8 giờ 30 ngày 18/3/1993, xuất phát từ Huyện Đoàn Đức Trọng, đoàn xe chúng tôi đi trên con đường đầy bụi đỏ để đến với Tà Năng. Đoàn gồm 50 người, phối hợp các cơ quan, ban ngành trong huyện: UBND huyện, Huyện ủy, Huyện Đoàn, Tỉnh Đoàn, Hội Chữ thập đỏ huyện, Công an, Huyện đội, Y tế... với mục đích đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ người nghèo và đẩy mạnh phong trào hoạt động Đoàn chào mừng 62 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Buổi chiều trời lại mưa! Dưới cơn mưa rây hạt, dù sân bóng chuyền trơn trượt nhưng hai đội bóng chuyền UBND huyện và chi hội Chữ thập đỏ vẫn thi đấu với đội Tà Năng hết sức nhiệt tình. Kết quả là sau hai trận đấu các vận động viên đều lấm lem bùn đất. Điều đáng nói ở đây không phải là tỷ số mà điều các anh trong đoàn làm được là đã khởi động được phong trào thể thao trẻ trung, sôi nổi của thanh niên vùng sâu qua những tiếng hò reo cổ vũ và những trận cười bung vỡ không chút mặc cảm giữ gìn. 2 giờ chiều chiếc xe U-oát đi cổ động lại bị kẹt ở một chiếc cầu trước UBND xã không vào các thôn xa được. Vào khoảng 3 giờ chiều lại được tin chiếc xe Ford chở đoàn ca nhạc của NVH Đức Trọng sa lầy ở Đà Loan. Khắc phục khó khăn, hai chiếc xe U-oát trong đoàn ra đón, một chiếc bị mắc lầy ở lại; một chiếc ra đến nơi chỉ đón được vài người, buộc phải thuê xe máy cày kéo rơ moóc chở anh em, nhạc cụ và 8 giờ tối mới đến nơi. 9 giờ tối đoàn ca nhạc biểu diễn 26 tiết mục, trong đó có 5 tiết mục do thanh niên địa phương tham gia. Sân bãi đông nghịt, gần 2.000 người đã đến xem. Có những mẹ, những chị địu con đi từ lúc 5-6 giờ chiều mới đến kịp để xem... Điều đó cũng nói lên rằng người dân ở đây rất yêu mến, khao khát nghệ thuật như thế nào!
Đêm ở Tà Năng với lều bạt và lửa trại, quây quanh ché rượu cần anh em trò chuyện và ca hát suốt đêm. Một đêm thức trắng với Tà Năng, với những người dân ở đây đã để lại trong tôi nhiều trăn trở đến xót xa!...
Xã Tà Năng có 9 thôn, trong đó có 6 thôn là người Chu Ru, một thôn người Tày mới di cư và 2 thôn người Kinh. Với 3.456 nhân khẩu, canh tác 287 ha lúa một vụ và trồng bắp nhưng số lượng không đáng kể. Tập tục muôn đời vẫn còn tồn tại. Người dân Chu Ru ở đây vẫn giữ phong tục lạc hậu trong việc gieo trồng: Sạ lúa (lúa mẹ) nhưng không bón phân, làm cỏ và phun thuốc trừ sâu cho lúa, cộng thêm vào là nguồn nước chỉ "nhờ trời" nên năng suất lúa thấp, chỉ có 900 kg/ha. Trong khi 10% người Kinh đạt được 5 tấn/ha. Khi hỏi vì sao cùng một vùng đất canh tác mà năng suất lúa cao hơn nhiều đến 5 tấn/ha, bà con người Chu Ru mình không học hỏi? Anh Ba Ju A Long trả lời: Do bà con theo chế độ mẫu hệ nên rất khó vận động! Canh tác nông nghiệp là vậy, nhưng có lẽ ở Tà Năng mạnh về chăn nuôi; có nhiều hộ nuôi từ 20 con đến 50 con trâu bò - Tính bình quân 1 con/người. Ngoài ra bà con Chu Ru còn nuôi dê, heo, gà. Điều đặc biệt là vật nuôi ở đây được thả rông tự đi kiếm ăn và lắm khi ngủ cả trong rừng, một hai tuần mới phải đi lùa về.
Từ nền sản xuất độc canh, lạc hậu đó đã dẫn đến sự nghèo đói ở một vùng đất lẽ ra trù phú; còn trong chăn nuôi, mỗi khi có dịch bệnh bà con đổ lỗi cho bùa ngải. Và, cũng chính trong chuyến đi này chúng tôi gặp các anh ở Trạm Thú y Đức Trọng mới đi tiêm phòng dịch ở thôn Ma Bó về. Song song với những hạn chế trên, bà con Chu Ru cũng đã có một bước tiến dài trong việc từ bỏ phong tục dựng nhà mồ: Hộp khối vuông 2m, gỗ dầu, lợp tranh. Dùng chung cho cả dòng họ, khi chết đẵn cây làm áo quan và sắp vào nhà mồ! Rất may là do xã vận động tốt nên bà con đã từ bỏ. Vậy thì nguyên do nào UBND xã và các đoàn thể không thể vận động đưa bà con đi học hỏi để về canh tác tốt hơn trên mảnh ruộng của chính mình?...
Sáng ngày 19/3/1993, đoàn đã cấp phát 1 tấn gạo, quần áo và chăn màn cho 50 hộ; tập trung các em học sinh, cấp cho mỗi em 20 cuốn vở và một số bút mực... Không khí ở xã Tà Năng cũng đầy ắp tiếng cười của các em. Nhưng, giáo dục ở Tà Năng vẫn là nỗi lo cháy bỏng khôn nguôi. Trường học ở Tà Năng thiếu bàn ghế trầm trọng, hơn 350 em học sinh theo học với 14 giáo viên (có 4 giáo viên người dân tộc. Hầu hết các em đều bị sốt rét, bệnh tật, đi học ngắt quãng không đều nên chất lượng kém. Thêm nữa là UBND xã cũng thiếu quan tâm đến đội ngũ giáo viên nhà trường...
Buổi chiều, đoàn chúng tôi từ giã ra đi nhưng lòng vẫn còn trĩu nặng nỗi lo âu - Tập quán lạc hậu vẫn còn đó, UBND xã Tà Năng không có năng lực, bởi vì xóa hủ tục nhà mồ còn khó hơn là hướng dẫn, động viên và làm gương trong sản xuất để bà con noi theo. Đó chính là lợi ích thiết thân nhất để xã Tà Năng giàu có và trù phú! Nên chăng, tỉnh và huyện cần xem xét lại để Tà Năng phát triển tốt hơn trong những tháng năm sắp tới.
DUY DOANH
Bút danh khác: Thái Duy
Sinh năm 1962
Tốt nghiệp Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Đà Lạt
Nguyên phóng viên Báo Lâm Đồng
Hiện công tác tại Tạp chí Business.
(BLĐ số 896 ngày 2/4/1993)