Lâm Đồng những bài báo chọn lọc

 

Khi xây hồ Đơn Dương (1961) người Nhật đã tính toán đến tần suất lũ cao nhất của sông Đa Nhim để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho con đập dài tới hơn 1 km này nằm ngay trong thị trấn Dran. Qua nghiên cứu, họ nhận thấy tần suất lũ của sông này như sau: tần suất 1/100 là 4.000 m3/s (tức cứ 100 năm sẽ xuất hiện một cơn lũ có lưu lượng 4.000 m3/s). TS 1/50 là 3.000 m3/s và TS 1/20 là 2.000 m3/s. Đồng thời lưu lượng lũ bình quân ngày lớn nhất lên tới 2.500 m3/s. Do đó, họ đã thiết kế 4 cửa thoát với mức xả tối đa 4.500 m3/s và với mức xả này vẫn không gây mất an toàn cho phía hạ lưu. Thực tế, ngay sau khi khánh thành chưa đầy 18 tháng, trong trận lũ năm 1964, đập đã phải xả tới mức 3.000 m3/s và mặc dù xả với lưu lượng lớn như vậy, song vẫn không gây thiệt hại gì cho dân chúng địa phương. 

Thế nhưng, trong cơn bão số 11 vừa qua, lượng nước từ đầu nguồn về cao nhất mới đạt 1.626 m3/s (trong vòng 15 phút, sau đó giảm ngay) và đập cũng mới chỉ xả có 1.600 m3/s (bằng 30% mức xả cho phép) trong 2 tiếng đồng hồ mà đã gây mất an toàn nghiêm trọng và hậu quả mang lại đến... không ngờ: 5 trên tổng số 9 xã trong toàn huyện bị ngập, 15 ngôi nhà bị trôi, 1 cầu sắt bị cuốn... Thiệt hại ước tính: 20 tỉ đồng! Sự "không ngờ" này sẽ không có gì khó hiểu nếu biết được trong thiết kế của người Nhật, một số khu vực dưới đập, dọc theo hai bờ sông tuyệt đối không được làm nhà và trồng cây ăn quả, lưu niên. Từ năm 1964 cho đến thời điểm xả lũ vừa qua, đập chưa có "cú" xả nào vượt mức 800 m3/s để... "nhắc nhở", nên hầu như chẳng có ai còn nhớ ngay trên đầu mình hay tại địa phương mình có 1 "quả bom" nước khổng lồ - rộng đến 970 ha, chứa đựng 165 triệu mét khối nước với sức nặng gần 200 triệu tấn. Và, một khi "quả bom" ấy "xì", mọi thứ (kể cả người) đều có thể mất tăm. Bởi thế, cùng với đà tăng dân số, gần 30 năm qua nhà cửa và cây cối cứ tiếp tục mọc lên trên những vùng "cấm địa". Hiện chưa có một số liệu thống kê nào cho biết có bao nhiêu hộ, bao nhiêu ha cây công nghiệp đang "án ngữ" trên vùng nước xả cần phải xem xét để giải phóng đường cho dòng nước thoát đi. 

Ông Lưu Minh Chánh - Giám đốc nhà máy Thủy điện Đa Nhim cho biết: Trước đây, khi xả lũ nước thoát rất nhanh. Nay mới xả có 1.600 m3/s mà nước đã bị nghẽn, dâng lên ngập trắng hai bờ với chiều rộng 400m và chiều dài 24 km. Đặc biệt, ngay dưới đập, nước đã dâng tới cao trình 1.016 m. Điều này là hết sức nguy hiểm vì chân đập bị nhão, đập sẽ dễ dàng dịch chuyển và như thế, không riêng gì tỉnh Lâm Đồng mà cả tỉnh Đồng Nai, Ninh Thuận và TP. HCM cũng sẽ gánh chịu hậu quả khôn lường của cơn "Đại Hồng Thủy" Đơn Dương. Theo ông, để bảo đảm an toàn khi xả lũ cần đưa vùng hạ lưu trở lại hiện trạng gần như lúc ban đầu. Trước mắt cần giải tỏa ngay một số khu vực của xã Ka Đô, Lạc Xuân và TT Dran. Đồng thời, không nên trồng chuối, mía, dâu... ven sông vì những cây này tạo ra sức cản rất lớn khi lũ tràn qua.. 

Thực ra, ngoài nỗi lo về "phía bên dưới" còn biểu hiện một nỗi lo khác về "phía bên trên", bởi việc xả lũ nhà máy chỉ biết trước không sớm hơn 15 phút. Lý do của sự thụ động này thật đơn giản: Nước đến chân mới ... biết! Tức là, nhà máy chỉ nắm được lượng nước đến ngay tại mặt đập bằng cách đo mực nước hồ 15 phút một làn (khi có lũ). Sau đó mới quyết định có xả hay không và nếu xả thì "mở" đến mức nào để giữ mực nước không vượt quá mức an toàn (1.042,5m). Được biết, nhà máy cũng có đặt 3 trạm đo mưa tự động tại Đạ Sa, Đạ Chair và Xuân Thọ để nắm lượng nước sẽ về hồ từ khi chúng mới rơi xuống đất tại thượng nguồn (biết trước lượng nước về hồ vài tiếng đồng hồ). Nhưng đáng tiếc cả 3 trạm ấy đều nằm trên lưu vực của nhánh Đa Nhim, còn nhánh Klong Klet - là nhánh, theo một số cán bộ của nhà máy, tuy lưu vực nhỏ hơn nhánh Đa Nhim nhưng là nguồn góp lũ chủ yếu, lại chưa có trạm nào. Như thế, trong hai nguồn lũ về hồ, nhà máy chỉ nắm được một nguồn... thứ yếu! Để trả lời câu hỏi: Vì sao không đặt trạm đo mưa tại nhánh Klong Klet? Ông Chánh nói: "Vì tốn kém và vì nhánh này không có dân nên nếu đặt sẽ không có ai coi" (?) 

Nếu quả lắp đặt trạm do mưa quá tốn kém (kinh phí đặt 3 trạm tại nhánh Đa Nhim hết có 240 triệu đồng) và không có ai coi, cùng với việc "đầu ra" dưới hạ lưu chưa thông, "đầu vào" trên thượng nguồn rừng đang tàn lụi, trong khi "hộp đen" (xử lý tại đập) cũng không phải đã hết vấn đề thì nỗi lo về "quả bom" nước Đơn Dương vẫn còn nguyên đó. 

MẠC HỒNG KỲ

Sinh năm 1958

Tốt nghiệp đại học Lâm nghiệp, đại học Kinh tế

Nguyên phóng viên Báo Lâm Đồng, hiện là phóng viên Báo Thanh Niên. 

(BLĐ số 972 ngày 24.12.1993)

Lâm Đồng những bài báo chọn lọc