Lâm Đồng những bài báo chọn lọc

 

Ước ao lắm, đợi chờ lắm một chuyến về Đam Rông để tận mắt chứng kiến sự "thay da đổi thịt" của đồng bào nơi đây. Thế rồi cái ước mơ "chất phác" ấy đã thực sự "mỉm cười" với tôi vào một ngày cuối năm. Đó là lúc tôi nhận được tin "khẩn": Ngày mai có xe của Phòng kinh tế Lạc Dương vào Đam Rông, tôi mừng ra mặt, trước khi lên đường, một số anh em ở tòa soạn nói đùa: "Có lẽ ông là kẻ lãng mạn cuối cùng của năm Bính Tý...". 

Đúng 9 giờ tại khu Hòa Bình, xe chúng tôi bắt đầu xuất phát. Chiếc xe Uoát cũ kỹ phải khổ sở cõng trên mình cả thảy 14 mạng người, 2 tạ gạo và đủ loại vật dụng khác. Cứ ngỡ gần, hóa ra phải đi đường vòng "lịch sử" (Quốc lộ 27) từ Lâm Hà qua huyện Lắc (Đắc Lắc) rồi xuyên đường rừng vào bờ sông Krông Nô (hèn nào người ta vẫn thường bảo "gần nhà mà xa ngõ" là vậy). Có lẽ đây là chuyến đi "để đời" của tôi. Tuy đã bước sang mùa khô, song "vết tích" của mùa mưa lầy lội trước đó vẫn còn in hằn và gây không ít vấn nạn. Ngồi trên xe mà bụng dạ lo thom thóp. Trong cuốn sổ tư liệu của tôi vẫn còn đây: 6 lần xe mắc lầy, 4 lần bị "kẹt" xe (xe tải của tư thương vào Đam Rông lấy hàng bị mắc lầy). Mỗi lần như thế chúng tôi hè nhau xắn quần áo (thậm chí có người mặc mỗi quần xà lỏn) móc từng nhát cuốc, nhặt từng viên đá, khúc cây rồi hò nhau đẩy. Có đoạn phải loay hoay gần 2 tiếng đồng xe mới thoát nổi. Cày cục mãi cũng về đến bờ sông. Trời đã chạng vạng tối. Nhìn dòng sông Krông Nô đang cuồn cuộn, tôi mơ hồ: "Giá như có một cây cầu...". Xe đành gởi lại bên này sông. Con thuyền độc mộc cắm sào đứng đợi từ khi nào. Trời tối đen. Chúng tôi phải dò dẫm đi gần 3 tiếng đồng hồ nữa mới đến được trung tâm 3 xã Đam Rông: xã Đạ Tông. Đêm đầu tiên "ấn tượng" sâu sắc của tôi về Đam Rông lúc ấy vẫn chỉ là... con đường. 

Buổi sáng nơi đây thật yên tĩnh. Đứng từ cột anten truyền hình phóng tầm mắt 4 hướng tôi nhận ra từng mái nhà lá rạ còn ướt đẫm hơi sương. Xa hơn là màu xanh của núi rừng trải dài tứ phía như muốn ôm gọn cái thung lũng tốt tươi, hiền hòa này. Còn hoang sơ, rậm rạp lắm núi rừng Đam Rông, nhưng quá đỗi vui mừng vì dù sao cũng đã đặt chân đến nơi và tận mắt nhìn thấy Đam Rông đang được hồi sinh. Nói đúng hơn, một Đam Rông mới đang được định hình. Tôi thắc mắc: Tại sao không là trước kia mà phải đến tận bây giờ? Trưởng Phòng kinh tế huyện Lạc Dương - anh Nguyễn Trọng Chung giải thích: Trước kia vốn đầu tư để phát triển vùng kinh tế khu 3 xã Đam Rông rất hạn chế (do địa phương cấp) do đó, thực hiện chiến lược thúc đẩy một vùng kinh tế vốn quá nghèo nàn lạc hậu như nơi đây là một vấn đề nan giải. Vì thế tỷ lệ cứu đói hàng năm cho bà con 3 xã vẫn cứ... tăng dần đều". Trong khi địa phương đang lúng túng trong việc tìm ra một giải pháp thì may thay chương trình 327, ĐCĐC ra đời. Cơ hội thay đổi bộ mặt nông thôn Đam Rông đã được mở ra. Lần lượt 2 dự án ĐCĐC ở Đạ Tông và Đầm Ròn được chọn làm dự án điểm của tỉnh. Tính đến nay, dự án ĐCĐC xã Đạ Tông đã được triển khai hơn 2 năm. Có thể nơi đây là một trong những dự án mang lại hiệu quả kinh tế khả quan nhất. Với tổng số vốn lên đến gần 2 tỷ đồng, dự án đã tập trung đầu tư cho nhiều hạng mục quan trọng. Đến cuối tháng 12/1996 trên địa bàn toàn xã đã trồng mới được 280 ha cà phê, điều (lập vườn hộ), chăm sóc vườn hộ được 214,85 ha, giao khoán QLBVR 4.980 ha, chăn nuôi 281 con bò... Đặc biệt qua hơn 2 năm giao khoán QLBVR, thực tế đã giải quyết được gần 200 hộ có công ăn việc làm ổn định và tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con. Tuy nhiên điều làm tôi băn khoăn suốt thời gian "rong ruổi" ở Đạ Tông chính là sự phát triển không đồng đều trong đời sống kinh tế của bà con. Sự chênh lệch giữa con số đủ ăn (chưa dám... mơ đến giàu) với con số nghèo vẫn là một khoảng cách khá lớn (trong tổng số 540 hộ thì chỉ có khoảng 200 hộ gọi là đủ ăn. Theo tôi đây chính là vấn đề bức xúc nhất hiện nay đặt ra cho những người quản lý và thực hiện dự án. Mong rằng trong tương lai không xa, khoảng trống này sẽ gần lại hơn. 

