Lâm Đồng những bài báo chọn lọc

 

 

 

ĐI TÌM MỘ NGÀ VOI 

Đất rừng Nam Tây Nguyên: Những cuộc trò chuyện với các già làng. Những truyền thuyết, huyền thoại hư hư, thực thực đã kích thích trí tưởng tượng của chúng tôi. Những cán bộ nghiên cứu - sưu tầm - lần theo những câu chuyện kể của các tộc trưởng, những tấm gia phả chữ được, chữ mất... hướng vào những đỉnh núi không leo tới được. Dò dẫm trong những đáy thác dữ dội và tăm tối... Chúng tôi đi tìm mộ ngà voi, hoặc kho báu của những tộc họ, những vương quốc đã bị tuyệt diệt nhưng tên tuổi và báu vật được ghi trong sử cổ, lưu truyền trong hậu thế những huyền thoại... mãi mãi làm sống động các cuộc tìm kiếm đầy ắp kịch tính của biết bao thế hệ... 

Già Bơn - một tộc trưởng người Mạ ở buôn Go (Cát Tiên), cho đến lúc chết (1990) vẫn lấy lửa từ đá. Cụ quen thuộc mọi ngõ ngách trong rừng và thân thiện với tất cả các loài thú dữ. Trong rừng, cụ biết con hổ đó mấy tuổi, bầy tê giác có mấy con... ấn tượng kinh hoàng ngày cụ chết: trong 10 năm (1980-1990) cụ mới "chỉ thị" cho buôn làng tổ chức lễ đâm trâu. Con trâu đực đầu đàn hung dữ của cụ được đem cúng jàng (trời) cảm ơn các thần về tuổi thọ của cụ. Hai con trâu lớn tiếp theo là của hai người con rể, được cụ cho phép tạ ơn các thần và già Bơn đã gả cho họ những "nữ chúa rừng xanh". Rượu, cây nêu và các nghi lễ được chuẩn bị trước hai tháng. Quý khách gần xa (đến 200 km như chúng tôi) cũng được mời và có mặt đầy đủ. Lễ đâm trâu diễn ra trong tiếng đồng la trầm bổng lan xa trên mặt sông Đồng Nai... Sau nghi lễ cụ ngồi đăm chiêu bên bếp lửa. Tôi bèn trách cụ: "Chúng con đã tìm kiếm suốt mười năm trời, thưa cụ phải chăng có mộ ngà voi ở... trên trời?!". 

Cũng vào một đêm lễ hội 10 năm trước, già Bơn kể: "Mỗi khi con voi già, biết mình sắp chết, đều đến khu mộ riêng (cả Tây Nguyên chỉ có một khu rừng) cắm ngà vào núi, chôn ngà xong nó xóa dấu vết đi về, rồi tìm đến một khu rừng khác, thanh thản qua đời. Cho nên từ cổ chí kim chưa một người nào tìm được ngà voi từ một con voi chết rũ trong rừng". "Cụ có biết chỗ đó không? Lấy giùm cho tụi con một cặp thôi để trưng bày". "Chỗ thì ta biết, nhưng lấy cho ai hoặc cho bản thân ta thì không bao giờ!". 

Trước lúc cụ Bơn chết 2 giờ, cũng đúng thời điểm tôi bắt đầu chuyển nghiệp, bỏ việc đào bới, kiếm tìm của người nghiên cứu, sưu tầm sang làm báo. Cụ gọi tôi đến bảo: "Một khi con tìm thấy mộ ngà voi, con phải hứa trước linh hồn thần lửa rằng: Ai muốn đào mộ ngà voi phải bước qua xác con". Tôi cười - già Bơn nghiêm giọng nói: "Nếu con không hứa ta sẽ chết mở mắt". Tôi sợ quá bèn nhận lời. Cụ giải thích: "Chỉ cần một nhát cuốc là rừng mất thiêng". 

