Lâm Đồng những bài báo chọn lọc

 

Chuyện kể rằng: Ngày xưa, xưa lâu lắm rồi, thung lũng thượng nguồn Đa Nhim này loài trăn nhiều lắm. Trăn sống trong các hang đá lạnh, bên các dòng suối. Những buổi đẹp trời, những con trăn trườn mình lên thảm cỏ phơi nắng, vảy trăn lấp lánh dưới mặt trời. Đất xưa lành, tổ tiên chọn, nay cháu con vẫn đậu. Người Chill gọi buôn K'Lon K'Lăn của mình là thung lũng trăn... 

Ở Việt Nam, từng được nghe kể về những tộc người sống biệt lập giữa rừng sâu núi thẳm như người Chút, người Rục, người La Hù, còn người Chill K'Lon K'Lăn? Họ không biệt lập, bởi tên buôn của họ không xa lạ mấy với ngôn ngữ ngày thường, buôn làng này từng là căn cứ của hai cuộc kháng chiến. Trên bản đồ hành chính, họ là một buôn của xã Đạ Chais, thuộc huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Họ không biệt lập bởi họ có suối, thác, núi, rừng, có huyền thoại và không gian sinh tồn ngàn đời. Dòng sông Đa Nhim bắt nguồn từ những con suối Hung Jau, Liêng Sú và Dưng T'Vó vẫn đêm ngày chảy mãi về xuôi làm nên dòng điện dâng đời. Nước không chảy ngược nên người K'Lon K'Lăn ở nơi thượng nguồn vẫn phải sống trong u tịch, trong đêm trường gió hú. Có lẽ vậy nên suốt cuộc hành trình về K'Lon K'Lăn, chúng tôi đi trong tâm niệm "không có con đường nào gian khổ, chỉ e lòng người sợ lối nhỏ, đường xa". Mà đường có xa đâu, trừ những lúc lạc rừng, từ Đà Lạt vào với K'Lon K'Lăn cũng chỉ gần 100 cây số... 

Chúng tôi dừng chân bên bờ suối Liêng Sú khi những sợi khói chiều bảng lảng bên những nóc nhà sàn nhỏ bé của buôn K'Lon K'Lăn. Trong buổi chiều ảm đạm, buôn lọt thỏm tội nghiệp giữa thung lũng, giữa hai dãy núi sừng dững Bidoup và Jaric. Người bạn đồng nghiệp và tôi sững sờ trước không gian ấy, không nén nổi một tiếng thở dài. Đâu rồi những ý tưởng huyền thoại mỹ miều, những hình ảnh lãng mạn về một đêm lửa rừng vỗ nhịp cồng chiêng bên choé rượu với những cô sơn nữ hồn nhiên? Chỉ còn lại là nỗi u hoài mênh mông. Đón chúng tôi bên suối là những đứa trẻ xanh xao rách rưới, những cặp mắt thao láo tò mò trước hai người khách lạ, dị tộc. Hỏi các em đôi điều chỉ được đáp lại bằng những cái lắc đầu "ơ-ghít" (không biết). 

Những gói kẹo được bóc và không gian gần gũi mở ra, chúng tôi vào buôn trong nụ cười hồn nhiên đến ngờ nghệch của các em... 

K'Lon K'Lăn, căn cứ anh dũng của hai cuộc kháng chiến là đây. Cả buôn chia làm hai nhóm quần cư với trên 80 nóc nhà, 500 nhân khẩu, tồn tại trong cái đói triền miên và những cơn sốt rét rừng hành hạ. Suốt hai cuộc kháng chiến, dù gian khổ, đồng bào K'Lon K'Lăn vẫn iu ấp, sẻ chia, nuôi giấu chiến sĩ cách mạng. Giặc lùng thì chạy vào rừng. Giặc rút trở về buôn đùm bọc bộ đội giải phóng. Chiến tranh đi qua, hiện tại cả buôn có 30 liệt sĩ, nhiều người là thương binh và hầu như, không nhiều thì ít, mọi người ở đây đều có công làm nên chiến thắng. Mười chín năm rồi, đến K'Lon K'Lăn hôm nay thật muốn nói những điều sáng sủa, nhưng khó nói lắm thay!... 

