ào những ngày giáp Tết Kỷ Tỵ, chúng tôi có dịp cùng các đồng chí trong Ban Giám đốc Nhà máy cấp nước Đà Lạt đến Nhà máy nước Suối Vàng - nơi xảy ra sự cố kỹ thuật
trong dịp tết Mậu Thìn gây nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng làm cho nhân dân Đà Lạt ca thán, bất bình và chưa cắt nghĩa được vì sao?
Đi xem khắp lượt các bộ phận trong nhà máy, trở về trung tâm điều khiển tôi hỏi anh Nguyễn Văn Tại, Giám đốc nhà máy:
- Tại sao với một nhà máy nước khá hiện đại do Đan Mạch hợp tác xây dựng mới khánh thành ngày 1/7/1984 mà cuối năm 1987 đã xảy ra sự cố nghiêm trọng như vậy?
Ngẫm nghĩ một lúc, anh Tại tâm sự:
- Quả thật đây là câu hỏi rất lý thú đối với chúng tôi. Khi trả lời câu hỏi này, chính là dịp tốt để chúng tôi được lý giải công khai cho cán bộ và nhân dân Đà Lạt biết và thông cảm cho "nỗi cơ cực" của cán bộ, công nhân nhà máy vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Thìn. Trước khi trình bày cụ thể quá trình khắc phục sự cố, tôi xin trình bày tóm tắt tình hình sự cố kỹ thuật ở nhà máy nước Suối Vàng để chị rõ.
Trạm bơm số 2 được trang bị 4 máy bơm trục ngang do Đan Mạch sản xuất, mỗi máy có công suất 450 m3/h. Ngày 16/2/1985, công nhân vận hành đã phát hiện 3 vỏ máy bơm số 4, 3, 1 đều bị nứt. Nhà máy phải ngừng hoạt động 2 tổ máy bơm để sửa chữa. Hai máy bơm còn lại tạm hoạt động trong tình trạng bị đe dọa, không bảo đảm an toàn kỹ thuật. Tiến đến tháng 5/1986, mô tơ của những tổ máy này lại bị cháy. Ngay sau khi sự cố xảy ra, thông qua Tổng công ty nhập khẩu thiết bị an toàn và kỹ thuật, Nhà máy cấp nước Đà Lạt đã làm tham mưu cho Thường trực UBND tỉnh khiếu nại với phía Đan Mạch. Công ty BSI (Đan Mạch) đã cử hai chuyên gia kỹ thuật đến Đà Lạt để tìm hiểu sự thật trong thời gian 5 ngày (30/5 đến 3/6/1986). Các chuyên gia ghi nhận hiện trạng nhưng không nêu rõ nguyên nhân sự cố cũng như phạm vi trách nhiệm. Công ty BSI dự tính nếu thay thế lại toàn bộ thiết bị riêng phần cơ khí phải tốn khoảng 1 triệu đôla. Các đoàn chuyên gia trong nước thì nói phải có ngoại tệ mạnh thì mới cứu được nhà máy sống lại... Thế rồi sau đó phía Đan Mạch vẫn nêu nhiều lý do để trì hoãn yêu cầu xử lý sự cố kỹ thuật của nhà máy. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần khiếu nại Công ty BSI về trách nhiệm của họ đối với sự cố chỉ xảy ra sau 11 tháng kể từ khi chính thức vận hành nhưng BSI vẫn không chấp thuận bồi thường. Họ nói rằng đã quá 36 tháng kể từ ngày giao kiện hàng cuối cùng theo như quy định của hợp đồng chứ không phải thời gian bảo hành 36 tháng kể từ khi khánh thành nhà máy như chúng ta suy nghĩ.
Tôi hỏi anh Tại: Vì sao Đan Mạch lại trả lời như thế?
