Lâm Đồng những bài báo chọn lọc

 

Công nhân vệ sinh thành phố Đà Lạt - những người trực tiếp lao động trên mặt đường hầu hết là phụ nữ với gánh nặng gia đình trên đôi vai. Tìm hiểu, chúng tôi được biết khi nhận làm công việc này vốn dĩ hoàn cảnh từng người đã khó khăn: Không vốn liếng để buôn bán, không biết nghề nghiệp có thu nhập khá, không đủ "can đảm" sống bất lương, không thể hạ mình đi ăn xin... 

CHUYỆN THU NHẬP CÒN LẮM... GIAN TRUÂN 

Hiện nay, thu nhập bình quân tháng của một công nhân vệ sinh 120.000đ, trong đó thành phố Đà Lạt cấp từ nguồn phúc lợi 50.000đ, phần còn lại tính theo lương. Hàng ngày trên đường làm việc mỗi người mang theo giỏ xách thu nhặt bao nilon. Một tháng gọi là thu nhập thêm trung bình 15.000đ. 

Một năm thực sự chỉ được nghỉ ngày mồng một tết, bởi vì công việc đòi hỏi ngày nào phải xong ngày ấy, ứ lại giải quyết không nổi, bồi dưỡng cho việc làm thêm theo yêu cầu mang tính tượng trưng. Tết Nhâm Thân vừa qua, công nhân làm thêm 2 đêm 28, 29 tết, mỗi đêm bồi dưỡng 5.00đ, đêm 30 được 10.000đ. Có khu vực phải làm qua giao thừa để những con đường thành phố bước vào mùa xuân với bộ mặt sạch sẽ, khang trang. Những ngày nghỉ khác trong năm theo quy định của Nhà nước công nhân vệ sinh vẫn làm việc với tiêu chuẩn bồi dưỡng thất thường. Đồ bảo hộ lao động mỗi năm được: 2 cái nón đi đổi thành một nón tốt đội khoảng 2, 3 tháng, một bộ đồ cố giữ gìn mặc được 3, 4 tháng, một đôi giày vải cũng có thời gian ấy, 4 đôi găng tay, mỗi đôi mang khoảng 10 ngày là bắt đầu sờn rách. 

Công ty Vệ sinh thành phố Đà Lạt - đơn vị chủ quản những người phu quét đường là một đơn vị thu nộp ngân sách, có thu được lệ phí vệ sinh nhưng không có quyền chi thêm ngoài khoản chế độ. UBND thành phố rất quan tâm đến đơn vị này, nhưng cũng chỉ có khả năng giải quyết nhanh, thỏa đáng những chế độ hiện hành. Tiêu chuẩn, chế độ của Nhà nước không theo kịp tốc độ tăng giá của thị trường nên công nhân vệ sinh bằng lòng với thu nhập hiện có. 

"CHA MẸ Ở CHÙA... TÔI QUÉT LÁ NGO" 

Chuyện va chạm giữa người quét rác và người dọn rác hay thường xuyên diễn ra, chúng tôi không muốn nêu ra những lời qua tiếng lại thiếu văn hóa, dù chỉ để dẫn chứng khách quan sự việc. Chỉ biết sự thua thiệt luôn đến với công nhân vệ sinh đường phố công cộng khi ngón đòn hiểm độc được tung ra: "Loại quét rác mà cũng lên mặt". Lúc ấy, cảm giác tủi thân lập tức vỡ òa trong tâm hồn những người lao động chân chính này. Có chị do hoàn cảnh nên "lạc bước" vào công việc vệ sinh đường phố kể lại: Thời gian đầu mới bắt tay vào làm việc, đêm về rấm rứt khóc suốt hàng tháng trời. Sau đó quen dần. Cái quen ở đây là quen với công việc vất vả chứ không ai có thể quen được với chuyện người khác xúc phạm nhân phẩm mình. 

Trong luật pháp của nước ta có điều khoản quy định xử phạt về trường hợp xúc phạm nhân phẩm, nhưng có thể nói từ ngày điều luật bắt đầu có hiệu lực đến nay, chưa hề có phiên tòa nào tiêu biểu xử về trường hợp này nên tội danh ngang nhiên hiện diện thường xuyên khắp nơi khắp chốn. 

Hiện tượng xung đột giữa người vứt rác rưởi nhà mình ra đường kể cả mùi vị mà người vứt đi sử dụng một tay, còn một tay phải bịt mũi và người đi dọn của dơ bẩn không phải do mình tạo nên... xin để những nhà xã hội học lý giải. ở đây chúng tôi muốn nói đến người công nhân vệ sinh đường phố, bên cạnh việc chịu đựng công việc vất vả, thu nhập thấp kém còn phải chịu những đòn nặng trong cuộc sống tinh thần. Để có chị phải thốt lên: "Cha mẹ ở chùa... tôi quét lá ngo". 

Ngay cả những người đi thu lệ phí vệ sinh cũng thường xuyên phải chịu tiếng chì, tiếng bấc. Mà lệ phí thì nhiều nhặn gì cho cam? Mỗi hộ tùy khu vực có nơi 500đ, 1.000đ, có hộ kinh doanh nhà nghỉ 2,3 ngàn đồng một tháng để yên tâm về chỗ tiêu thụ rác. Có trường hợp hộ gia đình cán bộ lâu năm ở trên tuyến đường xe chứa rác rung chuông đã tuyên bố thẳng thừng "tôi không đổ rác vào xe của Nhà nước, một xu cũng không nộp". Thế là Công ty vệ sinh phải vội vàng năn nỉ "Ông bà không nộp thì thôi, xin cứ đổ vào xe, đừng đổ ra đường tội nghiệp chúng tôi". Hàng năm Công ty Vệ sinh Đà Lạt không thu được trên 40% lệ phí vệ sinh của thành phố, Công ty chỉ có một biện pháp duy nhất: "phải thật lịch sự, nhã nhặn khi thu tiền". 

Trách nhiệm đối với Công ty vệ sinh, những công nhân vệ sinh đường phố, công cộng không chỉ thuộc về chính quyền các cấp mà là một trong những trách nhiệm xã hội của từng công dân sống trong thành phố để người phu quét đường đôi khi dừng chổi lắng nghe tấm lòng từ cuộc sống gửi đến, họ yên tâm tiếp tục làm đẹp cho đường phố, góp phần làm đẹp cho đời. 

MẠC DO HÙNG

Bút danh khác: Mai Hoàng

Sinh năm 1956

Nguyên là phóng viên Báo Lâm Đồng. 

(BLĐ số 840 ngày 18/9/1992)

Lâm Đồng những bài báo chọn lọc