Người đàn ông với dáng vẻ mệt mỏi, đang ngồi hơ tay bên bếp lửa là Dagut Ha B'Rang, trưởng thôn, anh vừa lên rẫy về. Quay tròn quanh ngọn khói trong căn nhà sàn thấp lè tè trong buổi nhá nhem này là già làng Dagut Ha Núp, trưởng công an thôn Cil Mưt Ha Nang, là người lớn, trẻ con, là chị Ka Nhang ngồi bế con im lìm như pho tượng. Đứa trẻ day ngang day dọc núm vú teo tóp của mẹ. Ngọn lửa của nồi bắp đang sôi không đủ làm ấm lòng mọi người. Cái sáng kiến "kiếm chút chất cay" của người bạn đồng nghiệp hóa hay. Rượu được rót trên những chiếc bát sứt mẻ, đủ cỡ, và câu chuyện cũng bắt đầu như tự nó bắt đầu... 

Chuyện không bắt đầu từ huyền thoại, bởi huyền thoại xa rồi. Không bắt đầu từ niềm vui, bởi niềm vui ở nơi này không có thật. Chuyện bắt đầu từ chiến tranh, từ những năm anh dũng và những hy sinh. ở nhiều nơi khác, giờ đây chiến tranh đã trở thành cổ tích thì với K'Lon K'Lăn, đó là điều như mới xảy ra. Họ tự hào kể say sưa về quá khứ, còn một lẽ, chuyện hôm nay biết kể từ đâu! Hiện tại ư? Với K'Lon K'Lăn được khái quát rằng: Người dân nơi đây không có cơm, quanh năm chỉ sống chính bằng hạt bắp và củ rừng. Cây bắp nảy mầm phải hứng chịu cái lạnh, sâu bệnh và sương muối. Mùa nào Yàng thương, nhà làm giỏi được 5-6 tạ, mùa nào thất bát chỉ được vài ba chục gùi. Chuyện bệnh tật và thiếu ăn có thể nói quanh năm. Nhìn vào những gương mặt hốc hác, tiều tụy của người lớn, những tấm thân bủng beo của trẻ em thì rõ. Phần lớn bà con bị sốt rét, tiêu chảy, người luôn khô đét. Còn trẻ em, 70% trong số chúng bị suy dinh dưỡng... Có một ý niệm hình thành trong chúng tôi khi tiếp chuyện đồng bào: "Liệu người Chill K'Lon K'Lăn có nhận thức được cuộc sống gian khổ, nỗi thiệt thòi của họ không. Hay họ đang có "phép tinh thần" tự lãng quên chính bản thân mình?...".  

Mọi người kể thay Ha B'Rang rằng anh là chiến sĩ giao liên rất dũng cảm của thời chống Mỹ, và vợ anh, chị Ka Nhang cũng từng là bộ đội của chiến trường B3. Nhìn tấm thân nhỏ bé, tiều tụy của Ka Nhang, chúng tôi không ngờ chị từng là chiến sĩ của Đoàn H50 anh hùng. Bằng một chất giọng trầm buồn, Ka Nhang hồi tưởng lại quá khứ, một quá khứ sôi sục bom đạn và sặc mùi khói lửa chiến trường. Ka Nhang từng được nhận Huy chương kháng chiến, nói là "từng" bởi nó đã bị thất lạc. Tám đứa con của vợ chồng B'Rang - Ka Nhang đều ngồi quây bên bếp lửa. Chúng há hốc mồm nghe mẹ kể về chiến tranh như nghe chuyện cổ tích. Tôi hỏi: "Từ giải phóng đến giờ chị có nhận được chế độ trợ cấp gì không?". Ka Nhang lắc đầu. Không những Ka Nhang, mọi người còn kể về Sơ Kết Hạ Hùng có bố và em trai là liệt sĩ, K'Xa, Ha Đa là thương binh... nhưng chưa có chế độ vì thất lạc hồ sơ! Ôi những bà mẹ K'Lon K'Lăn nhịn ăn nuôi bộ đội, mỗi mùa giấu đi 20 thùng bắp cho các giải phóng, nay mẹ đang sống ra sao? Bà Ka Lanh không nơi nương tựa, các bà Ka Yang, Ka Xai, Ka Liêng, ka Bai, Ka Thơm, Ka Zí, Ka Yeng, Ka Yrơng lọ mọ trong những túp lều sàn đơn độc. Tuổi xế chiều họ sống như những chiếc bóng của đêm trường K'Lon K'Lăn. 

