ừ trên đỉnh đồi cao ở trung tâm thị trấn Nam Ban, bên dòng suối Cam Ly êm đềm chảy, nhìn ra bốn bề đều gặp một màu xanh ngút ngàn của cà phê, chè, dâu, lúa... nhấp nhô trong màu xanh tươi tắn ấy là những mái ngói đỏ tươi, những con đường đất đỏ
Bazan mang tên phố phường Hà Nội - Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng đang từng ngày đổi sắc thay da sau 18 năm xây dựng, từ một vùng rừng núi hoang vu, trở thành vùng dân cư đông đúc của huyện mới Lâm Hà. 18 năm, khoảng thời gian không
dài so với lịch sử một vùng đất, nhưng đã đủ thời gian để khẳng định được bản lĩnh và ý chí quyết tâm của người Hà Nội ở vùng đất mới trên cao nguyên.
Ngày ấy (10.10.1975), người người Hà Nội đang tưng bừng tổ chức lễ kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô trong niềm vui đất nước được hoàn toàn thống nhất, thì đoàn cán bộ đầu tiên do anh Nguyễn Xuân Bảy, Thành ủy viên; anh Trần Duy Dương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội dẫn đầu đã lên đường vào Lâm Đồng, khảo sát vùng đất mới, làm tiền đề cho việc khai hoang mở đất, tạo nên vùng kinh tế mới Hà Nội ngày nay trên cao nguyên Lâm Đồng. Nam Ban - Lán Tranh sau vùng giải phóng là một vùng rừng xơ xác, mang đầy thương tích của bom đạn Mỹ tàn phá, lau sậy ngập đầu, ruồi vàng vắt xanh, muỗi vằn, thú dữ và những quả mìn của địch cài còn sót lại đã trở thành tai họa cho những người đi khai hoang mở đường. Nhưng với sứ mạng đi mở thêm một vùng đất mới cho Tổ quốc, trên 100 thanh niên xung kích là những trai thanh gái lịch của thủ đô đã lên đường, không sợ khó khăn gian khổ, ngoài hành trang cần thiết, họ còn được trang bị thêm cả súng đạn để tự bảo vệ. 8 tổng đội thanh niên xung kích, với hơn 2.000 thanh niên cũng đã xung phong vào mở đường, khai hoang, lập lán trại. Những ngày đầu gian khó, thiếu cơm, nhạt muối, sốt rét rừng... vẫn không làm nản lòng những thanh niên xung kích thủ đô, một cuộc chiến đấu thật sự với thiên nhiên, với kẻ thù và với chính bản thân mình để chiến thắng mọi khó khăn, trở ngại, lập nền móng cho hàng chục điểm dân cư trên một vùng đất mới trải dài trên 5 vạn ha. Một vùng rừng núi hoang vu được cày xới, chia lô thành những khu: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm... quen thuộc. Khi thủ đô Hà Nội đưa những hộ dân đầu tiên vào xây dựng quê mới thì trường học, trạm xá, chợ búa đã mọc lên. Nhà văn hóa 10.10 được hoàn thành song song với các cơ sở hành chính của vùng. Sự sống mới sôi động, đánh thức tiềm năng của vùng đất bazan màu mỡ ở Nam Tây nguyên, mà phải mất nhiều năm, người Hà Nội đã cùng vùng đất này thao thức, trăn trở, lặn lội, tìm kiếm, phát hiện, sáng tạo mới chọn được hướng đi đúng, một cách làm ăn chắc. Hơn 5 năm vật lộn, trồng ngô, gieo lúa đồi, trồng cây công nghiệp... Thành công - thất bại bà con Hà Nội đều nếm trải, vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng mới khẳng định được cơ cấu cây trồng: cây công nghiệp dài ngày cộng với chăn nuôi đại gia súc và khai thác vùng sình lầy cấy lúa nước. Từ định hướng đó, những nương dâu, đồi chè, vườn cà phê được hình thành và phát triển. Sản phẩm từ cây công nghiệp đã kéo giữ được người Hà Nội ở lại với vùng đất mới, con số 95% dân bám trụ bước đầu đã khẳng định được điều đó.
