Lâm Đồng những bài báo chọn lọc

ượt gần 50 cây số đường rừng, Trọng đến căn cứ Đinh Trang Thượng giữa một ngày nắng ấm. Mùa xuân tràn trề trên những cánh rừng gội nắng. Bụi đỏ ven đường, những cánh hoa Sơ Rang nở trắng và bầu trời cao xanh thẳm... Đấy là hình ảnh ban đầu mà cô bắt gặp khi đến vùng cao này. Nỗi háo hức xen lẫn với những mệt mỏi khi phải vượt qua những dốc cao, đã phút chốc tan biến khi cô vào tới gần cổng trường. Người con gái miền xuôi còn rất trẻ ấy đã sững sờ, bối rối trước 20 em học sinh đầu trần chân đất, em ngồi, em đứng lố nhố trên dốc cao, ngơ ngác nhìn cô với ánh mắt lạ lẫm. Cô dừng lại thở dốc. Cả cô và trò đều lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau, dò hỏi và chờ đợi. Chỉ có gió vô tình vẫn ầm ào trên mái trường. Hồi lâu, cô mới bình tĩnh trở lại. Cô đặt nhẹ tay lên vai một em gái có mái tóc cháy vàng, ngọt ngào hỏi: 

- Này em, nơi làm việc của các thầy cô giáo ở đâu thế? 

Em vội dang ra như bị phỏng lửa, nói trổng: 

- Ơ gid. 

Cô giáo chấp chới, lòng phân vân "Ơ gid là thế nào?". Cô hơi khom người xuống gần một em trai đang đưa mắt quan sát cô, nghịch ngợm. Cô vờ nheo mắt với em và cười thân thiện: 

- Em tên gì nhỉ? Em giúp cô với nào. 

Em bé này cười hồn nhiên rồi cũng lắc đầu nói: 

- Ơ gid! 

Và đột nhiên cả đám trẻ nhao lên: Ơ gid. Ơ gid. 

Cô cũng buột miệng nói theo: "Ơ gid". Nhưng sao lại là Ơ gid? Cô về đây để dạy các em học cái chữ mà. Cô đến với các em... 

Rồi cô dang rộng hai tay như muốn đón hết thảy các em vào lòng. Các em vẫn lặng thinh, lấm lét đưa mắt nhìn khuôn mặt bầu bĩnh hồng hào của cô, nhìn áo quần cô đang mặc rồi nghịch ngợm nhìn nhau cười. Chỉ trong một thoáng, cả đám ù té chạy lên phía đầu dốc cao. Cô đành hậm hực với đám trẻ bướng bỉnh và tự mình tìm lấy nơi làm việc của các thầy cô giáo. 

Buổi gặp gỡ đầu tiên ấy với đám học trò "ơ gid" vẫn mãi hằn sâu trong trí nhớ của Trọng. Bao mùa mai rừng lại nở. Mùa xuân ở Đinh Trang Thượng mỗi năm đến đúng kỳ. Bầu trời, ngàn lá, thác ngàn và ánh mắt nhìn của các em mỗi mùa xuân qua lại ngời sáng thêm một ít. Cuộc sống đang hóa thân từng ngày. Đám học trò "Ơ gid" dần dần khăng khít với cô như đàn chim ríu rít. Ngôi trường trở thành mái ấm. Bao gian khổ chồng chất vẫn còn lờ mờ trên làn da của cô giáo. 

Hôm mới đến nhận công tác, Trọng được phân công làm chủ nhiệm lớp học sinh nội trú và phụ trách chuyên môn toàn trường. Đinh Trang Thượng là một ngôi trường phổ thông cơ sở của vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ trước đây. Trường có ba phân hiệu nằm rải rác theo đường số 14. Các phân hiệu cách nhau từ 10 đến 15 cây số đường rừng. Hầu hết các thôn buôn của hai xã Tân Thượng và Đinh Trang Thượng đều có mở lớp cho các em người dân tộc K'Ho và Châu Mạ đi học. 

Trọng mừng, lo khi đảm nhiệm lớp nội trú có 44 em, đa số các em đều mồ côi, có em đã từng gặp cô trong buổi đầu tiên ở con dốc dẫn vào trường. Tuổi đi học của các em rất muộn màng, có em đã đến tuổi 16. Lớp của cô vốn thích khói bếp nương rẫy, phá phách nghịch ngợm nhất trường. Các em thường có thói quen vui thì học, buồn thì bỏ trốn về nhà. Khu ở nội trú có đặt nhiều bếp con con. Chăn màn, cơm cá, sách vở, áo quần để lẫn lộn trên giường nằm. Cô hỏi em nào thì em nấy đều nói "Ơ gid", mặt cúi gầm xuống nhẫn nhục. Cô gọi em đằng trước, em đã chạy đằng sau. 

