Những tia sáng màu xanh ma quái từ từ hiện ra trong vùng hoạt động khi các thanh điều khiển được kéo lên bằng những sợi dây cáp mảnh chắc cuốn vào một hệ thống mô tơ tự động gắn với hệ điều khiển tinh vi từ xa. Qua lớp kính chì dày tôi nhìn xuống đáy sâu 6 mét nước của bể lò nguyên tử, ánh sáng như lân tinh lan tỏa làm bừng lên những chấm li ti của đỉnh thanh nhiên liệu kết thành vành hoa với những hình lục giác lấp lánh dưới làn nước cất trong vắt. Đấy là bức xạ sê-ren-cốp, được phát ra do sự bắn phá hạt nhân Uran bằng các hạt nơtron sinh ra từ phản ứng dây chuyền.
Mới 2 năm đi xa mà viện tôi đã có nhiều thay đổi. Lò nguyên tử được đại tu để có hệ thống dùng tự động mỗi khi có sự cố và các khóa an toàn tránh xảy ra tai nạn. Phòng điều khiển được thay thế hoàn toàn bằng linh kiện mới. Các phòng thí nghiệm máy móc nhiều hơn. Máy tính hiện đại hầu như phòng nào cũng có. Nghe nói kinh phí Nhà nước vẫn hạn hẹp mà các phòng thí nghiệm nâng cấp được như thế cũng là đáng mừng. Cuối cùng thì trong cơn thử thách đối chọi với kinh tế thị trường, một viện khoa học Trung ương xa thủ đô hàng ngàn cây số, cách TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Thương mại - Văn hóa - KHKT 300 km đã đứng vững và phát triển. Công đó không thể phủ nhận được vai trò của tiến sĩ Trần Hà Anh, người được Chính phủ giao phó chức Viện trưởng trực tiếp chịu trách nhiệm về lò phản ứng hạt nhân.
Những chấm sáng màu xanh biểu thị năng lượng trên màn hình đặt ở phòng điều khiển đang dâng lên bỗng tụt xuống. Một tiếng "o" kéo dài rồi hàng loạt chuông đèn báo động reo ầm lên. Lò nguyên tử đã tự động dập về số không. Mọi người thất sắc. Sự cố gì xảy ra ngay khi Viện trưởng đang có mặt trong phòng điều khiển. Chỉ trong chốc lát, trưởng kíp vận hành đã tìm ra nguyên nhân: Đó chỉ là một cú nháy điện. Hệ thống điều khiển này rất nhạy, chỉ một sự cố nhỏ là thanh an toàn khóa lại ngay.
Tiến sĩ Trần Hà Anh hỏi:
- Tại sao nguồn điện dự phòng lại không bắt kịp khi có hiện tượng mất điện lưới? Trưởng kíp trả lời:
- Hiện tượng nháy điện thường xảy ra rất nhanh nên hệ chuyển mạch nguồn điện Diezen không đủ thời gian để đáp ứng và việc dập lò đều thực hiện tự động dựa trên tín hiệu mất lưu lượng bơm tuần hoàn thuộc hệ thống tải nhiệt.
Tôi chợt thấy buồn cười. Những nhà đang nghiên cứu để sản xuất điện lại luôn bị đe dọa mất điện. Xem nhật ký vận hành sơ bộ tôi tính được hơn 70 lần mất điện và 30 lần điện nháy dẫn đến dập lò thời gian qua.
Năm ấy tiến sĩ Trần Hà Anh được Chính phủ phân công đi tìm địa điểm đặt nhà máy điện nguyên tử. Cùng đồng nghiệp ông đã khảo sát được hai địa điểm tối ưu cho nhà máy điện nguyên tử Việt Nam là Xuyên Mộc và Dầu Tiếng. Đó là những nơi thưa dân, dễ xây dựng đường dây tải điện và phù hợp điều kiện khí tượng thủy văn. Phó tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền, Viện phó Viện Hạt nhân nói với tôi: - "Ông Anh là chủ nhiệm chương trình chọn địa điểm từ những năm 80. Lần đầu tiên ông sử dụng WASP, một chương trình hiện đại để tính toán nhu cầu năng lượng". Tôi còn nhớ, trong Nghị quyết VII của Trung ương Đảng về phát triển công nghiệp và công nghệ đến năm 2000 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có câu: "Nghiên cứu xây dựng nhà máy điện nguyên tử trong quy hoạch dài hạn". Mãi đến lúc này ông Trần Hà Anh mới nhìn thấy biển trong sương mờ.
