Lâm Đồng những bài báo chọn lọc

  

  Đà Lạt, mùa xuân đến sớm. Cuối tháng 12 dương lịch, vào dịp lễ giáng sinh hoa đào đã nở. Trên con đường đá gập ghềnh dẫn tới hồ Than Thở, tôi đã dừng lại khá lâu để ngắm không chán mắt một cây đào. Đó là một cây đào thực thụ chứ không phải là những cành đào được chặt ra để trồng lại ở các công viên Hà Nội ngày tết. Cây đào cao to, nhiều cành tỏa ra mọi hướng và hầu như không có lá, toàn thân ngời lên một sắc hồng nhạt như đào phai, đứng đơn độc giữa một khu đất rộng xanh ngắt một màu xanh no ấm của xúp lơ, cải bắp. Đã nói đến đào thì không đâu có thể sánh được với đào Nhật Tân, chẳng thế mà khi vào Thăng Long, một trong những việc làm đầu tiên của Hoàng đế Quang Trung là gửi ngay vào Phú Xuân cho công chúa Ngọc Hân một cành đào để nàng vơi đi nỗi nhớ quê hương. Hơn nữa ở Đà Lạt, xứ sở của muôn hoa này, hoa đào vốn giữ một vị trí khiêm nhường, kể cả trong những ngày tết. Nhưng từ ngoài Hà Nội vào, chợt thấy một sắc đỏ của hoa đào giữa một chiều đông se lạnh, tự nhiên lòng thấy bâng khuâng nhớ về cội nguồn, về tổ tiên, về một mùa xuân nữa lại đến. 

Đây không phải là lần đầu tiên tôi biết Đà Lạt, cái thành phố thơ mộng và kỳ diệu của Tổ quốc đã hấp dẫn tôi từ thuở còn là một cậu bé học sinh tiểu học qua những trang sách, rằng ở phía Nam đất nước, nơi quanh năm chỉ có ánh mặt trời nóng bỏng có một thành phố ở cao nguyên với hàng ngàn biệt thự xinh đẹp ẩn mình trong những đồi thông ngút ngàn, sáng sớm có sương mờ phủ kín mặt hồ, trưa đến nắng vàng lên rực rỡ và đêm xuống là từng từng lớp lớp những ánh đèn lấp lánh khi ẩn, khi hiện ở mọi tầng cao. Cũng giống như nhiều bạn cầm bút và những người yêu Đà Lạt ở khắp mọi miền đất nước, cứ mỗi lần sắp đặt chân tới mảnh đất này trong lòng lại mang một tâm trạng vui buồn khó tả, nửa mừng nửa lo. Mừng vì lại được một lần gặp mặt, lo là chẳng biết cái thành phố yêu quý này có còn được như xưa không hay là "mười phần xuân đã gầy ba bốn lần". Trước sân trụ sở Tòa báo Lâm Đồng, số nhà 22 Hùng Vương có một vườn hoa. Đây là biệt thự cũ của một người đã ra đi. Phải nói công bằng rằng, cũng kể từ ngày ấy, do bao nhiêu công việc bề bộn của một cơ quan báo chí, mảnh vườn chẳng còn được con người trau chuốt như xưa, nhưng tuân theo những quy luật tự nhiên, mùa xuân đến, những cây mimôza vẫn nở những chùm hoa li ti màu vàng trên sắc xanh bàng bạc của lá, những cây trạng nguyên vẫn rực lên một màu đỏ như lửa, và cây liễu rũ vẫn đứng trầm ngâm tựa cửa như một chàng thi sĩ. Và ở ngay trước cửa ra vào của cơ quan có hai cây được tạo dáng khá đẹp, trông như hai cái tháp úp với vô vàn những bông hoa nhỏ với hai màu xanh trắng. "Cái loại hoa này là hoa gì? Chẳng phải ở đây mới có mà tôi đã thấy nó đứng ngay ở dưới góc đường Nguyễn Du bên bờ hồ Xuân Hương?". Anh Phạm Vĩnh, Tổng biên tập Báo Lâm Đồng bảo rằng: Đó chính là hoa trà mi mà cụ Nguyễn Du nói tới trong Kiều: "Tiếc thay một đóa trà mi". Loại hoa này khi mới nở màu trắng rồi nhạt dần và chuyển thành màu tím và rụng đi, cho nên trên cây luôn luôn có hai màu xanh, trắng và đêm đêm tỏa ra một mùi hương ngào ngạt. Có điều rằng, ở đây không thấy bóng dáng một con ong. Thấy tôi có vẻ ngờ ngợ không tin, anh cả quyết rằng chính các cụ cách mạng lão thành ở Nghệ Tĩnh vào nghỉ ở đây đã nói như vậy. Quả thật ở cái thành phố đầy hoa này chẳng phải ai cũng có thể nhận biết được chính xác tên của từng loại hoa. Trước mắt tôi là một cuốn sách ảnh giới thiệu các loại hoa của Đà Lạt: Hoa hồng, mai anh đào, tường vi, cẩm tú cầu, mai xanh, lồng đèn tím, pensé, thiên điểu, đỗ quyên, mimôza, phượng tím, lay ơn đỏ và các loại lan. Thật là muôn hồng ngàn tía, nhưng giá có cầm cuốn sách này ra trước chợ hoa Đà Lạt mà so sánh cũng chưa hẳn đã phân biệt được. Lại nữa, cái cây không có hoa mà chỉ có lá đỏ rực mà mấy cô phục vụ nhà khách Tỉnh ủy bảo tôi là cây trạng nguyên không biết có phải là cây lá đỏ trong bài thơ của Nguyễn Đình Thi không, có lẽ chỉ nhà thơ mới rõ. Và điều khá lý thú nữa là, đứng trước quầy hàng hoa cổng chợ Đà Lạt, bạn sẽ thấy các cô bán hoa xinh đẹp với nước da trắng mịn, đôi má phơn phớt hồng, một màu hồng mà tất cả các loại mỹ phẩm trên đời này phải ghen tỵ - sẽ tế nhị, nồng nhiệt chào mời. Nếu khách mua hoa là một người đã đến tuổi ông tuổi bà thì cô ta sẽ giới thiệu một loại hoa tên là "Bất tử", còn đó nếu là một chàng trai thì xin anh hãy nhận lấy một bông hoa với cái tên thật tình tứ "Xin đừng quên tôi". 

