Lâm Đồng những bài báo chọn lọc

 

ời sống của các loại chim có biết bao điều kỳ thú, đôi khi vượt cả quy luật tự nhiên, khiến con người phải để tâm suy nghĩ. Đà Lạt - Lâm Đồng rừng núi bạt ngàn, là chốn tựa nương của muôn loại chim, có loại mới được biết đến lần đầu - Qua sự khám phá của những người chơi chim. Một thú chơi tao nhã đã trở nên như một "nghề" kiếm sống 

NUÔI CHIM CẢNH - THÚ VUI TAO NHÃ

Một sáng chủ nhật đến vườn cảnh Bonhuer Vert, bạn sẽ gặp quang cảnh hàng chục lồng chim đủ loại được treo trên giá, trên cành cây... Bên cạnh những tách cà phê nóng, các chủ nhân của chúng đang chăm chú dõi theo tiếng chim, dường như chúng đang trổ tài thi thố nên cùng lúc tiếng hót càng thánh thót điêu luyện hơn, trước sự thích thú và cổ vũ nhiệt tình của "khán thính giả". Họ là ai? Có thể đó là những người cao tuổi đã nghỉ hưu, bác sĩ, công nhân viên chức, giáo viên, học sinh, nông dân... nhưng tất cả đều bình đẳng trong sự đam mê vì họ đến để tìm thú vui từ những lồng chim. Một thú vui lành mạnh, tao nhã, giúp tâm hồn thanh thản sau những ngày làm việc căng thẳng. Họ đến để tạo dịp cho chim thi thố tài năng, để trao đổi kinh nghiệm nuôi chim, để nghe thông tin về các loại chim mới... 

Theo những người trong "nghề", thì đánh giá một con chim phải căn cứ vào giọng hót là chính. Mỗi loại chim có giọng hót đặc trưng, chẳng hạn họa mi: lảnh lót, bay bổng; chích chòe: líu lo, duyên dáng; chim yến lại luyến láy, ngân rung; khiếu: trầm hùng, man mác; nhưng "giọng cu" lĩnh xướng: cao vút du dương phải là sơn ca... Không chỉ thế, tiếng hót được xem là ngôn ngữ loài chim, để tạo sự chú ý, phân định ngôi vị, khẳng định lãnh thổ, để quyến rũ chinh phục "đối tượng" và để tỏ tình với "người yêu"! Có những "chàng" lão luyện có thể hót 10 giọng khác nhau để lại ấn tượng mạnh mẽ. Thứ đến, dung mạo cũng khá quan trọng, nhìn màu lông, sải cánh, vẩy chân... người chơi chim có thể biết được "cá tính" của từng con. 

Trở lại với những người chơi chim, họ rất đa dạng. ở Đà Lạt những người chơi chim có thâm niên phải kể đến các ông Huề, Minh, Các, Đề, Tư ù... Cánh trung niên, nhiều người đã biết tiếng đến: Đức, Liêm, Hộ, Dũng, Thanh... Và lớp trẻ sau này thì vô số kể, có những người mới tập tành vào "nghề" nhưng rất được các đàn anh ủng hộ, truyền kinh nghiệm. Mỗi độ tuổi có cách chơi riêng. Với người già, họ thích nuôi cu đất (đây là loại chim đặc trưng phổ biến nhất Việt Nam) vì nó gợi nhớ về cội nguồn, nuôi chim cu đòi hỏi tính công phu, kiên nhẫn huấn luyện. Ca dao Việt Nam có câu: "ở đời có bốn cái ngu - Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu". ấy vậy mà gác cu đã đem lại nhiều điều thú vị cho người đam mê. 

Tuổi trung niên lại thích nuôi chim hót, chim háu đá. ở tuổi này mới cảm nhận hết cái hay, cái đẹp độc đáo của mỗi loại chim; sắc tiếng, màu lông, dung mạo đều được đem ra bàn thảo. Bởi vậy, có nhiều người thích sưu tập các giống chim, lồng chim... 

Với lớp trẻ, họ đến với chim cảnh như một đam mê tự phát, khi nghe tiếng chim ngân nga. Và hơn hết họ được tung hoành dọc ngang nơi chốn rừng sâu, để ngắm nhìn chim rừng tới đấu với chim nhà, vì cái thú của người bẫy chim chính là lúc này. 

Đà Lạt có bao nhiêu người chơi chim? Không thể thống kê chính xác, nhưng những người trong nghề thường lui tới với nhau có đến 200. 

