ón lá Việt Nam sinh ra từ đời Trần (giữa thế kỷ 13) và sống mãi trong ca dao, dân ca, thơ, nhạc, họa. Nón trẩy hội Lim, lên đình hát đối, xuống hội đồng, ra tuyến lửa. Nón che mưa, che nắng. Che cả sương, gội cả sao, thức thâu mấy chục ngàn đêm
cùng phận người phụ nữ lao động dưới vòm trời lạnh - Đà Lạt.
23 giờ, tôi và anh bạn xuống chợ Âm Phủ lót dạ và nhấp nháp vở kịch "Thung lũng trắng" vừa xem. Đôi trai gái Sài Gòn dìu nhau qua đường, cô gái vô tình hỏi: "ủa chợ họp ban đêm anh nè?" - chúng tôi nhìn sang: Phụ nữ - Nón và Rau...
21 giờ, các nhà hàng, kiốt ảnh Hoàn Cầu, Minh Phương; quán ăn Anh Đào, Thúy Hằng, Bích Lan... cửa sắt rít đóng, điện màu vụt tắt. Vườn hoa chỉ còn ghế đá và tấm bảng "Tribeco" xanh đỏ giữa trời. Dốc phố vắng lặng. Đà Lạt vào giấc. Chợ rau bắt đầu.
Những mẹ, những chị, những cô gái mười tám, đôi mươi gốc Huế, quê Quảng từ cây số 6, Hàn Thuyên... hội về. Chẳng khăn đóng áo dài, tơ tằm mỏng tang sặc sỡ... "trang phục tự chọn" là đầu đội nón lá, áo đúp, áo kép, len đỏ, len xanh, carô đủ loại. Chân tay bọc cao su. Miễn sao cho đỡ lạnh giữa vũ trụ đất trời, phụ trang thì đòn gánh, đòn gồng, dây thừng cân treo rồi một loạt đồ sắt lạnh xám: móc, dóng, rổ, sọt, dao... Dưới sắc vàng nhợt nhạt của ánh điện nhòe sương khói, lòng đường là vườn, ruộng đồng - chợ. Kia là mấy mẹ còng lưng, mấy chị ngồi xa ngồi xổm nhặt từng cọng rau tỉ mẩn như đi cấy ngoài đồng, trỉa hạt trên nương, như quét rác đầu ngõ, nhặt cỏ trong vườn. Kia là mấy cô khệnh khạng bưng sọt, oằn người đội đòn cân lên vai, lên đầu như đội đá, gánh nhà. Đôi chân thiếu nữ nhướn lên, nhướn lên, để sọt rau nhấc khỏi mặt đường ướt át như gánh cả đời mình, gánh cả số phận. Cả chục con mắt dưới vành nón đổ dồn về nấc cân cùng hy vọng. Kia nữa một tụm hai tụm nón lá nghiêng nghiêng dõi hai hốc mắt vào đêm mờ xa xăm chờ rau thắc thỏm niềm vui.. Xe lam phành phạch, xe ngựa lốc cốc, xe máy rầm rì, người gọi người í ới. Tiếng ủng kêu nhau lộp xộp. Hàng về - cua rôn xanh, cải thảo trắng, cà rốt đỏ. Rồi lơ sum suê, mùng thanh mảnh, su hào trùng trục. Nón trắng trôi trong sương, nón đen trôi trên đường. Dật dờ, lạnh lẽo...