5 năm sau, trong một chuyến công tác, vô tình tôi bước chân tới "khu rừng bí ẩn của già Bơn". Núi rừng trùng điệp với những cây Hơrí kiêu hãnh, cổ kính. Những dòng thác lớn ầm ào tung bọt trắng xóa, hòa với tiếng gió rừng rầm rì như kể chuyện cổ tích ngàn xưa. Một hồ nước xanh đến vô bờ tụ lại bởi bảy dòng suối. Một chú trăn lớn thanh thản bơi dưới hồ. Một chú hiền lành nhìn tôi làm tôi bỗng nhớ tới già Bơn! Chao ơi, có phải cụ hóa thân thành cặp trăn lớn canh giữ mộ ngà voi? 

Tôi càng kính trọng sự thông thái của già Bơn, khi nhẩm tính từ buôn Go của cụ tới khu mộ ngà voi đường chim bay phải trên 300 km! 

Tôi viết ra chuyện này cầu mong được chia sẻ cùng bạn đọc gánh nặng của tâm hồn yêu rừng - rừng là quê hương - rừng có linh hồn và có mộ của rừng. Mộ ngà voi chính là mộ của rừng. "Đừng đụng chạm vào rừng thiêng, sẽ làm thần rừng nổi giận". Đó là lời già Bơn nhắc tôi và nhắc mọi thế hệ hôm nay, mai sau. 

THIÊN THẠCH TRONG MỘ TÁNG 

Ở giữa rừng Bảo Lộc - khu mộ táng Đại Làng nằm trên một ngọn đồi có hình sống trâu, chạy theo hướng Bắc Nam thấp dần về ba hướng Tây Bắc và Đông, cũng là hướng được bao bọc bởi suối Đạ Blan và phụ lưu của nó. Trên mặt sườn đồi có nhiều gò đất nhỏ, đường kính trung bình 10-15m, cao 1-1,5m. Trong số này có 13 gò đất đắp, biểu hiện bề mặt của những ngôi mộ cổ... 511 m2 đã được khai quật...  

Sung sướng vì được làm việc với các nhà khảo cổ Viện Khoa học Xã hội TP Hồ Chí Minh: Phạm Quang Sơn, Bùi Chí Hoàng, Nguyễn Văn Long. Này đây, gốm hoa lam đặc trưng cho thời Lê, gốm nâu thuộc thời Trần... Bên cạnh những công cụ sản xuất bằng sắt; vũ khí, nhạc cụ, đồ trang sức bằng đồng, các loại hạt trang sức bằng đá, bằng thủy tinh, chuỗi hạt lưu ly... Câu chuyện người xưa dùng máu của trinh nữ để vẽ những hoa văn màu đỏ trên gốm, khiến tôi lặng người đi khi trong lòng mộ xuất hiện một con cá nhỏ mềm mại, màu đỏ, trong lòng đĩa hoa lam... Chúng tôi bốc đất, lau sạch từng hiện vật, đánh số, chụp ảnh khi hiện vật còn ở trong lòng mộ, để giữ nguyên hiện trường, giữ nguyên cấu trúc mộ... 

Cái chòi của đoàn khảo cổ dựng bên bờ suối. Các nhà khảo cổ: Long, Sơn, Quyết (từng là bạn thời để chỏm - học sinh miền Nam ra Bắc, rồi cùng đi Liên Xô học đại học). Giữa rừng - đêm - các vị thường tỷ thí với nhau quanh trận Đôminô. Chàng họa sĩ và cô gái tóc vàng rủ nhau ra... mộ tâm sự... Chúng tôi đốt lửa say sưa đàn hát. Cậu Ba Toàn hì hục khoét một ống sáo thổi véo von... Một con rắn ngóc đầu ngay cửa bếp lửa nghe tiếng sáo đêm... Con rắn đã tạo cho tác giả bài này cơ hội khoe tài bắt rắn và làm món nhậu thịt rắn gia truyền ngon... "nhất nước"!!! 

