Lâm Đồng những bài báo chọn lọc

Đà Lạt - thành phố mộng mơ và yên tĩnh. Viện Pasteur xa trung tâm buôn bán, lại vào ngày mưa, hầu hết những căn phòng trong tòa nhà 3 tầng đều đóng kín cửa, nên càng lặng lẽ. Tuy chưa hình dung được những gì đang diễn ra trong những căn phòng lặng lẽ kia, nhưng tên tuổi nhà bác học lớn Pasteur như là nhãn hiệu có uy tín đặc biệt lôi cuốn tôi...

 

Bác sĩ Viện trưởng Chế Quảng Tuân khiêm tốn bảo các đồng sự của mình là đang "âm thầm lặng lẽ" làm việc; còn tôi, tôi muốn họ là "những người đối mặt với tử thần", vì ngày ngày, trước mắt họ là những loại vi trùng gây dịch bệnh nguy hiểm. Một tài liệu ngành y cho biết: Chỉ riêng dịch tả, từ đầu thế kỷ 19 đến nay đã có 7 đại dịch lan tràn từ á sang Âu. Riêng ở Ấn Độ, từ 1919 - 1949 đã đó 10 triệu người chết vì dịch tả. Ở Việt Nam, năm 1910 có 15.473 người chết, năm 1927 có 18.343 người chết chiếm 79% số người mắc bệnh tả. Riêng ở miền Nam năm 1964, có 821 người chết trong 20.687 người mắc bệnh. Những thập kỷ gần đây, bệnh dịch thỉnh thoảng vẫn khởi phát, nhưng thường được dập tắt nhanh chóng và số người chết ngày càng ít đi. 

Chính là những con người âm thầm lặng lẽ làm việc trong các Viện Pasteur đã góp phần quan trọng đẩy lùi tử thần. Quy trình công nghệ chế tạo các loại vaccinngày một tân tiến, nhưng "nguyên liệu chính" thì vẫn là những con vi trùng - triệu triệu con vi trùng sống hoặc đã chết. Vaccin phòng bệnh tả cứ mỗi phân khối (cm3) có 4 hoặc 8 tỉ vi trùng chết. Vaccin phòng bệnh dịch hạch cứ mỗi phân khối có 1 tỉ vi trùng sống. Vaccin phòng bệnh thương hàn cứ mỗi phân khối có 2 tỉ 100 triệu vi trùng chết... Tôi đã đọc thấy trong một tư liệu cũ của Viện Pasteur Đà Lạt: năm 1937, Viện đã sản xuất 20.000.000 phân khối thuốc vaccin phòng dịch tả, nhờ đó trận dịch năm đó đã bị chặn đứng. Tôi thử nhẩm một con tính: 20 triệu phân khối mà cứ mỗi phân khối trung bình có 6 tỉ con vi trùng, vị chi... một con số lớn đến nỗi tôi không biết dùng đơn vị nào để gọi cho đúng. 

Nghĩ tới việc ngày ngày phải đối mặt với tỉ tỉ vi trùng, tôi không khỏi rùng mình, dù biết quy trình chế tạo các loại vaccin phải bảo đảm an toàn tối đa cho người chế tạo. Nhưng tôi cũng biết tàu vũ trụ tinh xảo là vậy mà vẫn bị nổ tung. Và chính ở Viện Pasteur Đà Lạt này, phó tiến sĩ NHĐ bị xơ gan cổ trướng, đã mất năm 1989. Ông là người chuyên nghiên cứu vi rút gây bệnh gan, nên có thể nguy cơ nhiễm bệnh nhiều hơn người khác. Một cán bộ nữ khác do lây nhiễm vi trùng thương hàn trong phòng thí nghiệm đã bị sốt rụng hết tóc, suýt nữa nguy đến tính mạng... 

So với các Viện Pasteur ở TP. Hồ Chí Minh và Nha Trang, Viện Pasteur Đà Lạt là cơ sở sinh sau đẻ muộn. Viện Pasteur Sài Gòn đã kỷ niệm 100 năm thành lập từ 5 năm trước, còn Viện Pasteur Đà Lạt thì năm sau mới tròn 60 tuổi, nhưng ngay từ khi mới thành lập - năm 1936, do điều kiện khí hậu thuận lợi, Viện Pasteur Đà Lạt đã đảm nhiệm việc chế tạo các loại vaccin (thuốc chủng) cho toàn quốc. Một số trường hợp Viện Pasteur Đà Lạt còn cung cấp vaccin lớn nhất trong vùng. Bây giờ, dòng chữ "Viện Pasteur Đà Lạt" vẫn còn được giữ nguyên trên bức tường chính diện tòa nhà 3 tầng, nhưng về danh nghĩa thì đây là một cơ sở trực thuộc Viện Vaccin (cơ sở thứ 2 và trụ sở của Viện đặt tại Nha Trang; cơ sở thứ 3 là trại chăn nuôi ngựa ở Suối Dầu với trên 400 con - đàn ngựa cung cấp máu để chế tạo các loại huyết thanh). 

