Lâu mới lại được dịp lên Đà Lạt. Đèo Ngoạn Mục thật thích mắt. Mỗi khúc ngoặt lại gần thêm tới cổng trời. Ngồi trên xe cảm giác như bay vào không trung. Dưới kia là thị xã Phan Rang nóng như thiêu. ở trên đỉnh đèo này gió hiu hiu lạnh như thời tiết sắp sang mùa. Càng lên cao con đường càng rười rượi trăng. Có ai đó hỏi:
- Dưới kia là cái gì?
Anh lái xe thầm thào trong gió: Thủy điện Đa Nhim!
Nhìn xuống là cả một dòng ánh sáng dài chảy từ trên cao xuống chân núi. Dọc hai ống nước thủy điện Đa Nhim mắc tới hàng ngàn bóng điện. Đèo Ngoạn Mục ban ngày đã ngoạn mục rồi, về đêm càng ngoạn mục hơn. Nhà máy thủy điện dẫn nước từ Đà Lạt về rồi lại kéo ngược lên Đà Lạt, một phần thắp sáng cho thị xã Phan Rang.
Mấy lần chui qua mấy ống nước. Mây là là dưới bánh xe. Đêm lạnh và yên tĩnh. Ai cũng lấy áo ấm ra mặc, không ai nghĩ bây giờ là mùa hè. Ngước lên như cửa ngõ thiên đàng, ngàn thông hát dưới trời sao.
Xe rì rì lên dốc chậm chạp. Một giờ khuya mới tới Đà Lạt. Anh lái xe có tên là Kiếm quê ở Đức Trọng hỏi chúng tôi về đâu. Chúng tôi nói là về "Trại sáng tác Đà Lạt". Anh Kiếm nói quê ở đây mà cũng không biết trại nằm ở đâu. Anh vừa chở chúng tôi đi vừa tìm người hỏi đường. May mà gặp hai mẹ con bán trứng vịt lộn đêm. Cô con gái vui vẻ chỉ dẫn cho, chúng tôi mới tìm được tới nơi.
Khi chia tay anh Kiếm còn hẹn hôm sau sẽ đến thăm chúng tôi. Anh còn trẻ, hăm ba hăm tư gì đó. Gầy và nhanh nhẹn. Biết chúng tôi là nhà văn, đi đường nghỉ uống nước anh xin được trả tiền. Anh là người đầu tiên cho chúng tôi ấn tượng về Đà Lạt. ở đây rất quý tình người.
Tôi đi nhiều nơi, nhớ nơi nào là nhớ con người ở đó. Tôi vốn không mê những bức tranh phong cảnh không có người. Nhiều khi tôi tự nhạo mình, hay là sinh ra ở nơi rừng sâu núi thẳm đi cả ngày không gặp ai nên mới thèm người đến thế. Tôi tự hỏi rồi tự trả lời. Cả ngàn câu không câu nào đúng. Tôi đã đi qua cả trăm vùng đất, ngủ lại trăm miền quê, ở nhà cũng không được yên hai tháng. Bốn mùa tôi chỉ háo hức được đi. Đến đâu tôi lại mến người nơi đó, chưa hiểu người nơi đó thì còn ở. Nhưng khi hiểu rồi đi lại nhớ, lòng người nơi đó neo giữ lòng tôi lại và cứ thế tôi lại mắc nợ nghĩa, nợ tình. Tôi vốn yêu con người đến cả tin. Tôi thầm ước đi đâu cũng gặp người tốt như lên Đà Lạt lần này...
Lần đầu biết mùa mưa Đà Lạt, tôi không tin mưa dài như thế. Người dân ở đây gọi là mưa lai rai, nghĩa là mưa có thể suốt ngày suốt tháng. Mưa không to, chỉ đủ ướt áo. Tôi có ý chờ tạnh, anh Hoài bảo:
- Đi thôi chớ, chờ tạnh đến bao giờ!
