Lâm Đồng những bài báo chọn lọc

  

ĐỊA ĐẠO BÍ MẬT Ở DINH I

Tháng 5, bầu trời Đà Lạt trong và xanh hơn. Tôi chợt giật mình nhớ lại: mới đó mà đã 20 năm sau giải phóng! Dọc theo đường Trần Hưng đạo đến ngã ba Trại Hầm, chúng tôi rẽ phải đi về hướng Dinh I. Nơi đây, trước năm 1975 đã từng là tổng hành dinh của Cựu hoàng Bảo Đại khi xây dựng "Hoàng triều cương thổ" và sau đó là nơi nghỉ dưỡng và làm việc của Tổng thống Ngô Đình Diệm mỗi độ xuân, hè. Cảnh vật vẫn như xưa, nhưng không gian thì tĩnh mịch, vắng lặng đến lạ lùng - như bao trùm trên từng phiến đá, cụm hoa xinh xắn kia bao điều bí hiểm. 

Sau khi đưa tôi đi tham quan một vòng, đến phía sau Dinh, bác Nguyễn Đức Hòa - người hầu cận thân tín của Cựu hoàng Bảo Đại dừng lại. Ngần ngại, đắn đo một chút bác nói: 

- Còn một điều quan trọng nữa mà tôi chưa kể cho cậu nghe đó là đường hầm bí mật trong dinh này. 

- Thật vậy sao bác? Tôi mừng rơn và kinh ngạc. 

Vẫn bằng một giọng Huế thật nhẹ nhàng và trầm lắng, bác Hòa kể: 

"Hồi ấy, trước khi Nhật đảo chính Pháp năm 1945, một đường hầm bí mật đã được lính Nhật đào từ phía sau Dinh I thông ra đến tận Dinh II dài gần 3, 4 cây số. Đường địa đạo ni băng qua Sở Điện, rẽ nhánh vào các biệt thự 11, 16, 18, 26... nằm trên đường Paul Doumer nay là đường Trần Hưng Đạo nhằm bắt sống các quan Tây trong Dinh Toàn quyền và các vila. Không biết lính Nhật đào từ bao giờ và đưa đất đá đi đâu nên các quan chức ở đây không phát hiện được. Mấy năm sau ngày giải phóng một số đường hầm bị sập chúng tôi phải dùng đất đá lấp lại". 

- Còn nguồn gốc của Dinh I như thế nào hả bác? - Tôi hỏi. 

- Trước đây là Sở chăn nuôi của một người Pháp tên là Puộc Dary. Cuối năm 1951 đầu năm 1952 thấy vị trí khá đẹp lại yên tĩnh nên cựu hoàng Bảo Đại quyết định bỏ ra 500.000 đồng để mua và sửa sang lại toàn bộ nhằm có nơi làm việc cho các quan trong "Hoàng triều cương thổ". Lúc ấy, có ông chế Chuẩn là "gác dan" của Sở cũng được nhận vào tiếp tục phục vụ. Khi về xây dựng Dinh, chúng tôi mới phát hiện ra đường hầm bí mật. Đức Kim Thượng căn dặn tuyệt đối không được ai hé răng. 

Năm 1956, khi Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống, bác Hòa được điều về phục vụ tại Dinh I nên bác có điều kiện biết rõ hơn về ngóc ngách của đường hầm bí mật này. Theo lời kể của bác Hòa thì cứ vào buổi trưa khi mọi người đã ra về, với bản tính tò mò bác cùng một vài người bạn thân phục vụ trong Dinh như ông Lê Kỷ, ông Soáng, ông Dinh... lẻn xuống đường hầm bí mật cầm theo đèn pim mò vào sâu hơn 500 m, phát hiện thấy có khá nhiều dơi đậu trên các chùm rễ cây, bắt về chiên ăn khá ngon. Năm 1957, 1958 Phạm Phú Quốc thả bom Dinh Độc Lập, ông Diệm sợ quá liền cho gọi nhà thầy Phan Xứng đến yêu cầu cho đổ bê tông xây đường hầm bí mật để thoát thân phòng khi gặp bất trắc. 

Đường địa đạo bí mật được xây từ tầng hai của Dinh, có tam cấp đi xuống phòng làm việc, phòng khách ra sân sau đến bãi đáp máy bay trực thăng, và nằm sâu dưới lòng đất hơn 10m nên xem ra khá an toàn. Để xây dựng được đường hầm này, người ta đã huy động trên 20 thợ hồ, thợ sắt lành nghề làm việc liên tục trong gần 2 năm, ăn ở tại chỗ. Năm 1960 chẳng may một số nơi bị rạn nứt nên phải đào lên đổ bê tông lại. 

