ĐẤT ĐAI MÀU MỠ
Mới đây, Tỉnh ủy Bình Trị Thiên đã cử một đoàn cán bộ vào thăm Vùng Ba tỉnh ta, chuẩn bị cho việc đưa 2 vạn người từ thành phố Huế vào xây dựng quê hương mới. Lúc trở về đồng chí Bí thư Thành ủy Huế, sung sướng nói: "Chao ôi! Thấy đất Vùng Ba mà mê! Ngoài quê tôi cái cây muốn sống phải chống chọi vất vả với cả bốn năm thứ tai họa: hạn, úng, bão, mặn rồi gió Tây khô nóng. Còn ở Vùng Ba của các đồng chí, đất được thiên nhiên ưu đãi, trồng cây gì cũng xanh tốt".
Vùng Ba ở đây là tính từ chân đèo Bảo Lộc qua Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Đạ Mí rồi đến giáp Đạ Lây, với bình độ khoảng từ 300 mét trở xuống. Diện tích Vùng Ba, theo điều tra bước đầu, là 21.170 ha. Đây là khu vực đất phù sa màu mỡ, tập trung lớn nhất của tỉnh ta. Đồi núi ở đây thấp và liền vùng với đồi núi miền Đông. Mạng lưới thủy văn ở Vùng Ba khá thuận: sông Đồng Nai về mùa khô, nước cạn, chảy êm; về mùa lũ, nước mấp mé bờ sông, tràn vào các suối, ngập các bàu, trảng sâu từ 30 đến 50cm. Các suối Đạ Mí, Đạ Tẻh nước chảy quanh năm.
Với đất và nước như thế, Vùng Ba sẽ là vựa thóc lớn nhất của tỉnh ta.
LỊCH SỬ MỘT NÔNG TRƯỜNG
Lịch sử khai hoang của Vùng Ba được viết những dòng đầu tiên vào tháng 8/1973. Bấy giờ Tỉnh ủy Lâm Đồng chủ trương sản xuất ngay ở khu căn cứ, để đảm bảo có lương thực tại chỗ. Giữa tháng 8 năm ấy, một đơn vị sản xuất được thành lập lấy tên là "Công doanh 19-8". Hơn 100 anh chị em cán bộ kinh tài, cốt cán các dân tộc, đã tình nguyện cầm cuốc khai hoang, đánh địch bằng kinh tế. Lúc đầu anh chị em phát lau lách làm rẫy, rồi làm ruộng. Đồng bào các dân tộc trong căn cứ giúp các đơn vị bắp, mì ăn để sản xuất. Năm 1974, đơn vị vỡ hoang đưa vào sản xuất 150 ha, thu được hơn 100 tấn lương thực.
Sau thắng lợi của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 "Công doanh 19-8" được đổi tên thành "Nông trường Hà Giang" (tên tỉnh kết nghĩa với Lâm Đồng). Lúc này nông trường Hà Giang đã gieo cấy được 253 ha, thu hoạch 600 tấn lương thực. Sang năm 1976, diện tích gieo cấy của nông trường lên 350 ha và sản lượng đạt gần 1.000 tấn lương thực, trong đó 60% là thóc.
Đến tháng 6/1977, nông trường Hà Giang hợp nhất với nông trường Hà Lâm (vùng kinh tế mới Hà Sơn Bình) thành nông trường lúa duy nhất của Lâm Đồng: Nông trường Hà Lâm.
Lịch sử nông trường lúa này thật sự là bài ca lao động dũng cảm.
Hai năm trước đây, con đường ôtô chưa mở, anh chị em công nhân, thanh niên xung phong đã thay nhau ra tận Mađagui gùi hàng trăm tấn hàng hóa, vật tư, thiết bị về nông trường, trên một chặng đường dài 30 km, cả trong mùa khô cũng như mùa mưa.
HỢP TÁC XÃ NÔNG TRƯỜNG
Khi hai nông trường Hà Giang, Hà Lâm sắp hợp nhất, thì mặt trận khai hoang ở Vùng Ba có thêm một đạo quân mới. Tháng 4/1977, 60 hộ xã viên của các huyện Thường Tín, ứng Hòa (Hà Sơn Bình) vào đây xây dựng quê mới. Tháng tám vừa qua, lại có thêm 38 hộ nữa. Hợp tác xã đầu tiên của bà con Hà Sơn Bình trên quê mới được thành lập gồm 105 hộ, gieo trồng 100 ha bắp, đậu. Hộ xã viên nào cũng có đủ rau ăn. Tổ phụ lão của hợp tác xã trồng được gần 2.000 cây lưu niên như sầu riêng, mít, chôm chôm. Hợp tác xã đã nuôi được 15 con trâu và 60 con lợn. Vụ đầu, các hộ đã thu được 1200 kg đậu phụng, 300 kg mè, 25 tấn bắp. Mỗi ngày, cơ ngơi của hợp tác xã cứ lớn lên dần: có sân phơi, nhà kho, trụ sở làm việc, một trạm xá gần 30 giường bệnh với 1 bác sỹ, 2 y sĩ, 7 y tá và hộ lý. Huyện Bảo Lộc đã giúp xây dựng cho hợp tác xã một trường cấp 1, một trường cấp 2. Mỗi hộ xã viên được Nhà nước trợ cấp 500 đồng để làm nhà và mua 200 kg xi măng làm chuồng lợn, sân phơi. Bằng sức lao động của mình, được nhà nước và tập thể giúp đỡ, đời sống của các gia đình xã viên đang nhanh chóng đi vào ổn định.
