Lâm Đồng những bài báo chọn lọc

 

ừ thị trấn mới của huyện Đạ Huoai, ngược qua cầu Đạ Tẻh, chúng tôi đi theo con đường đất đỏ mới khai quang thêm 9 km nữa thì tới trung tâm khu kinh tế mới của đồng bào Triệu Hải. Đã lâu mới có dịp về đây, biết bao sự đổi thay làm cho chúng tôi cảm thấy ngỡ ngàng "Trảng Cọp" ngày xưa; vùng căn cứ địa cách mạng Khu 6 anh hùng, với những đầm lầy đầy sên vắt và lau lách um tùm, nơi đây tưởng như không bao giờ con người có thể đặt chân tới để khai phá, xây dựng quê hương, bởi những cơn sốt rét rừng tai ác luôn rình rập đối với con người. Thế mà hôm nay, mới chưa đầy hai mùa cây rừng nẩy lộc, sự sống đã ra hoa và kết quả. 

Suốt dọc đường đi, chúng tôi phải dừng lại nhiều lần để ngắm nhìn những vườn sắn tốt tươi cao gấp ba, bốn lần tay với, những bụi chuối mập mạp, nõn nà mang trên mình những nải buồng vàng óng đang mùa kết mật. Bên kia sườn đồi, từ trong ngôi nhà tranh nhỏ tiếng ru con dịu dàng của một bà mẹ nào đó, nghe sao mà ấm áp và quyến rũ đến lạ lùng. Mải miết ngắm nhìn đến say mê từ gốc rạ, vườn cây và những căn nhà nho nhỏ suốt hai dọc đường đi, chúng tôi vào đến sân nhà đồng chí Trương Công Thí (Trưởng ban kiến thiết, Phó Bí thư chi bộ) từ lúc nào không rõ. Anh đón chúng tôi vồn vã, nhiệt tình, như đón người thân trong gia đình vừa đi xa mới về. Đưa chúng tôi vào nhà, anh rối rít gọi cháu gái đầu lòng đi lấy nước mời khách và soạn ghế để chúng tôi ngồi; anh cười vui vẻ và nói: - Kinh tế mới tuy được mùa, nhưng còn nghèo và thiếu thốn nhiều các đồng chí ạ! Anh vốn là một sĩ quan trong quân đội đã về hưu, năm nay đã ngoài 60 tuổi, cảnh "cha già, con muộn" song vẫn quyết trọn vẹn cả cuộc đời đi theo tiếng gọi của Đảng, để dựng xây quê hương mới. Chúng tôi hỏi thăm anh: - Mùa này gia đình ta thu hoạch được bao nhiêu lúa? Anh chỉ vào chiếc sập khá to, để gần hết gian nhà trong rồi nói: - Gia đình miềng các cháu còn nhỏ, miềng thì bận công việc trong ban kiến thiết suốt ngày, chỉ có mạ các cháu loay hoay với ruộng rẫy nên chỉ thu hoạch được năm tôn (tấn). Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, anh nói như phân trần: - Miềng chừng đó chưa ăn thua đâu, trong tập đoàn này còn có hộ thu hoạch trên 10 tôn cơ đấy... Tìm hiểu tình hình của xã, chúng tôi được anh cho biết, vụ mùa năm ngoái sau những ngày mới chân ướt, chân ráo đến Trảng Cọp, hơn 600 hộ, với 3.800 nhân khẩu, trong đó có gần 1.400 lao động: Bà con Triệu Hải đã khai hoang mở rộng diện tích được 900 ha đất gieo trồng, trong đó có 400 ha lúa. Khắc phục những khó khăn về thời tiết ngay từ vụ đầu, đồng bào miềng đã được mùa khá to. Ngoài của ăn và của để phòng khi mùa màng thất bát, bà con Triệu Hải đã bán theo giá thỏa thuận cho Nhà nước trên 350 tấn lúa. 