Nhằm đảm bảo bí mật, Ngô Đình Diệm đã cho xây cửa vào đường hầm ngay cạnh đầu giường trong phòng ngủ của ông ta. Phía trước được ngụy trang bằng một giá sách, chỉ cần đẩy nhẹ sang một bên là bước vào cửa sắt dẫn xuống đường hầm. Nếu đi từ phía toilet thì chỉ cần đẩy thêm bức vách là bước ngay vào miệng hầm bí mật. Ông Diệm thường xuyên dặn dò bác Hòa - người biết rõ duy nhất rằng: "không biết, không nghe, không thấy nghe chưa!". Bác Hòa tâm sự: "Cứ mỗi lần ông Diệm điện "sắp lên" thì tôi phải hì hục lau dọn đường hầm suốt mấy ngày đêm. Và lúc nào cũng vậy, khi vừa đặt chân đến Dinh thì ông Diệm cũng vội vàng xuống kiểm tra an toàn của đường hầm bí mật trước tiên. Bên dưới đường hầm có 3 phòng: phòng nghỉ ngơi và làm việc cho tổng thống, phòng điện đài cơ yếu và phòng bảo vệ". 

- Nghe nói sau khi xây dựng xong địa đạo này số người thợ làm đường hầm bị tổng thống cho mật lệnh phải xử tử bí mật để đảm bảo an toàn phải không bác? Tôi hỏi. 

- Người ta đồn rứa, chứ tôi không biết thực hư răng mô. 

Theo chân bác Hòa tôi bước vào đường hầm bí mật của Dinh I. Một cảm giác rờn rợn khiến tôi nổi gai ốc. Tôi tự hỏi để đổi lấy ngai vàng và sự an toàn tính mạng cho một vị vương đế như Bảo Đại và một tổng thống độc tài như Ngô Đình Diệm, cách đây 40 năm có bao nhiêu người dân lương thiện của xứ sương mù và cả miền Nam này phải đổ máu và gục chết một cách oan uổng trong vòng bí mật!? 

BÍ MẬT VỀ ĐƯỜNG HẦM DINH TOÀN QUYỀN DECOUX (DINH II) 

Rời Dinh I - Tổng hành dinh của Cựu hoàng Bảo Đại và cũng là nơi nghỉ dưỡng của Ngô Đình Diệm vào một chiều hửng nắng men theo con đường trải nhựa quanh co, ngập đầy bóng thông, chúng tôi đi về hướng Dinh Toàn quyền Đông Dương: Jean Decoux. 

Từ xa, ngôi biệt thự thấp thoáng trong lá chợt hiện ra như một tòa lâu đài của cổ tích. Được biết Dinh Toàn quyền Decoux xây dựng từ năm 1933 với sự tham gia thiết kế của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - nguyên Chủ tịch Chính phủ CMLT Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 

Có lẽ cho tới bây giờ nhiều cụ già ở "xứ sở ngàn hoa" này vẫn chưa quên giai đoạn lịch sử 1940-1945 - một thời kỳ được xem là "hưng thịnh" nhất của Đà Lạt. Lúc ấy, chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, các quan chức người Pháp không còn điều kiện về chính quốc để nghỉ dưỡng nên phần lớn đổ xô lên thành phố sương mù. Toàn quyền Decoux có ý đồ dùng Đà Lạt làm miền đất dung thân nếu chẳng may nước Pháp rơi vào tay Đức. Trong một bữa tiệc mở tại Dinh Toàn quyền - nhằm chiêu đãi Bảo Đại. Decoux đã trịnh trọng nâng cốc chúc mừng hoàng đế An Nam và đọc câu sấm Trạng Trình: "Hoành sơn nhất đái, Vạn đại dung thân". Ông Phạm Quỳnh hiểu được ý đồ của Decoux nên đã giải thích quanh co theo nghĩa: "Thời đại Pháp hóa, Đà Lạt là nơi mà Pháp quốc cộng hòa và triều đình Đại Nam muôn đời gắn bó mật thiết với nhau"(!). Giải thích này không đúng, nhưng phù hợp với mong muốn của Bảo Đại và chủ định của Decoux, vì chính Decoux đã phác họa ra tương lai của Đà Lạt sẽ trở thành thủ phủ của Đông Dương khi cho kiến trúc sư Lagisquet hoàn tất đồ án thiết kế thành phố này theo ý của mình vào năm 1942. Sau đó, Phủ Toàn quyền và một số cơ quan trọng yếu của Pháp đã dọn lên làm việc tại Đà Lạt. Nếu Nhật không đổ bộ Đông Dương kèm theo biến cố: Nhật đảo chính Pháp năm 1945 thì Đà Lạt trở thành thủ đô của 3 nước: Việt, Miên, Lào! Nhưng lịch sử không xoay chuyển theo con đường ấy, chiến tranh Đông Dương bùng nổ, Đà Lạt bỏ ngôi Hoàng hậu từ đó. 