Đêm vào sâu, chợ họp càng đông. Gió sương từ núi, từ suối tràn về, dưới hồ Xuân Hương ào lên buôn buốt, xạc xào xao xác. Những hạt sương li ti, lả tả trong màu vàng hư ảo. Một giọng cười của cô gái thức khuya từ quán karaoké ré lên. Chị bán nước đậu ở lề đường ngáp dài uể oải, phả ra một luồng khói xoắn trắng đục. Bên kia, cách 4m những quán ăn dã chiến vịt gà bia thuốc xếp chồng xếp lớp, khói hơi bốc thơm. Xe hơi xe máy có tên tuổi rõ ràng: 40, 47, 20, 50, ABC, H, K, L... nhiều màu sắc, hình dáng đủ thế hệ và đời, tiền triệu tiền trăm triệu ngả ngốn đầy đường. Các hạng đàn ông Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ, Sài Gòn... ngồi xổm, ngồi ngang vắt vẻo, giọng ồ giọng à râm ran mời chào chúc tụng sau phi vụ làm ăn, công cán. Đằng sau họ những nhà hành khất, cơ nhỡ chèo queo rũ rượi trên bậc thềm tối om của kiốt.
Một sân khấu hai màn diễn song hành đa âm sắc, trớ trêu và nghiệt ngã làm sao! Phía đông nam hai ngọn đèn bưu điện lơ lửng giữa trời thẳm nhấp nháy, thổn thức. Bốn chiếc đồng hồ ở đài phun thì luôn luôn chỉ 10 giờ 9 phút chẳng biết ngủ hay thức?
Chỉ có, vâng, chỉ có các mẹ, các chị và các cô hiện hữu kia là sự thật. Họ vừa làm ra vừa mua đi bán lại, hiến cho đời chỉ có rau thôi. Hai mươi bốn năm trong nghề, dì Sáu quê Quảng Ngãi ở Đinh Tiên Hoàng tâm sự: "Đầu hôm tui ngủ, con nó ra trước, 9 giờ tui ra vì sức không chịu nổi. 6 giờ về ăn rồi ngủ đến 12 giờ trưa dậy làm để tối đi chợ. Mỗi người mua vài ba loại, tiền sức đâu mà mua hết...".
Chiếc xe ngựa của anh Loát (cháu ông Độ người chở rau từ thời Nhật) tuột dốc kéo rau đến. Dì Sáu ngoái ra, bỏ lửng câu chuyện đi mua thêm bắp sú. Dưới chân cột điện, tôi bắt chuyện với dì Hai đang tuốt lá cuarôn nhẫn nại âm thầm. Chẳng phải tấm vải trắng thơm phức ở nhà hàng, khách sạn phủ gối đỡ những món nhậu dư thừa rơi vãi, ở đây chỉ một mảnh nilon nhàu nát choàng chân vừa cho đỡ lạnh, vừa để sạch người. Những cánh cuarôn xanh rơi lả tả, nát vụn trên nilon. Chậm rãi theo nhịp tay đưa con dao nhỏ, dì thủ thỉ "Cả nhà tui làm vườn, 5 đứa con chẳng đứa nào được học cái nghề nhà nước, tui cho một đứa ra cùng. Bòn cả đêm được mấy chục, chỉ một bữa nhậu tàng tàng của ông xã trôi vèo hết. Lặn lội, thức đêm thức hôm sống qua ngày...".
Rồi dì Ba, dì Tư, dì Bảy, cô Lan, cô Ngọc, cô Hà... những con người không còn tên còn tuổi. Họ trở thành vô danh. Những mái tóc bạc màu trắng úa, những sợi tóc chẻ năm chẻ bảy chẳng còn óng mước chỉ vì suốt đời lặn trong sương lội trong gió, lam lũ gia bần. Họ là những người làm nên Đà Lạt ngọt ngào, những người làm đẹp cuộc đời!
