ơn mưa đầu mùa ở Đà Lạt mới khoái hoạt làm sao! Những cột nước lâu ngày ẩn ức từ những đám mây đen tụ thành từ một làn khí lạnh đã dội xuống rừng thông và phố phường 3 giờ đồng hồ. Trận mưa tươi tắn và dữ dội. Điều mà xưa nay người đời nói, bây
giờ tôi mới thấy "Nắng bao nã - mưa trả thù" và ngược lại. Tôi với một anh bạn làm báo, vừa bước xuống cầu thang chót chợ lầu đã đụng phải cơn mưa. Chúng tôi nấp dưới một chiếc dù bán trứng cút và hột vịt lộn. Chủ cây dù này là một cô giáo
dạy trường Mê Linh. Không thể gọi là quán, bởi vì "Xóm ô dù" này vốn phải "tùy nghi di tản". Khi tránh một cơn mưa dài suốt 3 giờ, trong đầu ta có bao điều để nghĩ bởi trước mắt có bao điều để thấy. Trong một bản báo cáo nào đó, người ta nói
Đà Lạt có gần 5000 hộ "kinh doanh", những hộ ấy có nhà lầu, xe hơi, có tài khoản, có bảo chứng của vàng hoặc đôla. Còn đây, trước mắt chúng tôi là những chiếc dù, những số phận đang thu lu dưới mưa để kiếm sống. Mưa càng lâu càng nặng hạt.
Từ khu Trung tâm Hòa Bình, từ Hotel Anh Đào, từ những biệt thự, từ trên cao, theo dòng nước những rác rưởi, dơ dáy dội xuống theo từng bậc tam cấp. Nước đục ngầu, nước tanh tưởi, nước hôi hám. Những mẩu giấy có chữ, những mẩu giấy có hình
trôi ào theo dòng nước đục ngầu tìm về cống rãnh.
Mưa đứng rơi, mưa chéo hạt - Hết mưa đứng lại mưa chéo. Những chiếc dù như những tai nấm mối, che chở một con người, che chở một phương kế sinh nhai. Mưa lâu nên lạnh, tôi với đồng nghiệp cảm thấy thèm một xị đế. Chị chủ chiếc dù không có rượu, phải "ới" qua chiếc dù bên cạnh. Anh bạn ngồi co chân lên ghế, tôi nhúng hẳn hai chân xuống làn nước đen đúa, dơ bẩn. Từ dưới chiếc dù xám của một cô giáo bán trứng cút, tôi ước lúc này có chiếc camêra trong tay. Tôi sẽ lia ống kính từ nụ cười của hai cô bé chừng tuổi 15 đang vừa ăn, vừa cười dưới một "chiếc dù bánh xèo". Mưa không làm cho 2 cô bé bận tâm. Những đường cong ngây thơ, thơm thơ trên chiếc bánh xèo vàng rộm. Người đàn ông đứng lên bệ sắt ôm chặt lấy chiếc dù cho gió khỏi lật, người đàn bà quạt lửa cho bánh xèo mau chín. Hai cô bé vừa cười vừa ăn. Họ nói gì trong mưa, ai mà nghe được? Nước bẩn từ trên cao cứ dội xuống. Có một đôi chân mang giày bước xuống theo dòng nước bẩn ấy rồi ghé vào một chiếc dù bán nước đậu nành "Nước đậu, chú", tiếng cô chủ quán mời trong mưa. Khách là một người nước ngoài, không hiểu tiếng Việt nhưng vẫn ngồi xuống uống ly nước sữa đậu trắng đục bốc khói dưới dòng mưa.
Một dãy dù đặt theo bậc tam cấp chợ lầu. Mỗi chiếc dù một gia tài giản đơn và kham khổ. Một bà cụ chừng ngoài 70, từng bước lụm khụm bưng một mẹt bánh kẹp đi từ dù này sang dù khác: "Kẹp chú", "kẹp cháu", "kẹp thầy", "kẹp cô"!