"Nếu là hoa hồng, chúng sẽ nở". Rubbia người phát minh ra lò phản ứng mới, người đoạt giải Nobel Vật lý 1984 nói như vậy. Tiến sĩ Trần Hà Anh thì cho rằng có rất nhiều con sông đang đổ về biển lớn. Có một lưu vực nhưng không một nguồn duy nhất. Những con sông ấy đang chảy chứ không phải biến mất trên sa mạc. Ông tin tưởng nó sẽ ra tới biển.
Năm 1988, ông Trần Hà Anh được điều lên Đà Lạt làm Viện phó, phụ trách an toàn hạt nhân cho lò nguyên tử mà các Viện phó cũ hoặc vì lý do sức khỏe hoặc do công tác phải ra Hà Nội và về thành phố Hồ Chí Minh. Ông Anh bán hết nhà cửa ở Đà Lạt từ lâu. Ông phải ở một mình trên gác ba của khu nhà tập thể cùng cán bộ công nhân độc thân. Viện nghiên cứu Hạt nhân hầu hết là cán bộ từ miền Bắc vào. Tôi nhẩm tính, gần như con em các tỉnh thành đều có mặt ở đây. Người Hà Nội vẫn chiếm số đông. Lúc mới vào họ đều rất trẻ, cỡ 20 đến 25 tuổi và say sưa với cái gọi là "khoa học mũi nhọn". Đà Lạt bấy giờ cũng là một thành phố thực sự hấp dẫn họ. Chính Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng ngoài giờ làm việc cũng thường đi dạo trên đồi Cù hoặc quanh hồ Xuân Hương. Năm 1991, Giáo sư Hiển xin thôi chức Viện trưởng và đi làm quan chức cho cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Viện Quốc gia đã đề nghị Tiến sĩ Trần Hà Anh gánh vác công việc này. Gọi là gánh vác bởi vì khâu an toàn đối với lò nguyên tử đặt ra rất quyết liệt. Dư âm vụ tai nạn Chernobyl còn đó. Lò Đà Lạt lại là lò nhập từ Liên Xô (cũ). Vỏ lò của Mỹ, nhiên liệu và hệ điều khiển của Liên Xô. Lò được khôi phục mở rộng và hoạt động lại từ năm 1984. Thời kỳ ấy còn bao cấp và có chuyên gia trực tiếp chỉ đạo. Bây giờ đất nước đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Viện đang đối mặt với kinh tế thị trường, với sự chảy máu chất xám. Tiến sĩ Vũ Hải Long, người bạn Việt kiều của ông đã xin đi làm chuyên gia ở áo. Kỹ sư cao cấp Tôn Thất Côn xin nghỉ hưu để đi Mỹ. Hàng chục kỹ sư được Viện cho tu học đã không về nữa. Tiến sĩ Trần Hà Anh về đây như một dấu hỏi khắc vào lòng người bao năm tháng. Tôi còn nhớ hôm đại hội công nhân viên chức của Viện, ông đã đọc một bản tham luận đầy xúc động: "Viện ta phải tự giác chấp nhận kỷ luật và an toàn nghiêm ngặt. Lò nguyên tử không thể cho phép có những sự lỏng lẻo mà hậu quả sẽ vô cùng tai hại. Đó là cái giá mà chúng ta phải trả khi chấp nhận làm việc ở Viện này. Nhà nước có thể chưa đáp ứng được mong đợi của Viện, nhưng bình tâm mà xét Nhà nước chắc cũng không thể làm hơn được nhiều trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay. Chúng ta chỉ có thể lựa chọn một trong hai con đường: Hoặc phấn đấu làm tốt, hoặc rời khỏi trách nhiệm.