Trời đổ mưa - cơn bão số 2 mà. ở xứ Anh Đào này dù bão Trung hay bão Bắc, hễ ngoài khơi có bão thì nơi Cao nguyên Lâm viên chịu trận. Mưa xéo đất, xéo trời, trắng xóa mênh mông. Mặt đường như sôi lên, bốc khói. Những cái bong bóng phập phồng lấp lánh ánh điện rồi vỡ ra theo dòng nước ùng ục tuôn vào cống. Từng giọt mưa trễ nải, tí tách rơi lên mặt bàn nơi quán tạm nghe đến nao lòng. Mưa giăng mắc bịt bùng lấy chợ nhỏ. Vòm trời như cái nón chì không đỉnh úp xuống ngột ngạt. Những phụ nữ khoác nilon ướt bết như thân cò, thân vạc vẫn đi lại trên đường nhão nhoét. Đầu kia nước ầm ào giận dữ cho qua cầu Ông Đạo càng đẩy không gian vào trống rỗng lạnh vắng xa xôi. Cả vũ trụ sũng ướt, chợ ê chề, ế ẩm. Gió xô đẩy cái nón càng méo xệch đi, quai đen cứ lay lay như kêu cứu. Bóng người đổ xuống nhằng nhì tàn tạ. Một cô phóng xe Dream vụt qua nước bắn tóe lên người mẹ già đang xếp lơ tránh cơn mưa ác. Mưa hoài không ngớt...
Một hồi chuông chùa cầu phúc dóng lên vọng về thêm u tịch. Tôi xem đồng hồ đã gần 3 giờ. Hàng đã được xếp và bao che từng sọt cẩn thận để chuyển về chợ Cầu Muối (Sài Gòn), chợ Nha Trang, Phan Thiết... Trước khách sạn Hương Trà (như bao khách sạn khác), khi mọi người đang chăn ấm gối êm thì những người đội nón đêm đứng chầu chực xe về để chất hàng lên vội vã... Rồi xe nhỏ, xe lam, xe máy chở hàng đi các huyện của Lâm Đồng, các chợ trong thành phố. Rồi hàng được gánh gồng vào chợ trung tâm chạy hấp hả như dân gánh cá tươi vùng biển thời nào...
Trời sáng thêm, chợ vãn dần. Đường phố nhộn hơn, chợ rau sáng bắt đầu họp trước khách sạn Hải Sơn. Chợ rau đêm còn thi thóp mấy người bán nốt ít rau thừa, vài người đàn ông ọp ẹp xách bị nhặt rau hư cho heo, vài phụ nữ đội vệ sinh đẩy xe, quét rác dọn đường. Bên kia, hàng ăn cũng dọn kết thúc. Bên này mấy phụ nữ chui vào quán dù lót dạ ổ bánh mì hay cốc nước đậu để ra về. Các cô gái (chẳng má hồng, mắt xanh, chẳng có những cuộc hẹn hò tình tứ) cùng bước vào. Họ vẫn vui cười chọc ghẹo nhau: "Tụi em về đi làm vườn tiếp, không có thì ai làm cho mà đi chợ". Cô Nhạn nhanh nhẩu nói rồi lên xe ngựa. Chiếc xe không bạt vàng bạt tía, trơ sườn trườn dốc rồi xa hun hút...
Bà mẹ già đặt nguyên gánh rau trên vai, nghiêng nón ngoái nhìn đếm từng tấm lưng chiến sĩ hành quân ngược chiều trên đường Trần Phú. Cành thông khô gầy đỡ từng mảnh thông dày như những nón đen. Xa xa trên đỉnh núi Bà, mây từng khối như vô số nón trắng khổng lồ bồng bềnh trôi. Tiếng chuông chùa lại vọng lên trầm hùng lắng vào trời đất. Một ý nghĩ cứ dội vào tôi dọc đường về: Không biết những ai trong số du khách này thấu hiểu rằng: những chiếc nón đêm kia quanh năm thức trắng để bữa ăn sáng của Sài Gòn, Nha Trang, của Bảo Lộc, Đơn Dương... của Đà Lạt được tươi ngon và sảng khoái?!
TỐ MINH
Tên thật Phan Minh Đạo
Sinh năm 1962
Thạc sĩ Văn học
Hiện là phóng viên Báo Lâm Đồng.
(Đà Lạt nguyệt san - số 10 tháng 7.1995)