Lâm Đồng những bài báo chọn lọc

oại hàng gia công từ len được coi là đặc sản của Đà Lạt. Du khách đến đây mấy ai quên mua đôi thứ từ áo, đến khăn, mũ len về làm quà cho người thân ở nhà.  

Nghề đan len ở đây có từ bao giờ? Hỏi ra ít ai rõ, chỉ biết rằng, từ lâu lắm rồi, đôi kim đan đã trở thành người bạn thân thiết của mỗi người phụ nữ Đà Lạt.  

Người đan len xưa kia chỉ hạn hẹp trong phạm vi gia đình. Trước là đan tay, sau này mới xuất hiện máy và hồi đó cũng chủ yếu đan thường, ít kiểu cách. Từ ngày giải phóng, thị trường len phong phú, nghề gia công hàng len cũng phát triển theo. Những năm bảy chín, tám mươi bắt đầu hình thành những tổ nhóm và hợp tác xã ở các phường (tập trung chủ yếu ở 6 phường nội thành) giải quyết lao động tại chỗ. Các tổ chức đoàn thể như thanh niên, phụ nữ cũng tham gia mở các cơ sở đan len tạo công ăn, việc làm cho nữ thanh niên. Tuy nhiên, quá trình hoạt động cũng "ba chìm bảy nổi" hợp rồi tan. Cuối cùng, hầu hết chỉ giữ lại ở hình thức gia đình hoặc tổ nhóm nho nhỏ, tiện việc quả lý, hơn nữa cũng linh hoạt hơn trong trường hợp có biến động thị trường tiêu thụ. Hiện nay Đà Lạt có thêm Xí nghiệp đan len xuất khẩu, là cơ sở được Công ty ing Zesba (Đài Loan) hỗ trợ thiết bị, cung ứng nguyên liệu và đặt gia công sản phẩm. Xí nghiệp còn thu hút tới 600 công nhân làm việc trực tiếp tại xưởng. Ngoài ra, còn có các vệ tinh tập trung hàng trăm lao động. Rồi mỗi công nhân cũng có thể là đầu mối làm ăn cho hai, ba người hay năm, mười người khác bằng cách đứng ra nhận hàng làm chung. Người nhận chịu trách nhiệm về mẫu mã, kỹ thuật cũng như thời gian giao nhận hàng. Từ chỗ dắt dây như thế, tính ra cả thành phố có tới vài ba ngàn người làm nghề này. Mọi người cho biết, từ năm ngoái đến nay, thị trường được mở rộng hơn trước. Khách hàng có khi là Hồng Kông, Đài Loan, hoặc Singapore. Cũng có đơn vị xuất trực tiếp, cũng có cơ sở thông qua đường dây ở Sài Gòn. Hàng chợ thì bán cho khách địa phương và du lịch hoặc đóng đi các tỉnh khác, hầu như chẳng lúc nào hết việc.  

Còn chuyện thu nhập của người đan len thì sao? Đối với người đan len chuyên nghiệp có sử dụng máy điện tử thì một ngày có thể làm được từ 7 đến 10 áo. Loại xuất khẩu thì yêu cầu kỹ thuật chặt chẽ hơn hàng nội địa, nhưng giá gia công cũng cao hơn, ít cũng 5 ngàn đồng/chiếc. Thông thường, người làm đều đều, không gấp gáp gì, tháng cũng được 400-450 ngàn đồng. Còn nếu việc thường xuyên, tốc độ cao hơn thì trên nữa. Tuy vậy, đừng nghĩ nghề này "dễ ăn". Để có mức thu nhập đó, người thợ phải có tay nghề cao, vốn đầu tư tương đối. Một máy điện tử, thường cũng năm, bảy chỉ, loại tốt cũng cả cây vàng, nếu vốn ít chừng một vài triệu thì chỉ làm được hàng thông thường và năng suất cũng thấp hơn vì phải thêm những thao tác tạo kiểu. Số này thường dệt hàng chợ, không đòi hỏi phức tạp lắm nhưng tiền công ít. Một chiếc áo trẻ em khoảng 5-6 tuổi chỉ ngàn rưỡi, ngàn bảy, áo người lớn thì 2 ngàn, 2 ngàn rưỡi. Cứ thế mà "liệu cơm gắp mắm".  

Mặc dù thời buổi hiện đại, máy móc là vậy nhưng nghề đan tay vẫn được coi trọng, bởi sản phẩm thủ công có vẻ đẹp riêng. Người sành dùng và có tiền thường đặt đan những chiếc áo dày dặn, công phu, pha màu cầu kỳ thường gọi là áo "Việt kiều". Loại này đến 7, 8 lạng len, có cái cả ký. Tiền công đan 40 - 50 ngàn đồng/chiếc, cả tiền len cũng tới trăm, trăm rưỡi một áo. Nhiều khách kỹ tính từ Hà Nội, Sài Gòn... đến Đà Lạt cũng đều khen hàng len ở đây rẻ và đẹp. 

Khắp Đà Lạt có bao nhiêu quầy hàng len với biết bao nhiêu kiểu dáng, đa dạng, phong phú. Hàng len đúng là đặc sản của Đà Lạt. Nghề đan len là nghề thích hợp với điều kiện khí hậu, con người của thành phố du lịch mát mẻ này. 

BÍCH HIỀN

Tên thật: Trần Bích Hiền

Sinh năm 1959

Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Phân viện Báo chí - Tuyên truyền

(Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Hiện là phóng viên Báo Lâm Đồng

(Đặc san BLĐ số 956 năm 1993)

Lâm Đồng những bài báo chọn lọc