Bác sĩ Tuân vẽ phác sơ đồ với các mối liên hệ giữa các cơ sở sản xuất nghiên cứu của Viện rồi dẫn tôi ra dãy nhà một tầng phía sau. Đây là công trình hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và tổ chức UNICEF. Mười năm qua, viện trợ của UNICEF được bảo toàn trọn vẹn và đưa vào sản xuất có hiệu quả, phục vụ đắc lực cho chương trình tiêm chủng mở rộng trong toàn quốc. 

Trong công trình viện trợ này, căn phòng đầu tiên mà bác sĩ Tuân đưa tôi đến lại là nơi "ồn ào" nhất Viện. Anh Tuân vui vẻ nói: 

- Chúng tôi gọi đây là "trái tim của Viện". Anh xem rồi sẽ hiểu vì sao. Trước hết vì máy móc ở đây hoạt động 24/24 giờ trong ngày... 

Căn phòng rộng chằng chịt những đường ống dẫn từ các "quả tim" tỏa đi tất cả các bộ phận khác trong Viện. "Quả tim" màu sữa cung cấp nước mềm, "quả tim" i-nốc sáng bóng cung cấp nước cất; "quả tim" hình vuông màu xám đậm cung cấp không khí sạch và "quả tim" thứ tư là lò hơi. Bên cạnh 4 "quả tim" - những chiếc thùng to đùng. Nguyễn Văn Dũng - một trong hai người có trách nhiệm bảo quản cho máy móc chạy liên tục 24/24 giờ, trông bé nhỏ hẳn đi. Anh vốn là thợ mặt đất sân bay Nha Trang, từng đeo lon trung úy, quê tận Hải Hưng. Tôi hỏi: 

- Anh chuyển ngành, không trở về quê hương, chắc ở đây có gì hấp dẫn? Bác sĩ Tuân mỉn cười, trả lời thay cho Dũng: 

- Cậu Dũng đã thành rể của Đà Lạt 10 năm nay rồi. Cô vợ là kỹ sư, phó phòng Môi trường. Giới thiệu thêm với nhà văn, Dũng là một tay thợ tài giỏi, đã chế tạo được pép phun dầu, trước phải nhập của Đức. 

Vậy là ngoài 4 "quả tim" cơ khí, căn phòng này còn có một quả tim sinh học được nối với phòng chế tạo vaccinbằng những đường mạch vô hình nhưng cũng không bao giờ gián đoạn. Chính là quả tim nhỏ bé của Dũng đã giữ cho 4 "quả tim" to đùng kia luôn sống động. 

Dãy phòng sản xuất các loại vaccin cửa đóng kín bưng và quả thật lặng lẽ. Đứng bên ngoài vách chắn bằng kính, bác sĩ Tuân chỉ các thiết bị bên trong và giới thiệu với tôi: 

- Đây là phòng lên men hiếm khí. Phải đảm bảo tuyệt đối vô trùng, nên không đưa anh vào xem được. Đó là nồi lên men còn gọi là Fermenteur, do UNICEF viện trợ, lắp từ 1985. Trước sản xuất vaccinbạch hầu - uốn ván - ho gà theo kiểu cổ, trên môi trường đặc, kết quả rất thấp. Mười năm qua, nhờ có Fermenteur, khối lượng vaccin sản xuất tăng gấp bội... 

Qua khung cửa kính, tôi còn thấy lò sấy, buồng hấp và cả hệ thống làm lạnh. Còn "nguyên liệu" chính làm nên các loại vaccin thì chỉ có thể tưởng tượng ra. Đó là những con vi trùng - gọi là gốc vi trùng - được nuôi dưỡng và thường xuyên kiểm tra để đảm bảo độ tinh khiết (không có loại vi trùng nào khác lẫn vào) gieo cấy vào các chai dẹp đựng môi trường đã khử trùng trong một phòng đã diệt hết vi trùng. Môi trường thường gồm nước thịt, đông sương và hóa chất pha trộn với tỷ lệ thích hợp cho vi trùng phát triển nhanh nhất. Các chai này được để trong một nhiệt độ thích hợp để vi trùng sinh sản mau chóng, sau đó pha dung dịch và chuyển sang các chai đã được khử trùng. Nếu loại thuốc dùng để tiêm chủng, tạo ra cho cơ thể con người kinh nghiệm đầu tiên về bệnh nhưng không đến độ nguy hiểm; nhờ đó, về sau, nếu mắc bệnh thật sự thì cơ thể đã biết cách chống lại một cách mau lẹ... Đây cũng là nguyên lý cơ bản chế tạo các loại váccin. Tôi ghi lại sơ lược và dù sức tưởng tượng có mãnh liệt mấy cũng chỉ hình dung được sơ lược các bước chế tạo với không biết bao nhiêu lần kiểm tra tỉ mỉ, với một quy chế ngặt nghèo thoạt nghe như ngược đời tỉ tỉ con vi trùng ấy chỉ biến thành vaccin khi tất cả các nơi chúng cư trú và sinh nở tuyệt đối vô trùng. 

