Lâm Đồng những bài báo chọn lọc

ơn 5 năm làm báo với rừng núi Lâm Đồng, với ngàn thông Đà Lạt, nhưng tết năm nào tôi cũng được BBT cử đi viết về hoa. Ơn Đà Lạt và ơn nghề nghiệp, nhờ đó tôi đã được biết thêm nhiều chuyện về một loài cây gọi tên cho Đà Lạt. Và tết - là cái "hàn thử biểu" để đo độ nóng - lạnh của thời tiết thị trường, cũng là thời điểm "kịch tính" nhất để thấy rõ "tính cách, số phận" của hoa Đà Lạt. Không thể làm thơ về nỗi nhọc nhằn của người trồng hoa, nỗi truân chuyên của "kiếp hoa" dưới thời tiết thị trường, nỗi khao khát về giống - công nghệ... cho hoa Đà Lạt lên hương. Thì tôi viết phóng sự về ba cái tết vui buồn với hoa Đà Lạt. 

I- GÁNH HÀNG HOA TẾT, NẶNG THÊM BAO ĐIỀU

Mong mỏi cho cái tiếng hoa Đà Lạt ngày càng lên hương sắc, và lạy trời cho cái niềm tự hào đó đừng mất đi. Nhưng, đó vẫn là "giấc mơ hoa" về một tương lai của thành phố hoa. Còn hiện tại, khi gánh hàng hoa tết bắt đầu cất lên vai thì nỗi lo âu phấp phỏng về giá cả và người mua vẫn cứ đè nặng hai đầu... 

Ông anh họ của tôi ở Cam Ly, chuyên nghề trồng hoa Lys, kể lại một câu chuyện rất cảm động. Năm trước, anh về Huế ăn tết, ghé thăm nhà một người bạn, thấy trên bàn cắm một cây hoa Lys to hết cỡ, và đặc biệt lại có đúng 11 tai (bông), y hệt cây Lys to nhất trong lứa hoa tết nhà anh. Người bạn bảo: "Hoa Lys Đà Lạt của ông đấy". Anh cứ cảm thấy như là cây Lys của mình rồi, nhưng cũng ngờ ngợ, cây Lys nào mà chẳng giống nhau. Anh bảo: Đó là lúc tôi cảm thấy tự hào nhất về hoa Đà Lạt. Cây hoa Lys trong vườn nhà mình tận Đà Lạt đã ra nằm trên bàn người bạn Huế. Còn niềm vui nào lớn hơn cho người trồng hoa. Nhưng khi tôi hỏi: Vụ tết vừa rồi anh trúng lớn không? Thì khuôn mặt hớn hở của anh xìu xuống. "Cái chữ trúng là của mấy năm trước. Bây giờ không dễ ăn như vậy nữa. Hoa Đà Lạt bây giờ cũng gian truân như kiếp hoa"... Và gánh hàng hoa tết cũng phập phồng lo âu như phiên chợ chiều 30 tết. 

