Lâm Đồng những bài báo chọn lọc

  Đà Lạt trong kỷ niệm của khách thập phương là màu hoa quỳ, hoa Mimôza. Là thành phố với những đồi thông, với nhiều thác, hồ, biệt thự cổ.. và còn đó trong lòng người những chuyến xe thổ mộ gập ghềnh gõ nhịp... 

SỐ PHẬN LONG ĐONG CỦA NHỮNG CHIẾC XE THỔ MỘ! 

Lịch sử của những chiếc xe ngựa ở Đà Lạt đã có từ lâu đời - khi mà đồi Cù còn hoang sơ, những con đường dốc quanh co đầy sỏi đó. Và hồi ấy Đà Lạt chưa phát triển mấy, con đường dốc quanh co đầy sỏi đá. Và hồi ấy Đà Lạt chưa phát triển mấy, con người còn khó khăn, ngựa cũng nhọc nhằn gánh đỡ mọi công việc như chở rau, củ, hàng nông phẩm từ ngoại ô thành phố. Những chiếc xe ngựa gắn bó với người Đà Lạt như một phương tiện lao động không thể thiếu và trở thành nét đặc trưng của thành phố này. Sau giải phóng, bước vào làm ăn kinh tế tập thể, thì xe ngựa cũng đi vào hợp tác. ở Đà Lạt có HTX xe ngựa đóng tại Nhà Chung - phường 3 gồm 250 chiếc, chủ yếu phục vụ đi lại, chuyên chở hàng hóa và chở khách. Năm 1993, HTX giải thể, khó khăn lắm mới khôi phục lại HTX Hợp lực vào năm 1995. Bác Phan Văn Điền - Chủ nhiệm HTX cho tôi biết: "Đã 29, 30 tết, tôi phải bỏ cả nhang đèn lễ cúng mà đi lo thủ tục, xin giấy phép của Sở Giao thông để khôi phục lại nghề đi xe ngựa". "Tôi còn làm đơn gửi lên UB tỉnh, rồi gửi đến Quốc hội nữa chớ!". Bác Điền nói nhỏ với tôi như thế. 

HTX Hợp lực có gia nhập liên minh với HTX của tỉnh và đóng thuế Nhà nước hẳn hoi. Bây giờ chỉ còn 30 chiếc xe ngựa, chủ yếu chở khách tham quan, không được phép chở hàng hóa. Xem ra Công an giao thông thành phố đau đầu với những chiếc xe ngựa này. Vì các bác tài hay vi phạm luật giao thông, cho xe vào những khu vực cấm. "Dường như họ không thích nghề xe ngựa tồn tại hay sao ấy" - một bác tài ở đầu đường Đinh Tiên Hoàng thành thật thổ lộ với tôi. So với các phương tiện làm ăn khác, khi xe ngựa vô đường cấm, Công an thành phố Đà Lạt bắt phạt nhưng giam quá lâu, đến 7, 8 tháng. Trường hợp xe anh Phạm Văn Minh giam 8 tháng rưỡi, gây khó khăn trong việc làm ăn. Năm ngoái giam trên 10 chiếc. Vì vậy, ít thấy những chiếc xe ngựa thong dong trên đường. Tôi tự hỏi nghề đi xe ngựa rồi sẽ mai một?  

"... NGƯỜI NHỊN ĐÓI CHỨ NGỰA KHÔNG THỂ NHỊN ĐÓI ĐƯỢC!" 

Hãy khoan nói về chuyện kinh tế, nghề đi xe ngựa như một cái thú: "Tiếng vó ngựa gõ nhịp trên đường quyến rũ tôi theo nghề này cho đến bây giờ" - Bác Điền đã 70 tuổi tâm sự. Được rong ruổi, được gặp khách bốn phương và có khi làm hướng dẫn viên cho họ là điều thật thú vị của nghề. Có những người đã mấy chục năm trong nghề. Bác Điền đã 30 năm trong nghề này cho tôi biết: "Lòng mến khách là sợi dây buộc chặt tôi với chiếc xe ngựa. Có khách đi năm này và ghi lại số xe để dịp sang năm hạnh ngộ". Về phía du khách, thích đi xe ngựa vào ban đêm đến những vườn hoa, xem các mái nhà ở làng SOS, hay đi dạo trên đường Trần Hưng Đạo ngắm những ngôi biệt thự cổ và được đi qua cầu Ông Đạo nhìn hồ Xuân Hương tìm cảm giác phiêu bồng giữa thiên nhiên mây trời. Đến đây thú đi xe ngựa có một nét văn hóa. Vì vậy, trong nghề đi xe ngựa không có hiện tượng tranh giành khách. Có tài, bến hẳn hoi. Tại Đà Lạt có hai bến: Bến Thanh Thủy và Thủy Tạ ở hồ Xuân Hương và một bến trước nhà nghỉ Công Đoàn để chở khách du lịch đến nghỉ. Trừ Prenn, Suối Vàng khó đi, còn tất cả các điểm nổi về du lịch xe ngựa đều tới. Khi khách yêu cầu xe ngựa đi Prenn, Đatanla, hồ Tuyền Lâm... thì chủ ngựa yếu có thể nhường khách lại cho chủ có ngựa mạnh. Không hề gì cả. Khách tham quan tùy thị hiếu và các bác tài luôn chiều khách. Thời gian có thể đi một ngày, một buổi hoặc tính theo giờ. Khách có thể đi đến từng điểm hoặc bao luôn cả xe ngựa mà ngao du. Những thắng cảnh như Dinh, Thung lũng Tình yêu, Thác, hồ Than Thở... là nơi khách thích đến. Ngựa mạnh một ngày có thể đi trên 10 điểm du lịch trong thành phố. Giá cả tùy theo thỏa thuận. Chuyến bao một ngày cho hai người khoảng 200 ngàn là ít nhất. Đến đây câu chuyện cơm áo trở nên xôn xao ở bến đậu Thanh Thủy giữa tôi cùng bác Điền và bác Phạm Đứng, Phó Chủ nhiệm HTX Hợp Lực. 

