nh tên NTC quê gốc ở Phước Long. Anh sinh năm 1953, học hết lớp 7 thì theo gia đình lên Đà Lạt. Ba anh là một chủ đồn điền giàu có ở An Lộc. Vì loạn lạc nên cả nhà dắt díu nhau lên xứ sương mù lập nghiệp. C là con trưởng, học giỏi, hát hay và
là ban trưởng Ban Văn nghệ trường Trí Đức hồi đó (giờ là trường Quang Trung). Năm 1970, C tốt nghiệp tú tài và nếu cuộc đời cứ xuôi lặng như thế thì chẳng có gì để nói cả. Cuối năm 12, C bị bạn bè rủ rê hút bạch phiến. Dân chơi Đà Lạt (lớp
giàu có) ai cũng biết tiếng "Năm lùn" (tên dân chơi đặt cho C). Là con một điền chủ, sẵn nhà có tiền, C vung vít không tiếc tay. Khách sạn, nhà hàng hạng sang nào cũng cung kính Năm Lùn. "Ăn chơi như thế tiền núi cũng hết chú ạ". Anh C tâm
sự với tôi bên chén rượu nóng trong một chiều mưa Định An lúc tôi đến thăm gia đình anh chị. C nhìn ra ngoài cửa sổ, trời vẫn mưa, cơn mưa mù ở cao nguyên đến là dai dẳng. Tôi sốt ruột nhắc anh. Thế rồi sau đó thế nào anh? Sau đó thì tôi như
một đại nạn của gia đình - giọng C chìm vào tiếng mưa.
C lúc này trước mắt mọi người chỉ là một thằng "xì ke" đáng nguyền rủa. Năm 1975, C cưới vợ, vợ anh không hề hay biết là anh nghiện ma túy. Sau khi sinh đứa con đầu lòng chị mới phát hiện ra. Vật vã, khuyên lơn, thậm chí van xin và nước mắt của chị đều vô nghĩa trước mãnh lực của "cô ba phù dung". C cứ say sưa, đam mê đến điên cuồng, liều lượng chích hút của anh ngày càng tăng lên khủng khiếp. Năm 1992, nhà anh sa sút thực sự. Ba anh coi anh như đã chết. Cãi vã xảy ra thường xuyên. Từ năm 1975 đến năm 1990, C trải qua 3 cú sốc lớn. Ba đứa con lần lượt bỏ anh mà đi. Trong thời gian đó, C 3 lần đi cai nghiện nhưng cả 3 lần anh đều tái nghiện. Năm 1993, C bỏ nhà ra đi. Trong thời gian lang thang đây đó, C kiếm sống bằng gì? Về hình thức là lượm ve chai nhưng vô nhà người ta thấy có quần áo phơi ở dây, nhìn trước nhìn sau không có ai là bỏ lẹ vô bao liền. Nếu nhà nào khá thì ăn mặc lịch sự, giả vờ hỏi thăm nhà anh Dũng, anh Quang nào đó, tiện thể nếu không có người nhà thì "xách" luôn đồ đạc của họ, bất kể đó là thứ gì, miễn sao bán có tiền. Băng của C gồm 6 đứa, tuổi từ 25 đến 35 và C làm băng trưởng. Các băng giang hồ ở Sài Gòn như "Năm Bốc", "Tư Lửa" đều là dân quen với Năm Lùn. Ngày thì "trút" (chờ người ta ăn xong, nếu đĩa còn dư thì nhào "zô" trút hết vô bao, "cốc" (ăn xin giả dạng) tối đến thì "chỉa" (lẻn vô nhà, quán hàng ăn cắp).
