Khởi đầu cuộc hành trình "về với điện vùng sâu", tôi đến với bà con dân tộc thôn KLong A-B (Đức Trọng). Biết tôi đang tìm hiểu về nguồn điện trong thôn, nhiều bà con chân tình cởi mở: Có điện bà con mình được sáng cái đầu, no cái bụng, điện cho trẻ nhỏ học hành, người già nghe đài, xem tivi, điện còn dùng để tưới tắm cây trồng. Cũng như bà con dân tộc ở KLong A-B, bà con dân tộc Tày Nùng ở tập đoàn 11-12 Nam Sơn hân hoan đón dòng điện về thôn xóm. Có được điện, bộ mặt làng quê thay đổi hẳn. Ngày hội thờ Thần Hoàng hàng năm được tổ chức trong không khí trang nghiêm và ấm cúng. Có điện, đời sống của bà con được nâng cao nên sự đóng góp cho ngày hội cũng dồi dào hơn, và đình làng cũng được trang trí lộng lẫy hơn. Khi đựơc hỏi: Điện đi vào cuộc sống như thế nào, già làng Bành Ki khẳng định: có điện, đời sống của bà con phong phú đa dạng hơn, và mở ra nghề mới nuôi tằm lấy kén. Điện làm cho tình làng nghĩa xóm thêm đậm đà khăng khít, chấm dứt được cái "đèn nhà ai, rạng nhà ấy". Bởi lẽ, mọi người đều có chung trách nhiệm đóng góp vốn xây dựng đường dây, và bảo vệ lưới điện trên địa bàn thôn xóm. Không những chỉ có ở thôn K'Long A-B, Nam Sơn mà ở các vùng dân tộc khác của Đức Trọng như N'Thol Hạ, K'Rèng, khu dân tộc Finôm, điện về đã làm cho cuộc sống của bà con ngày một khởi sắc. Chẳng vì thế mà bà con dân tộc ở tập đoàn 10 Nam Sơn đã tình nguyện đóng góp trên 20 triệu đồng và tổ chức đổ trụ điện bê tông. Nhìn những trụ điện cao vút do bà con tạo nên, tôi hiểu khát vọng của bà con, cũng như hiểu thế nào là giá trị của nguồn điện đối với đời sống của đồng bào dân tộc.
Tại huyện Đơn Dương, hầu hết các khu định cư của đồng bào dân tộc dọc Quốc lộ 27 như Suối Thông A, Mrăng, Mlọn, Lạc Bình, La Bui đều có điện khá sớm. Đồng chí Chủ tịch UBND huyện tâm sự với tôi: "Để có điện cho vùng đồng bào dân tộc, những năm trước trong thường trực UB phải trải qua những cuộc tranh luận khá gay gắt. Có hai quan điểm trái ngược nhau. Một quan điểm cho rằng huyện còn nghèo do đó chưa cần thiết phải thực hiện sớm. Quan điểm thứ hai xuất phát từ tính nhân đạo, sự bình đẳng của mọi người dân và quy luật phát triển của xã hội nên quyết tâm làm trước kêu gọi dân đóng góp sau. Rốt cuộc huyện quyết tâm thực hiện và đã thành công. Cũng bằng cách làm đó vào dịp xuân Nhâm Thân, chúng tôi đã đưa điện về cho đồng bào ở thôn Tali cách khá xa trung tâm huyện. Tali có điện, bà con dân tộc hết sức phấn khởi sau 30 năm kể từ ngày điện từ lòng hồ Đa Nhim về họ mới được hưởng ánh sáng của nguồn điện Đa Nhim - nơi chôn nhau cắt rốn của họ. Hiện nay toàn huyện Đơn Dương đã có trên 2.000 hộ dân tộc có điện. Tuy tỷ lệ các hộ dùng điện phục vụ sản xuất chưa nhiều, nhưng cũng đã xuất hiện một số hộ nhờ biết cách sử dụng điện đầu tư chăn nuôi - sản xuất trở nên giàu có như gia đình Ha Mức, Ha Múc, Draoxơn... Anh Tôrông Zung nói: Cái điện làm bà con thêm yêu quê hương, yêu cuộc sống, yêu Đảng, yêu Nhà nước. Sau khi cho tôi biết toàn huyện có trên 70% số hộ dân tộc đã có điện, các đồng chí lãnh đạo huyện Di Linh khuyên tôi vào Tân Châu để tận mắt thấy được sự giàu có của đồng bào dân tộc ở đây. Đón tôi trong ngôi nhà xây khang trang, đầy đủ tiện nghi, anh K'Phènh vui vẻ tâm sự: Thôn 4 Tân Châu của mình giờ giàu có lắm, ai ai cũng sắm được xe máy, cassette, tủ giường model... Có được sự đổi đời đó trước hết nhờ nghe theo lời Đảng, Nhà nước định canh định cư trồng cây công nghiệp, sau nữa nhờ cái điện để tưới cho cây chè, cây cà phê và nghe cái đài phổ biến kinh nghiệm sản xuất; giúp cho bà con sáng cái đầu, no cái bụng và con em được học nhiều điều hay, chữ tốt... K'Phèng nói có lý, khi tôi tìm hiểu được biết rằng: Trên những vùng dân tộc có điện của Di Linh như Đồng Đò, Kơ Ming, Di Linh Thượng, Kơ Long Trao, Liên Đầm... ở đâu cũng xuất hiện những triệu phú dân tộc như Ksét Tăm Bô, KBrốp, KBrẽo, KSài, KBịu, KNhơ... Chia vui với bà con dân tộc Tân Châu bằng ly rượu đậm đà, trong tiếng nhạc và ánh điện chan hòa, tôi đến Trại phong vào đúng thời điểm khánh thành đường dây hạ thế, đưa điện về cho trại. Nhìn ánh điện bừng sáng trong những căn nhà, trong từng buồng bệnh, tôi hiểu vì sao trên 100 bệnh nhân và trại viên lại xúc động đến nghẹn lời khi nhắc lại nhiều lần câu nói: "Ơn Đảng - ơn Chính phủ đã cho chúng tôi nguồn sáng". Nguồn sáng ấy đã đem lại niềm vui cho họ, góp phần xoa dịu nỗi đau và là nhịp cầu nối giữa họ với cuộc sống bên ngoài, chấm dứt 65 năm sống trong cảnh tranh sáng, tranh tối của ngọn đèn dầu. Cùng với Trại phong, bà con dân tộc xã Lộc Thắng (Bảo Lộc) hân hoan đón dòng điện về với bản làng, thôn xóm. Có điện không những tạo được niềm vui trong cuộc sống cho người dân tộc, mà còn khơi dậy tiềm năng của một vùng đất vốn xưa nay "người đã nặng lòng yêu mến" và góp phần xóa bỏ ngăn cách giữa người dân tộc với người Kinh, giữa vùng sâu - vùng dân tộc với thị thành...
Có lẽ, điện ngày càng trở nên "vô giá" đối với đời sống của bà con dân tộc, nên nhiều hộ ở Đơn Dương sẵn sàng bán bò, bán trâu để góp vốn cùng Nhà nước đưa điện về buôn làng. Những nơi khác bà con cũng hết lòng vì đường dây điện hạ thế, dẫu phải thắt lưng bóp bụng trong hoàn cảnh kinh tế ngặt nghèo. Tuy nhiên so với tổng số vốn đầu tư các công trình điện thì sự đóng góp của người dân còn rất hạn chế, vì vậy chính quyền nhiều địa phương phải năng động huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, thậm chí phải nhờ sự giúp đỡ của ngành điện thông qua việc cho vay vốn bằng vật tư trả chậm. Đó là tấm lòng - trách nhiệm cao cả của lãnh đạo đối với bà con đã từng cưu mang mình trong chiến tranh. Bên cạnh sự quan tâm của cấp ủy - chính quyền địa phương, còn có sự đóng góp to lớn của CB-CNV ngành điện, khi họ vượt lên mọi khó khăn trở ngại đưa nguồn sáng về cho đồng bào dân tộc. Tôi đã chứng kiến sự vất vả của anh em công nhân trong giá lạnh của mùa mưa, hay trong nắng cháy da của mùa hè khắc nghiệt vẫn kiên nhẫn dựng trụ, kéo đường dây băng qua đèo, qua vực thẳm, qua sông, qua suối...
Đưa điện về cho đồng bào dân tộc đã khó, nhưng việc quản lý kinh doanh điện lại càng khó hơn. Gặp gỡ các cán bộ chi nhánh ở các huyện, ai cũng nói với tôi rằng: Do trình độ quản lý của cán bộ địa phương vùng dân tộc còn hạn chế, nên tổn thất điện năng lớn, dẫn đến giá điện cao làm cho công tác thu tiền điện gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Nợ tiền điện ở vùng dân tộc hiện đang là vấn đề bức xúc của các chi nhánh trong ngành. Ngay cả ở Đức Trọng, mặc dù chi nhánh đã mở lớp bồi dưỡng quản lý kinh tế - kỹ thuật cho cán bộ quản lý điện của địa phương, nhưng giá điện vẫn còn cao, nợ vẫn tồn đọng kỳ này qua kỳ khác. Tại Đơn Dương do không có điện kế phụ và công tắc, nên mỗi lần chi nhánh đóng điện là đồng loạt các bóng sáng suốt ngày suốt đêm, khiến công tác quản lý, thu tiền điện bội phần nan giải. Từ nhiều năm nay, ngành Điện đã chủ động phối hợp với các địa phương tiến hành nhiều biện pháp nhằm chống tổn thất điện và thu tiền điện trong dân, song kết quả vẫn chưa đạt được như ý muốn. Thực trạng đó luôn là nỗi lo và trăn trở không những của ngành điện mà còn của cấp ủy - chính quyền địa phương. Bởi lẽ: Làm gì để ánh điện luôn tỏa sáng lung linh trong vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, nhưng xóa bỏ được bao cấp bất hợp lý là trách nhiệm không chỉ của riêng ai.
HOÀNG KIẾN GIANG
Tên thật: Hoàng Đại Huynh
Sinh năm 1958
Tốt nghiệp Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Huế
Hiện là phóng viên Báo Lâm Đồng.
(BLĐ xuân Quý Dậu 1993)