Một ngày đầu năm 1997, tôi đến Xí nghiệp giống ong Trung ương đóng tại thị xã Bảo Lộc - Lâm Đồng, ngõ hầu xin tìm hiểu nghề nuôi ong ở đây. Giám đốc Xí nghiệp ong, ông Nguyễn ích La cười ngất, vỗ vai tôi nói hóm hỉnh: đi hết rồi, thị xã mùa này vắng những... con ong. Thì ra bây giờ là mùa xuân - mùa con ong đi lấy mật.
NƠI ĐẤT LÀNH... ONG ĐẬU
Người ta kể rằng ông tổ của nghề nuôi ong ở Bảo Lộc là một người gốc Trung Hoa, tên là Quách Đại Cương, ông Cương nuôi ong từ trước giải phóng. Sau năm 1975, Bộ Nông nghiệp cử một phái đoàn nghiên cứu, khảo sát ong ở các tỉnh miền Nam. Sau đó mở một lớp đào tạo cho gần 100 người, từ Huế trở vào học nghề nuôi ong tại vùng rừng U Minh, thời gian học là 6 tháng. Năm 1977-1978 các phái đoàn chuyên gia về ong của Liên Xô (cũ) và Cuba đã phát hiện ra vùng đất Bảo Lộc là nơi khí hậu thuận lợi cho việc phát triển giống ong nhập ngoại, cụ thể là ong nhập từ ý. Năm 1979, Bộ Nông nghiệp quyết định thành lập trại giống ong Trung ương tại Bảo Lộc, với nhiệm vụ nuôi và phát triển đàn ong giống, đào tạo kỹ thuật nuôi ong cho các tỉnh phía Nam. Cùng thời điểm lịch sử đó, tỉnh Lâm Đồng cũng cho ra đời một xí nghiệp ong đóng tại Bảo Lộc và phong trào nuôi ong trong nhân dân phát triển khá mạnh.
Bảo Lộc được coi là "thánh địa" của loài ong mật, nhưng cứ mỗi độ xuân về, những người nuôi ong lại thiên di tới những vùng Long Khánh - Đồng Nai, Sông Bé... để ong lấy mật từ lá cao su.
VÀ NƠI ONG ĐI LẤY MẬT
Đúng vào ngày rằm tháng giêng, tôi nhảy xe đò từ Lâm Đồng về ngã ba Cẩm Mỹ - Long Khánh - Đồng Nai. Tay xe ôm ở ngã ba Cẩm Mỹ hất hàm hỏi: Anh cần tìm đến nhóm trại ong của dân miền Tây, thành phố, Lâm Đồng hay dân nuôi ong từ Hà Nam Ninh, Vĩnh Phú vào? Tôi bảo cần tìm những người nuôi ong từ Lâm Đồng. Tay lái xe ôm chở tôi chạy lòng vòng trong rừng cao su, hết trại ong này đến trại ong khác, có cả trại ong của người Bảo Lộc xuống nhưng không phải là điểm tôi cần tìm. Cuối cùng thì tôi cũng tìm được nơi đóng quân của Xí nghiệp Giống ong Trung ương từ Bảo Lộc xuống. Giám đốc Nguyễn ích La bảo tôi: Đây chỉ là điểm thu mua sản phẩm, cậu muốn tìm hiểu thì phải vào trong rừng kia. Anh La chở tôi ra chợ mua võng và chở thẳng tôi vào rừng cao su. Tôi không muốn ở lại trạm, vì muốn ngay trong đêm rằm này được gặp những người thợ nuôi ong và cùng mắc võng... trong rừng cao su với họ.
Sau khi "bàn giao" tôi cho anh Luật, anh La xin phép về trạm, lúc ấy khoảng 4 giờ chiều. Gia đình anh đang quay mật. Tôi lấy máy ảnh ra ghi vài kiểu, nhưng không thể lại gần thùng ong vì ong quá dữ. Những người thợ lấy mật đều phải đeo đồ bảo hộ che mặt. Còn ong chích vào tay, chân là chuyện thường. Người em trai của anh Luật bảo: Anh chụp cho em một kiểu đang quay mật đi, em là tay quay số một đấy. Thì ra nghề nuôi ong cũng được xếp bậc thợ, có 6 bậc. Anh Luật là thợ bậc 5. ở đẳng cấp thợ bậc 5 ngoài các thao tác kỹ thuật thành thạo, còn phải biết quản lý, tổ chức sản xuất.