"Đồ tùy táng nói lên phong cách của chủ nhân..." - Bỗng dưng Phạm Quang Sơn dừng lại: "Em có muốn giàu có, đầy đủ nhà lầu, xe hơi, và..." - Anh cạy ra trong lòng mộ một viên đá vỡ đen huyền, lấp lánh: "Đây là thiên thạch. Các nhà Vật lý thế giới đang tìm nó. Vì trước đệ kỷ địa chất thứ tư (tức là trước bốn đệ kỷ biển tiến và lùi), cách đây 5.000 năm, sao chổi Halây đã chạm đuôi nó vào vùng Đông Nam á"... Đó là chi tiết mà suốt thời còn được gọi là "nhà khảo cổ" đến mãi tận bây giờ tôi còn nhớ. Tôi đã từng tìm kiếm, phát hiện nhiều báu vật: Cuối tháng 11/1994 tôi và Lê Đình Phụng (PTS khảo cổ học) đã phát hiện trong một hố sâu tăm tối của bọn đào trộm đồ cổ một ngẫu tượng bằng đá quý - trong suốt, phát sáng trong đêm: Cao 25cm, đường kính 10cm, nặng 3,5kg... Tôi đã thử thách lòng mình và bất chợt nhớ tới anh. Anh từng bị kẻ trộm lấy đi chiếc xe đạp cuối cùng và phải bán đi chiếc tủ lạnh để tồn tại. Giờ đây, anh đang ở phương trời nào? Sao anh lại ra đi? 

Sau phát hiện di tích Cát Tiên, bạn bè làm khảo cổ thường thân ái "nịnh" tôi bằng cái tên Colani (nữ khảo cổ Học viện Viễn Đông bác cổ Pháp, người khai quật ở đâu ở đó có hiện vật, đoán trong lòng đất trúng phóc). Nhưng không ít người nghi ngờ, thường "thân tình" hỏi: "Thế nào cũng giấu cho riêng mình ít nhiều chứ nhỉ". Trả lời là không thì họ bảo "khùng". Trả lời có thì họ ghen tức. Nên tôi thường cười không nói gì. 

Cái duyên với nghề khảo cổ dẫn dắt tôi đến cánh cửa "kho báu của Hoàng đế Phù Nam". Nhưng sự câu thúc của cuộc sống chưa làm mờ mắt bất cứ nhà khảo cổ nào mà tôi biết. Cho nên tôi không bao giờ tìm đến "ngọn đuốc" để biết có thực mình đã cầm trong tay thiên thạch của sao chổi Halây hay đó chỉ là bài học mà các nhà khảo cổ muốn thử lòng các thế hệ kế tiếp???  

THÔNG ĐIỆP CỦA 113 LÁ VÀNG 

Sau 1.300 năm chìm trong lòng đất - khu đền đài hoành tráng - thánh địa Bàlamôn giáo của Vương quốc Phù Nam được mở ra, càng tạo cho Cát Tiên vóc dáng của một miền đất cổ kính và huyền bí: Thánh địa của Hoàng đế Phù Nam đã và đang được khai quật với hy vọng đem lại những gì thuộc về quá khứ một chút ánh sáng để chúng ta hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử của nó. Thánh địa là bằng chứng có thể nhìn thấy bằng mắt về sự trường tồn của quá khứ trong lịch sử của đất nước. 113 lá vàng yểm trong đền tháp gò 2 tìm được trong mùa khai quật thứ hai đầu năm 1996 có rất nhiều thông điệp về bản sắc của một dân tộc trong lịch sử được gởi tới từ quá khứ... 