Từ những căn phòng vô trùng ấy, bác sĩ Lê Văn Bé bước ra phòng ngoài nơi có đặt máy vi tính. Anh Tuân bảo tôi: 

- Anh cần số liệu gì, ở đây cũng có đủ. 

Về số lượng vaccin đã sản xuất, anh Bé cho biết: Riêng vaccin phòng bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà, năm 1994 đã sản xuất một số lượng gấp 8 lần năm 1991. Hình như là có những con số không nên công bố và với tôi, các con số không phải là điều quan trọng nhất. Tôi hỏi anh Bé: 

- Các anh tiếp xúc thường xuyên với vi trùng, liệu có gì nguy hiểm không? 

- Gọi là nguy hiểm thì cũng quá, nhưng vì sơ ý, đôi khi tay chân có thể vương độc tố, khó chịu nhất là phải ngửi mùi hôi. Sau một buổi lọc độc tố, người mệt nhừ. Cũng vì thế, chúng tôi được hưởng phụ cấp độc hại mức 2.  

- Cụ thể, một tháng được bao nhiêu? 

- Nếu kể cả giá trị hiện vật 7 hộp sữa thì tất cả khoảng 70.000 đồng. Để chứng minh cho lời nói của bác sĩ Lê Văn bé, anh Tuân dẫn tôi ra đầu hồi nhà. Từ một lỗ thông hơi phía trong phòng ra ngoài, một mùi hôi thật khó chịu tỏa ra khiến tội phải vội lùi bước, ấy là tôi đứng giữa khoảng không thoáng đãng, phía sau là một cây thông vừa lên xanh và một cây mimôza đang trở hoa trông như được choàng một tấm khăn voan màu vàng êm dịu. 

Trong rất nhiều bước, nhiều phương thức kiểm tra và thí nghiệm nhằm bảo đảm hàng chục triệu liều vaccin tiêm cho người an toàn tuyệt đối và có hiệu quả, có một phương thức đòi hỏi phải hy sinh hàng vạn sinh vật mỗi năm. 

Khu nhà nuôi súc vật (Animal house) - những căn nhà thấp, khiêm tốn và cũng lặng lẽ, nhìn qua tưởng như trống vắng, nhưng bên trong là cả một thế giới sống động và hấp dẫn nữa. Tôi vốn rất ghét loài chuột, nhưng hai giống chuột nuôi ở đây trông thật đẹp mắt, các tay ưa nuôi súc vật làm cảnh nếu được thấy hẳn sẽ đặt giá cao. Những con chuột lang trong bộ lông trắng lẫn vàng mượt mà trông như bầy thỏ non; còn đám chuột nhắt lông trắng tinh như những cục bông nhỏ ríu rít ăn và thỉnh thoảng lại ngước mõm mút vào ống nước treo bên cạnh. Kỹ sư Lê Thị Loan cho biết hiện có đến 4.500 con chuột nhắt trong các dãy chuồng. Chuột mang thai 20 ngày, 2 tháng sau khi sinh, đạt được trọng lượng 14-16 gam một con là có thể đem thí nghiệm. Giá thành mỗi con tính ra khoảng 6.000 đồng. Chuột lang thì mang thai đến 70 ngày, mỗi kỳ chỉ đẻ 1-2 con, nên tăng nhanh đàn chuột lang không dễ... 

Sau khi kiểm tra dãy chuồng bên cạnh, bác sĩ Tuân quay lại bảo tôi: 

- Anh trông vui mắt vậy, chứ anh chị em ở đây rất vất vả, lo cho chúng ăn uống, rồi sinh đẻ và lo nhất là lo dịch bệnh... 

Tôi thì đang nghĩ tới một khía cạnh khác của công việc sau khi thấy những con vật xinh xẻo vẫn nhảy nhót nô đùa dù đã bị tiêm thuốc thí nghiệm, nên hỏi kỹ sư Loan: 

- Trông chúng vẫn khỏe mạnh như thế, chẳng lẽ... 

Tôi không nói hết câu, nhưng chị Loan đã hiểu ý tiếp lời: 

- Vâng, mỗi con vật chỉ được phép dùng thí nghiệm một lần. 

