Trong bài "Tự do báo chí và sắp xếp lại báo chí" của tác giả Bảo Cự đăng trên Báo Lâm Đồng số 615 ngày 10-3-1989; tác giả đã đưa ra một số nhận xét về tình hình báo chí ở nước ta hiện nay: Tự do báo chí ở nước ta hiện đang bị bóp nghẹt; sự thật đang bị bưng bít; các cơ quan lãnh đạo báo chí đang vượt quá quyền hạn, không đủ tín nhiệm. Và, cuối bài báo, tác giả có ý khuyến cáo:
"Đất nước ta về báo chí đang đứng trước mọi thử thách lớn về một quyền tự do cơ bản của xã hội văn minh: Tự do báo chí...
Những người có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đã xem xét hết mọi khía cạnh của vấn đề đặt ra chưa? Giải quyết không tốt vấn đề, dứt khoát sẽ đưa đến một tình huống vô cùng xấu và chắc chắn sẽ phải trả giá rất đắt. Ai sẽ phải trả giá này trước lịch sử và nhân dân?" (1)
Cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề như vậy có thiếu bình tĩnh, quá đáng không? Về tình hình báo chí, tự do báo chí ở nước ta hiện nay, tôi có cảm nhận và suy nghĩ khác. Theo tôi, báo chí ở nước ta hiện nay đang được tạo điều kiện phát huy tự do dân chủ, đang đi vào tuyên truyền đổi mới vừa tự đổi mới.
- Về lý luận: Quan điểm đổi mới của Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về lãnh đạo và sử dụng báo chí, Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ, là bước tiến quan trọng về tư tưởng quan điểm, phương pháp luận, phải mấy chục năm chờ đợi mới có. Rồi dự thảo Luật Báo chí, những ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh qua báo chí và qua các hội nghị, đó là sự khẳng định con đường tự do dân chủ, chỗ dựa pháp lý của nền báo chí XHCN. Có thể nói, với những sự kiện trên, trong vòng 2 năm, là một bước ngoặt đặc biệt mà lịch sử báo chí Việt Nam phải ghi nhận và còn nhắc đến mãi mãi!
- Về thực tiễn: Với 250 tờ báo viết, là cơ quan ngôn luận của Đảng - Nhà nước, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, tôn giáo khác nhau; một mạng lưới phát thanh truyền hình phủ sóng trên khắp đất nước với 4 đài Trung ương, 40 đài tỉnh, 500 đài huyện và còn không biết bao nhiêu tờ tin, trạm truyền thanh ở cơ sở. Một lực lượng làm báo với hàng ngàn cây bút chuyên nghiệp và lực lượng không chuyên đông đảo thuộc đủ các tầng lớp, các dân tộc, các địa phương. Hội Nhà báo Việt Nam là thành viên của Hội Nhà báo quốc tế (OIJ), có tổ chức từ Trung ương đến cơ sở. Một lực lượng như vậy sao lại có thể nghĩ rằng đang bị bắt "tuân phục một ý muốn chủ quan" được?!
Đánh giá về hoạt động của báo chí trong thời gian qua, Hội nghị lần thứ 5 BCH Hội Nhà báo Việt Nam (họp cuối tháng 12-1988) nhận định: "Từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, báo chí thông tin nước ta từng bước đổi mới, đã đạt được kết quả đáng kể. Báo chí bám sát cuộc sống, đề cập đến nhiều vấn đề nóng hổi của đất nước, của nhân dân, vừa ra sức đổi mới về cả nội dung và hình thức, vừa hết lòng phục vụ công cuộc đổi mới của đất nước theo đúng phương hướng Đại hội VI của Đảng đã chỉ ra phù hợp với trào lưu dân chủ, tiến bộ, cởi mở trên thế giới. Báo chí đã góp phần tạo nên bầu không khí công khai, dân chủ trong xã hội, đem lại lòng tin vào đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, cổ vũ phong trào chống tiêu cực xã hội, đồng thời nêu cao những nhân tố tích cực trong sản xuất và đấu tranh. Công chúng hoan nghênh báo chí, gửi gắm tâm tư nguyện vọng vào báo chí...".
ý kiến trên, đủ cho chúng ta, những người làm báo và bạn đọc địa phương tin cậy khi nhận thức tình hình báo chí cả nước. Dĩ nhiên chúng ta ai cũng hiểu rằng quá trình dân chủ hóa ở nước ta hiện nay mới chỉ là bước đầu, báo chí của chúng ta còn nhiều mặt kém năng động trước yêu cầu đổi mới. Nhưng đó cũng là những hạn chế có tính tất yếu lịch sử, để vượt lên được, cần có điều kiện và thời gian.
