Quàng lấy đôi vai vạm vỡ, rắn chắc như gỗ lim rừng của KSét Tăm Boo tôi hỏi vui:
- Làm chủ nhiệm có khó lắm không?
KSét Tam Boo cười. Nụ cười thật hồn nhiên, khiến khuôn mặt vuông, rám nắng của anh trẻ ra so với tuổi 42 nhiều quá.
- Ban đầu khó đấy, nhưng khi dân tin mình rồi thì cũng không khó lắm nữa đâu.
KSét trả lời, mộc mạc và chắc chắn như dao chém gỗ. Sáu năm rồi, KSét Tam Boo đã làm để có niềm tin ấy.
Ngày mới giải phóng, người Kơ Ho ở Ka Ming này không có tập quán dùng phân chuồng bón ruộng. Đất đồng Ka Ming cằn và chai cứng lại vì chuyên dùng một loại phân hóa học. KSét nghĩ nhiều lắm. Vốn đã là giáo viên trường Nông - Lâm ngày xưa. KSét hiểu giá trị của loại phân này. Ngày ngày, KSét cùng con trai lớn vào rừng cắt lá, ra đồng vơ rơm rạ về bỏ chuồng trâu, chuồng heo. Tối tối, KSét sang các nhà lân cận vận động bà con làm phân bón ruộng. Nhiều người bảo: "Ruộng là đất của Giàng. Bỏ phân xuống, Giàng phạt, Giàng không cho ăn đâu". Qua một vụ, KSét không bị Giàng phạt, chỉ thấy lúa nhà KSét nhiều hơn, chắc hạt hơn. Bà con Ka Ming tin KSét, muốn làm theo, nhưng còn băn khoăn: Gùi phân ra đồng ư?
Học người Kinh, KSét đan sọt gánh phân ra đồng. Người Kơ Ho quen đội, quen gùi, không quen gánh. KSét kiên trì vận động, hướng dẫn. Bốn mươi gia đình Kơ Ho ở Ka Ming bắt chước KSét. Giờ thì không chỉ bốn mươi gia đình nữa. Nhà nào hằng năm cũng có bốn, năm tấn phân bón ruộng và bán cho hợp tác xã. Riêng nhà KSét thì bốn năm mươi tấn. Bà con theo KSét làm chuồng trâu, chồng bò xa nhà, có mái che, có hố ủ phân bên cạnh.
Là tập đoàn trưởng tập đoàn sản xuất, KSét băn khoăn nhiều vì lúa gieo sạ của người Kơ Ho xấu quá: "Phải học tập người Kinh cấy lúa". Ban đầu người Ka Ming chưa nghe ngay đâu. "Khó lắm". Lại KSét làm trước. "Khó thật. Nhưng người Kinh cấy được, người Kơ Ho nhiều nơi cũng đã cấy được, mình cũng sẽ cấy được chứ". Đến mùa gặt bà con tới xem ruộng cấy, ruộng tỉa nhà KSét. "ồ! Bông to, hạt chắc quá". Bà con làm theo. Giờ thì non nửa diện tích lúa Ka Ming đã được cấy và tỉa sạ.
Chưa khó bằng ngày vận động bà con Kơ Ho ở Ka Ming vào hợp tác xã. Ngày nào KSét Tăm Boo cũng cùng cán bộ xã, cán bộ huyện đến từng gia đình Kơ Ho.
- Ngày xưa, người Kơ Ho mình chỉ có làm thuê. Người giàu chiếm hết ruộng đất. Giải phóng rồi nhưng vẫn còn người giàu, người giàu lắm. Phải vào hợp tác xã thôi. Chính phủ muốn người Kơ Ho mình ai cũng giàu như nhau.
KSét vận động thế. Đến một lần bà con chưa nghe ra, thì đến nhiều lần nữa. Người Ka Ming vốn tin KSét, quý KSét, tất cả đồng ý vào hợp tác xã. KSét được bầu làm chủ nhiệm.