Trước tết Quý Hợi này (1995), tôi lại về làng hoa Lay-ơn (Glaieul) Định An, cũng câu trả lời như trước tết năm ngoái: Không thể biết được cái giá hoa tết năm nay như thế nào. Đi một vòng qua Cam Ly, Thái Phiên, Trại Mát... cuối cùng là hàng hoa chợ Đà Lạt, cho biết: ngay cả vựa hoa Sài Gòn cũng không nói trước được giá hoa tết. Chỉ khi nào bắt đầu có người mua hoa tết... Thế giá hoa tết năm ngoái ra sao? Ông Văn - trưởng thôn Định An nở nụ cười: cũng may là khá, chục Lay-ơn được 17.000 đồng. Nhưng phải có hoa để cắt đúng trong ba ngày 25, 26, 27 tết. Nhà nào hoa chậm đến 29 tết, thì giá xuống dưới 10.000 đồng. Thật ra cái giá 2 vụ tết vừa rồi của Định An, thế là được, nhưng đã có nhiều nhà gọi người đến bán cả vườn, không dám đợi đến tết. Giá cả thất thường và ngày càng xuống, họ sợ là phải. Chị Tuyết thì bảo: cả dân trồng hoa lẫn dân buôn hoa Đà Lạt đều phải đau đầu với cái giá hoa tết. Năm nay, có vẻ lượng hoa tết Đà Lạt giảm xuống, vì có năm nào mà một chục hoa hồng có 500 đồng, chục đồng tiền có 200 bạc, suốt cả mười tháng giữa năm. Nhiều người giảm lượng trồng xuống. Thế mà biết đâu giá tết lại lên sát trời, lúc đó không có hoa mà bán... Trong khi đó, lượng hoa Lay-ơn Định An (chiếm 8/10 Lay-ơn Đà Lạt), lại tăng hơn 2 lần năm trước. Với 5 triệu củ được trồng xuống (20 mẫu) thì có ít nhất 4 triệu cành Lay-ơn tham gia chợ hoa tết. Giá Lay-ơn sẽ giảm hơn, và các loại khác như: hồng, Lys, đồng tiền, loa kèn, cẩm chướng, cúc... sẽ lên giá. Hoa này lên, hoa kia xuống, người này trúng, người kia thua to... trong cái vụ hoa lớn nhất này, âu cũng là điều bình thường xảy ra dưới thời tiết của buổi thị trường. Cái thời độc quyền của hoa (và rau) Đà Lạt không còn nữa. Bây giờ, Gò Vấp (TP.HCM), Sa Đéc (Đồng Tháp) và cả vùng hoa ngoại thành Hà Nội... đã tăng diện tích lên gấp 5, 7 lần. Dĩ nhiên chất lượng không thể sánh ngang, và cũng không tài nào có được những loại hoa đặc trưng như Đà Lạt nhưng người chơi hoa phần đông vẫn còn chọn cái rẻ hơn, và phần nhiều là: "Cũng có một bình hoa tết với người ta là được rồi". 

Vâng, cái tiếng hoa Đà Lạt vẫn không dễ dàng xóa đi, nhưng càng ngày nó càng đòi hỏi khắt khe hơn. Điều đó, không phải là một phát hiện mới mẻ gì nữa, bởi lẽ tất nhiên nhiều người trồng hoa Đà Lạt cũng đã nhận ra. Nhưng tại sao, rất nhiều vườn hoa ở ấp Thái Phiên vốn nổi tiếng là đất trồng hoa đã chuyển hết sang trồng rau? Chẳng lẽ họ không biết rằng, cái tiếng "lơ-ghim" Đà Lạt cũng đang đòi hỏi phải củng cố lại một cách ráo riết hay sao? 

Như suy ngẫm của hai anh em ông Hạnh - Phúc nổi tiếng trồng hoa ở ấp Thái Phiên, rằng hoa Đà Lạt sẽ tồn tại bằng cái đặc trưng mà không nơi nào có được. Năm nào làng hoa Vĩnh Tuy (Hà Nội) cũng vào mua gốc hoa hồng nhà hai ông về trồng, nhưng tết năm nào các chủ buôn vẫn đóng hàng hoa hồng nhà họ đưa ra chợ hoa tết Hà Nội. Một mẫu hoa hồng với 30.000 gốc, cỡ 20.000 bông hồng vụ tết, dù giá cả chưa ưng ý lắm, nhưng ông Hạnh vẫn quyết giữ và đầu tư thâm canh tăng chất lượng. Rồi sẽ đến ngày hoa hồng Đà Lạt sẽ được trả lại ngôi báu... hàng ngày, chân lý: Chất lượng là hàng đầu, càng trở nên dễ hiểu, và cái "cơ chế thị trường" ấy có gì để người ta phải sợ nữa đâu. Chất lượng và các giống hoa đặc trưng, đó là con đường sống, con đường cạnh tranh rất đẹp của hoa Đà Lạt. Anh Nguyễn Dũng - GĐ dự án Công ty Hsfram (Indonesia) đang làm nhà kính để trồng hoa xuất khẩu trên đất Đà Lạt, đã phân tích cho tôi nghe về một công trình điều tra hoa Đà Lạt, trước khi họ sản xuất lớn. Anh vẫn khẳng định: Chất lượng và các giống hoa đặc trưng, nhưng không chỉ các giống đặc trưng "cổ điển" lâu nay. Đà Lạt phải nghĩ đến những giống hoa mới chỉ phù hợp với đất trời xứ này, như Tulip, Lily (Huệ Tây)... mà công ty anh sắp trồng với diện tích lớn. Và gần 20 loại hoa hồng mà công ty nhập giống từ nước ngoài, cũng là những giống hồng mới có màu sắc, kích cỡ, độ cứng của cành cao hơn. Các giống hoa đặc trưng của Đà Lạt đã tồn tại đến đời thứ "F" bao nhiêu rồi? Đó có phải là một trong những nguyên nhân làm giảm giá hoa Đà Lạt hay không? 