Trở lại vấn đề tự do báo chí. Tự do là một phạm trù tương đối. Trong thực tế, tính tương đối của tự do rất dễ nhận biết. Con cá tự do dưới nước. Con chim tự do trên trời, con người (không có con người riêng lẻ biệt lập kiểu Rôbinsơn) bao giờ cũng in đậm dấu ấn thời đại và giai cấp. "Con người là tổng hòa các quan hệ xã hội". Giới hạn tự do của con người chính là luật pháp của xã hội mà họ đang sống. Song, luật pháp bao giờ cũng mang tính giai cấp, luật pháp là ý chí của giai cấp thống trị. Vì vậy, trong xã hội còn có những giai cấp khác nhau, thì tự do bao giờ cũng nhằm bảo đảm lợi ích của giai cấp cầm quyền. Tự do thường gắn liền với dân chủ. Dân chủ phải đi đôi với chuyên chính. Có dân chủ tư sản thì có chuyên chính tư sản. Có dân chủ XHCN thì có chuyên chính vô sản.
Báo chí là nhu cầu về đời sống tinh thần của con người, tính giai cấp của nó là tất yếu. Tự do báo chí hay tính độc lập tương đối của báo chí trong xã hội ta, không vượt ra ngoài sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Về sự thật và tính công khai, theo tôi cũng không thể đặt ra một cách chung chung. Sự thật là gì? Sự thật là tất cả: Tự nhiên, xã hội, tư duy. Sự thật mang tính khách quan. Nhưng nhìn nhận, đánh giá sự thật lại là sản phẩm chủ quan. Nhận thức chủ quan không thể bao hàm hết thảy chân lý khách quan. Báo chí chỉ là một hình thái trong nhiều hình thái ý thức xã hội. Cho dù các nhà báo có đủ năng lực nắm bắt hết sự thật và các tổng biên tập 100% có đủ bản lĩnh đi nữa, thì báo chí cũng chẳng có đất đai mà đăng tải cho hết sự thật. Vấn đề đặt ra là báo chí cần nói lên sự thật, nói đúng sự thật nhưng đó phải là sự thật có chọn lọc; sự thật ấy đưa ra nhằm phục vụ cho lợi ích của nhân dân, của Đảng, của CNXH.
Công khai là xu thế tất yếu của thời đại. Nhưng công khai trước hết là phương thức hoạt động tư tưởng. Vì vậy, công khai phải có định hướng. Luật pháp không cho phép công khai tuyên truyền tư tưởng thù địch, chống Đảng, chống XHCN, những biểu hiện kích động bạo lực, khêu gợi dâm ô, phá hoại nhân phẩm!
Về vấn đề sắp xếp lại báo chí mà Bộ Thông tin đặt ra, tôi nhận thức là không có gì vi phạm Hiến pháp. Cần phải hiểu luật pháp trong mối quan hệ tổng thể của nó. Hiến pháp mới là những định hướng chung nhất, làm cơ sở cho hệ thống pháp luật. Xin trích ra đây điều 111 (chương VIII - Hội đồng Bộ trưởng) để thấy rõ quyền và trách nhiệm của các Bộ, trong đó có Bộ Thông tin:
"Dưới sự lãnh đạo thống nhất của Hội đồng Bộ trưởng, các bộ trưởng và thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng chịu trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo ngành mình trong phạm vi cả nước.
Các Bộ trưởng và thủ trưởng các cơ quan khác thuộc HĐBT căn cứ vào luật của Quốc hội, pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước và Nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư của HĐBT, ra những quyết định, chỉ thị, thông tư và kiểm tra việc thi hành những văn bản đó". Như vậy, dưới hiến pháp còn có các Luật, Sắc lệnh và hàng loạt các văn bản pháp quy khác hình thành một hệ thống luật pháp mà mọi công dân và tổ chức xã hội phải tuân thủ.
Cuối cùng, trong bài viết của anh Bảo Cự, tôi nhận thấy vị trí và tầm quan trọng của báo chí đã được nhấn mạnh một cách không bình thường. Có lẽ ý kiến sau đây của đồng chí Hồng Chương có thể giúp chúng ta xem xét vấn đề đúng mức hơn chăng:
"Sẽ sai lầm, nếu nghiên cứu báo chí tách rời đời sống xã hội; Cũng sẽ sai lầm nếu thổi phồng tác dụng của báo chí, cho báo chí có thể "tạo ra cuộc cách mạng". Báo chí có tác động với đời sống xã hội, song bản thân nó cũng chịu sự chi phối của đời sống xã hội, nhất là cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội" (2).
Trên đây là một vài suy nghĩ, đúng hơn là thu hoạch cá nhân về những vấn đề: Quan điểm về tình hình báo chí hiện nay, vấn đề tự do dân chủ, sự thật và công khai. Nội dung không có gì mới song bản thân thấy cần thiết cho trách nhiệm công dân và cũng không thừa trong hành trang của người cầm bút trên dọc đường đổi mới, mong được trao đổi cùng tác giả Bảo Cự và bạn đọc.
(1) Xem Tạp chí "Người làm báo" 1-1989.
(2) Xem "Tìm hiểu lịch sử báo chí VN" - NXB Sách giáo khoa Mác - Lênin - Hà Nội 1987.
PHẠM VĨNH
Bút danh khác: Phan Văn
Sinh năm 1945
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội
Hiện là Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng.
(BLĐ số 620 ngày 14/4/1989