Người xưa có câu: "làm thân trâu ngựa" nhưng với nghề này "con người có thể nhịn đói chứ ngựa không thể bỏ đói được" - Bác Đứng triết lý một câu xanh rờn. Tôi hiểu, kinh tế của các gia đình này chủ yếu nhờ vào sức ngựa. Anh Trần Đức Tiến - một chủ xe ngựa trẻ bảo: "Sống trong thành phố không đất cát phải bám vào chiếc xe ngựa này thôi, mà thu nhập cũng không ổn định, giống như đi câu vậy, có người có điều kiện làm thêm như buôn bán, làm vườn, nhưng đấy chỉ là số ít". Tôi liền ghi nhận một điều là nghề này thu nhập tùy thời điểm. Cao điểm là các ngày lễ, tết và những ngày nắng ráo đẹp trời. Cố moi mãi, bác Điền mới cho tôi hay thu nhập bình quân của một chiếc xe ngựa khoảng ba bốn trăm ngàn một tháng. Có khi cả tháng chỉ được 250.000 đồng hoặc thấp hơn mà phải nộp thuế 100.000đ/tháng. "Dù thu nhập thấp cũng phải bám theo nghề mà sống và phải nộp đủ thuế Nhà nước không dám kêu ca vì họ cho giải thể thì nguy lắm" - bác Đứng phân trần thêm: "Như tết năm nay mưa nhiều, đi một bữa, nghỉ năm bảy bữa. Thất thu, cô à!". Nhìn những bao cỏ dưới gầm xe, tôi hỏi về việc đầu tư một chiếc xe ngựa, bác Đứng cho biết, một chiếc xe ngựa tân trang ghế nệm, mái che thật đẹp mà chú ngựa thật tốt mã phải gần hết một cây vàng. Chi phí để lo ăn cho ngựa nhiều hơn xăng dầu. Mùa nắng thật vất vả, ở gia đình phải có người lo cỏ, cám, đường... Tối về cho ngựa ăn lúa, trứng trộn đường.. bác Đứng lặp lại: "Nghề này người nhịn đói chứ ngựa không thể bỏ đói được". 

VẪN CÒN NHỮNG XÔN XAO... 

Ở Đà Lạt nếu thiếu loại hình du lịch bằng xe ngựa thì chưa hẳn là thành phố của du lịch và sẽ không còn nét đặc trưng của Đà Lạt. Một khiếm khuyết chăng? Đà Lạt ngày một phát triển, càng nhiều phương tiện lưu thông trên đường phố, lẽ nào tiếng vó ngựa của những chiếc thổ mộ chỉ còn trong đĩa nhạc, băng hình. Một thực trạng đáng buồn là các điểm tham quan du lịch ít được sửa sang, tôn tạo nên xuống cấp và ô nhiễm môi trường nặng. Thác Cám Ly hôi thối, mùa nắng nhiều người muốn đến nhưng dường như đây không phải là điểm du lịch. Còn hồ Than Thở bị thu hẹp cạn nước. ở hồ Xuân Hương du khách muốn đi qua cầu Ông Đạo bằng xe ngựa để ngắm cảnh, quay phim... thì hai biển cấm từ Tòa Giám mục qua bến Thủy Tạ nhắc nhở họ coi chừng! 

Cánh xe ngựa chỉ chiều khách vào ban đêm, đưa khách qua cầu mà nơm nớp lo sợ công an chụp gáy. Bác Điền cho tôi biết vừa rồi có ba người thuộc đoàn khách Trung ương đi tham quan trên xe ngựa của bác và họ đã nhận xét: "Thành phố Đà Lạt là thành phố du lịch, vé vào các điểm tham quan đắt nhưng bên trong không sửa sang gì, năm nào cũng thấy có vậy". Điều đáng nói ở đây là các cảnh quan cần chỉnh tu lại và có chỗ đậu xe. Hiện Thung lũng Tình yêu và hồ Than Thở là có điểm đậu xe ngựa. Đã đến lúc nên khôi phục lại nghề này nhằm duy trì một nét đẹp văn hóa - du lịch Đà Lạt. Bác Điền bảo với tôi: "Tôi nhớ có xem truyền hình, thấy và nghe Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói rằng cái nghề đi xe ngựa ở Đà Lạt cần phải khôi phục lại". Bác Đứng đứng bên chất vấn: "Ông có chắc hay không đó, hay thích cái nghề này quá mà bảo Thủ tướng nói thế!". Ông Điền thì quả quyết. Câu chuyện lại xôn xao ở bến đậu Thanh Thủy. 

DIỆU HIỀN

Sinh năm 1974

Tốt nghiệp Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Đà Lạt

Hiện là CTV thường xuyên của Báo Lâm Đồng

(BLĐ số 1299, ngày 4/3/1997)

Lâm Đồng những bài báo chọn lọc