KHI NHỮNG BUÔN LÀNG DỜI XUỐNG THẤP
Trên tấm bản đồ khai hoang Vùng Ba, ngoài các địa danh "Nông trường Hà Lâm", hợp tác xã "Tự Nhiên", còn có tên một xã rất mới: xã Lộc Trung. Trước đây ở Vùng Ba có 3 xã nhỏ của đồng bào dân tộc Châu Mạ, K'Ho. Đó là các xã Lú Tôm, Học Vong, Xê Nhênh. Đồng bào dân tộc chuyên phát rẫy và sống trên các núi cao. Bây giờ, nghe theo lời Đảng, đồng bào cùng nhau xuống núi khai phá Vùng Ba. Huyện đã giúp bà con vượt qua mọi khó khăn ban đầu. Đội cơ giới của huyện giúp bà con ủi đất làm nhà, khai phá đất làm ruộng. Trong một thời gian ngắn, bà con đã có trong tay 207 ha đất cày sẵn. Huyện và nông trường lại giúp giống lúa cho bà con. Bà con tin dần. Từ 22 buôn lẻ tẻ ở trên núi cao gồm trên 300 hộ với 1000 đồng bào Châu Mạ, K'Ho đã về quây quần ở dọc suối Đạ Tẻh, lập nên xã mới Lộc Trung. Vụ mùa này Lộc Trung đã cấy được 125 ha. Huyện đang giúp xã xây dựng nhiều công trình công cộng: Trường học, trụ sở xã, cửa hàng... Tiếng lành đồn xa, 34 hộ đồng bào ở Lộc Bắc, cách vùng Đạ Tẻh một ngày đường, và 12 hộ đồng bào buôn Dak Ley (K.59 cũ) cũng xin xuống ở vùng bà con Lộc Trung làm ruộng.
NGHĨ VỀ TRẬN ĐÁNH LỚN HÔM NAY
So với diện tích còn lại rất mênh mông của Vùng Ba, thì hơn 1.000 ha đã khai hoang, đưa vào canh tác chỉ chiếm một phần nhỏ. Trong khi đó, theo tính toán bước đầu, trong những năm tới, có thể khai hoang 1 vạn ha để đưa vào sản xuất.
Vào trận đánh mới ở Vùng Ba, chúng ta có kinh nghiệm của những người đi trước: nông trường Hà Lâm, hợp tác xã Tự Nhiên và xã định canh định cư Lộc Trung của đồng bào các dân tộc.
Thực tế cho thấy, muốn bớt khó khăn trong những ngày đầu, thì nên đưa lao động tới trước, đưa gia đình vào muộn hơn. Việc khai hoang đòi hỏi triển khai đồng bộ thì mới có hiệu quả. Giải phóng mặt bằng xong, phải thực hiện ngay việc xây dựng đồng ruộng để đưa vào sản xuất. Nếu không, chỉ sau một thời gian ngắn, lại phải phục hóa. Đưa đất khai hoang vào sản xuất phải đi liền với cải tạo đất, bảo vệ, chống xói mòn. Khai hoang không chỉ là việc đơn giản chặt cây, đào gốc, mà là cả một quá trình lao động xây dựng những vùng sản xuất nông nghiệp mới, tập trung, chuyên canh, quy mô lớn.
Trước mắt, việc đưa một lúc 5.000 người vào Vùng Ba đang đặt ra hàng loạt vấn đề đòi hỏi nhiều ngành phải nêu cao tinh thần trách nhiệm giải quyết một cách rất khẩn trương và có hiệu quả như nơi ăn, chốn ở, lương thực, thực phẩm, phòng bệnh, vệ sinh, thuốc men, sinh hoạt văn hóa, giao thông vận tải...
Nhiều đồng chí đi Vùng Ba về đều cho rằng phải ưu tiên số một cho việc làm nốt con đường ô tô Mađagui đi Lộc Trung trong một thời gian ngắn. Có đồng chí đã nghĩ tới khả năng lợi dụng đường sông để giữ vững giao thông cả trong mùa mưa: đi ca nô vào tận Đạ Tẻh, sau đó dùng xuồng ra sông Đồng Nai, rồi quay lại.
Mọi kế hay hãy hiến cho việc đánh thức những tiềm năng kinh tế lớn của Vùng Ba. ở Hội nghị bàn về sản xuất Đông - Xuân của tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định: "Phải tập trung chỉ đạo khai thác Vùng Ba. Muốn xây dựng nhanh lực lượng kinh tế quốc doanh trong nông nghiệp, phải làm mạnh ở Vùng Ba. Tôi xin kết luận ý kiến của tôi về Vùng Ba là: Quyết làm!". Vừa qua, đồng chí Chủ tịch lại vào Vùng Ba kiểm tra, nghiên cứu. Những ngày sau đó, các đồng chí lãnh đạo khác của tỉnh, của các ngành, của huyện Bảo Lộc, đi lại Vùng Ba như những con thoi. Và một sự kiện mới làm nao nức lòng người đã tới: Ngày 22/10/1977, 310 thanh niên xung phong của Hà Sơn Bình, đội lao động đầu tiên trong số hơn 5000 thanh niên của tỉnh bạn, vào xây dựng kinh tế ở Lâm Đồng đã có mặt tại Vùng Ba.
Cả Vùng Ba đang sôi động trong trận đánh lớn trên mặt trận khai hoang.
NGUYỄN ĐĂNG
Tên thật: Nguyễn Đăng Cương
Sinh năm 1940
Nguyên giáo viên, nguyên Thư ký Tòa soạn Báo Lâm Đồng
Hiện công tác tại Báo Người Lao Động
(BLĐ số 9 ngày 30/10/1977)