- Thế sau đó xử lý bằng cách nào? 

Chị Loan đưa tay chỉ lò đốt súc vật sau khi thí nghiệm ở đầu hồi nhà, rồi nói nhỏ: 

- Thì cũng đành phải vậy... 

Quả là đành phải vậy, nhưng nghĩ tới cả ngàn vạn con vật xinh xẻo trắng như bông kia rồi sẽ hóa thành tro than ngay khi còn sức trẻ, tôi bỗng thấy lòng không yên và hiểu thêm cái giá phải trả để có những liều vaccin phòng ngừa các bệnh dịch nguy hiểm đối với nhân loại.

 Nhà bác học vĩ đại Pasreur qua đời đã tròn một thế kỷ. Phương pháp phòng ngừa dịch bệnh do ông tìm ra đã cứu được không biết bao nhiêu triệu sinh mạng trên trái đất này. Nhưng thật oái ăm, hình như đa số nhân loại lại ưa đợi đến khi mắc bệnh mới cậy nhờ thầy thuốc; cũng vì thế, thầy thuốc chữa bệnh mới đáng trọng, thuốc chữa bệnh mới là thứ quý giá, đắt mấy cũng sẵn sàng bỏ tiền ra mua; chứ vaccin nhiều khi phát không, "mời" đến tiêm người ta cũng chẳng màng! ấy là "người ta" còn chưa biết rõ tiêm vaccin nghĩa là tiêm vi trùng vào cơ thể và dù là rất hiếm hoi, chuyện tiêm vaccin đã từng xảy ra sự cố, gây rắc rối cho bao nhiêu người. Vì đâu dễ tìm ra nguyên nhân ở khâu nào. Vậy nên có người gọi nghề làm thuốc vaccin là nghề "bạc" - bạc đây là bạc tình, bạc nghĩa (vì đã mấy ai tiếp xúc được với những người làm ra vaccin để mà tỏ lòng biết ơn). Còn tiền bạc thì vaccin hầu hết cấp theo lệnh, theo kế hoạch, lấy gì mà giàu có được. 

Thật may là số môn đệ của Pasteur vẫn ngày một đông. Tôi muốn gọi họ là những người có tấm lòng "vàng" để trụ vững trong "nghề bạc". Cũng thật may là những người có trách nhiệm lãnh đạo quản lý Viện vaccin rất quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ công nhân viên trong Viện. Ngay đằng sau Viện Pasteur Đà Lạt, nơi có hồi là bãi rác um tùm cỏ dại, một cơ sở sản xuất có tên là BIOPHAR đã được dựng lên từ năm 1993. ứng dụng công nghệ vi sinh, Biophar đã sản xuất loại thuốc "men tiêu hóa sống" (Biosyb-tyl) rất được người tiêu dùng ưa chuộng, hàng tháng cung cấp cho thị trường cả triệu gói, hàng chục con em cán bộ trong Viện có thêm việc làm, đồng thời tạo ra nguồn phụ cấp ngoài lương đáng kể. Các cán bộ khoa học ở đây còn không ngừng được nâng cao trình độ. Trước 1975, Viện Pasteur Đà Lạt không có cán bộ đại học; năm 1988, tỉ lệ cán bộ có trình độ đại học là 21% và nay là 40%, trong đó có 7 người trên đại học và 4 người đang chuẩn bị bảo vệ luận án phó tiến sĩ. những cán bộ đã nghỉ hưu cũng không bị lãng quên. Hàng năm vào ngày 26 tết, tất cả những người đã làm việc ở Viện Pasteur Đà Lạt từ ngày Viện thành lập 1936 đều được mời về dự "tất niên" và đều có quà tết mang về cho gia đình. 

Nói cho thật đầy đủ thì cái "nghề bạc" này vẫn phát triển là nhờ bên cạnh các khoản phụ cấp lương và những gói quà tết tình cảm ấy còn có hàng tỷ đồng do ngân sách nhà nước cấp cho các chương trình tiêm chủng mở rộng trong toàn quốc đã được "rót" một phần về đây. Vài chục đồng và hàng tỷ đồng, số lượng khác xa nhau nhưng đều bắt nguồn từ mối quan tâm chăm sóc đến con người.  

Có lẽ vì thế đằng sau công việc âm thầm lặng lẽ, ở đây không thiếu những niềm vui.

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Sinh năm 1939

Kỹ sư Giao thông vận tải

Hội viên hội Nhà văn Việt Nam

Hiện đang công tác tại Hội VHNT Thừa Thiên - Huế.

(Đà Lạt nguyệt san - số 13 tháng 10.1995)

Lâm Đồng những bài báo chọn lọc