ó những dư âm buồn vang lên từ làng quê Phúc Thọ. Thậm chí, có những tin mà người ta chưa dám tin rằng đó lại là sự thật. Bán tín, bán nghi, tôi lần về Phúc Thọ để "đến chùa xem bụt"...
Leo hết dốc 800, từ Tân Hà nhìn lại, thị trấn Đinh Văn và vùng đồng bằng Tân Văn chìm thấp xuống như một thung lũng nhỏ... Con đường đất như con rồng đỏ trườn ào lên những triền đồi nối nhau chạy dài hun hút về phía Đắc Lắc. Nhà cửa, xóm thôn cứ lác đác dần; cảnh vật im ắng trong ráng đỏ hoàng hôn. Dân Phúc Thọ chưa dám mơ đến dòng điện nên vào khoảng 20 giờ xóm làng đã im ắng đi vào giấc ngủ sau một ngày bươn chải kiếm sống. Chỉ thấp thoáng đó đây nơi mé rừng, góc núi những ánh đèn le lói trong màn sương bạc. Một vùng quê cô đơn và xa ngái đến nao lòng...
Ngồi bên ngọn đèn dầu cuồn cuộn khói, nghe các thầy, cô giáo sống xa gia đình hoặc chưa có cơ hội để lập gia đình kể chuyện về cuộc sống vất vả, cô đơn; về nỗi gian truân của thầy trò và đời sống cơ cực của bà con nông dân; về ngôi trường và trụ sở UBND bị kẻ gian lừa bán bởi sự cả tin đến ngây thơ của một số cán bộ chủ chốt ở đây hồi nào... đến độ tôi khó tin dù đó là sự thật mười mươi.
Khúc dạo đầu của tôi ở Phúc Thọ bằng một đêm buồn như thế. Sáng hôm sau, tôi tìm về nơi "sơ tán" của chính quyền xã để hỏi rõ ngọn ngành. Nói rằng, UBND sơ tán vì đã 4-5 năm nay xã không có trụ sở nên nay làm việc chỗ này, mai lại chuyển sang chỗ khác, tùy thuộc vào sự ưng thuận của chủ nhân.
Hôm đó, tại nhà riêng anh Thứ, tân Chủ tịch xã, tôi may mắn gặp được hầu hết "bộ xậu" của xã ở đây. Trao đổi trực tiếp với nhau, tân Bí thư chi bộ Trương Văn Tạnh thông báo cho tôi những con số... thật nghèo...
Năm 1987, khi được thành lập xã, dù dân cư bấy giờ còn ít, nhưng diện tích tự nhiên của xã cũng chỉ được ấn định là 11.450 ha. Đến nay, dân Phúc Thọ đã tăng lên 2.500 khẩu, những tưởng đất đai vẫn dồi dào, song thực tế, nhiều hộ gia đình với 6-7 miệng ăn nhưng chỉ có 1 sào thổ cư duy nhất. Giữa bao la thiên địa mà nông dân không có đất canh tác quả là điều nghịch lý, khó tin. Nhưng đất không còn là bởi các nguyên nhân: bị dân các nơi đến xâm cư, đất cắt ra để cấp cho nông trường I là 3.500 ha, và XN Dược liệu TP.HCM (!) được cấp đến những 240 ha?
Dân thiếu đất, điều đó đã rõ ràng, nhưng trong lúc đó 2 đơn vị quốc doanh kia lại ôm không xuể diện tích. Cụ thể, ở nông trường I, phần lớn diện tích chỉ quản canh lác đác cà phê, chè không có hiệu quả. Riêng cái gọi là "Xí nghiệp Dược" với 240 ha đất được cấp đã hơn 3 năm nay nhưng mới chỉ trồng được 1 ha canhkina và cây cỏ ngọt. Phần diện tích đã khai phá khoảng 180 ha thì cho nông dân thuê với giá cắt cổ 700.000 đ/ha mỗi vụ?!
Đất đã thiếu lại cằn nên kế hoạch phát triển kinh tế xã hội mà UBND Phúc Thọ đề ra cho giai đoạn 1995-1999 là đưa diện tích canh tác toàn xã lên 590 ha, trong đó 2/3 diện tích là trồng cây công nghiệp dài ngày như chè, cà phê.
Tôi nhẩm tính, với 474 hộ hiện nay đã thiếu đất, nếu 5-6 năm sau, khi sự gia tăng dân số cả về tự nhiên và cơ học mà đất thì không thể đẻ ra, vậy mỗi hộ ở Phúc Thọ liệu còn được mấy sào? Kế sinh nhai, lúc ấy sẽ biết bấu víu vào đâu???