Anh Lương Sĩ Hoài nằng nặc đòi chở tôi bằng xe máy đi tham quan phong cảnh Đà Lạt. Anh là Phó giám đốc trung tâm Câu lạc bộ văn hóa tỉnh. Buổi sáng khi tôi đến anh đang bập bùng chiếc ghita, anh có dáng cao và linh lợi của diễn viên, anh nhập nhiều vai trong các lần biểu diễn hoặc liên hoan văn nghệ. Đội thông tin của anh từng đoạt giải xuất sắc dịp liên hoan đưa thông tin văn hóa về cơ sở khu vực miền Trung tổ chức tại Phú Yên và được chọn ra Hà Nội làm chương trình mẫu.
Đường Đà Lạt nhiều dốc, nhiều đoạn gập ghềnh khó đi. Anh lái xe cừ khôi không kém gì những tay xe ôm sừng sỏ. Đi tham quan mà tôi và anh đều mặc áo mưa. Anh đưa tôi đến trường Đại học Đà Lạt, nơi anh từng học ở đó. Tại ngôi trường thơ mộng có một không hai này, anh đã gặp vợ anh, cô nữ sinh thuở ấy giờ đã cho anh hai quý tử. Anh nói với tôi, chiều nào anh cũng đưa vợ từ cơ quan về, phải "đưa nàng về dinh" sau rồi mới đi đâu thì đi.
Nhìn anh với chiếc xe tàng, áo bluson đỏ, mái tóc loăn quăn như sóng núi Lang Bian người ta dễ tưởng anh là một lãng tử nhiều hơn, ít ai biết anh là một người đàn ông rất chiều vợ. Anh bao giờ cũng tâm niệm, làm tốt công việc nhà nước nhưng cũng phải chăm lo hạnh phúc gia đình. Gặp anh lần đầu mà như đã thân quen, anh nói chuyện cởi mở, thân tình. Anh nói nhiều chuyện về Đà Lạt, về tuổi thơ của anh. Dân Đà Lạt chủ yếu là dân tứ chiếng nhưng anh đã được sinh ra và lớn lên ở đây.
Vừa đi vừa trò chuyện, anh dẫn tôi đến vườn hoa Đà Lạt. Vào vườn hoa tôi ít nói hẳn.
- Anh buồn phải không? Anh nói.
Thực sự tôi thấy buồn. Mấy năm về trước tôi đã vào vườn hoa này, lúc đó vườn hoa là hình ảnh của Đà Lạt thu nhỏ. Vườn hoa này nổi tiếng tới mức ai đến Đà Lạt mà không đến vườn hoa thì cũng coi như chưa đến. Những cái ảnh tôi chụp vẫn còn. Ngày xưa sao đẹp thế. Còn bây giờ không biết đặt tên cho vườn hoa là gì nữa. Các ông thợ ảnh chia nhau mỗi người "xài" một góc, những tấm phông lòe loẹt che lấp cả những khóm hoa. Những thằng người máy, những gấu bông, ngựa gỗ... Bao nhiêu đồ để chụp hình chưng ra đến nhức mắt. Rồi là chỗ kinh doanh chậu cảnh, cây con. Những thứ đó nếu xếp thẳng hàng chẳng khác gì một vườn ươm nông trường. Anh Hoài giải thích ngày trước không có như thế nhưng bây giờ kinh tế thị trường nên người ta phải thế. Những người thợ ảnh đang hào hứng mời mọc khách hàng kia họ đâu biết rằng rồi đến một ngày kia có thể du khách sẽ không đến vườn hoa của họ nữa. Hoặc khách lên sẽ thưa đi, sẽ ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của chính họ. Du khách đến đây thấy vẻ đẹp vườn hoa giảm đi thì hẳn họ cũng nghĩ khác về con người Đà Lạt. Đà Lạt có nhiều loại hoa. Người Đà Lạt từ xưa đã sành chơi hoa, bây giờ cũng thế. Tôi đã đến nhà anh Nghiêm Sĩ Thái ở phố Lữ Gia. Những giàn hoa của anh được bày công phu tinh tế. Kẻ biết trồng hoa đâu đã biết chơi hoa. Người chơi hoa mới biết ngắm hoa. Người biết ngắm hoa mới biết thưởng hoa là bằng linh giác bên trong, là sự rung động của tâm hồn. Người biết thưởng hoa cũng như biết thưởng thức một bài thơ hay thấy được sự vi diệu của tâm hồn. Trước một bông hoa đẹp cũng như trước một người con gái, men say rạo rực khắp người. Đà Lạt có cả một trời hoa...
