ừa ra khỏi vườn ngô, quần áo ướt đẫm sương đêm, chúng tôi tiếp cận ngay với đường 20, mọi người nhẹ nhàng nằm sát ép lề đường nghe ngóng, cách chỗ chúng tôi nằm độ 20m, một toán địch đen trũi in lờ mờ trên nền trời lấm tấm sao khuya, tiếng giày
đinh thận trọng gõ nhẹ trên mặt đường nhựa, một lát sau nhắm chừng có thể vượt qua đường được, anh Dương (đội trưởng đội công tác sinh viên học sinh Đà Lạt) đưa tay ra hiệu, 1 cây AK chồm lên băng mình trong đêm nhẹ như một cơn gió thoảng
và mất hút phía kề đường bên kia. Theo lệnh của đội trưởng, chúng tôi tháo giày dép, lau sạch chân và từng người một vượt qua đường. Anh Dương là người qua sau cùng. Nằm một lúc để xác định hướng đi của địch, chúng tôi rời đường 20 và nhanh
chóng rút sâu vào bìa rừng. Cả nhóm có 4 người nhưng chỉ có 2 cây súng, một của đồng chí chiến sĩ trong đội công tác đang đi phía trước, một của anh Dương đi bảo vệ phía sau, còn tôi và đồng chí giao liên đi giữa, anh Dương bao giờ cũng thế,
khi đột ấp, anh luôn là người đi phía trước, nhưng khi về anh lại là người rút sau cùng.
Leo được một đoạn đường chừng như đã an toàn, chúng tôi dừng lại bên một con suối ở lưng chừng núi, móc võng bên nhau nằm ngắm sao đêm xuyên qua kẽ lá rừng nói chuyện thì thầm một lúc rồi ngủ lấy sức để hôm sau tiếp tục hành quân về cơ quan Thị ủy Đà Lạt.
Theo thư hẹn đáng lý anh đón chúng tôi về đêm trước, nhưng do một vài trục trặc, tôi và giao liên từ Đà Lạt chưa kịp về đến bàn đạp. Để tránh đi lại nhiều dễ lộ, anh quyết định chui vào nằm trong một đống rơm mục ở giữa đồng, đợi đến đêm sau lại trở vào bàn đạp đón khách. Tôi lo lắng hỏi: "Anh đi công tác chỉ có 2 tay súng lỡ gặp địch làm sao chiến đấu". Anh trả lời: "Mình không có trách nhiệm đánh địch mà chỉ có trách nhiệm tránh địch tối đa bảo đảm bí mật tuyệt đối, nên đi càng ít càng bất ngờ càng tốt". Cứ thế đội công tác của anh chia nhỏ ra, thường xuyên ra vào địa bàn Bồng Lai, Hiệp Thạnh (Đức Trọng), bất kể tình hình địch tuần tra phục kích, có lúc anh xuyên vào giữa vòng vây của địch chỉ cách thằng lính gác vài bước để bắt liên lạc với thành phố. Quyết tâm và sự táo bạo của anh đã làm cho mạch máu giao thông từ Đà Lạt xuống Đức Trọng vào rừng và ngược lại được duy trì thông suốt, lúc thì đón khách, lúc phóng giao liên vào thành, lúc nhận báo cáo, lúc thư chỉ đạo... không bao giờ bị đứt, cho đến ngày ta giải phóng hoàn toàn Đà Lạt.
Nhưng rồi một đêm không may trên đường công tác anh vướng phải mìn, đồng đội khóc thương và kể mãi về anh: Một sinh viên học giỏi, đẹp trai, luôn sống tốt với mọi người, từ nhỏ chỉ sống với bố mẹ và bạn bè trong thành phố nhưng khi được cách mạng giác ngộ, anh trở thành một cán bộ cách mạng yêu nước nhiệt thành, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh cho lý tưởng của mình, đặc biệt tình yêu đối với Đà Lạt, thành phố nơi anh lớn lên, đã truyền lại cho chúng tôi ngày càng sâu đậm cho đến tận ngày nay. Tôi nhớ mãi kỷ niệm một buổi chiều khi nhận được chỉ thị của Thị ủy "cả chi đoàn chúng tôi phải trở lại thành phố hoạt động", anh kéo chúng tôi ra bờ rẫy ngồi nhìn những đám mây bay cuối trời mơ về ngày mai, anh tâm sự:
- Đà Lạt đẹp lắm, mình không được sinh ra ở đó, quê gốc của mình là Hà Nội, nhưng mình lớn lên ở Đà Lạt và yêu Đà Lạt hơn bất cứ nơi nào khác, mai sau hết giặc chúng ta cố gắng xây dựng thành phố hoa này, trước hết là phải trồng thật nhiều hoa, trồng thật nhiều cây anh đào, mimôza và phải trồng nhiều thông hơn nữa thì mới giữ được Đà Lạt có nét độc đáo khác hẳn với các thành phố khác.
Tôi xen vào: "Nhưng cũng phải xây dựng thật nhiều công trình chứ anh, nhất là phải xây dựng những công trình ở các thắng cảnh cho khách du lịch đến thăm như Prenn, Đatanla, Cam Ly, hồ Than Thở, Thung lũng Tình yêu...
Anh tranh luận gay gắt:
"Đồng ý, phải xây dựng thêm các công trình cho Đà Lạt như đường sá, nhà cửa... nhưng cấm không được đụng đến cây thông mà phải trồng thêm, không được biến Đà Lạt giống như các thành phố khác ở miền đồng bằng, đặc biệt ở các thắng cảnh muốn làm gì thì cũng phải bảo vệ cho được cái tự nhiên sâu thẳm, tĩnh lặng của suối rừng, chứ nếu đưa vào đó những công trình nhân tạo nó sẽ trở thành chắp vá, giả tạo, cạn cợt và diêm dúa như một...".
Cô giao liên ngồi cạnh đập vào lưng anh:
"Không được nói bậy!..." và hốt lá rừng tung vào người anh, anh cười giòn tan ngả người ra phía sau cây AK rớt xuống phiến đá vang lên một tiếng kêu khô chát, anh trở về thực tế, ôm vội cây AK vuốt nhẹ: "Xin lỗi, súng ơi, có đau không súng? có đau không?". Tôi cười châm chọc: "Chưa đậu ông nghè đã đe hàng tổng, chưa đánh xong giặc đã tính chuyện cấm người ta đào bới Đà Lạt của anh".
Chúng tôi ngồi mãi bên bờ rẫy và nói với nhau rất nhiều về Đà Lạt, về bạn bè, về người thân và về những mối tình học trò. Đêm, vùng núi rừng chìm trong một màn tối mênh mông, nhìn về hướng đông bắc, nơi ấy ánh điện thành phố hắt lên bầu trời một vùng sáng xanh, mọi người im lặng suy tư, anh buột miệng "nhớ Đà Lạt da diết!".
Đã 20 năm rồi, buổi chiều ấy và cả cuộc đời anh đã trở thành chuyện cổ tích, vậy mà những điều anh nói như một chân lý. Đà Lạt đang kỷ niệm 100 năm: vắng anh! Nhưng có lẽ đâu đó trong những tiếng thông reo có hương hồn anh vẫn đang thao thức trăn trở với thành phố sương mù.
NGUYÊN
Tên thật: Nguyễn Trọng Hoàng
Sinh năm 1950
Tốt nghiệp Sinh-Hóa - Đại học Tổng hợp Đà Lạt
Hiện là Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Lâm Đồng.
(BLĐ số 939 cuối tháng 8/1993)