Trời mưa, mẹt bánh kẹp được che chở bằng một mảnh nilon nhỏ. Bà cụ chào mời. Cứ "kẹp thầy, kẹp cô mãi". Hai dòng nước mắt tự nhiên trào ra dưới tiếng cười gượng gạo của tôi. Anh bạn không dám cười, mặt anh xám lại vì cơn sốt rét sắp ào tới. Nước bẩn vẫn từ trên cao tràn xuống. Một người quen làm nghề "xe ôm" từ quán dù bên cạnh nói vọng sang "Cơn mưa quá đã!". Tôi ngoắc tay sang. Tôi quen anh từ ngày anh còn làm ở một cơ quan của thành phố chừng 10 năm trước. "Nhớ nhau không?" - "Trời ơi, anh".
- Tôi nghỉ hưu, nuôi 6 đứa con, dồn tiền mua được chiếc xe này. Mỗi ngày kiếm được chục ngàn. Hôm nay mưa, mất mấy "cuốc". Nhưng không sao, vườn rẫy tươi tốt là mình vui. Lâu nay không gặp, tưởng anh chuyển về Sài Gòn.
- Đà Lạt vẫn là duyên nợ của tôi. Này, đã trú mưa thì phải "gặp mưa" chứ?
- Xin anh, tôi còn lái "xe ôm".
Bà cụ bán bánh kẹp quay lại chiếc dù tôi trú. Tôi dồn hết những bịch bánh nhão nhoét ấy vào túi xách của mình, rồi đưa tiền cho bà. "Trời làm phúc cho ông!".
Có những lúc muốn khóc cũng không vắt ra nổi một giọt nước mắt. Tôi nhìn theo bà cụ khoác mảnh nilon lần theo bậc tam cấp đi lên. Rác rưởi vẫn cứ theo dòng nước từ trên cao dội xuống.
Hai cháu gái ăn xong bánh xèo, giơ tay che mưa, chạy ù vào khách sạn Hải Sơn, tiếng cười còn vọng lại trong tiếng mưa. Anh bạn "xe ôm" bắt được khách. "Được một cuốc rồi, mình đi rồi quay lại!".
Mười bảy năm ở Đà Lạt, chưa bao giờ tôi gặp một cơn mưa lâu vậy. "Chiếc dù bán cơm" bên cạnh mới thiểu não làm sao. Gà, vịt, lợn, trứng, cá, tôm, chén, bát... lặng im trong mưa. Gương mặt hai vợ chồng buồn thiu như chiếc bánh kẹp trong túi tôi. Không có ruồi để đuổi, chỉ có những hàng mưa. Thằng bé con chừng 10 tuổi, đứng thu lu ôm cột dù. May mà không có gió giật. Không biết vì sao, thằng bé cầm gậy chọc lên mái dù. Một cột nước ào xuống, té tát cả vào nồi nước chan bún. Ông bố đứa bé quát ầm lên "Mày làm vậy, thủng dù thì sao?". Đứa bé bẽn lẽn khép nép dưới mưa.
Khi nhìn ra phía gần chợ, tôi chợt thấy đứa cháu gái dâu bán bông cúc. Nó khổ từ nhỏ. Mẹ nó một đời làm thuê cho các quán ăn ở khu Phan Đình Phùng, bây giờ nó lấy chồng, gia đình kiếm miếng cơm từ những bó bông cúc "mua đi bán lại". Những người nghèo không có điều kiện để mua nhà "mặt tiền" nên những chiếc dù chỉ phải đóng "hoa chi" cho Ban quản lý chợ. Dưới những chiếc dù có nhiều số phận. Người dựa vào chiếc dù này, người dựa vào chiếc dù kia... Nhưng rồi suy cho cùng, ông già bán cơm nói có lý: "Mày chọc thủng dù tao, thì lấy gì để sống?".
Chiếc dù màu, chiếc dù xám, chiếc dù nâu - Những tai nấm mồ côi đang chở che cho một đời người. Rất may, trận mưa dài không có một cơn lốc. Nếu không sẽ lật tung hết và... ướt sướt mướt dưới mưa.
HÀ LINH CHI
Tên thật: Nguyễn Đệ
Sinh năm 1940
Tốt nghiệp Ngữ văn - Đại học Sư phạm I Hà Nội
Nguyên là phóng viên Báo Lâm Đồng
Đã mất.
(BLĐ số 895 ngày 30/3/1993)