- Đây là bài học với chúng tôi trong việc ký kết hợp đồng kinh tế với các nước tư bản đấy chị ạ. Nếu quy định thời gian bảo hành trong vòng 36 tháng thì kể từ ngày nhận kiện hàng cuối cùng, chúng ta phải tranh thủ nhận hàng và thi công ngay. Đằng này, chúng ta triển khai làm quá trễ nên kỳ thực trong thời gian thi công chúng ta đã "mất" quyền được bảo hành. Do chưa có kinh nghiệm làm ăn với tư bản nên... hậu quả xảy ra đáng tiếc như thế đó.
- Chính vì thế những ngày Tết Nguyên đán Mậu Thìn khi cả thành phố thiếu nước sinh hoạt, quần chúng ca thán và... các anh bị lãnh án kỷ luật?
- Quả đúng vậy. Tôi cho rằng dù có nguyên nhân khách quan nhiều hơn chủ quan (nguyên nhân xảy ra sự cố có cả phần điện lẫn cơ là do nguồn điện không ổn định, không thấy sơ hở thiếu sót trong khâu vận hành) nhưng là người lãnh đạo nhà máy nước lại để dân thiếu nước dùng, mình phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Nhưng có điều khi sự cố xảy ra, phía Đan Mạch từ chối trách nhiệm, tập thể Ban Giám đốc và cán bộ, công nhân trong toàn nhà máy đã không "cam chịu đầu hàng" trước sự cố và chúng tôi đã làm việc hết sức mình để chiến thắng nó - Ngừng một lát anh tiếp tục nói, giọng trầm hẳn xuống: - Năm ngoái, chúng tôi đâu biết tết là gì, ai cũng lăn xả vào công việc. Điều buồn nhất là nhiều người không thông cảm cho hoàn cảnh éo le của chúng tôi, kể cả cấp trên... Trong đời tôi cũng như tâm tư toàn thể Ban giám đốc Nhà máy, có lẽ những ngày cuối năm 1987, đầu năm 1988 chính là một kỷ niệm đau buồn khó quên. Đời thuở nào trong 4 tổ máy bơm chỉ còn hơn 1 máy hoạt động được. Tôi cắt ngang lời anh: Anh nói hơn một máy nghĩa làm sao?
Anh lại cười nói: - Vì chỉ có máy số 2 là hoạt động được còn máy số 1 bị hư chỉ chạy được 1/2 công suất, coi như là một máy rưỡi. Lượng nước chỉ đủ cung cấp 16 ngàn m3/ngày, thiếu hơn 2/3 nhu cầu. Trong dịp Tết cổ truyền lại để dân thiếu nước dùng, Ban Giám đốc bị kỷ luật, riêng tôi thì suýt bị cách chức. Chi bộ, Ban Giám đốc họp liên tục trong một tuần lễ để kiểm điểm tìm ra nguyên nhân, biện pháp khắc phục. Rồi phải mất bao thời gian làm việc với một số ngành chức năng theo yêu cầu điều tra xác minh làm rõ vấn đề của họ... Thời gian, vật chất thì có hạn, vì ý thức tổ chức kỷ luật, chúng tôi vừa dành thời gian họp kiểm điểm, vừa chạy ra chạy vào nhà máy nước Suối Vàng ngày đêm như con thoi để lo khắc phục hậu quả sự cố. Cả 3 anh em trong Ban Giám đốc và một số cán bộ kỹ thuật, công nhân gầy rạc hẳn đi. Ai cũng lo lắng bởi hướng khắc phục gần như đang bế tắc. Khiếu nại với Công ty BSI thì đã mất quyền. Xin ngoại tệ thì không có nên không thể mời chuyên gia nước ngoài vào giúp được và có mua được thiết bị về cũng cần có thời gian. Không chịu "bó tay đầu hàng", Ban Giám đốc nhà máy đã họp và quyết tâm bằng mọi cách phải sớm khôi phục lại hoạt động của nhà máy. Đồng chí Lăng, Phó Giám đốc, Bí thư chi bộ được nhà máy cử đi "gõ cửa" nhiều nơi, kể cả các đơn vị ở phía Bắc để tìm kiếm con đường khôi phục nhà máy.