Hoa và nghề trồng hoa vốn là một thế mạnh của Đà Lạt, gắn với du lịch và xuất khẩu. Những cành địa lan của Đà Lạt một thời đã theo các chuyến bay đến các miền xa lạ và mang lại sự giàu có cho những gia đình trồng hoa. Cũng như rau Đà Lạt cũng đã một thời là nguồn cung cấp chủ yếu của TP. Hồ Chí Minh, thời gian gần đây, do cơ chế thị trường và do sự biến đổi về chính trị của Liên Xô và các nước Đông Âu cũ, sự xuất khẩu rau và hoa ở Đà Lạt có bị sa sút, nhưng các nhà lãnh đạo địa phương vẫn cho rằng đó chỉ là những khó khăn tạm thời. Con người sẽ vươn ra xa hơn, vươn tới những thị trường mới. Để giải quyết rau tại chỗ, mấy năm qua thành phố Hồ Chí Minh đã tạo ra vành đai xanh ở ngoại thành, nhưng chất lượng rau không thể nào sánh được với Đà Lạt, nên đêm đêm những đoàn xe tốc hành chở rau vẫn bật đèn sáng, băng rừng xuống Nha Trang, về TP. Hồ Chí Minh. Cái khó của nghề trồng rau và hoa quả ở đây chưa hẳn đã là thị trường bị thu hẹp mà là giá cả - một trong những vấn đề thời sự của hôm nay chẳng riêng gì đối với nghề trồng rau ở Đà Lạt. 

