Lâm Đồng những bài báo chọn lọc

  

ách đây gần 7 năm về trước, khi tôi khoác balô từ Hà Nội vào Đà Lạt làm cán bộ giảng dạy ở Học viện Lục quân, anh bạn đồng nghiệp của tôi đã nhắc đi nhắc lại rằng: Cậu cố gắng tìm hộ cho mình mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Sơn, quê ở Vĩnh Lộc - Thanh Hóa hiện đang nằm lại đâu đó ở một nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) của tỉnh Lâm Đồng. 

Tôi nhận lời và đã tìm nhiều nơi nhưng rồi mãi hôm nay mới có điều kiện đến Nghĩa trang liệt sĩ Đà Lạt. Đất nước đã đi qua chiến tranh có biết bao nhiêu đứa con ra đi không trở về với mẹ. Nỗi đau canh cánh của gia đình, người thân, sự chờ đợi của đồng đội đã thôi thúc tôi tìm đến nơi yên nghỉ của các anh. 

Nghĩa trang nằm trên ngọn đồi gần thác Cam Ly, cao hơn mặt biển 1.535m, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 3km. Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 1.5.1978 và được khánh thành vào dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1979).  

Mặc dù quê hương tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống thủy chung: "Uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ người trồng cây", Đảng bộ và nhân dân Lâm Đồng đã dành nhiều công sức, tiền của, vật tư, thiết bị để xây dựng công trình đặc biệt này. Đây là công trình xây dựng lớn nhất của Lâm Đồng trong 4 năm đầu sau ngày giải phóng, với chi phí vào lúc đó là 1.400.000 đồng và hàng chục ngàn ngày công của nhân dân Đà Lạt. Công trình là sự cố gắng to lớn của địa phương để xứng đáng với những người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, góp phần động viên, làm yên lòng đối với các gia đình liệt sĩ và làm đẹp lòng đối với khách bốn phương khi tới thăm thành phố Đà Lạt thân yêu. Nghĩa trang liệt sĩ Đà Lạt do kiến trúc sư Trần Hữu Tiềm (thuộc Hội kiến trúc sư Việt Nam) thiết kế, cùng sự giúp sức của các họa sĩ Dương Đắc Cầm, Nguyễn Mạnh Quân, Nguyễn Ngọc Tuân (Hội Mỹ thuật Việt Nam)... thể hiện kết hợp hài hòa tính dân tộc, tính thời đại, là một tưởng niệm lịch sử, văn hóa nghệ thuật của địa phương. Tượng đài cao 21m có 4 cánh dang rộng ra bốn phương trời như để bao bọc lấy những người con đã tụ hội về đây. Từ chân tượng đài dễ nhận ra đủ kiểu dáng nhà cửa, dãy phố phía sườn Tây - Nam thành phố Đà Lạt, xa hơn là màu xanh đậm, nhạt từng mảng nhấp nhô của rừng thông và mây trời. Từ đài tưởng niệm, chạy xuống hồ nước nằm phía trong cổng vào nghĩa trang dưới chân đồi là những luống hoa bướm vàng, hồng đỏ, lan huệ, bất tử, bát tiên... xếp thành bậc giữa lối đi, hai bên là thảm cỏ xanh suốt bốn mùa. Biết tôi là người mới đến lần đầu, lại có yêu cầu tra tìm mộ liệt sĩ ở đây, anh Lê Bá ứng, quê Thọ Xuân - Thanh Hóa phụ trách tổ trông coi nghĩa trang đã giới thiệu rất tỉ mỉ để giải đáp được phần nào theo đề nghị của tôi. Anh cho biết: Tỉnh Lâm Đồng có 3 nghĩa trang liệt sĩ (NTLS Đà Lạt, NTLS Bảo Lộc và NTLS Di Linh) trong đó NTLS Đà Lạt là lớn nhất. NTLS Bảo Lộc xây dựng năm 1987, hiện có gần 600 ngôi mộ liệt sĩ, trong đó có hơn 60 mộ liệt sĩ vô danh. NTLS Di Linh xây dựng năm 1988, hiện có gần 300 ngôi mộ, trong đó có hơn 70 mộ liệt sĩ vô danh. Còn NTLS Đà Lạt hiện có 1.789 ngôi mộ, trong đó có 1.086 ngôi mộ liệt sĩ đã biết tên, 419 ngôi mộ liệt sĩ vô danh và 284 ngôi mộ chưa xác định được tên tuổi (mới tìm kiếm, quy tập về).  