Khi hỏi anh Lăng, bằng cách nào anh đã tìm ra được địa chỉ Z751 để nhờ giúp đỡ, anh trả lời:
- Người giúp tôi lần mò ra đơn vị này chính là các cơ quan thông tin đại chúng. Khi nhận trách nhiệm trước Ban Giám đốc, tôi đã chạy từ Nam ra Bắc, để gõ cửa hết nơi này đến nơi khác. Vì yêu cầu cao về kỹ thuật, chẳng nơi nào nhận giúp. Tình cờ nghe được bản tin trên Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin X27 hợp tác với Tiệp Khắc sản xuất linh kiện điện tử phục vụ trong nước và xuất khẩu, tôi liền nảy sinh ra ý định phải trở về thành phố gõ cửa đơn vị Z751 Tổng cục Kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng may ra có thể giải quyết được. Xuất thân từ một sỹ quan của quân đội, tôi đã không lầm khi tìm đến địa chỉ này để liên kết gia công cơ khí chế tạo phần vỏ máy bơm và lắp ráp hoàn chỉnh. Tuy nhiên cũng phải trải qua nhiều lần thất bại rồi thử nghiệm, lại sản xuất, cuối cùng Z751 đã thành công việc chế tạo phần vỏ máy bơm, mở ra triển vọng sáng sủa cho nhà máy trong việc khôi phục 3 vỏ máy bơm bị nứt.
Giám đốc Nhà máy còn cho tôi biết thêm tâm trạng hồi hộp, lo lắng đến ngạt thở của lãnh đạo và anh em công nhân trong ngày thử nghiệm đặt vỏ máy bơm nếu bị nổ thì sẽ làm cháy luôn cả mô tơ, gây thiệt hại thêm cho Nhà nước, và riêng với Ban lãnh đạo nhà máy lại sẽ gánh thêm tội trạng...
Không ai nói với ai nhưng mọi người có mặt hôm đó đều im lặng tự chọn trước cho mình một vị trí tương đối an toàn để đứng, vì sợ có sự cố. Sau lệnh cho máy vận hành, mọi người căng thẳng đến cực độ. Mấy cậu thanh niên ham mê bóng đá sau khi nghe tiếng máy chạy đều đều và thấy các cán bộ kỹ thuật đã kiểm tra xong các thông số kỹ thuật đảm bảo an toàn - Họ liền thở phào nhẹ nhõm và nói rằng vừa rồi tất cả đều hồi hộp hơn cả người thủ môn chuẩn bị đón bắt quả phạt đền của đối phương.
Giải quyết được 3 vỏ máy bơm thì liên tiếp 2 mô tơ máy bơm số 3 và số 1 bị cháy, gây ra những phức tạp mới, anh Lăng lại phải chạy đi khắp nơi và đã gặp được Xí nghiệp Liên hợp điện cơ thuộc Sở Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nhận giúp đỡ. Giám đốc Lê Văn Sanh nguyên là một công nhân lành nghề của Xí nghiệp trực tiếp thực hiện hợp đồng quấn lại mô tơ. Cũng như việc đúc vỏ máy bơm, việc quấn mô tơ máy bơm cũng trầy trật từ thất bại tới thành công. Ngày 10/2/1988, tức là ngày 23 tháng chạp năm Mậu Thìn nhà máy lắp đặt máy bơm số 4 nhưng không thành công vì va chạm cơ khí. Lúc này đơn vị bạn cũng có phần dè dặt, ngại ngần. Với sự quyết tâm cao của cán bộ, công nhân trong nhà máy, họ đã tháo ra toàn bộ để xử lý cắt gọn một số chi tiết và đến ngày 18 tháng giêng năm Mậu Thìn (sau gần 1 tháng) lắp đặt lại, máy chạy tốt. Trên đà thắng lợi, nhà máy tiếp tục hợp đồng làm tiếp các mô tơ cho những máy bơm khác và chiếc sau chất lượng được nâng lên so với các lần trước. Chiếc thứ nhất chỉ chạy được 3 tháng (tính liên tục số giờ chạy 24/24 giờ) thì bị cháy, chiếc thứ hai được nâng lên 3 tháng rưỡi và mô tơ thứ ba mới chạy được 36 ngày (885 giờ). Vừa qua, nhà máy lại vừa lắp đặt tiếp một mô tơ thứ tư. Như vậy, lần lượt nhà máy đã khôi phục lại hoạt động bình thường của các tổ bơm. Trước hết là tổ bơm thứ tư được khôi phục vào ngày 5/3/1988, đến ngày 30/9/1988 thì tổ bơm số 3 và 14/11, tổ bơm số 1 hoàn thành. Ngoài ra, nhà máy còn tự chế tạo van 1 chiều để ngăn ngừa nước va vào các thành tổ máy.