CHIM VÀ NGUỒN LỢI KINH TẾ

Ngày càng có nhiều người nuôi chim ắt phải có nguồn cung cấp. ở Đà Lạt, hiện có 4, 5 điểm mua bán chim ở đường Trần Phú, Đào Duy Từ, 3 tháng 2 và Phan Bội Châu. Mỗi nơi có 5, 6 thợ chuyên đi bẫy. 

Theo họ, bẫy chim cũng là đam mê trước khi nghĩ đến kinh tế. Một tuần mà không vào rừng cảm thấy bứt rứt khó chịu. Họ thường chọn mùa xuân, chim phân ranh để bẫy, nhưng quanh năm vẫn hành nghề được. Phải thức dậy sớm, vào rừng kịp lúc mặt trời mọc, chim dời tổ kiếm mồi, "tập thể dục" là lúc thuận tiện nhất. Mỗi thợ phải tự trang bị chim mồi, lồng, bẫy, cassetter. Mỗi loại chim phải có chim mồi và loại bẫy riêng. Chim mồi rất quan trọng, phải có giọng hót thật hay, nhiều giọng càng tốt. Một chim mồi xoàng cũng phải từ 300-400 ngàn, có những chim mồi lão luyện (có thể thả khỏi lồng để dụ chim rừng) được bán giá 1 triệu đồng. Theo anh Thảo (một thợ bẫy), muốn bẫy nhiều phải mang cassetter để mở băng chim hót để dụ chim rừng vào bẫy. Mỗi chuyến đi rừng họ có thể kiếm vài ba trăm, trúng thì năm trăm. Tùy theo loại chim, có giá cố định: Chào mào 7.000 đồng/con, chi chi 5.000 đồng, bạch nhi 10.000 đồng, ngũ sắc 17.000 đồng, tiểu mi 35.000 đồng. 

Những điểm mua bán là nơi gặp gỡ giữa người bẫy và người chơi chim. Mỗi điểm có từ 30-40 giống chim khác nhau, phải có nhiều vốn để nhập chim. Tùy theo chim hoang dã hay thuần túy, giọng hót hay hay dở, lông đẹp hay xấu mà định giá bán. Thường phải gấp đôi giá mua mới đủ chi phí thuần dưỡng chăm sóc. Ngoài thị trường Đà Lạt họ còn đáp ứng nhu cầu cho người chơi chim Sài Gòn, Hà Nội và các tỉnh. Giá xuất đi cao hơn, chim tiểu mi, ngũ sắc của rừng Đà Lạt được người Sài Gòn ưa thích, còn một người chơi chim Hà Nội thì đánh giá "tiểu mi Đà Lạt hót hay hơn họa mi". Những điểm bán chim cũng "đào tạo" chim mồi, bằng cách chim bổi (chưa thuần) đem về nhốt chung lồng, con nào đá thắng - hót hay, bắt nhốt riêng có ngay tiền trăm, bỏ công huấn luyện thuần thục 6,7 trăm là thường. Những người nuôi chim khi cần vẫn trao đổi mua bán với nhau. 

Gặp gỡ những người chơi chim, phần lớn họ ao ước có được một câu lạc bộ để giao lưu, trao đổi, học hỏi. 

Việc nuôi chim cảnh là thú vui tao nhã, nhưng cũng kéo theo việc săn, bẫy làm cạn kiệt vốn chim rừng, đặc biệt những giống chim quý hiếm cần bảo tồn. Vì vậy cũng cần ý thức hạn chế đánh bắt chim trong mùa sinh đẻ. 

Những người chơi chim cũng cần nghiên cứu nuôi đẻ nhân tạo để có thêm nguồn chim, sao cho việc chơi chim ngày càng phát triển mà không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Đà Lạt sẽ đẹp hơn, thu hút hơn khi những cánh rừng vẫn còn đó tiếng chim rừng líu lo, chứ không chỉ những tiếng chim bị nhốt trong lồng. 

Người nuôi chim cũng cần huấn luyện để tạo được những tiếng hót mới hay hơn, đặc trưng của Đà Lạt. 

LÂM VIÊN

Tên thật: Lê Hữu Phước

Sinh năm 1965

Cộng tác viên các báo.

(Đà Lạt Nguyệt san số 31 tháng 5/1997)

Lâm Đồng những bài báo chọn lọc