Gần một thế kỷ cây hoa có mặt ở Đà Lạt, và gần 60 năm hình thành nghề trồng hoa chuyên nghiệp với con số người sống bằng nghề này chỉ đứng sau nghề trồng rau. "Hồn hoa" đã ngự trị đất này và hoa Đà Lạt không thể chỉ còn là cái "tiếng". Nhưng quả thật, hiện tại người trồng hoa Đà Lạt vẫn làm theo hai chữ "truyền thống" và chỉ biết "trông trời, trông chợ, trông người mua hoa"?... Mà thôi, ngày tết cũng đừng nói nhiều đến những chuyện "đau đầu". Dù thế nào thì hoa Đà Lạt vẫn mang niềm vui tết cho mọi nhà. Chỉ mong người chơi hoa mọi nơi, khi đầu năm thong thả ngắm cành hồng duyên dáng, nhánh Lay-ơn đỏ hắm, hoặc bông Lys trắng muốt... mà còn biết rằng trong đó còn có cả sự hóa thân của người trồng hoa Đà Lạt, thì những bông hoa ngày tết kia sẽ đẹp lên biết dường nào. 

II- NHỮNG CÂY HOA LẠ CỦA KS. LƯƠNG VĂN SÁU

Những ngày cuối năm (1995) bận rộn, bỗng dưng tôi cứ muốn thong thả dạo chơi với các vườn hoa. Thế rồi may mắn cho tôi đã nghe được câu chuyện về những cây hoa lạ ở Đà Lạt. Hóa ra, cái xứ sở hoa đã được truyền tụng qua hơn nửa thế kỷ, vẫn còn lắm bí ẩn. Mà người đang giữ trong mình những bí ẩn đó, chính là kỹ sư (KS) Lương Văn Sáu - tác giả của cây phượng tím Đà Lạt và những cây hoa lạ đã đến đây từ lâu, vẫn chưa ai biết đến. 

Trước khi kể về những cây hoa lạ chưa được ai biết đến, tôi muốn nói về cây hoa già lặng lẽ dường như cũng đang bị lãng quên. Ông là một KS chuyên về hoa, tốt nghiệp trường Canh Nông ở Versailles (Pháp), một trong vài người đầu tiên thiết lập nên công viên hoa ĐL (1962). Tất cả những cây hoa quý Đông Tây trong vườn hoa bây giờ đều lưu dấu những cuộc tìm kiếm, những kỷ niệm của ông, người một đời theo đuổi những loài hoa thân mộc. Ông chính là người đầu tiên đưa loài hoa phượng tím có nguồn gốc từ Châu Mỹ về trồng ở Đà Lạt từ năm 1962. Các tài liệu thực vật học phân loại hoa độc đáo này vào loại hoa quý, nhưng mãi đến đầu năm 1994, người ta mới thật sự biết đến như là một bí mật về hoa ĐL được khám phá. Trong khi đó, đang còn rất nhiều bí mật vẫn còn dấu kín trong "cây hoa già lặng lẽ" này. Bây giờ nó càng bí ẩn hơn, bởi căn bệnh hạch thanh quản đã cướp đi giọng nói của ông vĩnh viễn. 

Và câu chuyện về những cây hoa quý lạ càng trở nên cảm động hơn bởi đó là cuộc bút đàm. "Còn nhiều cây quý lắm mà chưa ai hay biết... vì Đà Lạt bây giờ không còn ai muốn biết nó - cũng như bản thân tôi, nên tôi chẳng muốn truyền đạt lại"... Cứ tưởng rằng những cây hoa hấp dẫn sắp sửa hiện ra trước mắt, nhưng ông vẫn lặng im phăng phắc, dù tôi cố sức thuyết phục. Tôi hiểu phần nào nỗi câm lặng của ông. Suốt những năm qua, ông sống cô độc với người vợ già trong một căn hộ chật hẹp ở đường Bùi Thị Xuân. Và 3 năm nay ông phải tự chiết cành phượng tím gửi ra Huế, Hà Nội bán để chữa bệnh... Cuối cùng thì ông vẫn không muốn giấu.  