Ở Đà Lạt trời như say, cây che mặt trời ngủ. Thiên nhiên muôn phần kỳ thú. Những ngôi nhà cổ kính nằm giữa rừng thông. Nếu không có thiên nhiên thì Đà Lạt cũng giống như muôn thành phố khác. Anh Lương Sĩ Hoài lại đưa tôi đến Hồ Than Thở. Con đường vẫn gập ghềnh nỗi nhớ năm nào. Mùa mưa, nước hồ đầy hơn, thông xanh hơn. Hàng quán bày ra nhiều hơn trước, những cô gái đon đả chào mời. Người Đà Lạt sao dễ thương...
Tôi không khỏi ngạc nhiên giữa một nơi lý tưởng chừng như chốn linh thiêng này người ta lại bày bán tùm lum những đống cải bắp, súp lơ. Có người mua thì có người bán nhưng du khách khó lòng chịu nổi khi họ chụp hình với cảnh lại phải có cả những đống bắp cải trong tấm hình kỷ niệm đem về. Tôi thầm kêu lên: xin ai đừng xúc phạm thiên nhiên mà ở đây con người đã xúc phạm lắm rồi.
Đà Lạt là thành phố của thiên nhiên, con người sẽ bị trả thù nếu thiên nhiên nổi giận.
Đứng bên thác Cam Ly, tôi lặng người đi nhìn dòng thác đục ngầu. Mùa mưa đã trôi bao rác rưởi...
Tôi cùng anh Hoài đi dọc rừng ái Ân, rừng nay không còn. Nơi đây vốn có hàng vạn cây thông cổ thụ, nghe anh Hoài tả lại mà nuối tiếc ngẩn ngơ...
Những rừng thông hàng vạn năm mới có được mà bị chặt đi vì ham lợi một mùa, có thể chỉ vài củ sắn hoặc mấy gánh ngô. Một gia đình nào đó lại đang chặt hạ rừng thông lấy đất làm nhà. Số dân Đà Lạt mỗi ngày một tăng lên, nhu cầu nhà ở, xây dựng ngày một lớn. Thành phố nếu không được quy hoạch và bảo vệ chắc chắn thì rừng thông sẽ ít dần. Nếu hết thông thì không còn Đà Lạt và còn ai sẽ lên đây. Đà Lạt như một vầng trăng ông trời vẽ lên cao nguyên. Thành phố do trời tạo phần lớn, con người tạo cũng nhiều. Nhưng nếu không giữ gìn cẩn thận hai phần đó rồi sẽ ra sao? Theo thông báo của ngành Khí tượng thủy văn, Đà Lạt đã tăng từ 3-4 độ so với nhiệt độ của những năm trước. Khả năng những năm tới nhiệt độ của Đà Lạt còn cao lên nữa bởi nạn phá rừng không thể nào chấm dứt. Ai nghĩ xa một chút thì Đà Lạt bây giờ phải trồng thông.
Tôi miên man nghĩ bên những cây thông già, chân đạp lên những cành lá khô. Tôi thầm ước Đà Lạt mãi mãi mộng mơ. Tôi chợt nhớ đôi mắt người con gái sáng nay tôi gặp, đôi mắt long lanh, hẹn ước mong chờ. Anh Lương Sĩ Hoài đã đưa tôi đi hết một ngày. Anh luôn tự hào về thành phố của anh, anh đã gắn bó cuộc đời mình ở đó. Tôi và anh ngồi bên nhau nhìn cao nguyên Lang Bian qua vời vợi sương chiều. Thiên nhiên từ khi có, vốn đã hoàn hảo, thiên nhiên sẽ đẹp thêm lên nếu được bù đắp vào đó văn hóa của con người. Trong thời buổi kinh tế thị trường, một thành phố du lịch như Đà Lạt không thể không quan tâm xây dựng thành một thành phố văn hóa.
Tôi ngất ngư say giữa rừng thông vạn cổ.
DƯƠNG THUẤN
Bút danh khác: Cao Như Dương
Sinh năm 1959
Tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du, hội viên Hội nhà Văn Việt Nam
Hiện công tác tại Báo TNTP - HHT
(BLĐ số 1056 ngày 21.10.1994)