Để cải tạo hệ điều khiển mà ông tham mưu từ đời Viện trưởng trước, tất nhiên phải nhờ viện trợ của nước ngoài vì theo tính toán phải tốn hàng triệu đôla. Với số tiền lớn như vậy thì bao giờ Viện làm được để trả nợ mà không cải tạo thì điều kiện an toàn không bảo đảm. Tiến sĩ Trần Hà Anh đã quyết định, trên cơ sở của kết quả tính toán đó, bộ phận nào của hệ điều khiển cũ cần thay thế sớm nhất thì cứ lần lượt ưu tiên và làm dần. Vì vậy đã tiết kiệm được cả 600.000 đôla mà quốc tế đã hứa viện trợ.
Về thăm Viện Hạt nhân những ngày đầu năm 1997, tôi thấy không khí rất khẩn trương. Lò nguyên tử đang chạy suốt ngày đêm để sản xuất dược phẩm phóng xạ theo đơn đặt hàng của gần 20 bệnh viện từ miền Trung đến Cần Thơ để chữa bệnh ung thư bướu, chẩn đoán lâm sàng. Các nhà Vật lý, Hóa học vào ra lò đặt mẫu chiếu xạ để phân tích thành phần, hàm lượng cho các Liên đoàn Địa chất, các Trung tâm, Sở Khoa học đánh giá tài nguyên khoáng sản cũng như môi trường quốc gia. Vài kỹ sư Hạt nhân đang đánh dấu cát đồng vị để đi khảo sát sa bồi. Giở cuốn sổ vàng của Viện tôi gặp ngay ý kiến của ông Hans Blix, Tổng Giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế: "Đây là lò phản ứng được khai thác có hiệu quả nhất trong các nước đang phát triển". Tôi đã biết thêm một vài trăn trở của ông Hà Anh: "Mặc dù ngành Hạt nhân chúng tôi đã triển khai, ứng dụng vào đời sống xã hội, nhưng sản phẩm hạt nhân là sản phẩm có hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Khả năng kinh tế Việt Nam chưa đủ sức chi trả với giá trị đích thực của nó. Chúng tôi phải bao cấp cho khách hàng của mình. Việc mở cửa vào ASEAN, chúng tôi chưa với tới họ, nhưng họ đã với tới mình.
Tính cạnh tranh của chúng tôi không cao thì sẽ thua ngay trên sân nhà. Đơn cử máy phát tecnexi đang được sản xuất theo một công nghệ độc đáo phát minh tại Viện chúng tôi. Trung Quốc đã mời chủ của nó sang hai lần và Hàn Quốc đang thương lượng để mua công nghệ đó. Nếu chúng tôi bán thì chúng tôi mất luôn thị trường trên đất mình sinh trưởng. Vì năng lực lò nguyên tử chúng tôi chỉ sản xuất được dưới mười máy phát một tháng. Chỉ cho Trung Quốc hoặc Hàn Quốc rồi, họ sẽ sản xuất 200 máy phát một ngày. Nếu Nhà nước không đầu tư tương xứng cho khoa học thì khoa học sẽ không làm chỗ dựa được. Khoa học mà trở thành một nghề kinh doanh thì khoa học sẽ không phát triển đúng hướng, để khoa học theo quy luật thị trường thì nó sẽ trở thành mì ăn liền".
Ông Trần Hà Anh bảo con sông nguyên tử chưa biết lúc nào mới chảy về tới biển. Tôi thiết nghĩ, cán cân năng lượng sau năm 2000 của Việt Nam sẽ thiếu trầm trọng. Chúng ta lại có nguồn tài nguyên Uran rất lớn. Cái ánh sáng màu xanh tự phát ra dưới đáy lò nguyên tử ấy sẽ không chỉ là màu xanh ma quái, chết chóc mà sẽ biến thành hơi chạy tua bin sản sinh cho đời hàng tỷ kilô oát điện. Và tôi gọi đó là năng lượng màu xanh.
LÊ VĂN CÔNG
Bút danh Hoài Nam
Sinh năm 1958
Tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du
Hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt.
(Đà Lạt Nguyệt san tháng 6/1997)