"Thưa bác, mới đây cháu có nghe đến một loài hoa lạ, có tên là Chuông Đỏ?". Không phải là Chuông Đỏ mà phải gọi là Chuông Vàng, chuyển qua Hán Việt là So Đo Cam. Đây là một loài hoa thân mộc có nguồn gốc từ Châu Phi. Bông hoa màu vàng pha cam, nên người ta cứ thấy như màu đỏ. Mới đây Báo Lâm Đồng có giới thiệu về nó rồi. Bác chỉ xin nói thêm đó là một loài hoa quý và lạ. Vì vậy, bác mới cố mang nó về cho Đà Lạt. Gọi là TP hoa thì phải có những loài hoa như thế". Và câu chuyện về quá trình di thực loài hoa này bắt đầu dài ra trên trang giấy khó nhọc của bác. Năm 1958, từ Trường Canh Nông Versailles trở về, hành trang của bác Sáu là hạt giống của những cây hoa quý, trong đó có phượng tím, chuông đỏ và... bác trồng nó đầu tiên ở Lâm Viên Trảng Bom (Tây Ninh), rồi đổi lên Đà Lạt để thiết lập vườn hoa. Sau giải phóng, bác trở lại chiết một cành mang tặng chùa Quan Thế Âm ở phía Bắc Hồ Xuân Hương. Đó là cây hoa chuông vàng duy nhất của Đà Lạt, như lời bác nói, đây là loại hoa đặc biệt, trồng để tạo thắng cảnh, phương pháp nhân giống loài hoa này, đến nay chỉ một mình bác làm được. Ni sư trụ trì cho biết có nhiều người muốn xin giống về trồng, nhưng ngay cả cách trồng nó nhà chùa vẫn không biết được. Bác Sáu kể rằng, hoa chuông vàng muốn kết trái thì phải có một loài chim đặc biệt mỏ cong, mới có thể đưa phấn vào đài hoa. 

"Còn một cây quý nữa... Cây này đòi hỏi phải chăm sóc kỹ lưỡng mới thấy được cái quý của nó. Không biết bây giờ nó có còn không, nên tôi không muốn nói nữa". Tôi có hứa với bác rằng thế nào thì cũng có người quý nó. Nếu bác cho biết thì tôi sẽ đi tìm xem cho bác ngay bây giờ. Trầm ngâm hồi lâu, bác cười rồi cầm cây bút tô đậm: Cây đậu tía. Tên khoa học là Wistaria, tên thường gọi là Slycine, có 2 màu: xanh lơ (Bleu) và trắng (Blanc) hương rất thơm. Hoa có nguồn gốc từ Đài Loan, một loài hoa phương Đông "hữu sắc hữu hương" còn lại rất hiếm. "Người Đài Loan và Trung Quốc mà chọn để trồng trước cổng là qúy lắm! Bác lấy gốc từ Đài Loan về trồng tại vườn hoa vào năm 1963. Đến nay, các kỹ thuật viên ở đó vẫn không biết nó nằm ở đâu. Cũng vì không được chăm sóc nên nó chưa phô bày ra được". Nói xong, bác lục từ một cuốn sách đưa cho tôi xem. Đó là sách Guiness 1991 (sách kỷ lục thế giới), ghi rằng: "Cây đậu tía khổng lồ của Trung Quốc (Wistaria Sinenis) được trồng năm 1812 tại Sierra Madre - California, cành dài 100 m, bao phủ 0,4 ha đất, nặng 230 tấn. Kỳ đơm hoa thông thường là 5 tuần, mỗi cụm có 1 triệu 5 hoa, có đến 30.000 người đến ngắm". 