Nỗi lo ngày một day dứt không nguôi. Trọng suy nghĩ biết làm thế nào để chăm lo giáo dục một tập thể học sinh đặc biệt đó theo đường lối quan điểm giáo dục của Đảng? Cô đã mạnh dạn bắt tay vào từng việc, lăn xả vào phong trào với một tấm lòng yêu thương, trân trọng học trò của mình. Là một giáo viên sau ngày giải phóng, cô tự nguyện vào công tác ở vùng dân tộc, cô chưa có một hiểu biết tối thiểu nào để giáo dục các em người dân tộc, nói chi đến giáo dục một tập thể học sinh có nhiều cá biệt như thế. Vừa làm vừa học, cô tự nguyện làm một cấp dưỡng. Cô đã bối rối và vụng về trước nồi niêu, bát đĩa còn quá thiếu thốn. Dần dần cô đã "lành nghề", vừa nấu nồi cơm chín xong, cô quay qua nồi canh, canh chín rồi nấu nước uống, một tay đảm đang tháo vát. Cô đã đưa các em vào ăn tập thể ngày ba bữa, bỏ thói quen ăn một ngày năm bảy lần. Như một con ong cần mẫn, cô tập cho các em cả những điều nhỏ nhất, luyện cho các em có một thói quen mới, bảo đảm giờ giấc sinh hoạt, nền nếp học tập. Ngày bận bịu trên lớp học, bên bếp ăn, đêm đêm cô khâu từng tấm áo, mảnh quần, lo từng giấc ngủ. Những lúc có em đau yếu, cô dùng thuốc nam trị bệnh. Cô bày cho các em và dân bản cách chế biến các hạt muối to thành loại muối trắng, mịn, hợp vệ sinh. Bà con dân bản ai cũng biết món muối này. Những ngày nghỉ học, cô theo các em vào rừng đặt bẫy săn thú, chặt củi về cho bếp ăn tập thể và đến nhà dân để vận động bà con giúp cho trường từng trái bầu, trái bí, liếp gạo. Cô trò mở đất trồng rau, chăn nuôi, lợn, gà để cải thiện thêm các bữa ăn. Thấy Trọng chạy vạy lo lắng cho một tập thể gần 50 người vừa thầy cô giáo vừa học sinh, có Mơi khen cô: "Mày làm con gái của buôn làng rồi". Bà con thương cái miệng của cô biết nói điều hay, thương bàn tay cô hay làm điều tốt, yêu cái bụng của cô biết gắn bó thủy chung với buôn làng. 

Thầy giáo K'Sin một lần tâm sự với Trọng khi thấy cô chăm sóc tận tình một đồng nghiệp bị đau yếu: 

- Phải chi mình cũng bịnh để được chị chăm sóc. 

Thầy giáo Thúc năm năm công tác vùng dân tộc cũng rất "nể" Trọng, anh nói: 

- Có chị "cả", tôi tình nguyện ở lại công tác thêm một năm nữa. 

Tập thể giáo viên vẫn gọi Trọng là "chị cả, chị hai". Các em thường gọi cô là mẹ. Những lần cô vắng xa trường, công tác dưới vùng xuôi, các em hỏi thăm cô từng ngày, từng buổi học. Các Pạp, các Mơi đều trông ngóng cô mau trở lại. Và khi Trọng về tới trường, các em vui mừng xoắn xuýt bên cô, kể cho cô nghe chuyện nhà, chuyện trường như kể cho một người mẹ vừa đi xa về. 

Sau ngày đồng chí Hiệu trưởng chuyển công tác đến một ngôi trường nằm ven trục lộ 20, Trọng được trên đề bạt làm cán bộ quản lý trường. Cô nhận lấy một trách nhiệm hết sức nặng nề. Được tập thể chung sức chung lòng, cô đã từng bước đưa nhà trường vươn lên, xây dựng được một số nền nếp bước đầu về công tác nội trú học sinh vùng dân tộc. 

Vào một buổi sáng, các Mơi, các em ra đầu dốc tiễn cô về thị trấn để nhận quà tết của trường. Trọng đã có những chuyến đi như thế nhưng sao lần này, cô nghe nôn nao kỳ lạ. Đám học trò "Ơ gid" quấn quýt với cô, nhìn cô với ánh mắt biết ơn và reo vui. Các em đẩy chiếc xe đạp (của ủy ban nhân dân tỉnh vừa thưởng cho Trọng) đi một đoạn đường, nhao nhao tranh nhau đòi cô mua về một con heo đất để gây quỹ tiết kiệm cho trường. Cô nhại lại đúng điệu bộ và giọng nói của các em, cô kêu lên "Ơ gid". Các em cười giòn tan thích thú. Xuống đến nửa dốc, ông già K'Bríu đứng đợi sẵn, trao cho cô một liếp cơm, một bàu nước rồi nói: 

- Mang theo thôi, cô giáo làm con của buôn làng rồi mà. Cô giáo ơi, nhớ mau về nhá! 

Trọng cảm động đón lấy liếp cơm nếp và bàu nước, muốn nói với ông K'Bríu lời cảm ơn nhưng cô không nói được. Cô nghĩ thầm: "Con còn phải cố gắng nhiều hơn nữa mới xứng đáng làm người con gái của Đinh Trang Thượng mà Pạp". 

Một mùa xuân mới đã về. Rừng núi trải mềm như một mái tóc... Trọng nghe vọng lại tiếng gọi thầm trìu mến Pugur! Pugur! 

* Tiếng dân tộc Kơ Ho: "Ơ gid": Không biết; Pạp, Mơi: Cha, mẹ; Pugur: Cô giáo. 

TRẦN HỮU LỤC

Bút danh khác: Hồng Hữu

Sinh năm 1944

Tốt nghiệp Ngữ văn - ĐH sư phạm Huế

Hiện là phóng viên Báo Tuổi Trẻ 

(BLĐ xuân Quý Hợi 1983)

Lâm Đồng những bài báo chọn lọc