Đêm. Sau bữa cơm cúng rằm tháng riêng giữa rừng cao su, vợ chồng anh Luật mới có thời gian trò chuyện nghề nuôi ong với tôi. Anh bảo: Nghề này cũng cực nhọc lắm anh ạ. 12 năm trong nghề nuôi ong chúng tôi có cảm giác rằng chúng tôi sống như dân du mục. Bảy tháng nằm trong rừng cho mỗi năm. Tháng 3 là tháng cao điểm của lá cao su tiết mật (lá tiết mật trong giai đoạn từ lá tơ non sang màu xanh bánh tẻ), thế nhưng chúng tôi lại phải di chuyển từ Lâm Đồng xuống đây để tìm điểm từ tháng 10 và hết mùa lá cao su cũng phải tới cuối tháng 4. Còn nếu đưa quân đi lấy mật nhãn ở vùng Cửu Long, Tiền Giang... thì thời gian còn kéo dài hơn nữa. Cực khổ nhất là lúc chuyển ong, tất cả đều phải di chuyển ban đêm. Chi phí vận chuyển mất từ 10-15% doanh thu. Nghề này thuế thì không phải đóng, nhưng kiểm lâm thu tiền gỗ đóng thùng. Tại sao họ không thu từ cơ sở sản xuất mộc nhỉ? Rồi việc kiểm dịch ong khi qua tỉnh, tôi thấy người ta chỉ đếm thùng và bắt nộp tiền, mỗi xe cỡ 100-300 ngàn, tùy người. Không hiểu số tiền ấy có đến được tay Nhà nước hay không và đến thì được bao nhiêu? Anh Luật nói tiếp: Cực khổ, thì bất kỳ một nghề chân chính nào cũng cực. Nỗi ám ảnh của nghề nuôi ong là giá. ở thời điểm năm 1990-1993 giá mật thấp hơn giá đường kết tinh, từ 4.000-5.000đ/kg. Các xí nghiệp, trại nuôi ong từ Trung ương đến địa phương sạt nghiệp hàng loạt. Các vấn đề khác như sương muối làm cho lá cao su rụng, ong không lấy được mật, rồi gặp phải thuốc sâu, hay đi vùng miền Tây bị lật thuyền... đều là những nỗi lo thường trực. Thế còn bây giờ thì sao? Vợ chồng anh Luật nở một nụ cười, tôi có cảm giác không gian như nhẹ hơn. Gia đình anh có 600 thùng ong, vụ mùa năm 1996 thu được 18 tấn mật. Năm 1997 này phấn đấu 20 tấn, mỗi tấn bán tại gốc 9 triệu đồng, trừ chi phí cũng được hơn 100 triệu dắt lưng.
Đàn ong ở Bảo Lộc do Xí nghiệp giống Trung ương quản lý hiện nay có 5.700 đàn, đây là chưa kể hàng chục hộ gia đình cá thể, bình quân mỗi hộ quản lý 250-300 đàn. Năm 1996 Xí nghiệp ong Trung ương tại Bảo Lộc cho vay gần 1 tỷ đồng để duy trì, phát triển đàn ong giống. Và tới mùa tháng 3, tất cả đều có mặt ở vùng rừng cao su Sông Bé, Đồng Nai... Tại khu vực miền Đông Nam Bộ này là nơi không hẹn mà gặp. Những chủ ong của miền Đông, miền Tây, miền Trung và xa tít tận Hải Hưng, Nam Hà... đều gặp nhau trong dịp tháng 3 - mùa con ong đi lấy mật. Vào mùa này có khoảng 120.000 thùng ong các loại cho sản lượng khoảng 4.000 tấn mật, thu hút gần 1.000 lao động.
MẬT ONG - THỜI THỊ TRƯỜNG
Vài năm trở lại đây nghề nuôi ong đã phát triển khá mạnh. Sản phẩm mật ong đã được xuất khẩu sang các nước: Nhật, Pháp, Đài Loan, Anh, Mỹ... nên giá cả trong nước khá ổn định. Tại Hội nghị ngành ong châu á lần thứ III, tổ chức tại Hà Nội tháng 10/1996, với sự có mặt của 27 nước tham dự, các tham luận đã nhấn mạnh đến vấn đề phát triển ong ở châu á, trong đó cần phải có sự liên doanh, liên kết để phát triển.
Vấn đề đặt ra là ngành ong của Việt Nam dường như vẫn còn đơn phương với nghiệp của mình. Vấn đề vốn, thông tin về khoa học kỹ thuật còn quá khan hiếm. Giá mật của người nông dân sản xuất ra thị trường chỉ bằng 1/2 so với giá bán buôn, bán lẻ. Tôi đã từng hỏi một cán bộ Hội Nông dân rằng: Thị xã mình có bao nhiêu đàn ong? Bao nhiêu người nuôi ong? Vị cán bộ Hội nói: Cái này Hội không biết. Trong khi đó có nhiều người rất muốn học hỏi nghề nuôi ong, hay trở lại với nghề, vậy thì ai là "bà đỡ" cho họ đây?
Thị xã Bảo Lộc là nơi có khí hậu thuận lợi nhất (được xem là nhất nước!) để phát triển nghề nuôi ong, đây cũng là nơi vang bóng một thời về sản phẩm đặc sản mật ong của Tây Nguyên. Du khách ghé qua B'Lao - Bảo Lộc đã từng có thói quen mua trà, cà phê và không quên cả sản phẩm mật ong nữa để làm quà. Vậy mà giờ đây...
Bao giờ thì "con ong... sẽ tỏ đường đi lối về"?
HOÀNG TIẾN DŨNG
Nguồn : Đà Lạt Nguyệt san. Số 29 tháng 3/1997