Xin được mở đầu bài viết này bằng một câu "kinh điển" thường thấy trong các sách "giáo khoa": Tệ nạn ma túy là một hiểm họa, nó hủy hoại nhân cách, sức khỏe học sinh - sinh viên, dễ dẫn đến tội phạm. Lây nhiễm HIV/AIDS, khánh kiệt kinh tế, phá hoại hạnh phúc gia đình, làm mất trật tự an ninh xã hội, suy thoái nòi giống, dân tộc. Cần phải chặn đứng, không để tệ nạn ma túy lây lan đến trường học...
Vâng, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Mục đích của bài viết này không gì khác hơn là gióng lên một hồi chuông báo động đến những bậc cha mẹ, những thầy cô giáo và toàn thể xã hội cùng quan tâm hơn nữa đến công tác phòng chống ma túy, trước khi nó trở thành một thảm họa. Hãy bắt đầu khi chưa quá muộn!
NHỮNG CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN MA TUÝ
Đứng trước tôi là một em học sinh (HS) bình thường như bao HS phổ thông khác. Em đang học lớp 8 một trường trung học cơ sở thuộc huyện Đức Trọng. Nhưng những gì mà em cung cấp mới đáng sợ, nó đã vượt xa mức bình thường và nằm cả ngoài sức tưởng tượng của tôi.
Trong bản tường trình của em viết có đoạn: "Do một chút ăn chơi sa đọa em đã phạm phải một sai lầm mà gia đình, bạn bè không thể chấp nhận được đó là hút cần sa, bồ đà. Em mua thuốc hút và bồ đà tại những người bán vào ban đêm ở một võ đường Vovinam, những người bán đó bán cho em và cùng hút với em trên sân vận động... Người đó cầm một cái thùng gỗ vàng trong đó có tất cả lá bồ đà, một lần hút mất 1.000 đồng. Người bán cho em khi đưa em đi thì dùng một miếng vải đen bịt mắt, đeo kiếng đen nên em không nhận ra mặt... Em hỏi thường xuất hiện vào giờ nào, người đó chỉ nói rằng rất khuya và nói với em có hút bạch phiến không, em sợ và nói không... Sau đó người đó nói với em một liều rất rẻ, chỉ có 200 đến 250 đồng mà thôi".
Riêng tại trường này, đây không phải là trường hợp duy nhất. Trong bản tường trình còn có đoạn: "Khi lên sân vận động em thấy bạn X và nhiều bạn khác lớp 9 nhưng em không nhìn rõ mặt vì quá tối, em chỉ nghe giọng". Sau đó nhà trường có gọi một số HS lớp 9 lên nhưng không có em nào chịu nhận trừ em X đã có tên rõ ràng.
Qua tiếp xúc với một số em khác đã bị bắt quả tang ở trường PTTH Đức Trọng, PTTH BC Nguyễn Du (Đà Lạt) tôi được biết có 2 nguyên nhân đưa các em đến với ma túy. Một là con em những gia đình khá giả quen được bố mẹ nuông chiều nên cái gì cũng "muốn biết". Hai là bị lôi kéo, dụ dỗ bởi thanh niên xấu, bọn đạo chích ở bên ngoài hay chính những HS chậm tiến trong lớp, trong trường.
Tại trường PTTH Đức Trọng, tôi đã gặp trực tiếp 3 em, các em cho biết do một bạn học cùng lớp đem vào, hiện bạn này đã nghỉ học. Tình hình này cũng giống như PTTH BC Nguyễn Du.
