Lâm Đồng những bài báo chọn lọc

 

Dấu vết về tê giác ở Việt Nam cứ bàng bạc như một huyền thoại mà nhiều người ao ước được khám phá. Nếu ngày xưa chuyện lên rừng lấy sừng tê giác, xuống biển mò ngọc trai không phải là hiếm thì ngày nay mọi điều chung quanh loài thú có tấm da dầy như khiên của lính La Mã này đều phủ một lớp sương mờ đầy huyền thoại: Huyền thoại về loài thú quý hiếm nhất hiện nay. 

Trên thế giới hiện có hai loài tê giác: Tê giác hai sừng (Dicerorhinus) và tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus). Trong đó tê giác một sừng chỉ có khoảng 60-70 con, tồn tại ở dạng cá thể thuộc quần đảo Java (Indonesia) và Việt Nam. Vườn thú Ujung Kolon ở Indonesia là nơi sinh sống của loài tê giác Java với mức phát triển từ 20 con năm 1960 đến nay được trên 30 con. Còn ở Việt Nam, những thông tin về loài tê giác này chỉ mới ở bước đầu và hãy còn rất mơ hồ... 

NHỮNG THÔNG TIN NGÀY TRƯỚC

Từ đầu thế kỷ 19, người Pháp đã trao giải thật cao cho ai tìm được dấu vết của loài tê giác một sừng. Nhưng họ chỉ nhận được những thông tin mờ mịt về loài thú quý hiếm này. 

Năm 1904, một con tê giác bị bắn hạ tại Cam Ranh và theo tài liệu để lại thì đây là tê giác hai sừng. 

19.5.1930, một khách du lịch đã phát hiện thấy dấu vết tê giác trong rừng Trao Bao ở Cao nguyên Đắc Lắc. 42 giờ sau đó, anh được chứng kiến cảnh thợ săn bản địa lóc thịt con tê giác nặng 2,4 tấn này. 

Nhà thiện xạ Đông Dương Henry Demonostrol đã tìm thấy dấu vết tê giác ở Bàu Cá (cách Sài Gòn 61 km) vào năm 1932. Năm 1964, hai nhà nghiên cứu Đặng Huy Thành và Đỗ Ngọc Quang được nghe dân địa phương kể lại chuyện gặp dấu chân tê giác tại suối Cọp ở sông Mã... Trước đó, năm 1962, một con tê giác bị bắn hạ tại Phước Long và chiếc sừng của nó bán được 500 ngàn đồng (bằng 50 cây vàng)... 

Những thông tin thời ấy cho thấy: Tê giác có sinh sống ở Việt Nam và chủ yếu là loài tê giác một sừng (tê giác Java). Và các thông tin này cũng chỉ dừng lại ở mức phát hiện và chứng kiến sự diệt vong của tê giác Theo thống kê của các cơ quan chức năng thì từ năm 1952 đến 1979, đã có 19 con tê giác bị giết hại tại Việt Nam. Nhưng phải chăng đó là con số duy nhất? 

VÀ THÔNG TIN NGÀY NAY...

Không biết có bao nhiêu con tê giác còn sống sót tại Việt Nam? Nhưng những thông tin về loại thú đặc biệt này chỉ rộ lên lại từ năm 1982, khi người ta phát hiện một con tê giác bị sát hại tại khu rừng giáp ranh giữa Cát Tiên và Bảo Lộc (Lâm Đồng). Sau đó vào năm 1984, ở đầu nguồn suối Jung Bo thuộc địa phận Bắc Cát Tiên có một con tê giác bị giết chết. Từ đó, những dấu vết về tê giác thuộc rừng Nam Cát Tiên hiện dần lên qua lời kể của đồng bào dân tộc ít người tại chỗ và những đống phân tê giác còn lưu lại... Đã có nhiều đoàn khảo sát đi tìm dấu vết tê giác ở Lâm Đồng, Sông Bé với khu vực được xác định là rừng Nam Cát Tiên. Một nhóm phóng viên của Đài truyền hình Lâm Đồng cũng theo chân một người đi dẫn đường tại Cát Tiên lần tìm dấu vết tê giác vào năm 1986, và họ chỉ quay được vài dấu chân và lấy được một ít phân tê giác (tương truyền phân tê giác dùng làm thuốc rất quý). Trong khi những người đi tìm dấu vết của loài động vật cực kỳ quý hiếm này chưa tận mắt chứng kiến một con tê giác sống thì năm 1988 thêm một con bị K'Bá ở Phước Cát 2, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) bắn hạ. Rồi 3 năm sau, Điểu Ba và Điểu Ngon dân tộc Stiêng ở Bù Đăng (Sông Bé) lại bắn hạ thêm một con tê giác nữa. Như vậy, theo những thông tin khác nhau thì từ năm 1982 - 1991 có trên dưới 5 con tê giác ở rừng Nam Cát Tiên bị giết hại, chính huyền thoại về sừng tê giác, về những gì tê giác đem lại đã kích thích sự săn lùng loài động vật to lớn này một cách quyết liệt. Theo y học phương Đông thì sừng tê giác có tác dụng cải tử hoàn sinh và tăng cường khả năng tình dục, máu tê giác chữa được bách bệnh, da tê giác có tác dụng hút được nọc động nơi vết thương do rắn cắn... Theo thời giá quốc tế thì 1kg sừng tê giác có thể lên tới con số 20.000 USD. Vì thế, không riêng gì ở Việt Nam, loài tê giác trên thế giới với khoảng 3.400 tê giác đen ở châu Phi, 1.500 tê giác ấn Độ, 70 con tê giác Java và hơn 800 tê giác Sumatra đều có nguy cơ diệt vong nếu không được bảo vệ tích cực trước sự săn lùng của bọn bắn trộm. 