Tính ra phải hơn 2 năm 5 tháng, tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân toàn nhà máy với sự giúp đỡ của hai đơn vị Z751 và Xí nghiệp Liên hợp điện cơ TP.Hồ Chí Minh đã bền bỉ lao động sáng tạo, không cam chịu thất bại đưa nhà máy trở lại hoạt động đúng như thời kỳ nguyên thủy của nó (tháng 7/1984). Trong sự thành công ấy, mọi người đã ghi nhận công sức đóng góp đáng kể của kỹ sư, trưởng phòng kỹ thuật Trần Đình Lãnh và các anh Dũng, anh Tuấn... công nhân kỹ thuật có tay nghề khá trong quá trình lắp ráp thử nghiệm và đưa tổ máy vào hoạt động.
Sự kiện hồi sinh lại nhà máy nước Suối Vàng không chỉ có ý nghĩa chính trị, xã hội lớn lao và nếu tính 50% chi phí theo dự toán thì Nhà nước khỏi bỏ ra 1,7 tỷ đồng cho công trình tự phục hồi sửa chữa của nhà máy.
Trước khi ra về, tôi hỏi thêm anh Tại: - Liệu tết này, các anh có đảm bảo chắc chắn sẽ cung cấp đủ nước dùng cho nhân dân Đà Lạt không?
- Chị cứ yên tâm, đành rằng không bao giờ chủ quan thỏa mãn trước kết quả đạt được, nhưng chúng tôi khẳng định là đã có cơ sở vững chắc để đảm bảo. Nói cách khác, nhà máy đã có "van an toàn" trong quá trình vận hành.
Tôi hoàn toàn tin tưởng về lời hứa đầy thực tế đó của Giám đốc Tại. Bởi lẽ trong một năm qua, tập thể Ban Giám đốc nhà máy không hề bi quan trước thực tế nghiệt ngã. Những người cộng sản và công nhân ở nhà máy đã không "cam chịu đầu hàng". Họ đã ý thức sâu sắc rằng việc hồi sinh, khắc phục hậu quả sự cố là mệnh lệnh thiêng thiêng của cuộc sống hàng chục vạn nhân dân thành phố Đà Lạt và khách du lịch, là lương tâm và trách nhiệm trước đồng chí, đồng bào nên đã phấn đấu hết sức mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây chính là bài học của tinh thần tự lực cánh sinh, tinh thần tự chủ dân tộc, năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm theo tinh thần đổi mới của Đảng.
TUYẾT MAI
Tên thật: Hà Tuyết Mai
Sinh năm 1951
Tốt nghiệp Đại học Báo chí khóa I
Trường Tuyên huấn Trung ương - Hà Nội
Hiện là Biên tập viên Báo Lâm Đồng
Huy Chương "Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam".
(BLĐ, Xuân Kỷ Tỵ 1989)