Vụ mùa vừa rồi, toàn vùng kinh tế mới Triệu Hải đã có 1.500 ha gieo trồng, trong đó có 900 ha lúa, năng suất thu hoạch bình quân đạt 2,2 tấn/ha, sản lượng đạt gần 2.000 tấn; con số ấy ban đầu mới nghe qua ai cũng cảm thấy khó có thể ngờ được đối với một vùng kinh tế mới, sau chưa đầy hai năm xây dựng. Thế nhưng đó là hiện thực, năm nay chúng tôi được biết bà con Triệu Hải đã bán theo giá thỏa thuận cho Nhà nước trên 700 tấn lúa. Đồng chí kế toán còn cho chúng tôi biết thêm: - Nếu như Nhà nước có đủ tiền, phương tiện vận chuyển và kho chứa, chắc chắn Triệu Hải miềng còn bán được cả nghìn tôn (tấn). Bình quân lương thực tính theo đầu người hiện nay, Triệu Hải đạt 422 kg, một khẩu, một năm. Con số và thực tế ấy quả là một thành công lớn của đồng bào Triệu Hải sau hai năm xây dựng kinh tế mới ở Lâm Đồng. Triệu Hải hôm nay còn có một trường phổ thông cơ sở, với gần 700 học sinh; một hợp tác xã mua bán, một trạm xá trên 30 giường nằm... 

Chiều nay, trong khi đi dạo chơi, thăm hỏi bà con cô bác trong vùng cùng anh Thí, chúng tôi được anh cho biết: Trước Tết nguyên đán, chỗ này sẽ là ngã tư trung tâm, chỗ kia là sân vận động và bãi chiếu bóng và kia nữa trên khu đồi thoai thoải trước mặt nhà làm việc của Ban là trường cấp 1, 2 được xây dựng bán kiên cố. Anh đắc chí nói với chúng tôi: - Chúng miềng thực hiện đúng như câu thơ của đồng chí Tố Hữu "Trường của em đứng giữa đồi quang". 

Với thực tế ở Trảng Cọp và con người Triệu Hải hôm nay, chúng tôi vẫn không quên hỏi anh một điều: - Theo chúng tôi biết, kinh tế mới Triệu Hải đã ăn nên, làm ra và có thể nói là sung túc. Song để có cơ ngơi này, Triệu Hải không chỉ đổ mồ hôi, nước mắt mà có khi còn hơn thế nữa phải không anh? Câu hỏi của chúng tôi hình như vô tình đã gợi lên trong anh sự xúc động đã được lắng lại bởi thời gian... Giọng anh trầm lại, anh nói như tâm sự cùng chúng tôi: 

- Quả là những khó khăn buổi đầu làm cho chúng miềng tưởng như không sao vượt nổi, nhớ lại cả quãng đời trên 30 năm hoạt động cách mạng, có mặt đủ trên khắp các chiến trường chống Pháp và chống Mỹ chưa bao giờ miềng thấy khó khăn như những ngày đầu khi mới bước chân vào đây. Trước kia đi kháng chiến, hành lý mang theo bên mình chỉ có chiếc ba lô, còn bây giờ đi xây dựng quê hương mới còn phải mang theo vợ con, bà con xóm làng. Cũng đã có người ngã xuống bởi cơn sốt rét rừng tai ác trong những ngày mới đặt nhát cuốc đầu tiên. Đó là những kỷ niệm đáng ghi nhớ của những ngày đã qua, để chúng miềng làm tốt hơn trong những ngày sắp tới. Nhìn những gương mặt hồng hào chắc khỏe như cây sao, cây gụ của núi rừng Nam Tây Nguyên này, lòng chúng tôi bồi hồi xúc động. Triệu Hải hôm nay cũng đang ngập trong rừng cờ và hoa, những bó hoa tươi thắm của núi rừng do các cháu thiếu niên, nhi đồng, những chủ nhân tương lai của quê hương mới mang đến tặng Đại hội chi bộ lần nhứ nhất. Từ đại hội này, Triệu Hải đang đi đến với những mùa xuân của hạnh phúc và ấm no.

HẢI HÀ

Tên thật: Võ Quang Hải

Sinh năm 1957

Tốt nghiệp Đại học Báo chí

Nguyên phóng viên Báo Lâm Đồng

Hiện là Trưởng phòng Phát thanh - Đài PTTH Lâm Đồng. 

(BLĐ Xuân Quý Hội 1983)

Lâm Đồng những bài báo chọn lọc