Ngày qua ngày, anh đùa chua chát "một ngày như mọi ngày". Không ai có thể tưởng tượng một chàng trai trường Trí Đức năm xưa, học giỏi, hát hay trở thành một kẻ "không gia đình". Nhiều lúc tôi muốn bỏ, cai nhưng không thể làm chủ được mình. Lúc con tôi chết (đứa con thứ hai) tôi quyết bỏ nhưng những lúc không có thuốc tôi lại thấy cô đơn, tuyệt vọng; lúc chích vào một "đô" thì thấy con tôi chạy về ôm tôi, cười với tôi. Thế là tôi cứ chích để tìm "ảo giác". Vợ tôi đang ly thân nhưng vẫn luôn theo dõi từng bước đi của tôi. Cho đến một hôm, vào dịp gần tết năm 1993, C đang ngồi đánh bài với mấy đệ tử trong nhà một cô "bồ nhí" ở Bồng Lai (Đức Trọng) thì em trai bước vào nước mắt dàn dụa: "Ba mất rồi, anh Hai ơi!". C cuống quít nhảy lên xe của đứa em phóng như bay về Đà Lạt. Khổ một nỗi, ngay chính lúc này cơm thèm thuốc lại nổi lên (dân kene gọi là "vả"), C quên mất người cha xấu số, trong đầu chỉ còn một ý nghĩa duy nhất: Phải làm một "mũi" trước đã. Anh cho người em chạy về nhà trước, còn mình ghé vào động chích. Thỏa mãn cơn "vả", C chạy về sụp quỳ trước quan tài của ba anh khóc nức nở.
Ngày xưa khi bỏ nhà đi, anh cứ nghĩ ba anh ghét anh nhất. Nhưng sau này nghe người nhà kể lại, trong giây phút cuối đời, người chủ đồn điền già kêu mãi tên người con trai đầu lòng. C tự xỉ vả mình, anh đem hết "đồ nghề" chích hút tế trước mộ ba anh với lời thề độc: "Nếu con không bỏ được ma túy, con xin làm ma không nhà".
Sau đó một thời gian, người ta không thấy C đâu nữa, giới giang hồ kháo nhau "Năm Lùn đi Thái Lan rồi".
Kỳ thực "Năm Lùn" đang vật vã ghê gớm tại nhà để tự cai. Vợ anh, chị LTH - người vợ thủy chung lại nhiệt thành hơn bao giờ hết. Chị lo cho anh từng tấm áo, chén cơm, phục vụ anh hết mình với một tâm nguyện - cầu trời cho anh vượt qua được - có lẽ đây là nguồn động viên lớn nhất đối với C. Vì như lệ thường người nghiện ma túy, 100 người thì 98 người vợ bỏ. Hơn 20 năm làm vợ một giang hồ lại là dân kene, chị đã nếm bao tủi cực, có lúc chị tuyên bố ly thân để anh tự tu tỉnh.
Đầu năm 1994, anh tự nguyện vào Trung tâm cai nghiện Bình Triệu, sau đó chuyển lên Đăklăk lao động sản xuất. Tháng 1-1995, anh được về Trung tâm bảo trợ xã hội Lâm Đồng (cơ sở 3 tại Đức Trọng). ở đây anh cũng nhiệt tình làm việc, làm gương sáng cho anh em cùng cảnh ngô noi theo, cùng anh em sắp xếp chỗ ăn ở, tổ chức những đêm văn nghệ "Hát cho nhau nghe". Mọi người lại thấy C say sưa ôm đàn hát "Đừng tuyệt vọng tôi ơi, đừng tuyệt vọng" của Trịnh Công Sơn.
Giờ đây, tôi đang ngồi trong ngôi nhà mới cất của anh chị, tuy đơn sơ nhưng ấm cúng. Chị H, vợ anh tâm sự: Sau khi anh hồi gia (trở về nhà) được các anh ở Sở LĐ-TBXH quan tâm, hướng dẫn làm dự án vay vốn. Vợ chồng tôi có được một khoản tiền để đầu tư trồng hồng và chăn nuôi. Huyện Đức trọng cấp cho một sào đất canh tác. Vợ chồng quyết định rời Đà Lạt về Định An lập nghiệp coi như làm lại từ đầu vậy - (chị cười) - Tôi mở thêm cái quán nho nhỏ để có thêm thu nhập, đời sống cũng đỡ rồi chú ạ!
Nhìn những cây hồng đang bén đất xanh mơn mởn, tôi thầm cầu chúc cho anh chị có được điều mong ước nhỏ nhoi là được sống bình thường như bao người khác. Anh "Năm Lùn" xưa đang say sưa với vùng đất mới và chờ đón một tương lai bình dị, tốt đẹp và cả bầu trời Định An dường như sáng hơn lên trên mảnh vườn của anh.
TRẦN THANH HOÀI
Sinh năm 1972
Tốt nghiệp Ngữ văn - Đại học tổng hợp Đà Lạt
Hiện công tác tại Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng.
(BLĐ số 1140 - ngày 18.8.1995)