"Thưa bác, chắc là có nhiều cây như thế nữa chứ? Ông lắc đầu cười móm mém: "Còn một cây hoa thân mộc nữa, Đà Lạt chỉ một cây một mà thôi. Đã có hơn 30 năm nay rồi, nhưng chắc chắn ít ai biết. Nó được trồng ở cổng sau khách sạn Palace, ở đường Trần Phú bây giờ. Tên nó là VÔNG KÊ. Loài hoa thân mộc này có nguồn gốc từ Trung Đông và úc Châu. Tên khoa học Erythrina Crista Gallill. Anh em với cây vông nem ở ta. Cái tên vông kê là do bác đặt, vì hoa nở từng chuỗi dài 5 tấc, màu đỏ như mào gà (khác hoàn toàn với loài hoa mào gà thân thảo). Cây hoa ở Palace được trồng vào năm 1965. Những năm đầu hoa kết trên 5000 chùm, đỏ rực, nặng trĩu cả cây. Lúc đó, người ta nhắc nhở bác phải giữ gìn cẩn thận, không cho ai chặt phá, chiết cành hại cây. Sau đó, khi sửa lại KS vì trở ngại mặt bằng nên ít hoa. Vì vậy nhiều người nghĩ rằng nó chỉ là một loại cây bóng mát bình thường... "Bây giờ là mùa vông kê trổ hoa rồi đấy, cháu hãy đến xem đi!". 

Tôi liền tìm đến với cây vông kê của bác Sáu. ở cổng sau KS Palace, có một cây lạ, mọc lẫn giữa những cây thông, thân và cành tựa như cây si, nhưng trổ ra những chuỗi hoa màu đỏ tươi. Chỉ tiếc rằng nó nở ít hoa quá, và hình như đã già cỗi lắm rồi. Thật đáng lo, nếu nó chết đi, thì nguồn gen quý hiếm này cũng tiêu tán (?). Còn ở công viên hoa, các kỹ thuật viên cho biết ở đây không có cây nào tên là đậu tía Wistaria cả. Cuối cùng, khi tôi gặng hỏi cây hoa nào mà Đà Lạt không thấy có. Anh Phi - đội trưởng đội cây giống cho biết, có một loại dây cẩm cầu. Tôi mang về định bụng hỏi bác Sáu có biết không. "Phải gọi cho đúng tên của nó là cẩm cù. Nó là đậu tía đấy! Nó có còn sống không?". Bác mừng như tìm lại được đứa con đã bị thất lạc tin tức từ lâu. "Người làm vườn hoa cần phải nắm vững nguồn gốc, lai lịch khoa học của hoa. Cách gọi sai tên cũng dễ làm mất đi vẻ đẹp của nó, sẽ khó khăn khi tra cứu trong tài liệu khoa học. Chẳng hạn, hoa Oympe thì lại gọi là Salem (tên một loại thuốc lá). Hoa rạng đông thì lại gọi nhầm là xác pháo (xác pháo là một loài hoa khác). Hai cây hoa ban cát lệ trắng - đỏ ở cổng vườn, thì lại gọi là móng bò (?). Tất cả những loài này đều là hoa quý, được ghi rõ trong tài liệu của các Hãng giống hoa". "Bác ơi, chắc là còn một cây nữa chứ?". "Còn nhiều cây nữa... nhưng thôi. Hãy từ từ mà lo cho mấy cây kia đi đã". 

Vẫn còn một cây nữa... và một cây nữa. Cây cuối cùng là "cây hoa già lặng lẽ" đã từng tạo ra cho TP hoa này những màu sắc mới lạ. Mùa xuân này chúng vẫn đang trổ hoa. 

III- NỖI THAO THỨC CỦA HOA ĐÀ LẠT

Một sáng áp tết Đinh Sửu (1997), trong không khí tất bật của nhà vườn Đà Lạt, tôi vào thăm vườn hoa của ông Nguyễn Văn Thứ - địa chỉ hoa nổi tiếng ở Cam Ly - Vạn Thành. Với 2 mẫu hoa hồng 50.000 gốc và 10 nhân công làm việc hàng ngày, theo cách giới thiệu của Phòng Nông - Lâm - Thủy TP thì ông Thứ là hộ nông dân trồng hoa số 1 Đà Lạt. Bên cạnh dãy nhà kính mới làm, đường ống tưới nước tự động, những luống hoa hồng xanh giống mới và những con số mà ông Thứ vui vẻ kể thiệt: 400.000 bông hồng vị chi 200 triệu một năm thu từ vườn hồng này: nhưng cuối cùng câu chuyện hoa sôi nổi vẫn là một tiếng thở dài: "Đầu tư nặng lắm, nhưng tôi vẫn cố gắng theo, cũng vì một nỗi thao thức tìm đường ra cho cây hoa hồng Đà Lạt. Người Indonesia, Đài Loan đến đây đã làm được những bông hoa phẩm chất cao, trong khi mình là người Đà Lạt, vốn là nơi có lịch sử trồng hoa, có đất đai - khí hậu và cả thị trường trong tay lại không làm được?. "Ông Thứ là nông dân có trình độ nhưng nỗi thao thức của ông cũng là nỗi niềm chung của cây hoa Đà Lạt. 

