Sân bay Liên Khương (Đà Lạt - Lâm Đồng) có lẽ là một trong những "cựu chiến binh" trong hàng ngũ các sân bay ở Việt Nam.
Ngay từ đầu thế kỷ, người Pháp đã coi Đà Lạt như một trung tâm du lịch, một thứ "thủ đô mùa hè" dành cho quan chức người Pháp làm việc ở Đông Dương. Trong những năm thế chiến thứ nhất và thứ hai nước Pháp lâm vào cảnh khói lửa, các viên chức người Pháp không còn về nước mẹ để nghỉ hè được, đành phải chọn vùng đất cao nguyên có khí hậu ôn đới đầy hoa trái này làm nơi nghỉ ngơi.
Để phục vụ cho chính quyền lúc bấy giờ, sân bay Liên Khương được xây dựng vào năm 1933, tức là cách đây 63 năm, trong thời đại vàng son của đội ngũ máy bay cánh quạt. Đường băng hạ cánh lúc bấy giờ bằng đất nện. Sau năm 1945 quân đội Nhật đảo chính Pháp, lấy ghi sắt nối dài đường băng cho các loại máy bay hiện đại hơn hạ cánh. Sau năm 1954, chế độ ngụy quyền lại nâng cấp sân bay thêm một chút nữa. Song đến năm 1956, nhà ga mới thực sự ra đời, chấm dứt một phần quãng đời phục vụ quân sự, hé ra một tiềm năng phục vụ kinh tế quốc dân. Đến năm 1972, cùng phát triển theo tốc độ hiện đại hóa do quân Mỹ ồ ạt đưa vào, đường băng đã được phủ bê tông hoàn toàn. Nó đã trở thành một sân bay thực thụ, trưởng thành từ đó...
Trên đây là bản "lý lịch trích ngang" của sân bay Liên Khương. Anh Trần Văn Đỗ, Giám đốc sân bay đã vắn tắt giới thiệu như thế trong một căn phòng toàn cửa kính, có bộ salon da mềm mại, có chậu cây xanh mát và trong một tiếng nhạc văng vẳng. Sân bay Liên Khương đang vào độ tuổi sung sức. Nó đã thay đổi đến mức chẳng ai nhận ra nó, dù cái vóc dáng nhà ga bao năm qua vẫn không thay đổi. Có lẽ đây là một sân bay hiếm hoi vẫn giữ được cái tên cũ, cách gọi cũ: "Phi trường Liên Khương" và hàng chữ "Dalat Liên Khương Aerodrome" trên nóc nhà ga có lẽ cũng đã từ lâu đời lắm. Hôm nay trông sân bay Liên Khương giống như một khách sạn vùng cao, nằm trong một vùng cây xanh hoa kiểng đẹp đẽ.
Nhưng những thay đổi đó phải chăng dễ dàng mà có được?
Anh Trần Văn Đỗ tiếp tục phác họa những bước đi chập chững đầu tiên của Liên Khương:
... Hòa bình lập lại, thống nhất đất nước rồi, sân bay Liên Khương hoạt động vẫn còn đìu hiu lắm. Những năm 1975-1978, thỉnh thoảng mới có những chuyến bay chở dân kinh tế mới từ Hà Nội vào. Anh Phan Hữu giản, Bí thư Thành ủy Đà Lạt bây giờ, là một trong những cán bộ vùng kinh tế mới Hà Nội đóng ở Đức Trọng lúc đó. Máy bay thất thường thì sân bay vắng lặng, khi lên khi xuống, lúc chở người, lúc chở cá giống, lúc chở rau, chở hoa... Mãi đến năm 1992 tuyến bay Sài Gòn - Đà Lạt mới được khôi phục đều đặn. Mọi thứ đi lên từ đó. Nhưng làm thế nào để thu hút khách đi máy bay? Anh Đỗ hỏi và tự giải đáp - Chúng tôi đã phải mở cửa phòng vé suốt ngày để chờ khách. Rồi phân công người đi dán quảng cáo khắp nơi. Chúng tôi liên hệ với cả ngành Du lịch để thu hút nguồn khách, nhưng chỉ được 3 tháng thì bên du lịch xin rút khỏi liên doanh. May mà chúng tôi được sự chỉ đạo, giúp đỡ của tỉnh, của ngành, vượt qua được. Tỉnh Lâm Đồng đã tạo điều kiện cho chúng tôi như giải tỏa đất làm đường băng nối dài mà không đòi bồi thường, cấp 2.000 m 2 đất để xây dựng Trung tâm giao dịch Hàng không, dời cây xăng đi chỗ khác để giữ gìn mặt tiền lối vào sân bay.
Chúng tôi là dân "ngoại đạo" không phải dân Hàng không, song cũng hiểu phần nào cái khó của các anh. "Vạn sự khởi đầu nan" mà.
Anh Lê Sĩ Châm, Phó Giám đốc Sân bay đưa chúng tôi đi thăm cơ ngơi của sân bay Liên Khương. Anh nguyên là sĩ quan pháo cao xạ chuyển ngành. Đơn vị anh trước đóng bên Lào, có lần bị địch bao vây phải hạ nòng bắn pháo vào đội hình địch để mở đường máu giải vây. Vừa đưa chúng tôi đi thăm cơ ngơi anh vừa giới thiệu:
Trong gần 11 tháng đầu năm 1995, sân bay Liên Khương đã tổ chức đưa đón được 258 chuyến bay với gần 18.000 lượt hành khách, trong đó có 30-40% là khách nước ngoài, có chuyến họ bao trọn gói như Hãng Sony thuê bao một chuyến để phục vụ hội nghị khách hàng, song đó vẫn là con số lẻ nếu so với số lượng 700.000 khách đến Đà Lạt năm 1995. Nếu sân bay không phát triển nhanh sẽ khó tương xứng với lượng khách dự kiến năm 1999 là 1 triệu người. Rõ ràng đối với các tỉnh miền núi, miền biển xa xôi, đường hàng không là một cứu cánh mang tính chiến lược rất quan trọng.
Chúng tôi nhìn quanh, thấy mấy bình chữa cháy có bánh xe dựng trong góc liền hỏi:
- Sân bay chưa có xe cứu hỏa sao?
Anh Châm trả lời:
- Còn đang đặt mua. Sắp có rồi. Khi có những chuyến bay quan trọng phải cầu viện Phòng Cảnh sát PCCC Lâm Đồng.
Thật ra, sân bay Liên Khương được trang bị khá hơn nhiều sân bay vệ tinh khác. Xe đưa đón khách đời mới (65.000 USD). Xe điều hành (250 triệu). Xe khởi động máy bay (600 triệu), xe chở hành lý...
Phòng đợi ở ga đang giờ đón khách. Trật tự. Sạch sẽ. Không khác gì một phòng đợi ở tiền sảnh một khách sạn lớn. Xứ du lịch có khác.
Trở về phòng khách chúng tôi lại được biết thêm: Sân bay Liên Khương còn có một "đứa em bé bỏng" nữa là sân bay Cam Ly cách Đà Lạt 5km, mới hoạt động ít lâu nay, và chủ yếu dành cho loại máy bay AIR tacxi của hãng VASCO thuê bao, mà khách thường là dân chơi golf. Một tháng, Cam Ly chỉ đưa đón vài chuyến, em út mà.
Anh Trần Văn Đỗ, Giám đốc sân bay Liên Khương kiêm luôn cả sân bay Cam Ly. Anh cũng là lính chuyển ngành. Đầu tiên anh học thông tin của không quân. Năm 1979 anh học dẫn đường. Năm 1981 anh về công tác ở Đài Tân Sơn Nhất. Một năm sau được cử lên thành phố hoa hồng. Vợ con đã về cả đấy, ở trong một căn nhà nhỏ trong sân bay. Coi bộ quyết tâm bám trụ làm công dân nơi này. Anh khoe:
- Sắp tới có thể có mấy tin vui. Thứ nhất, một năm nữa Trung tâm Giao dịch Hàng không sẽ khánh thành, gồm có quầy vé, quầy giữ chỗ quốc tế theo hệ thống Gabrien 2, có khách sạn, nhà hàng, đội xe đưa rước... Đây là công trình để lấy thu bù chi, để nâng cấp toàn bộ hoạt động của sân bay vệ tinh, làm cho nó thoát khỏi tình trạng vụng về tỉnh lẻ, dần dần hiện đại hóa quá trình phục vụ. Tin vui thứ hai, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đồng ý trên nguyên tắc về việc mở chuyến bay thẳng Đà Lạt - Singapore. Nếu được thì tuyến bay này sẽ khánh thành cuối năm 1996. Phía Singapore cũng đã cử người sang bàn bạc. Còn phía sân bay Liên Khương phải có nhiều việc phải làm: Mở rộng nhà ga, kéo dài đường băng để máy bay lớn có thể hạ, cất cánh. Nâng cấp các thiết bị thông tin liên lạc, khí tượng và hoàn thiện các dịch vụ phục vụ khách.
Đây quả là một tin vui lớn. Có thêm một tuyến bay thẳng là có nghĩa Đà Lạt được xuất hiện trên tấm bản đồ hàng không thế giới. Lâm Đồng có quyền mời gọi các tour du lịch trực tiếp từ Singapore, và hơn thế nữa cả vùng Đông Nam Á.
Theo ông Võ Linh, Giám đốc Công ty Du lịch Lâm Đồng, đối tượng khách mà Lâm Đồng nhằm tới là khách Đông Nam Á . Có thêm tuyến bay này, ta mới kéo khách Đông Nam Á đến với Đà Lạt. Một phép tính không dễ nhưng mà hay. Hay nhất là lời giải đã nằm trong tầm tay.
Như để chứng minh cho tương lai sáng sủa ấy, những chiếc xe 12, 15 chỗ ngồi từ Đà Lạt đưa khách ra sân bay liên tục đậu trước cửa. Toàn Tây. Chiếc ATR 72 vừa hạ cánh xuống, đang cho khách xuống kia cũng toàn Tây. Nay mai thêm đường bay thẳng quốc tế Đà Lạt - Singapore sẽ có thêm khách của Đông Nam Á, thật nhiều. Hành khách Việt Nam bây giờ chẳng cần tước vị gì cũng leo lên máy bay đi thoải mái. Anh bán rau, chị hàng hoa, những đôi trai gái đi du lịch... họ đều có thể sử dụng đường hàng không để đi khắp nơi. Một hình ảnh thơ mộng qua hình dung mọi người từ 63 năm trước. Một chân trời mới đang mở ra với tầm hoạt động của sân bay Liên Khương. Sân bay Liên Khương lúc đó không phải là một tuần 6 chuyến như hiện nay mà sẽ là 10, 12 chuyến.
Sự tấp nập trên sân ga bao giờ cũng đem lại những cảm giác khó tả. Với chúng tôi - những người chứng kiến thì thật ấm lòng. Còn với các anh thì đó là niềm vui hay nỗi lo âu? Có lẽ tất cả đều đúng với những người phụ trách sân bay Liên Khương mùa xuân này.
Ngày cuối cùng của năm 1995
HUỲNH DŨNG NHÂN
Sinh năm 1955
Tốt nghiệp Ngữ văn - Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh
Đại học Báo chí Hà Nội
Hiện là phóng viên Báo Lao Động.
(BLĐ Xuân Bính Tý 1996)