Mê cung của các thần linh 

Hình vẽ trên 113 lá vàng đầu tiên tìm thấy ở Cát Tiên như mê cung của các thần linh. Tôn giáo thần bí với những nhân vật linh thiêng của xứ sở "Thầy tu và vũ nữ" là tín ngưỡng gắn liền với thần thoại và "Thần mẹ": coi âm lực và dương lực là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo. Do đó, hình ảnh thần của các thần: Siva luôn được tái hiện; sau đó là tín ngưỡng thần núi, thần cây, thần súc vật, thần rắn, chim thần... dưới hình thái vật tổ; các vị thần ở đây được miêu tả cụ thể, sinh động; người xưa mô tả cả đấng tối cao với nghệ thuật tạo hình điêu luyện, đường nét sắc sảo, hình vẽ rõ ràng, dứt khoát, khỏe mạnh, đầy sức sống. Với phong cách nghệ thuật thanh tú, tao nhã trong đường nét, hài hòa trong tỷ lệ. Đề tài chủ đạo là hình ảnh các thần: Siva, tu sĩ, vũ nữ, Nam thần, Nữ thần, người dâng lễ, cảnh chiến binh... thì các chủ đề động vật dưới hình thái vật tổ cũng luôn được tái hiện: sư tử, voi, lợn rừng, rắn, cá, bò, dê, chim... Các đề tài trang trí cung đình với sóng nước, hoa lá uốn lượn tự do, cánh sen kết dải, hoa dây... Trên 113 lá vàng, tôi thấy đề tài thể hiện phong phú, với các loại hình, kích cỡ khác nhau phản ánh đời sống tinh thần, tôn giáo của một cộng đồng người trong lịch sử. Phải chăng thánh địa Cát Tiên là mê cung của các thần linh? Từ thuở xa xưa nơi đây từng là đô thị tôn giáo tiến hành những nghi lễ đa thần? Và vương quyền đã kết hợp với thần quyền trong các nghi lễ hiến tế? 

Biểu tượng của sự sinh tồn, tái tạo một ước vọng vươn tới 

Ở 113 lá vàng, người xưa sử dụng phổ biến kỹ thuật vẽ chìm trong vàng. Các nét vẽ mảnh mai, phóng khoáng, hòa nhập vào nhau tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh về một thời kỳ rực rỡ, hưng thịnh. Có thể nói 113 lá vàng là 113 tác phẩm nghệ thuật với một phong cách nghệ thuật riêng, một bản sắc riêng: tinh tế, hấp dẫn, bí ẩn diễn tả những ma lực của thần linh mà đặc trưng nghệ thuật ở đây là biểu tượng của sự sinh sôi, tái tạo một ước vọng vươn tới. 

Nhiều về số lượng, đa dạng về loại hình, phong phú về đề tài thể hiện, 113 lá vàng là 113 hình vẽ sinh động, tạo nên phong cách nghệ thuật bí ẩn, kỳ thú của 113 câu chuyện huyền thoại về các thần linh, có riêng 113 thông điệp mà tôi cũng mong muốn tìm hiểu để giới thiệu cùng bạn đọc. 

KHAI QUẬT "KHO BÁU" CỦA VUA CHÀM 

Tháng 7, 8 và 9 năm 1988. 

Mưa rừng quất xối xả vào túp lều của "những người tìm vàng". Tôi ướt như chuột, ngồi co rúm trong lều, nhìn chiếc máy ủi đang cố gắng một cách vô ích để thoát ra khỏi vũng lầy, sau một cuộc "khai quật" đã kéo dài ba tháng của 4 chiếc máy ủi khác, kể cả máy khoan đá, nổ mìn phá đá... Để có chi phí cho cuộc khai quật "kho báu"... Lâm trường Đà Lạt của ông Hóa đã được phép chặt cây, bán gỗ ở vạt rừng có "kho báu" sau núi Voi, thuộc địa phận xã Tà Nung, phía Tây thành phố Đà Lạt.

 10 chữ kỳ lạ trên tấm lá đồng bí ẩn 

Vào tháng 3/1988, Bảo tàng Lâm Đồng nhận được công điện kèm theo bốn bức ảnh từ Bộ Văn hóa, yêu cầu cán bộ nghiên cứu sưu tầm xác minh sự thật về lá đồng trong ảnh của ông X ở vùng kinh tế mới (KTM) Hà Nội gửi ra Bộ Văn hóa... 

Nguyễn Thị Nguyệt và Đỗ Kim Thoa được Bảo tàng cử đi công tác. Bốn ngày sau, hai chị mang về một lá đồng hình tròn, khắc 8 cánh xen ở viền, đường kính 30 cm. Trên mặt lá đồng nổi lên hình chữ nhật như dấu triện, trong đó có 10 chữ Hán, 8 chữ rõ, 2 chữ mờ, diễn nôm là: "Thập ấn gia chiếu tử, tương tăng minh thạch tam" (chữ Tương Tăng hay Tướng, Tằng không rõ), tạm dịch: "Mười cái ấn ta để cho con, ở nơi nước chảy vào chỗ tối giữa ba hòn đá". 