TÍN HIỆU ĐÁNG MỪNG CHO TÊ GIÁC

Trước những thông tin về tê giác và sự thật về những con tê giác bị sát hại trong thời gian qua, Bộ Lâm nghiệp quyết định thành lập đoàn khảo sát để khẳng định sự tồn tại của tê giác Java tại rừng Cát Tiên. Đoàn công tác gồm cán bộ của Cục Kiểm lâm nhân dân, Viện Điều tra quy hoạch rừng, Sở Nông lâm thủy và ông Charles Santiapillai, chuyên gia về thú hoang dã của Quỹ bảo vệ Động vật hoang dã thế giới (WWF) đã tiến hành chuyến khảo sát dài ngày trong tháng 2-1991. Những thông tin thu thập được đã chứng minh sự hiện hữu của loài tê giác một sừng tại Việt Nam. Tháng 4-1991, Bộ Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm Nhân dân có công văn gửi các tỉnh Lâm Đồng, Sông Bé, Đắc Lắc để bàn định kế hoạch xây dựng luận chứng kinh tế kỹ thuật thành lập khu bảo tồn tê giác Cát Lộc. Theo luận chứng thì khu bảo tồn tê giác Cát Lộc rộng trên 70.000 ha với khu vực rừng quốc gia Nam Cát Tiên mở rộng lên phía Bắc thuộc huyện Bảo Lộc và phía Tây thuộc Bù Đăng (Sông Bé). Luận chứng về khu bảo tồn tê giác Cát Lộc được hoàn thành vào tháng 11.1992 và được Chính phủ phê chuẩn. Dấu vết của tê giác tại rừng Cát Lộc được khẳng định rõ hơn qua chuyến khảo sát của lực lượng Kiểm lâm Lâm Đồng vào tháng 4-1992. Tại hai tiểu khu 514 và 498 thuộc địa phận rừng Bắc Cát Tiên, nhóm khảo sát thực địa đã phát hiện luồng di chuyển của tê giác, chụp hình được các dấu chân của bầy tê giác khoảng 5 con với dấu chân to nhất có đường kính 325 cm và nhỏ nhất là 16 cm. Cuộc tìm kiếm dấu vết của loài tê giác Java tại rừng Cát Tiên vẫn còn tiếp tục với hy vọng được tận mắt chứng kiến và ghi lại hình ảnh sống của tê giác tại đây. Tuy nhiên từ những thông tin thu lượm được của các đoàn khảo sát, có thể khẳng định bước đầu hiện còn khoảng 8-10 con tê giác Java ở Việt Nam và nơi sinh sống cuối cùng của chúng là rừng Cát Lộc (Lâm Đồng - Sông Bé). Như vậy, đây là nơi cư trú thứ hai trên thế giới (sau Indonesia) của loài tê giác một sừng. 

Những thông tin về tê giác Java tại Việt Nam được báo cáo chính thức tại Hội nghị quốc tế về sinh học và bảo tồn tê giác tổ chức vào tháng 5-1991 tại San Diego (Mỹ) đã gây xôn xao trong giới khoa học - Quỹ bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) quyết định tài trợ bước đầu cho chương trình khảo sát và tuyên tuyền bảo vệ loài tê giác Java tại Việt Nam. Các khuyến cáo cần thiết cũng được đưa ra nhằm bảo vệ môi trường sinh tồn của tê giác ở rừng Cát Lộc, các địa phương ở khu vực vùng đệm của khu bảo tồn tê giác Cát Lộc như Cát Tiên, Bảo Lộc, Bù Đăng (Sông Bé) và Đông Nam của Đắc Lắc đã có những chuyển động bước đầu qua việc ngăn chặn tình trạng tàn phá môi trường trong khu vực và tuyên truyền bảo vệ loài thú quý hiếm này. Đó là những tín hiệu đáng mừng đầu tiên trong việc bảo vệ tê giác ở Việt Nam. 

Dù sao, đó chỉ mới là bước khởi động, còn nhiều điều phải làm cho sự tồn tại của loài thú cực kỳ quý hiếm này. Cũng cần nhớ cho rằng: nhiều loại động vật như voi châu á , con giộc, bò tót, báo lửa... trước đây ở Việt Nam rất nhiều nay thuộc loại động vật được đưa vào "sách đỏ". Hay loài thú đông đúc trong rừng Việt Nam vài ba chục năm trước là heo vòi thì nay đã tuyệt chủng. Đó là lời cảnh báo cần thiết nhất đối với việc bảo vệ thú hoang dã ở Việt Nam. 

HỮU PHÚC

Sinh năm 1964

Tốt nghiệp Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Đà Lạt

Hiện là phóng viên Đài PT-TH Lâm Đồng. 

(BLĐ số 1305 ngày 9.8.1994)

Lâm Đồng những bài báo chọn lọc