Lâm Đồng những bài báo chọn lọc

au khi làm tròn nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước, nghe theo tiếng gọi của Đảng, mùa xuân 1977, bà con các dân tộc Châu Mạ, K'Ho thuộc 11 buôn của xã Tư cũ: Kơi Đạ, B'Ru, B'Riêng, R'Năng, R'Nua, B'Đạ, Kời Đăng, Sa Voa, Rín Đạ, Xa-va-dăn, Tan-ca, đã quây tụ bên dòng suối Đạ Cơi, định canh định cư. 

Xã Tư trước kia nay là xã Lộc Lâm vừa được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng danh hiệu xã anh hùng. Hai năm phấn đấu đầy khó khăn, gian khổ xây dựng buôn làng theo con đường xã hội chủ nghĩa, cho tới hôm nay cuộc sống của bà con các dân tộc xã Lộc Lâm đã có nhiều đổi thay đáng phấn khởi. 

Toàn xã có trên một ngàn nhân khẩu, thành lập 3 tập đoàn sản xuất, chủ yếu là làm nghề rừng: 

- Tập đoàn khai thác nhựa thông có 104 lao động, trong đó có 12 nữ, năm vừa qua, kể cả những lúc thiếu lương thực nghiêm trọng, cũng đã bán cho Nhà nước được trên 33 tấn nhựa. Trong khai thác, vừa học vừa làm, bà con rất chịu khó học hỏi kỹ thuật, vì đây là một công việc rất mới đối với bà con từ xưa chỉ quen phát nương làm rẫy. Nhờ vậy mà chẳng những trong khi khai thác đã đạt năng suất cao, chất lượng tốt mà còn bảo đảm cho cây tiếp tục sinh trưởng. 

- Tập đoàn tu bổ rừng có 267 lao động trong đó có 111 nữ, tới vụ này, bà con trong tập đoàn đã tu bổ được 533 ha rừng theo quy hoạch của lâm nghiệp. 

Như vậy, tất cả bà con trong xã đến tuổi lao động đều có công việc để làm. Mùa đầu định cư, định canh làm hơn 50 ha lúa ở trang "Sing Gơ" bị cào cào, ve phá, cây sắn cắm xuống chưa kịp có củ, con đường chưa mở xong, Nhà nước chưa kịp cung cấp gạo, có đợt thiếu muối hàng hai tháng, nhưng sẵn có truyền thống của một xã anh hùng trong kháng chiến, Đảng bộ xã Lộc Lâm đã lãnh đạo nhân dân chịu đựng và vượt qua thử thách ban đầu. Hơn một ngàn trái tim trong lồng ngực bà con các dân tộc Lộc Lâm vẫn đập theo nhịp đập của cách mạng. Không một ai nghe theo lời bọn xấu, không một ai làm việc gì xấu. Tháng 3/1977, lúc ấy cả xã đang thiếu gạo, thiếu muối, thiếu cả áo quần và dầu thắp, chúng tôi gặp đồng bào đi làm rừng chỉ mang theo một mẩu sắn luộc và quả bầu đựng nước. Lần này đến Lộc Lâm giữa lúc đồng bào vừa thu hoạch xong vụ lúa chính và nô nức chuẩn bị đón mừng danh hiệu "anh hùng" vừa được Quốc hội và Chính phủ tuyên dương, chúng tôi nghe vang cả núi rừng tiếng khèn, tiếng hát, tiếng mã la rộn ràng như ngày hội. 

Câu chuyện đầu tiên chúng tôi được nghe đồng bào kể qua lời đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, như một phần thưởng đối với tất cả chúng tôi: 

- Đồng chí thấy đấy, năm nay đồng bào vui hơn năm ngoái đồng chí về nhiều hung rồi. Mỗi người mặc một bộ quần áo mới, vải ka-ki đẹp, đi rừng không có sợ rách, mỗi lao động một tháng lại được cung cấp từ 17 đến 19 kg lương thực, trong đó có 20% gạo. Muối ăn cũng đủ, dầu thắp cũng đủ. Xã ta mới thành lập thêm một cửa hàng hợp tác xã mua bán đấy, có 7 cán bộ bán hàng đều là người trong xã cử ra. Các em, các cháu đều được đi học cả. Người lớn thì hết mù chữ từ năm ngoái, bây giờ tối nào cũng học bổ túc, ai cũng ham học cho có nhiều chữ trong đầu để làm cách mạng, Đảng bảo làm cách mạng xã hội chủ nghĩa phải cần nhiều chữ mà, cả người già cũng đi học đấy... 