Qua tìm hiểu, đa số các em đều khai là mới chỉ "thử", mới bị lần đầu tiên nhưng chưa thể xác định được bao nhiêu phần trăm là sự thật. Tuy nhiên, qua hiện tượng một số em sau khi bị phát hiện đã không vượt qua được sự theo dõi, giám sát của nhà trường, đã tự động nghỉ học chứng tỏ một số em đã hơn một lần tìm đến với cần sa, bồ đà. Đặc biệt là đối với trường hợp em HS lớp 8 kể trên thì thật khó tin. Chính những bạn bè trong lớp đã phát hiện ra những biểu hiện khác thường của trò này: Đó là hay buồn ngủ, mắt lờ đờ, hay xin ra ngoài đột xuất. Rồi những thông tin do chính em cung cấp, nào là nguồn cung cấp thuốc ở đâu, dấu hiệu của một người say thuốc như thế nào, tính hung hãn và nguy hiểm của bọn đạo chích ra sao. Tất cả đã cho thấy em đã trở thành một đệ tử thực sự của ma túy, có khi đã thành một con nghiện.
Một số em khác lại đi từ con đường nghiện thuốc lá. Trong số 3 em ở trường PTTH Đức Trọng mà tôi đã gặp thì cả ba đều trả lời chỉ hút thuốc vì lịch sự, không ghiền nhưng trong túi của em ĐNT lại đang thủ sẵn một cái quẹt ga.
Nhưng điều tai hại vô cùng là mấy ai hiểu được sự nguy hiểm của chữ "thử". Do tính chất dễ sử dụng, dễ phi tang nên rất dễ lây lan trong giới trẻ, đặc biệt là HS. Và chỉ qua vài lần "thử" là đã mắc nghiện lúc nào không biết.
NHỮNG CON SỐ BÁO ĐỘNG
Theo con số thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến cuối năm 1996 cả nước đã phát hiện được 1002 trường hợp sử dụng ma túy, trong đó có 695 HS phổ thông và 307 sinh viên.
Tại Lâm Đồng, theo báo cáo của các ngành chức năng, tính đến ngày 23/1/1997 tại 10 trường ở Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lộc và Đà Lạt và phát hiện 45 em sử dụng cần sa, trong đó có 1 em gái 11 tuổi (Chi cục phòng chống tệ nạn đã có danh sách 9 em thuộc 2 trường cấp 3). Nhưng những con số trên là chưa phản ánh đúng thực tế và danh sách mà tôi đã thu lượm được qua thực tế đã vượt xa số danh sách mà Chi cục đang có.
Trong báo cáo tổng kết 3 năm của UBND tỉnh LĐ về công tác phòng chống ma túy đã báo động: "Mầm mống phát sinh phát triển tệ nạn ma túy luôn tiềm ẩn chờ bộc phát, đặc biệt trong đối tượng thanh thiếu niên. Việc hút cần sa trong học sinh, thanh niên đã có biểu hiện ở một số trường, một số quán giải khát tuy số lượng không lớn và không thường xuyên nhưng là con đường ngắn nhất đến với tiêm chích ma túy".
Theo các ông Phạm Huy Thụ (Phó Ban chỉ đạo Phòng chống ma túy của Bộ GD-ĐT), ông Lý Quang Nhẫn (Giám đốc Sở GD-ĐT) thì tình hình đã ở mức báo động. Vì việc lạm dụng, sử dụng ma túy đã có mặt ở tất cả các cấp học, từ tiểu học đến đại học, đã lan rộng đến phạm vi cả nước từ miền núi đến thành thị và chỉ có thông qua việc báo động để huy động toàn thể xã hội chủ động phòng chống ma túy một cách có hiệu quả.
Rõ ràng việc phòng chống ma túy đang là một yêu cầu vô cùng cấp thiết đối với các trường học hiện nay.
THỬ ĐƯA RA MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiện hút trong học đường hiện nay là: Việc giáo dục con em tại nhiều gia đình còn lỏng lẻo hoặc quá nuông chiều.