Thấy tôi còn băn khoăn về việc trông coi một nghĩa trang rộng 4 ha ở nơi thưa dân này, Lê Bá Ứng tâm sự: Trước đây chúng tôi có 3 người, hiện tại trên cho thêm 1 người làm hợp đồng nữa. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là bảo vệ, làm sạch đẹp nghĩa trang; bổ sung hồ sơ liệt sĩ đang quản lý; tiếp nhận các hài cốt mới đưa về chờ xác minh; phục vụ các ghi lễ của địa phương, đón tiếp, hướng dẫn các đoàn đến thăm viếng và đi tìm mộ chí... Ngoài mấy anh em chúng tôi ra, Hội Cựu chiến binh phường 4, trường chuyên Thăng Long, trường Hermann Gmeiner còn tham gia giúp đỡ chăm sóc riêng từng phần mộ liệt sĩ trong nghĩa trang. 

- Là người trông coi nghĩa trang, ăn ngủ tại nghĩa trang quanh năm suốt tháng, anh có mặc cảm gì không? Tôi hỏi Lê Bá Ứng. 

- Lắm lúc nghĩ cũng cực anh ạ! Nhưng mà tôi lại có niềm an ủi lớn là được chăm sóc giấc ngủ của đồng đội trên cao nguyên lộng gió này. 

- Thế hàng năm tỉnh Lâm Đồng đầu tư cho NTLS Đà Lạt là bao nhiêu tiền? 

- Trước đây tôi không rõ lắm, nhưng ba năm trở lại đây tôi thấy tỉnh và Sở LĐ-TBXH có quan tâm hơn. Ngoài việc tổ chức trồng cây lưu niệm vào các dịp lễ tết, trồng mới lại số hoa và cây cảnh trong khuôn viên, còn giải quyết dứt điểm từng nội dung công việc ở đây. Năm 1993 đã sửa chữa lại đài tưởng niệm và nhà thờ, tôn tạo lại một phần mộ đã xuống cấp và xây mới được 100 ngôi mộ liệt sĩ. Năm 1994 làm lại toàn bộ số bia bằng đá ốp lát cho những liệt sĩ đã biết rõ tên tuổi và quê quán. Năm 1995 tiếp tục xây mới các phần mộ liệt sĩ ở lô số 1 và chuẩn bị cho việc xây nhà mồ các liệt sĩ có tên nhưng không tìm thấy hài cốt.  

Giở trang sổ vàng lưu niệm ở NTLS Đà Lạt, tôi đã ghi nhận được hết những tình cảm của các đoàn khách trong nước và quốc tế đến đây để thăm viếng, tri ân. Họ ca ngợi sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ chúng ta vì độc lập tự do của Tổ quốc. Họ khen có một nghĩa trang đẹp xứng đáng với người ngã xuống. Họ thông cảm hơn cuộc sống hiện tại của những người trông coi các phần mộ liệt sĩ ở cao nguyên này... 

Đứng trước hàng ngàn ngôi mộ của các liệt sĩ (trong đó có Nguyễn Văn Sơn, quê ở Vĩnh Lộc - Thanh Hóa, hy sinh năm 1972 mà tôi mới tìm thấy) tôi không sao cầm nổi được những giọt nước mắt của mình. Thương cho người mẹ: "Bao nhiêu năm trầy trật những luống cày", "khoai sắn thay cơm những ngày giáp hạt" để nuôi con khôn lớn thành người. Mà bây giờ "Có những đứa con không trở về với mẹ"...  

NGUYỄN VĂN CHÚC

Bút danh khác Nguyễn Văn

Sinh năm 1958

Cử nhân Khoa học

Hiện đang công tác tại Học viện Lục quân Đà Lạt.

(Đà Lạt nguyệt san - số 10, tháng 7/1995)

Lâm Đồng những bài báo chọn lọc