi. Một bông lúa ướm vàng chúng cũng phun xăng đốt cho bằng trụi. Chúng rải thuốc độc xuống cả dòng sông, ngọn suối. Dòng nước Đa Nài đen bầm, con cá uống vào cũng nổi lên mà chết! Nhìn người già trẻ con xanh xao thì thiếu cái rau, hạt muối, ai cũng uất hận, căm hờn giặc Mỹ. Anh em du kích nhịn đói, ăn lá rừng cầm bữa vẫn quần nhau với địch để bảo vệ buôn làng, có ngày phải đánh tới 5, 6 trận. 

Thiếu súng đạn, thiếu cơm gạo, thiếu mọi thứ, nhưng đồng bào và cán bộ xã 5 không thiếu chí căm thù và lòng quyết tâm tiêu diệt kẻ thù. Không ngày nào bọn biệt kích ở Tân Rai không đổ quân xuống để lùng bắt đồng bào và đánh phá căn cứ cách mạng. Dưới sự chỉ huy của K'Xuyên, K'Đoàn, anh em du kích chia thành từng nhóm nhỏ bám sát chúng và chặn đánh tiêu diệt gọn từng toán một. Có ngày, anh em đánh liên tục 7, 8 trận. Xác địch bỏ thối cả rừng. K'Rền một mình một súng trong một trận cũng diệt được 3 tên, thu 2 súng. K'Dó, K'Nài đang gác ngoài rẫy bỗng thấy máy bay địch đến đổ quân cũng dũng cảm tiến công, bắn rơi một chiếc, diệt cả giặc lái. Em K'Liên vừa làm liên lạc cho du kích vừa tham gia đánh giặc. Một hôm, K'Liên trên đường từ Kon Giàng về Gung Răng Gia, khi vừa đến đầu con suối Đạ Nài thì phát hiện thấy trong khóm rừng trước mặt lố nhố một toán biệt kích. Chúng đang mò theo dọc suối để tập kích bất ngờ vào sau lưng đội du kích đang học tập ở trong buôn. Rất bình tĩnh và chủ động, một mình một súng, K'Liên đã nổ súng tấn công bọn chúng. Em bắn hết ba phát đạn, diệt được 2 tên thì cũng vừa lúc đội du kích đã triển khai xong thế trận và kịp thời bao vây tấn công tiêu diệt cả bọn địch gồm 12 tên, thu toàn bộ vũ khí, trong đó có một máy liên lạc vô tuyến điện. Bọn biệt kích, thám báo đi đến đâu cũng bị du kích bám đánh, tiêu hao, tiêu diệt. Sau nhiều trận đổ quân thất bại, chúng đành phải co lại cố thủ. Vùng căn cứ của ta cứ thế nới rộng ra. Sức ta ngày càng mạnh lên. Đội du kích của xã đã tập hợp thêm nhiều đội viên mới. Buôn làng lại bừng lên trong khí thế cách mạng tiến công. Cùng với bộ đội và du kích các xã bạn, du kích xã 5 đã tiến lên bao vây và góp sức tiêu diệt căn cứ biệt kích Tân Rai, phá ấp Hàng Kênh và đẩy quân địch xuống sát lộ 20 và quận lỵ Di Linh. Từ đó cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, xã 5 cùng với các xã bạn luôn luôn giữ vững thế tiến công, xứng đáng là vùng căn cứ kháng chiến kiên cường của hai huyện Bảo Lộc, Di Linh. 

VŨ THUỘC

Bút danh khác: Phạm Vũ

Sinh năm 1936

Tốt nghiệp Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội

Nguyên Thư ký Tòa soạn Báo Lâm Đồng

Hiện đã nghỉ hưu.

(BLĐ số 49 ngày 30/12/1978)

Lâm Đồng những bài báo chọn lọc