Do mải chạy theo những lo toan hàng ngày, những lợi nhuận của công việc mua bán, kinh doanh nên nhiều gia đình đã bỏ bê không quan tâm đến công việc học hành cũng như dạy bảo con cái nên đã để cho tệ nạn nghiện hút tiếp xúc đến con cái mình lúc nào không biết. Hay ở những gia đình khá giả việc quản lý tiền bạc không chặt chẽ, chiều con cái quá mức dẫn đến bị bọn xấu lôi kéo như có 2 trường hợp ở trường PTCS Trần Phú. Có một số ông bà, cha mẹ khi hay tin con mình bị bắt quả tang hút bồ đà trong trường, được nhà trường mời đến đã òa khóc như ở trường PTTH Đức Trọng.
Vì thế giải pháp hữu hiệu nhất là vận động các bậc phụ huynh quan tâm hơn nữa đến việc học tập, sinh hoạt của con cái, không nên phó mặc việc dạy dỗ cho nhà trường. Nhất là đối với những trẻ em đã bị phát hiện càng cần có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của gia đình, có sự kết hợp với nhà trường để động viên, giúp đỡ kịp thời. Có một thực tế khá nguy hiểm đang tồn tại hiện nay là: Nhiều trường vẫn còn thờ ơ với hiểm họa nên chưa có những biện pháp phòng ngừa. Chỉ đến khi được Công an phát hiện, bắt quả tang mới giãy nảy lên. ở đây cần biểu dương một số trường như PTTH BC Nguyễn Du, PTTH Bùi Thị Xuân, PTCS Trần Phú vì họ đã nhận thức được vấn đề chủ động cử ra những học sinh "bí mật" có nhiệm vụ giúp giáo viên chủ nhiệm phát hiện những HS nghiện hút thuốc lá, có những biểu hiện bất thường trong lúc học tập, sinh hoạt. ở nhiều trường cấp 2, 3 hiện nay, công tác phòng chống AIDS - ma túy còn nặng về hình thức, chạy theo chỉ thị mà quên chú ý đến những yếu tố tiềm ẩn luôn có sẵn trong nhà trường như nghiện hút thuốc lá, hàng quán mọc đầy rẫy. Đó chính là những đối tượng, địa điểm mà bọn đạo chích thường để ý và tiếp cận.
Qua phân loại, có đến 70-80% số HS sử dụng ma túy là HS chậm tiến, học lực kém (do lười học hoặc do hoàn cảnh gia đình) nên cũng rất cần sự quan tâm nhiều hơn của các thầy cô giáo và gia đình. Cần đẩy mạnh các hoạt động văn nghệ, TDTT trong trường học để phục vụ nhu cầu giải trí lành mạnh cho học sinh.
Để cho mầm mống của tệ nạn ma túy được đẩy lùi cần có sự gương mẫu của đội ngũ thầy giáo. Nên chăng Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT cần sớm có một quy định cụ thể về việc cấm thầy giáo hút thuốc trong lớp học, trước mặt học sinh và tiến tới cấm hút thuốc trong trường học. ở một số trường, số người nghiện thuốc lá (thầy giáo, CNV) đang có xu hướng giảm và có trường giảm rất mạnh như PTTH Đức Trọng và đó cũng là xu hướng chung của xã hội hiện nay.
Sau cùng, đó là trách nhiệm của các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cơ sở nơi có trường học. Cần có sự quản lý chặt chẽ đối với các đối tượng nghiện hút, buôn bán ma túy không để cho chúng lôi kéo, dụ dỗ HS kể cả lúc ở nhà lẫn ở trường. Theo phản ánh của một cán bộ phòng GD-ĐT Đà Lạt, ở một vài trường trên địa bàn Đà Lạt đã xuất hiện một số bọn thanh niên hay lảng vảng ở cổng trường, quán cà phê, quán nước gần trường để phát, bán các chất kích thích cho HS; vì thế các trường cần phải đề cao cảnh giác.
VĂN PHONG
Tên thật: Trần Văn Phong
Sinh năm 1969
Tốt nghiệp Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Đà Lạt
Hiện là phóng viên Báo Lâm Đồng.
(BLĐ ngày 21/3/1997)