Ở hợp tác xã Ka Ming, nhiều người còn lười công việc tập thể lắm. KSét vận động nhiều mà họ vẫn chưa nghe ra. KSét lên huyện đề nghị với Ban cải tạo nông nghiệp: "Phải khoán thôi". Ngày ấy, chưa phổ biến Chỉ thị một trăm. Huyện bảo: "KSét, phải mở đợt học tập đã". Khi có chỉ thị về, KSét mừng lắm, bàn với Ban quản trị làm ngay. "Thế khoán thế nào đây?".
KSét xem kỹ hướng dẫn của huyện, mang sổ khoán từng khâu công việc vụ trước ra xem, rồi cùng Ban quản trị đi làm thí điểm trước. Hai bố con KSét cũng thử đi cuốc ruộng mấy ngày. "Bố con mình khỏe, làm được thế. Người yếu thì sao?".
Cuối cùng, bản khoán đã được thông qua đại hội xã viên. Huyện khen KSét chịu nghĩ, chịu làm, và làm giỏi nữa. Hợp tác xã Ka Ming của KSét bây giờ là đơn vị khá nhất trong bốn hợp tác xã ở Gung Ré này. Ban quản trị làm việc nền nếp, thứ sáu nào cũng thực hiện được giao ban.
Một công việc làm KSét thích thú nữa là vận động giãn dân, quy hoạch thôn xã mới. Đi tham quan Đinh Trang Hòa, Bảo Lộc, Đơn Dương về, thấy người dân tộc nhiều nơi làm làng mới rộng rãi và đẹp mắt quá, vườn cây rộng quá, KSét suy nghĩ mấy đêm, vẽ sơ đồ thôn Ka Ming mới đem trình huyện và cho dân xem. Huyện bảo: "Làm thế được đấy". KSét về làm ngay.
- Trước kia Mỹ sợ người Kơ Ho mình theo cách mạng nên nhốt dân mình trong ấp chiến lược. Chật chội quá. Đói quá. Bệnh nhiều quá. Bây giờ Chính phủ bảo mình phải ở rộng rãi, sạch sẽ và có vườn cây. Mình không phải vào rừng đốt rẫy vất vả như trước nữa. Nay mai Chính phủ còn cho máy cày, cho điện người Kơ Ho nữa chứ.
- Nhưng đất có chỗ tốt, chỗ xấu. Mình không ở chỗ đất xấu đâu.
- Ở đâu có người ở đó đất sẽ tốt thôi. Đất cũng như con suối. Không có mưa suối chảy mãi phải cạn. Không chăm bón, đất tốt mấy rồi cũng phải xấu đi mà.
KSét còn vận động người ở lại giúp đỡ người đi. Giúp công, giúp cả của nữa. Rồi KSét lên huyện xin thêm đinh, thêm gỗ. Giờ thì thôn mới Ka Ming khác ấp Ka Ming ngày xưa rồi. 50 gia đình đã đến chỗ ở mới phong quang. Nhà nào cũng có trên 2 sào vườn trồng cà phê và cây ăn quả.
Công việc vẫn chưa xong đâu. Dẫn tôi đi thăm thôn mới Ka Ming, giữa những vườn cà phê mới trồng, cây cao ngang đầu gối, nhìn ánh mắt KSét Tam Boo, tôi biết anh đang nghĩ gì. Có một lần KSét đã nói với tôi: Mình muốn người Kơ Ho Ka Ming cũng ở rộng, làm giỏi, như người Kơ Ho ở Đinh Trang Hòa, Phú Hội, Hiệp Thạnh. Mình muốn nhà Kơ Ho nào cũng có vườn cà phê. Đang cố gắng để có mỗi đầu người 100 cây cà phê đấy, cán bộ à.
Nhiều cán bộ văn hóa, nhiều nhà báo đã đến đây, tìm hiểu và viết về KSét Tăm Boo. Họ gọi anh với cái tên thật ý nghĩa: "Con chim đầu đàn". Riêng tôi, tôi vẫn thích gọi anh với cái tên thường ngày bà con Kơ Ho ở Ka Ming này vẫn gọi: "Chủ nhiệm KSét Tăm Boo".
TRẦN THẾ THÀNH
Sinh năm 1953
Tốt nghiệp Đại học Văn; Báo chí; Sân khấu - Điện ảnh
Hiện là Biên kịch Hãng phim truyện Việt Nam.
(BLĐ số 200-201 ngày 18/1/1982)