Đất lành chim đậu, vùng KTM Hà Nội hôm nay không chỉ có người Hà Nội mà còn có người Hà Bắc, Hà Tây, Hà Nam Ninh, Nghệ Tĩnh đến lập nghiệp. Từ một vùng có 2.000 ha dâu với hơn 2.000 hộ trồng dâu nuôi tằm, mỗi tháng sản xuất từ 130-160 tấn kén tằm, 500 ha chè, 2.000 ha cà phê. Hệ thống điện trong vùng đã có 9 trạm biến thế, 104 km đường dây trung - hạ thế, đưa điện lưới quốc gia về phục vụ trên 30% số xã trong vùng. Thị trấn Nam Ban - "thủ phủ" của vùng KTM Hà Nội cũng đã có trên 800 ha dâu với 1.860 hộ nuôi tằm, mỗi năm thị trấn bán ra 850 tấn kén, 300 tấn cà phê nhân, 100 tấn chè búp tươi; toàn thị trấn có 20% số hộ có thu nhập trên 30 triệu đồng một năm, 60% số hộ đã có nhà lợp ngói, trên 50 hộ đã có xe vận tải, xe ôtô, 18 hộ đã lập được trang trại trồng chè, cà phê, dâu tằm và chăn nuôi đại gia súc. Dân số Nam Ban - Lán Tranh hiện nay đã tăng 2,5 lần, sản lượng lương thực tăng gấp 3 lần, diện tích canh tác, đàn gia súc tăng 2 lần, đây là những con số sinh động giúp ta hiểu thêm về con người và vùng đất mới.
Vùng KTM Hà Nội hôm nay "dẫu chưa toàn hoa thơm, trái ngọt" vẫn còn nhiều trăn trở để thích nghi với cơ chế thị trường, toàn vùng không còn hộ đói, nhưng vẫn có hộ nghèo do thiếu vốn, thiếu lao động...; trường lớp chưa được xây dựng kiên cố, khang trang; phương tiện y tế, khám chữa bệnh còn nhiều thiếu thốn, đường sá đi lại còn khó khăn, đời sống văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu của người Hà Nội. Những người lãnh đạo hôm nay vẫn đang trăn trở tìm phương hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng phát triển và mở rộng vùng cây công nghiệp, vùng nguyên liệu tập trung với mong muốn xóa được hộ nghèo, tăng nhanh hộ giàu... Nhưng những thành quả đạt được của 18 năm qua đã khẳng định được ý chí của người Hà Nội đã tự lực, tự cường tạo ra được sản phẩm hàng hóa phong phú cho xã hội, họ đã làm giàu cho quê hương mới và cho chính gia đình mình, đồng thời đã gây được ấn tượng tốt đẹp cho các cấp lãnh đạo và bè bạn bốn phương khi về thăm vùng đất này.
Năm nay, kỷ niệm 40 năm giải phóng Thủ đô, người Hà Nội trên Cao nguyên cũng náo nức đợi chờ, dù ở cách xa Thủ đô trên 1500 km nhưng bà con vẫn hướng về thủ đô và nhắc nhiều đến những người đã có công trong những ngày đầu mở đất, những bác Đồng, bác Hà, chị Mão, anh Bảy, anh Dương... mà thế hệ trẻ hôm nay có người chưa hề biết mặt, nhưng sẽ mãi mãi ghi nhớ công ơn của người đi trước để phấn đấu xây dựng quê hương mới ngày càng giàu đẹp hơn. Đất đai chắc chẳng phụ công người, các xã KTM của Thủ đô Hà Nội rồi đây sẽ trở thành những điểm sáng trên Cao nguyên xanh giàu tiềm năng này.
KIM QUY
Sinh năm 1950
Tốt nghiệp Hóa học - ĐHTH Hà Nội
Nguyên phóng viên chiến trường Bình Trị Thiên
Hiện là Trưởng Phân xã TTXVN tại Lâm Đồng
THU HIỀN
Sinh năm 1953
Nguyên là chiến sĩ quân giải phóng
Hiện là phóng viên TTXVN tại Lâm Đồng
(BLĐ số 1053 ngày 11.10.1994)