ắt đầu từ một mồi lửa được nhóm lên từ nắm cỏ khô hay một miếng cao su mà người làm than mang theo - lập tức hàng triệu thân cây còn tươi rói "hóa thân" thành kiếp khác và người ta đem bán nó khắp phố cùng chợ, kiếm miếng cơm manh áo hàng ngày.
Nghề làm than cực lắm anh ạ! - Mẹ con chị H ở thôn 4 xã Mê Linh huyện Lâm Hà tâm sự với chúng tôi như vậy. Suốt ngày lửa củi liếm vào da thịt nóng bừng. Mặt mũi và cả trong hơi thở nữa dính đầy bụi bặm và đen nhẻm. Đến miếng cơm nuốt vào bụng
cũng thấy nghèn nghẹn. Tuy thế, để đổi lại là giá trị ngày công khá cao. Một kg than bán được 800-1000 đồng; cả ngày hì hục cũng kiếm được 40-50 kg. Tính ra người làm than dễ dàng bỏ túi trên dưới 50 nghìn đồng mỗi ngày.
Thị trường tiêu thụ mặt "hàng đen" này đang rộng mở, nhất là ở các trung tâm thành thị tập trung nhiều cư dân có đời sống vừa ổn, trung bình. So với những nguyên liệu chất đốt khác như dầu lửa, điện hay gas... thì than củi luôn luôn rẻ hơn mấy chục lần. Trung bình 1 kg than/1000 đồng có thể "đun sôi, nấu chín" 2 đến 3 ngày ăn của một gia đình lý tưởng "một vợ, một chồng và 2 con". Chính vì thế mà than củi được tiêu thụ khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân thành thị. ở Đà Lạt có hơn 70% gia đình sử dụng chất đốt bằng than - mỗi ngày tiêu thụ trên 8 tấn. Đó là chưa kể các địa bàn khác trong toàn tỉnh như Di Linh, Đức Trọng và TX Bảo Lộc. Ngoài ra mặt "hàng đen" này còn xuôi về TP. Hồ Chí Minh. Trên trục lộ 20 như ngã ba Phi Liêng, TT Mađagui là những điểm mà mặt "hàng đen" này được "ốp" đi nhiều nhất.
Do thị trường tiêu thụ kích thích đến như vậy nên nghề làm than càng được nhiều người tham gia khai thác, bất chấp cả việc vi phạm lâm luật. Đến nay chưa có con số chính xác của số lượng than củi được khai thác để tiêu thụ trong tỉnh và chở đi các nơi trong ngày. Cầm chắc là phải đến hàng chục tấn trở lên. Những địa bàn có tốc độ và số lượng khai thác than củi lớn nhất hiện nay là Sơn Điền - huyện Di Linh, Mê Linh - huyện Lâm Hà: hơn 8 tạ/ngày. Về xã Mê Linh, chúng tôi tìm hiểu và được biết: ngoài 2 thôn trung tâm thì 4 thôn vùng sâu còn lại đều sống nhờ nghề làm than, trong đó số hộ di dân tự do chiếm phần nhiều. Ông Chanh - Chủ tịch kiêm Bí thư xã phát biểu: Nếu được nhìn tận mắt công việc làm than này mới chứng kiến hết "sức công phá" rừng của nó đến mức nào, nó tai hại gấp mấy chục lần khai thác gỗ. Để đốt một bếp than có trọng lượng 30 kg, tính ra phải mất tới 7-8 m3 gỗ bị thiêu rụi. Chúng tôi hỏi chị H: - Kiểm lâm ở đây có bắt phạt những người làm than như chị không? Chị H trả lời: - Họ cũng bắt ghê gớm lắm chớ. Có điều chỉ tịch thu dụng cụ như rựa, rổ sàng và bao đựng mà thôi. Ông Mạnh - Phó Chủ tịch kiêm trưởng CA xã giải thích thêm: Việc ngăn chặn nạn phá rừng qua nghề làm than này vẫn không sao xuể được. Bằng cách này hay cách khác, bà con vẫn lén lút hành nghề. Cũng bởi tại lượng "cung và cầu" quá lớn. Những người buôn vào tận xóm thôn để thu mua tại chỗ với giá cả mỗi ngày một cao: 700 đồng rồi 800 đồng và bây giờ lên đến 1000 đồng/kg.
Như vậy loại "hàng đen" này đã quá "cao giá" và hấp dẫn người tiêu dùng như ma lực thật sự. Và như một "tỉ lệ thuận cay nghiệt" xảy ra: Than củi càng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đời sống nhân dân lớn bao nhiêu thì hậu họa phá rừng càng xảy ra nhanh chóng và dữ dội bấy nhiêu. Bởi nó không như các chất đốt khác mà nó là kết quả của hành vi hủy diệt rừng và môi trường sống của chính con người. Vì thế báo động các ngành chức trách có liên quan nhanh chóng có biện pháp nhằm hạn chế mặt "hàng đen" này bằng cách: ngoài việc thực thi triệt để những hành vi vi phạm lâm luật còn phải đề ra mức thuế hợp lý (có thể rất cao) đối với những người thu mua và buôn bán than củi.
Có lẽ những biện pháp ấy chỉ mang tính đối phó chứ chưa phải là "thượng sách" khi mà các nguồn năng - nhiệt lượng như điện, gas, dầu lửa và cả khí đốt chưa hạ được giá thành cho người sử dụng và tiêu dùng.
NGUYỄN ĐÌNH
Trên thật Nguyễn Đình Đối
Sinh năm 1969
Tốt nghiệp Ngữ văn - đại học Tổng hợp Huế
Hiện là phóng viên Báo Đắc Lắc.
(BLĐ số 1143 ngày 29.8.1995)