Quả thật vậy, mấy năm qua cùng với khó khăn chung của các thành phố trong nước, Đà Lạt cũng có những biến đổi khiến cho du khách đã lên Đà Lạt cảm thấy lo lắng: đường sá hư hỏng nhiều, trời mưa có chỗ bị ngập úng, các biện thự có người ở nhưng như là những biệt thự bỏ hoang do không có bàn tay con người chăm chút, đêm đến điện vẫn chưa đủ sáng; và điều đáng nói hơn cả là những người bạn đã từng sống lâu năm ở Đà Lạt đều thừa nhận với tôi rằng thành phố này ngày một ấm lên. Mọi năm cứ vào dịp lễ Giáng sinh, đến tết dương lịch là rét, và cũng là những ngày mở đầu một mùa du lịch kéo dài đến tháng 4 năm sau. Nhưng mấy năm nay, đúng vào dịp này, thời tiết chỉ hơi lạnh vào buổi sáng. Đó là một điều đáng lo nhất trong những điều đáng lo của một thành phố du lịch như Đà Lạt. Bởi lẽ, một sự xuống cấp về cơ sở vật chất còn có thể khắc phục được chứ sự xuống cấp về khí hậu thì khó mà khắc phục. Và nói dại, nếu như Đà Lạt rồi đây cũng nóng như Phan Rang, TP.Hồ Chí Minh thì còn gì là Đà Lạt. Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này? Có nhiều ý kiến khác nhau, nhiều người cho rằng đó là hậu quả của nạn phá rừng, nhưng cũng có ý kiến cho rằng do nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ là do phá rừng, cả quả đất này đều nóng lên mà, chứ đâu phải chỉ có Đà Lạt. Còn anh Trương Trổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, cử nhân hóa học, trưởng thành từ phong trào SVHS, một con người rất say mê và am hiểu về rừng đã gắn bó với thành phố này từ trước giải phóng thì cho rằng ở đây không nên nói đến nguyên nhân phá rừng chung chung mà phải nói đến rừng thông. Có thể nói rằng các rừng thông làm nên khí hậu Đà Lạt. Rừng thông thải ra chất ôzôn, tạo ra không khí trong lành. Sáng ra, nếu ta đi qua khu rừng thông ta sẽ cảm thấy mát mẻ, dễ chịu, không khí trong lành hơn hẳn những nơi khác. Rừng thông ở Đà Lạt, kể cả trong nội ô đã bị tàn phá khá nhiều, cách quản lý rừng theo kiểu lâm trường ngày nay khiến cho chính những người sống trên mảnh đất này chẳng còn một chút quyền hành nào của một người làm chủ. Muốn cứu khí hậu của Đà Lạt thì trước hết trên 40.000 ha rừng thông của Đà Lạt phải được coi như rừng quốc gia, muốn chặt một cây phải được sự cho phép của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng như đồng chí cố vấn Phạm Văn Đồng khi còn làm Chủ tịch HĐBT đã nói trong một lần lên thăm Đà Lạt trước đây. Nói đến đây, anh Phó Chủ tịch thành phố mỉm cười một cách chua chát: "Vậy mà có người lãnh đạo ở Bộ Lâm nghiệp đã nói với chúng tôi rằng, chúng tôi đang ngồi trên đất của lâm trường, nhưng đã nói đến thành phố, một thành phố du lịch thì nó cũng phải được đối xử như là một thành phố, phải được quy hoạch lại. Chúng tôi, những người Đà Lạt nghĩ rằng không phải Đà Lạt của riêng Lâm Đồng, mà là vì trách nhiệm với đồng bào cả nước". 

Tuy vậy, trong cuộc sống đang vận động đi lên, cái lo bao giờ cũng là một động lực để thúc đẩy cái làm. Những rừng thông đã được bảo vệ và trồng mới. Xung quanh hồ Xuân Hương, những hàng cây non đã bén rễ xanh tốt bởi một cách làm mới: giao khoán cho từng phường quanh hồ chăm sóc, và chỉ nghiệm thu thanh toán tiền khi cây đã trưởng thành đến mức độ nào đó, cho nên ở mỗi gốc cây đều được rào cẩn thận bằng một khung gỗ sơn trắng làm tôn thêm vẻ đẹp của hồ, đồng thời cũng như một lời nhắc nhủ du khách rằng: những người dân thành phố này đã quyết tâm khôi phục lại vẻ đẹp của nó để chuẩn bị chào mừng 100 năm ngày thành lập thành phố vào năm 1993 kể từ khi Yersin tìm ra mảnh đất này.