"Giống mới và công nghệ mới - đó là 2 cái cũ của hoa Đà Lạt" - Ông Sumartono, kỹ sư chuyên về hoa của Công ty hoa Dalat Hasfarm đã nói như thế. Ông đã nhiều lần đi vào tìm hiểu các giống hoa được gọi là "truyền thống" của Đà Lạt như: Hồng, lay-ơn, cẩm chướng, lys... Ông nói, dường như các tiêu chuẩn về màu sắc, hình dáng, kích thước, bông hoa, thời gian sử dụng... đều đã thoái hóa. Bởi vì chúng đều được chiết ra từ những cây hoa đầu thế kỷ, sinh con đẻ cháu không một lần nghỉ ngơi, phục tráng. Cứ xem những bông hồng, cẩm chướng của Hasfarm là thấy ngay sự thoái hóa của hoa Đà Lạt. Cây cao, cành dài to khỏe, bông hồng như một thứ trái cây, màu sắc rực rỡ, tuổi thọ hơn 2 tuần, 45 chủng hoa hồng, 42 chủng cẩm chướng, 47 chủng cúc, 10 tuylipe, 20 lyli - mỗi chủng là mỗi màu. Làm nên cái mới của hoa Hasfarm chính là những giống hoa thuần chủng, thế hệ F1. Và đi liền với giống mới là công nghệ hiện đại, kỹ thuật trồng, chăm sóc theo chế độ riêng của cây hoa. KS Nguyễn Dũng - GĐ dự án của công ty cho hay: Phương thức canh tác thì cũng là cách trồng hoa như người Đà Lạt, vì công nhân của công ty là người địa phương. Cái khác chính là các định chuẩn công nghệ bắt buộc: nhà kính, hệ thống tưới tự động, điều hòa độ ẩm và độ chiếu sáng.. Ngay khâu xử lý thành phẩm cũng rất quan trọng, hoa phải được xén, tút, ủ lạnh như thế nào để giữ độ tươi nguyên màu khi vận chuyển đi xa. 

Sau Hasfarm là Công ty Chánh Đài Lâm (Đài Loan) đã chuyển hẳn từ rau sang sản xuất hoa. Chỉ sau gần nửa năm, từ 14 ha nông trại ở Định An họ đã không ngại mở thêm 24 ha ở K'Long và 25 ha ở Tà Nung. Tự tin của công ty này chính là những giống hoa mới với những cái tên chỉ nghe đã muốn mua: Sao chổi cúc, bạch tuyết, ngàn vì sao, kiến tường, cát cẩng, tím la lan, phi yến... Công nhân vẫn là người nông dân Đức Trọng và đất đai - khí hậu còn khắt khe hơn Đà Lạt. Tôi có hỏi họ về nguồn giống, giá cả công nghệ, vốn đầu tư... xem thử khoảng cách so với người trồng hoa Đà Lạt bao nhiêu. Nhưng... xin lỗi, đây là bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh mà!

Trở về Đà Lạt tôi hỏi ông Thứ: Có thể mua được nguồn giống mới này không?. "Không khó lắm đâu nhưng nông dân như chúng tôi thì không thể mua được. Chỉ mày mò tìm kiếm, nói thật có khi như ăn trộm". Ngay như giống hồng xanh là một giống mới rất quý, ông có được là nhờ một người bạn từ Singapore giấu trong valy đưa cho ông 2 cành. Ba năm miệt mài nhân giống, đến nay ông đã có được 6000 gốc, ngoài ra còn cung cấp cho nhiều vườn hồng khác. Kiếm được giống mới rồi, còn phải học cách làm nhà kính, đặt hệ thống tưới, thử nghiệm các loại thuốc sâu bệnh... Giống hồng mới này được lai tạo bằng công nghệ nên cũng đòi hỏi một công nghệ chăm sóc, chí ít là mức tối thiểu. Công nghệ mới mà tự mò mẫm là quá giỏi nhưng như ông Thứ nói "nỗ lực của tôi cũng chỉ là của một người nông dân đơn lẻ mà thôi".  