Cùng nằm trong kế hoạch phát triển KT-XH của Phúc Thọ, ấy là phấn đấu từ nay đến năm 2000 thu nhập bình quân mỗi đầu người là 50.000đ mỗi tháng (hiện tại, thu nhập ở đây chỉ có từ 35-40 ngàn đ/người/tháng mà chủ yếu là làm thuê, cuốc mướn).
Không thể gọi đây là mức phấn đấu khiêm tốn mà phải gọi đây là một con số quá buồn bởi sự bế tắc. Theo đà này, liệu nông dân Phúc Thọ biết đến bao giờ mới thoát khỏi vòng cương tỏa của sự đói nghèo?
Làm việc với xã đã buồn qua từng con số, nhưng tôi lại càng buồn hơn khi vào làng thăm khu KTM Kim Môn. Cuối năm 1992, huyện Kim Môn (Hải Hưng) đổ 50 hộ nông dân vào đây theo kế hoạch di dân. Cuộc "ra đi có trật tự" này cũng ồn ào "trống dong cờ mở". Những người con của vùng lúa sông Hồng này ra đi trong viễn cảnh sẽ có sự đổi đời trên vùng quê mới. Thế nhưng, do sự làm ăn cẩu thả của Ban điều động dân cư Hải Hưng và UBND huyện Kim môn nên 50 hộ phải rơi vào cảnh "nhỡ đò". Trong tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan" này, tỉnh Hải Hưng đành chơi cú liều: "Bắt con bỏ chợ". ấy là, thay vì làm công nhân cho nông trường DTT Lộc Nam thì 50 hộ này được gán cho "Xí nghiệp Dược" để... làm thuê(!). Làm thuê lấy công là một nhẽ, hơn nữa, do bơ vơ không có đất, các hộ đành "nhắm mắt đưa chân" để thuê của "Xí nghiệp Dược" với giá 700.000đ/ha mỗi vụ. Và "đã nghèo lại gặp eo", do đất cằn, vốn ít nên vụ sắn vừa rồi nhiều nhà lỗ liểng xiểng. Khi chưa có hoặc chưa đủ tiền trả cho xí nghiệp, người nông dân đành phải cúi đầu nhẫn nhục để nghe lời thóa mạ, dọa dẫm của một số công nhân dược liệu.
Tôi dạo một vòng quanh xóm và cám cảnh nỗi đoạn trường của bà con. Hầu như rất ít hộ ở đây có được một chiếc giường hay một bộ bàn ghế tử tế. Chỗ ngủ của họ là những tấm ván mỏng ghép tạm và được "ngụy trang" lên trên bằng những mảnh chiếu rách, cáu bẩn...
Có đám đông tụ tập đầy sân một nhà nọ, ngỡ có chuyện gì nên tôi cũng lần đến. Hóa ra trong xóm vừa có người đi chợ xa về, họ đang phân chia từng túi nilon đựng thực phẩm cho các hộ. Nhìn vào các túi ấy, tôi thấy chỗ thì dăm lượng cá tươi, chỗ kia là ký lòng tạp hoặc ít mớ rau hoặc ít quả cà chua... Bọn trẻ nhao lên hỏi nhau: chỗ này là của ai mà "xịn" thế? Nhìn kỹ các em, tôi biết chúng rất thèm và đói khát trước những thứ thực phẩm đơn giản nhưng chúng cho là rất "cao cấp" ấy. Hầu hết, từ người lớn đến trẻ con, ai ai cũng có khuôn mặt võ vàng, hốc hác. Cũng đúng thôi, dân làm thuê, cuốc mướn nên thường nhật trong dạ dày họ chỉ có cơm độn sắn, khoai và dưa mắm thôi mà...
Phúc Thọ đói nghèo và bế tắc thực sự như thế đấy. Nhưng lẽ nào chúng ta đành ngoảnh mặt làm ngơ. Quỹ đất - đấy là lối ra duy nhất cho dân Phúc Thọ. Điều này, chẳng lẽ huyện Lâm Hà và các ngành chức năng không đủ sức can thiệp để cân đối lại đất đai cho phù hợp. Liệu có vấn đề gì mắc mớ không mà để dân kêu hoài?
Tôi biết nói gì với bà con Phúc Thọ khi chia tay? Nhiều lão nông đã thẳng thừng bật ra câu nói: Nhà báo dám lặn lội vào vùng sâu là điều đáng quý; nhưng chắc gì nhà báo kêu cứu hộ được bà con bởi chúng tôi đã từng kêu khản cổ?!
VIỆT HƯNG
Bút danh Hải Ngọc
Sinh năm 1953
Tốt nghiệp Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội
Hiện là phóng viên Báo Lâm Đồng.
(BLĐ số 1109 ngày 2/5/1995)