Đây là lần thứ hai tôi đến với căn cứ kháng chiến cũ K'Lon K'Lăn. Lần trước xuất hành trong háo hức, lần sau là lời kiểm chứng. Nhớ lại năm 1991, cùng trong đoàn Lâm nghiệp "tiền hô hậu ủng" vào đây. Leo lên hai đỉnh Bidoup và Jaric và phát hiện ra một "kho vàng xanh" đúng nghĩa - gỗ Pơmu. Đêm ở buôn K'Lon K'Lăn bia Heineken nổ như pháo ăn mừng thắng lợi. Đồng bào được phát mỗi khẩu 5 kg gạo và rất nhiều lời hứa. Không lâu sau đó, đường Lâm nghiệp được mở, những đoàn xe chở gỗ Pơmu nối đuôi nhau ra Đà Lạt, về Vũng Tàu, vượt biển ra ngoại quốc và đôla trở về. Còn K'Lon K'Lăn, sau những ngày náo động, lại trở về với nhịp điệu hoang vu... 

Rồi lời hứa "về những món quà đền ơn đáp nghĩa" cũng được thực hiện nhưng không đầy đủ. K'Lon K'Lăn được xây trạm xá, nhưng nói như Cil Mứt Đa Nang: "Có vỏ mà không có ruột". Trạm xá xây đã hơn hai năm mà không có thầy, không có thuốc. Người K'Lon K'Lăn vẫn bệnh nhẹ thì nằm yên, bệnh nặng thì chịu chết, hoặc vượt rừng 40 km ra trạm xá Đạ Chais. K'Lon K'Lăn có cửa hàng nhưng trống hoác, không người, không hàng. K'Lon K'Lăn cũng đã có trường học, trường học đầu tiên của con em một căn cứ cách mạng được xây dựng cách đây hai năm. Ngôi trường nhỏ giữa chốn heo hút núi rừng như một đốm lửa nhỏ cho K'Lon K'Lăn bớt phần lạnh lẽo. Thầy giáo Ha Xác và hai cô giáo trẻ Chung, Liên bám trụ ở đây... Họ chống chọi với gian khổ, bệnh tật và nỗi buồn vì trẻ thơ K'Lon K'Lăn. 

Những buổi đẹp trời, ngôi trường là niềm vui duy nhất của lũ nhỏ. Buổi nào trời mưa, suối lũ dâng cao, ngôi trường trở thành ốc đảo, ba thầy cô giáo chỉ biết nhìn dòng lũ mà nhớ học trò... 

Đêm ở K'Lon K'Lăn giấc ngủ không sâu. Ngoài rừng, mưa như trút. Cơn lũ đầu mùa sục sôi như có hàng trăm ngọn núi sụt lở. Sáng ra, hai con suối Liêng Sú và Dưng T'Vó nước dâng gấp bốn, năm lần. Chúng tôi thức giấc bởi tiếng ầm ào của nước và tiếng xao xác gọi nhau của đồng bào. Mọi người nói rằng, đêm qua bị gió lốc. Nhà Cil Ha Hăng trôi mất 50 gùi bắp, nhà Hà Min trôi 60 gùi bắp và toàn bộ cuốc xẻng, mền mùng, nhà già làng K'Sao Ha K'Rang trôi 5 gùi bắp và 50 trái bí... Thế là lại có thêm những gia đình sắp tới sẽ không biết phải sống bằng gì! 

Khi biết chúng tôi trở ra Đà Lạt, mọi người đưa tiễn rất đông. Những trai buôn kết bè kéo xe giúp chúng tôi qua suối. Ông Chill Ha K'Riêng, một cựu chiến binh chống Mỹ chạy theo, ông nhắn lời thăm tới những đồng đội cũ, mười mấy năm rồi họ chưa gặp lại nhau. Lời của Chil Ha K'Riêng vẳng theo, tôi nghe như tiếng hú vọng giữa núi rừng... 

UÔNG THÁI BIỂU

Bút danh khác: Thiếu Lang

Sinh năm 1966

Tốt nghiệp Ngữ văn - Đại học Sư phạm Vinh

Hiện là Thư ký Tòa soạn Báo Lâm Đồng. 

(BLĐ tháng 7/1992)

Lâm Đồng những bài báo chọn lọc