Rất nhiều người trồng hoa khác như ông Hạnh, ông Phúc ở Thái Phiên, anh Tài, anh Tùng ở Quảng Thừa, Sầm Sơn (phường 4 - Đà Lạt)... dù thu nhập từ vườn hoa cả trăm triệu vẫn không khuây khỏa nỗi lo. "Nếu nhà nước nhập về giống hoa mới và hỗ trợ kỹ thuật thì đắt mấy chúng tôi cũng hùn nhau làm cho được. Không lẽ cứ làm mãi lối này à, mà giống cũ thì cũng đến lúc tuyệt chủng?". Anh Tài, một nông dân trồng hoa thế hệ mới của Đà Lạt bày tỏ thực lòng như thế. Người trồng hoa Đà Lạt đang thèm khát một chính sách phát triển cây hoa về giống mới, thông tin kỹ thuật và cán bộ chuyên sâu về hoa. Chưa có một cán bộ khuyến nông hiểu biết sâu về hoa ở vùng chuyên canh hoa? Đó là điều trăn trở của chính người nông dân trồng hoa Đà Lạt. Ông Thứ đã bộc bạch thẳng thắn: Các công ty nước ngoài ở Đà Lạt được phép đầu tư, cạnh tranh với người nông dân Đà Lạt. Họ có trong tay đủ mọi điều kiện, trong khi nông dân chúng tôi không có một sự hỗ trợ nào". Còn các ông Hạnh, Phúc, "trùm hoa hồng" ở ấp Thái Phiên, anh Tài nông dân trẻ ở đất mới Quảng Thừa thì tha thiết: Xem phim thấy nông dân ở Nhật, Indonesia trồng hoa mà thèm!... Tuy vậy, để trồng hoa bằng phương tiện, kỹ thuật hiện đại luôn đòi hỏi các định chuẩn công nghệ, liệu người nông dân Đà Lạt có đáp ứng được không? Dù rằng chính họ hàng ngày sống với cây hoa và kinh nghiệm sử dụng vật tư nông nghiệp còn tinh tế hơn hẳn cả chuyên gia nước ngoài, nhưng với những dự án đầu tư lớn thì không chỉ bằng cơ sở kinh nghiệm. Để giúp cho người trồng hoa Đà Lạt việc này, không ai khác hơn là chính quyền và ngành nông nghiệp thành phố. Ông GĐ dự án của Hasfarm cho biết các hãng giống hoa trước khi đồng ý cung cấp giống họ phải xem kỹ người mua có đảm bảo được cam kết không nhân giống hoa và phải có đủ điều kiện kỹ thuật - công nghệ để không ảnh hưởng tên giống của họ. Nhưng ông cũng cho rằng nếu Đà Lạt có được những dự án đầu tư phát triển cây hoa thì điều đó không phải là khó. Và vấn đề nhất thiết phải có trong dự án là đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về hoa, cận kề với người trồng hoa! 

Một giải pháp đồng bộ nhưng phải bắt đầu từ chính quyền tỉnh - thành phố. Khi mà cây hoa Đà Lạt vẫn chưa mất vị trí trên thị trường nội địa. Tôi vẫn còn nhớ một câu nói của ông Sumartono: ở VN có một loại hoa hồng có tên là hồng Đà Lạt! Nơi mà điều kiện tự nhiên như là sinh ra cho cây hoa, từ hơn 100 năm nay. 

Hoa - nghĩ cho cùng vẫn là mặt hàng xa xỉ, nhưng với vùng đất duy nhất ở VN được mệnh danh là: "Vương quốc hoa" thì hoa không đơn giản chỉ là hàng hóa. Bởi vậy, để chia sẻ với nỗi thao thức ấy tôi muốn nhắc lại lời tâm sự của ông Thứ - một người trồng hoa Đà Lạt đã gây ấn tượng tốt đẹp cho cả các chuyên gia nước ngoài. "Không phải vì lời lãi từ cây hoa mà tôi phải đau đầu suy nghĩ. Tôi có thể chuyển sang chăn nuôi hay buôn bán, vẫn kiếm ra nhiều tiền. Nhưng vì tôi là người trồng hoa Đà Lạt!". 

MINH TỰ

Bút danh khác: Lê Văn

Sinh năm 1968

Tốt nghiệp Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Huế

Hiện là Biên tập viên Báo Lâm Đồng.

(BLĐ Xuân 1997)

Lâm Đồng những bài báo chọn lọc