 Mặc dầu vừa đi họp Quốc hội ở Hà Nội về có rất nhiều công việc phải làm sau một thời gian dài đi vắng, đồng chí Nguyễn Xuân Du, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng dành một buổi vào sáng ngày đầu năm để tiếp chúng tôi. Anh say sưa giới thiệu 5 chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh từ nay đến năm 1995 mà Đại hội Tỉnh Đảng bộ Lâm Đồng vòng 2 vừa qua đã thông qua. Đó là chương trình phát triển cây công nghiệp dài ngày (dâu tằm, cà phê, chè) gắn với công nghiệp chế biến. Chương trình lương thực, thực phẩm. Chương trình phát triển lâm nghiệp gắn với định canh định cư đồng bào dân tộc ít người. Chương trình thăm dò, tổ chức khai thác chế biến khoáng sản. Và chương trình phát triển du lịch mà nội dung của nó là cần phải lập ngay quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh doanh du lịch một cách quy mô, có tổ chức khoa học trên địa bàn Đà Lạt và toàn tỉnh. Anh cho biết, một trong những điều đáng ghi nhận nhất của Đại hội Đảng bộ Lâm Đồng lần này là nhìn thẳng vào sự thật, thẳng thắn đặt vấn đề tại sao tỉnh giàu tài nguyên, nhiều thế mạnh mà nền kinh tế phát triển chậm, tài nguyên bị tổn thất lớn, đời sống còn nhiều khó khăn, ngân sách thu không đủ chi, Trung ương còn phải trợ cấp, một số chính sách giải quyết chưa tốt. Tìm ra được câu hỏi thì sẽ tìm ra được lời giải đáp. Trong không khí gặp gỡ đầu năm, tôi chỉ hỏi anh một câu: "Anh vừa đi họp Quốc hội về, sự đánh giá về năm 1991 của cả nước đã được công bố, sự đánh giá đó có đúng với trường hợp của tỉnh ta không?" thì anh cười vui vẻ trả lời: "Hoàn toàn đúng. Mặc dù có nhiều khó khăn, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, đời sống của bà con các dân tộc Lâm Đồng năm 1991 vừa qua vẫn khó hơn năm 1990. Này, ông biết không, năm qua Lâm Đồng chúng tôi đã xuất hiện thêm nhiều triệu phú lắm đó! Triệu phú chân chính chứ không phải triệu phú nhờ buôn đi bán lại đâu, mà hầu hết là đồng bào vùng kinh tế mới, đồng bào các dân tộc Kơ Ho, Mạ, Chu Ru giàu lên nhờ định canh định cư, trồng dâu nuôi tằm, trồng cà phê, chè, chăn nuôi gia súc. Chắc chắn là đến năm 1995 với 5 chương trình kinh tế - xã hội này, tình hình nhất định sẽ khá hơn. Cứ tin đi nhà báo ạ! Đến năm đó, tôi sẽ lại mời anh vào". 

Trong 5 chương trình ấy, đối với Đà Lạt, tất nhiên chương trình du lịch phải là một chương trình chính. Phụ trách Công ty Du lịch Lâm Đồng hiện nay là một Tỉnh ủy viên trẻ, vừa tròn 40 tuổi, cái tuổi rồng bay. Cử một Tỉnh ủy viên trẻ có văn hóa, có học thức, năng động sang phụ trách ngành du lịch, riêng điều đó thôi cũng đã nói lên một sự đổi mới trong cách nhận thức về tiềm năng của Đảng bộ Lâm Đồng. Trong suốt cả một buổi sáng và thêm một buổi tối trò chuyện, giám đốc Võ Linh đã say sưa kể cho tôi nghe về quan niệm của anh về ngành công nghiệp không có khói nói chung và Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt nói riêng và những công việc anh và đồng nghiệp của anh đang làm. Theo quan điểm của anh, làm du lịch không thể làm đơn độc, mà trước hết với trong để tập dượt. Năm qua, Công ty Du lịch Lâm Đồng đã liên doanh với Công ty Du lịch Vũng Tàu, làm hồi sinh lại các nhà hàng ở thác Prenn và Thanh Thủy đã mang lại hiệu quả gấp 5 lần so với trước khi liên doanh. Lần đầu tiên trong nhiều năm, năm 1991 doanh thu đã đạt trên 7 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 600 triệu đồng. Với kết quả này, ủy ban Đầu tư Nhà nước đã cấp giấy phép cho Công ty liên doanh với một công ty nước ngoài để kinh doanh du lịch với tổng số vốn đầu tư cho cả hai giai đoạn là 64 triệu đôla Mỹ. Để nâng cấp các khách sạn lớn, các biệt thự, xây dựng sân golf đủ tiêu chuẩn quốc tế để đón khách du lịch cấp cao, khách sạn Palace đang được nâng cấp thành khách sạn 5 sao, phục hồi trở lại đúng vẻ ban đầu theo thiết kế năm 1906 của nó, và sẽ hoàn thành vào năm 1993, kỷ niệm 100 năm thành lập thành phố Đà Lạt. Giai đoạn hai sẽ làm một khu du lịch mới ở Suối Vàng với quy mô lớn. ở đó có du lịch tắm nước nóng, du lịch săn bắn, du lịch leo núi, du lịch đua ngựa, có sân golf, có những đường cát đưa khách đi dạo chơi trên các đỉnh núi mờ sương để nghe kể về một mối tình bất tử của một đôi trai gái thuộc hai dòng họ - một kiểu Roméo và Juliette của Tây Nguyên mà hai cái tên của đôi uyên ương đó ghép lại tạo nên cao nguyên Langbian. Giờ bảo đảm cho sự thành công của chương trình liên doanh này là bên phía liên doanh chịu trách nhiệm đưa khách vào đều đặn cả năm và sau 20 năm toàn bộ cơ sở này sẽ thuộc hoàn toàn về ta. Nghe Võ Linh kể về khu du lịch Suối Vàng, tôi lại nhớ đến lời nói vui của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, anh bảo: "Các cụ ta xưa thường nói Suối Vàng nghỉ ngơi, đi là không có về, còn đi Suối Vàng của Đà Lạt Lâm Đồng thì có đi thì có về và chắc chắn là về rồi lại muốn đi nữa". Tiếc rằng lần này không có điều kiện đi thăm Suối Vàng nhưng giám đốc Võ Linh đã nắm chặt tay tôi nói quả quyết: Đến năm 1993 ngày hội truyền thống 100 năm của Đà Lạt, nhất định sẽ mời anh vào thăm. Lại thêm một lời mời. Cuộc đời quả là đẹp! Phía trước là tương lai, không tin sao được hỡi những con người vốn tự nhận mình là bi quan. 