Một số cụ già kể rằng từ ngày "chuyển hộ khẩu thường trú" về Dinh II, Toàn quyền Jean Decoux đã ra sức xây dựng những đường hầm bí mật thật kiên cố nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ngài và gia đình... 

Theo chân hai anh bảo vệ Dinh Toàn quyền chúng tôi "tham quan" những gian phòng làm việc, tiếp khách, phòng ngủ... cực kỳ sang trọng của Decoux và phu nhân. Sau đó, xuống cầu thang qua khỏi khu nhà bếp nằm dưới lòng đất, băng qua hầm chứa rượu, đi vào đường hầm bí mật. Đường hầm rộng chừng 1m5, cao hơn 1m, có nhiều ngách. Tất cả đều được đổ bê tông ngon lành. Đi sâu vào đường hầm độ 10m, đèn pin hầu như mờ hẳn vì bóng tối dày đặc, không phát quang được và không nhìn thấy gì chung quanh. Hoảng quá, chúng tôi vội vàng rút lui. Ra phía trước Dinh, men theo triền đồi chúng tôi phát hiện được một số nơi đất sập và vết nứt. 

Bác Nguyễn Đức Hòa - người hầu cận thân tín của Bảo Đại và sau đó cũng chính là người phục vụ đáng tin cậy của mấy đời "nguyên thủ quốc gia" kể: "Năm 1964, tướng Nguyễn Khánh lên nắm chính quyền đã chọn Dinh II này làm tổng hành dinh trong mùa nghỉ mát. Trước đó, nơi đây là "tổ ấm" của Trần Thị Lệ Xuân và Ngô Đình Nhu. Từ ngày về Dinh II, Nguyễn Khánh đã tu bổ và cho xây thêm các đường hầm bí mật ra đến tận sườn đồi theo hướng Đông Nam và Tây Bắc - để "dĩ đào vi thượng sách" khi chẳmg may có đảo chính(!). Năm 1972, tại Dinh Toàn quyền đã xảy ra sự cố: Quân giải phóng bất thần tấn công vào Dinh, đánh sập dãy nhà của Liên binh phòng vệ phía trước (nay là khu văn phòng), làm chủ Dinh II một ngày một đêm, sau đó rút lui. Sau năm 1975 nhiều đường hầm bí mật ở đây bị sập nên người ta đã cho dùng đất đá lấp lại. Theo anh Lê Vĩnh Hòa - Giám đốc Cty EDC Lâm Đồng cho biết: "Nếu như năm 1993, chỉ có 45.000 lượt khách đến tham quan Dinh Toàn quyền Decoux, thì năm 1994 đã tăng lên 56.000 lượt, trong đó có 25% là khách nước ngoài!". Thế nhưng, theo chúng tôi nếu những đường hầm bí mật nối liền Dinh Toàn quyền với Dinh Bảo Đại được đầu tư phục hồi và cho du khách đến tham quan thì chắc chắn lượng du khách đến đây sẽ còn đông hơn gấp nhiều lần. 

Bóng chiều dần buông trên những đọt thông xanh biếc nối dài từ Dinh Bảo Đại đến Dinh Toàn quyền Decoux, phủ một màu vàng nhẹ lên đất trời Đà Lạt. Hai ngôi Dinh vẫn đứng đó sừng sững với những nét cổ kính, huyễn hoặc như thách thức ai đó có máu phiêu lưu, mạo hiểm hãy đi tìm những đường hầm bí mật còn ẩn sâu trong lòng đất của thành phố sương mù một thời vang bóng này. 

TRÚC PHƯƠNG

Tên thật Trương Phúc Ân

Sinh năm 1960

Tốt nghiệp ngữ văn - Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh

Hiện là CTV Báo Tiền Phong.

(Đà Lạt nguyệt san - số 9, tháng 6.1995)

Lâm Đồng những bài báo chọn lọc