Còn một điều nữa, tuy ở đây đồng chí Bí thư Đảng ủy xã và đồng bào không nói, nhưng một đồng chí ở Phòng lương thực huyện Bảo Lộc nói riêng với chúng tôi: 

- Em được huyện cử về đây làm công tác thu mua lương thực, em thấy xã nào cũng như Lộc Lâm thì chẳng mấy chốc huyện chúng em làm xong nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước. ở đây, đồng bào chỉ có mấy chục ha lúa cấy ở trang Sing Gơ thôi, ruộng mới khai phá nên lúa cũng chưa được tốt, sau khi khảo sát sản lượng, huyện giao chỉ tiêu cho Lộc Lâm là 10 tấn. Anh biết không, vừa nhận chỉ tiêu xong Lộc Lâm đã đăng ký bán vượt mức. Thấy mức huy động như vậy là sít sao, bọn chúng em cũng băn khoăn, nhưng khi đồng bào biết nỗi ái ngại của bọn em thì đồng bào người nào cũng như người nấy đều nói với bọn em rằng: "Cán bộ đừng lo cho đồng bào, phải lo cho Nhà nước đã, nhà nước cần bao nhiêu đồng bào lo đủ. Lộc Lâm có bao nhiêu đều dành tất cả cho Nhà nước! Nhà nước của mình mà...! 

Chỉ một điều này thôi, phẩm chất anh hùng của nhân dân Lộc Lâm cũng trở thành độc đáo. Có thể nói, đồng bào Lộc Lâm, trong kháng chiến cũng như trong lao động hòa bình, không bao giờ nghĩ đến mình, không bao giờ dành cho mình nhiều... 

Hiện nay, ở Lộc Lâm mọi hoạt động đều phát triển tốt, đời sống của đồng bào đã ổn định và ngày càng được cải thiện. Song, còn một vài mặt công tác chúng tôi thấy cần được chú ý tích cực hơn nữa. Công tác phòng, chống sốt rét rừng cho vùng Lộc Lâm từ năm ngoái đến nay gần như vẫn chưa có được những biến đổi tiến bộ. Theo như Đảng ủy và ủy ban nhân dân xã cho biết thì số người mắc bệnh sốt rét trong xã còn nhiều, tỷ lệ tử vong vì sốt rét còn cao. Cả xã chưa có nhà hộ sinh, đã có nhiều trường hợp chị em phụ nữ khó sinh phải khiêng cáng ra tận Bảo Lộc, xa trên 40 cây số đường rừng; cũng đã có mấy trường hợp sinh ở giữa đường cáng đi bệnh viện huyện, những trẻ sơ sinh ấy không nuôi được! 

Các công trình vệ sinh cũng chưa có đủ, phần đông đồng bào vẫn còn sinh hoạt theo tập quán cũ. Xã quá thiếu máy thu thanh để nghe tin tức. Sách báo của Đảng thì lại càng chưa đến với đồng bào. Chúng tôi nghĩ những việc chưa làm được nói trên chỉ cần có sự quan tâm thích đáng thì nhất định khắc phục được... 

Đồng bào ở Lộc Lâm cũng như đồng bào các dân tộc khác trong tỉnh ta có phong tục đón xuân, mừng xuân sau mùa suốt lúa. Mùa xuân ở Lộc Lâm năm nay lại đúng vào dịp đồng bào nhận được vinh dự chuẩn bị đón danh hiệu xã anh hùng, có thể nói, với Lộc Lâm, đây làm mùa xuân đầu tiên sau bao nhiêu năm tháng chiến tranh, mùa xuân theo lời Đảng gọi, mùa xuân của định cư, định canh thắng lợi. 

VĂN THẢO NGUYÊN

Sinh năm 1934

Tốt nghiệp Ngữ văn - ĐHTH Hà Nội

Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Lâm Đồng

Hiện công tác tại thành phố Hồ Chí Minh.

(BLĐ số 48 ngày 22/12/1978)

Lâm Đồng những bài báo chọn lọc