Riêng dự án ĐCĐC Đầm Ròn được triển khai vừa đúng một năm nay. Tuy thời gian thực hiện có chậm hơn Đạ Tông song Đầm Ròn lợi thế về nhiều mặt: thủy lợi (hệ thống thủy lợi Đạ Tiêng Tang), địa hình (nằm dọc sông Krông Nô với những bãi bồi, cánh đồng phù sa), đất đai màu mỡ... Hơn nữa Đầm Ròn có một diện tích lúa nước (150,5 ha) canh tác khá ổn định, thường xuyên nên đảm bảo được lượng lương thực nhất định trong quá trình thực hiện dự án. Hôm tôi đến, bà con Đầm Ròn đang thu hoạch vụ hè thu. Trên khắp các ngả đường về thôn bản tôi bắt gặp nhiều đoàn người trên vai nặng trĩu gùi lúa được mùa. Nhìn nét mặt rạng rỡ của họ, tôi như vui lây. 

Giống như Đạ Tông, các hạng mục của dự án cũng được triển khai khá đầy đủ và đồng bộ. Với ngần ấy thời gian, Đầm Ròn giải quyết được một khối lượng công việc thật đáng nể: trồng mới 60 ha cà phê (tổng vốn 250 triệu), chăm sóc vườn điều 41,3 ha (25 triệu), chăn nuôi được 110 con bò (211 triệu), giao khoán QLBVR 1.962 ha... Một thực tế khá độc đáo là tuy mới khởi đầu chưa có thu nhập từ các hạng mục dự án nhưng đời sống kinh tế bà con Đầm Ròn có phần ổn định hơn, đồng đều hơn. Bà con Đầm Ròn thực sự không còn lo "cái đói giáp hạt" nữa. Đi qua mỗi thôn, xóm ở đây, tôi đã chứng kiến trọn vẹn sự sôi động hối hả của nhịp sống mới. Đây đó tiếng máy nổ của hệ thống xay sát, quán xá tấp nập... Mai đây, khi mà dự án đã thực sự mang lại hiệu quả, tôi nghĩ rằng Đầm Ròn sẽ là "đầu mối" của 3 xã Đam Rông. 

Đạ Long nằm ở chặng đầu cuộc hành trình của sự phát triển. Chương trình 327 được chính thức "hội nhập" từ cuối năm 1993 (dự án phát triển nông lâm công nghiệp). Theo Chủ tịch Kơ Đưng Ha Hoanh thì: "So với Đạ Tông và Đầm Ròn thì Đạ Long chúng tôi không có những điều kiện thuận lợi như thế. Nhưng bù lại bà con ở đây rất chịu làm và làm rất tốt. Đặc biệt chúng tôi rất chú trọng về mô hình lập vườn hộ, trồng mới cà phê. 

Vâng, có lẽ nhờ vậy mà bên cạnh cái nghèo từ bao đời để lại, đã thấy hiện hữu của những vườn cà phê bạt ngàn xanh tốt, những vườn điều xum xuê, những cánh đồng đang được khai phá... Hãy đợi đấy! Một ngày không xa, Đạ Long sẽ "khởi sắc" hoàn toàn.

 Khi đời sống kinh tế thay đổi thì đời sống văn hóa cũng được nâng lên một bước. Đầu tiên có thể kể đến là sự xuất hiện... ánh sáng ở vùng xa xôi này. Gần 100 máy thủy điện nhỏ được lắp đặt khắp 3 xã (nguồn vốn của dự án). Có điện, bà con được thắp sáng, nghe máy hát, xem tivi, chiếu phim, hát karaokê suốt... 24/24. Nhiều điểm kinh doanh chiếu phim, karaokê mọc lên. Hàng đêm, khắp thôn xóm, bà con rộn ràng rủ nhau đi thưởng thức... cái văn hóa hiện đại mà lành mạnh này. Hơn thế nữa, vào những dịp lễ lạt, đội văn nghệ của các xã tổ chức hát múa, thi thố tài năng... Và nữa, phong trào thể dục thể thao của thanh thiếu niên ở đây cũng phát triển không kém. Chiều chiều, những đội quân... không giày hăng hái quần nhau trên khắp sân bãi. Khán giả đến cổ vũ nồng nhiệt cho cả hai bên. 

Tròm trèm một tuần gần gũi Đam Rông, tôi như nghe cả nhịp sống mới đang từng ngày từng giờ chuyển mình, sôi động. Có thể nói đời sống kinh tế, văn hóa của bà con nơi đây đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc, văn minh đối với bà con Đam Rông không còn xa vời mà đã trong tầm tay. 

Đam Rông với nỗi khát khao đổi mới như từng ngày, từng giờ tự khẳng định mình. Tiềm năng phát triển kinh tế ở Đam Rông lâu nay vẫn còn bỏ ngỏ đã bắt đầu được khơi dậy. 

Chia tay Đam Rông, tôi mang theo về tất cả những ấn tượng tốt đẹp nhất. Bao nhiêu mong đợi, ước ao nay đã thỏa lòng. Xin cho nhau một cái hẹn để lần trở lại được nhìn thấy một Đam Rông hơn hẳn hôm nay. 

Đam Rông những ngày cuối năm 1996 

NGUYỄN KHƯƠNG

Sinh năm 1973

Tốt nghiệp Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Đà Lạt

Hiện là CTV thường xuyên của Báo Lâm Đồng. 

(BLĐ Xuân Đinh Sửu 1997)

Lâm Đồng những bài báo chọn lọc