Câu chuyện ly kỳ của người đi săn 

Người đi săn lần theo vết máu của con kỳ đà mà ông bắn bị thương, đến núi Đá Mạ, Đá Con. Kỳ đà chui vào hốc đá giữa 3 viên đá lớn nhỏ, ông bèn nắm đuôi, lôi kỳ đà từ trong hang ra. Lạ thay, con kỳ đà bị thương đang ôm chặt một lá đồng... Nơi này nằm giữa lưng chừng núi, ba viên Đá Mẹ Con sừng sững vươn qua khỏi ngọn cây; một dòng suối trong vắt không tìm thấy ngọn nguồn, nhưng tới đây chảy thẳng vào chỗ tối giữa 3 hòn đá, và dòng suối biến mất giữa lưng núi. 

Đoán mò - khai quật mò 

Bảo tàng thời giám đốc Lê Phước Thế đã mở cuộc khai quật bởi tin vào lời đồn đại rằng: Nơi đây có thể chôn cất của cải của Vương quốc Chăm-pa mà vua Chàm là Chế Bồng Nga trong những cuộc chinh phạt lúc thịnh, và cuộc trốn chạy lúc suy vi - đã lấy những đỉnh núi hiểm trở của chân Trường Sơn Nam (Lâm Đồng) làm điểm tựa. 

Nguồn tin đồn khác, không kém hấp dẫn, vẫn dai dẳng trong giới những người giàu tưởng tượng, nhưng thiếu hiểu biết: phải chăng lá đồng là chìa khóa mở ra kho báu, nơi chôn 40 tấn châu báu mà phát xít Nhật đã vơ vét của châu á trong Thế chiến thứ hai? (Vì Lâm Đồng là điểm giải giáp quân Nhật). 

Một mùa mưa khổ ải 

Tôi buộc phải có mặt trong cuộc khai quật vào giữa mùa mưa, khi công trường khai quật chỉ còn một máy ủi D4. Sự tiếp tế của lâm trường trở nên thưa thớt. Tôi thường cùng trung úy Cẩm (là một trong các chiến sĩ công an được điều từ K86 (vùng Đức Trọng) đến "trông coi" cuộc khai quật, đi kiếm măng rừng và mượn gạo của nhóm TNXP TP.HCM trồng sả tại Tà Nung. Nhờ là nhà khảo cổ "đi tìm vàng cho Nhà nước" luôn có công an đi kèm, nên nhóm người "phục hồi nhân phẩm" quý tôi lắm. Ngày 2/9 năm đó, họ biếu "đoàn tìm vàng" một bộ lòng heo và thịt cừu. Cũng nhờ uống được rượu nên tôi được tôn làm "đại ca" và được xóa toàn bộ số gạo đã nợ. 

Tôi tự ý bỏ về Đà Lạt và bị cúp 3 tháng lương (Ơn trời! Nếu tôi không vô kỷ luật thì bây giờ đang làm người rừng). Cuộc "khai quật kho báu" đã tự nhiên dừng lại. Di tích Đá Mẹ, Đá Con bị vùi xuống lòng hố rộng khoảng 1 ha. Câu chuyện về chiếc lá đồng được khép lại. 

Hiện nay lá đồng ở đâu? 

Vào năm 1990, tôi xin phép ông Trần Đình Long (nguyên Giám đốc Bảo tàng) chụp ảnh lá đồng để giới thiệu với Viện Khảo cổ nhưng bị kiên quyết từ chối; lý do "Hiện vật đang trong thời kỳ nghiên cứu". Tháng 1/1997 tôi lại đề nghị Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng Vũ Nhất Nguyên cho chụp ảnh lá đồng và những lá vàng. Anh Nguyên hỏi tôi: "Lá đồng nào nhỉ?". Và tôi bỗng lo lắng: Lỡ đâu lá đồng không cánh mà bay, để mọi bí mật của nó trở thành huyền thoại? 

ĐINH THỊ NGA

Phóng viên Báo Lâm Đồng

Nguồn : Đà Lạt Nguyệt san. Số 29 tháng 3/1997

Lâm Đồng những bài báo chọn lọc