Con đường đá gập ghềnh mà có người gọi quá đi là "con đường đau khổ" cuối cùng cũng đã đưa tôi đến với hồ Than Thở. Cái hồ không rộng nằm giữa hai đồi thông, một cái cầu bắc qua đưa khách sang bên kia đồi trống. ở đó có một quán hàng giải khát và những anh chàng kỵ mã đầu đội mũ lông cưỡi những chú ngựa yên cương đầy đủ chào mời khách làm một kiểu ảnh kỷ niệm, và trên mặt hồ, những con rồng, con thiên nga, những chiếc thuyền buồm của ngành du lịch đưa khách đi dạo chơi quanh hồ. Không gian vang lên tiếng nhạc êm dịu, tình tứ. Chỉ đồi thông lớn với những hàng cây thông thẳng đứng cao vút, Phạm Vĩnh bảo tôi: "Thực ra cái hồ này cũng như mọi cái hồ khác thôi, cũng như Xuân Hương, Đa Thiện, Thung lũng Tình yêu, sở dĩ gọi nó là hồ Than Thở chính là do cái rừng thông này. Nghe dân địa phương nói, ngày xưa vùng này lau lách mọc đầy, gió thổi quanh năm qua những kẽ lá hút vào rừng thông xào xạc suốt đêm xa xa nghe như tiếng người nức nở. Rồi từ đó lại có thêm một truyền thuyết về một cô gái chiều chiều đứng bên hồ hướng về phía Bắc ngóng chồng tham gia nghĩa quân Tây Sơn trên đường chinh chiến phía Bắc. Chờ mãi, chờ mãi không thấy, và cái gì đến, đã đến". Lại một câu chuyện tình thơ mộng mang tính truyền thuyết, đúng sai, thất thiệt chẳng cần phải xác minh, chỉ biết rằng muốn thưởng thức cảnh đẹp của hồ phải đến đây từ buổi sáng sớm khi sương mù còn bao phủ mặt hồ, để lắng nghe tiếng rì rào, nức nở của ngàn thông, hồi hộp đón chờ những tia nắng mặt trời đầu tiên như Xuân Diệu đã từng làm để để lại cho đời những câu thơ bất hủ: 

"Sương mai lấp lánh ven hồ 

Đã qua đêm lạnh bây giờ nắng lên" 

Đà Lạt hôm nay là như vậy, Đà Lạt của tôi, thành phố của tôi, mùa đông đã qua, mùa xuân lại đến.

TRẦN THIÊN NHIÊN

Nguyên phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam

Đã nghỉ hưu

(BLĐ xuân Nhâm Thân 1992)

Lâm Đồng những bài báo chọn lọc