ôi đến sống ở một xóm nhỏ đìu hiu bên cạnh thắng cảnh thác Prenn vào những tháng năm miền Nam vừa được giải phóng. Xóm này có tên là xóm Thác, thuộc thôn Định An, huyện Đức Trọng.
Xóm Thác chỉ có vài chục nóc nhà mà hội đủ bà con của ba miền đất nước có cả người Việt gốc Hoa nói tiếng Kinh chưa sõi. Họ sống rải rác ven dòng suối, sườn đồi; sống âm thầm sau bờ rào cây cối rậm rịt, trông mới u buồn làm sao. Thế mà người xóm Thác nói với tôi như muốn khoe: "Bây giờ đã đông vui lắm rồi đó cậu ạ!".
Sau khi nghe một vài vị thâm niên ở đây kể chuyện tôi mới hay: Xóm Thác nguyên chỉ có một nhóm nhỏ đồng bào Kơ Ho, sống lọt thỏm nơi hóc núi. Tới khoảng năm 1945 mới có một hai gia đình người Kinh đến tạm cư, làm nghề chẻ đá - Một cụ già gần 100 tuổi tâm sự; "...Cậu biết không? Gia đình qua tới đây sống như là sống chung với nai, đỏ, heo rừng, có cả cọp nữa. May quá, các "ông" ở đây không ăn thịt người, có kẹt thì về rình bắt chó, bắt heo thôi...".
Đến thập niên 1950, có thêm một số gia đình nữa đến đây ẩn náu vì bị chế độ Ngô Đình Diệm săn đuổi. Tiếp theo là một số khác chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc ở quê nhà. Đa số là bà con xứ Quảng, quen sống với nghề làm ruộng. Nhưng đến xó rừng này, chỉ có một ít ruộng nước bậc thang đã là sở hữu của đồng bào dân tộc ít người, họ phải quay qua trồng hoa màu, tấp tểnh trồng rau cải và một ít làm công nhân cho sở Thú Prenn - Sở thú có từ thời Ngô Đình Diệm và nó đã tàn lụi theo chế độ hiếu sát ấy. Đến lúc Mỹ leo thang chiến tranh, một đơn vị quân đội Mỹ đến đóng chốt tại đây, tức thì bên cạnh thác Prenn ngoạn mục mọc ngay một ổ gái điếm. Và trớ trêu thay, cùng thời ấy có ba ngôi chùa được phụng lập: Chùa Mộc Giác, Quan âm linh ứng tự và tịnh xá Ngọc Thiền! Sau tháng 5/1975 thêm một vài gia đình nữa có thân tộc ở đây, tìm đến xây dựng cuộc sống mới. Ngoài ra còn có Xí nghiệp Ca-lin eo óp, Hợp tác xã công nông Prenn là cái xác không hồn do một số nhà giàu ở thành phố sáng lập, cốt để luồn lách khỏi chính sách đi xây dựng vùng kinh tế mới xa xôi.
Đến thời điểm này bà con xóm Thác mới thoát khỏi cảnh của những người Việt bị bỏ rơi trên chính Tổ quốc mình. Xóm Thác đã có chính quyền, nông dân hội tụ xây dựng thành Tập đoàn 6 cùng nhân dân thôn Định An bước vào con đường sản xuất tập thể. Về đời sống văn hóa thì có 3 lớp học cấp I và một lớp mẫu giáo. Cơ sở vật chất tuy còn sơ sài nhưng dù sao đó cũng là khởi điểm đời sống văn hóa không thể thiếu giữa thời đại này.
Niềm hy vọng về cuộc sống mới của bà con xóm Thác được thắp lên chưa bao lâu thì nó lụn dần xuống theo đời sống kinh tế. Một khoảng trời ảm đạm vì nghèo đói trùm lấy xóm Thác.
Nguyên nhân của cơ cảnh này chẳng có gì khó hiểu: Trước hết là vì khí hậu và địa thế ở đây không phù hợp với cây lúa, nhất là giống lúa nông nghiệp ngắn ngày. Người dân chưa quen với nếp làm ăn tập thể, họ làm để lấy điểm chớ không tính đến hiệu quả kinh tế. Công đổ ra đồng ruộng thì nhiều, đặc biệt là công đuổi chim, nhưng thu hoạch thì chẳng đáng kể - có những gia đình làm ăn tích cực, hết lòng với tập thể như bác Năm Xí, cụ già Tâm suốt mùa theo đuổi trâu, hết ruộng sình lấm lem đến rẫy khô chai cứng nhưng rút cuộc chỉ thu về cho gia đình con số công điểm 5, 6 nghìn chớ lương thực thì chẳng bao nhiêu. Thất thu thì lấy gì mà chia! Bà con ở đây có câu nói đầy hình ảnh: "Nhà giàu thì một củ khoai dính vài ba hạt cơm, nhà nghèo thì ba bốn củ khoai mới dính được một hạt cơm!". Thế mà có yên phận được vậy đâu; mất mùa lúa thì ngô, khoai phải ăn non, đến một lúc thì củ cũng chẳng đủ mà ăn nữa. Từ thiếu tới đói! Chị Hai Cho thường bị ngất xỉu trên đồng vì đói nhưng phải nói trại cho đỡ tủi là: "Bị trúng gió". Học sinh đến nửa buổi thì không còn đủ sức ngồi thẳng: Các em khoanh tay lên bàn, tựa cằm lơ láo nghe thầy giảng bài. Thầy hỏi: "Các em ăn gì để đi học?". Học sinh ngập ngừng đáp: "Thưa thầy, em ăn ổi... Thưa thầy nhà em ăn mận...".
Một nguyên nhân khác đẩy bà con đến chỗ cùng cực ấy là bởi lối quản lý không đúng chính sách đường lối của các vị "quan viên" HTX - bà con có công khai phá thêm chút đất làm hoa màu để cứu đói thì bị lập biên bản, nghiệm thu, sung vào HTX - khiến ai cũng ngao ngán chẳng muốn làm, đành phải liều nhắm mắt đưa chân. Xóm Thác chỉ ở xa thành phố có 8 cây số mà chịu túng thiếu từ dầu lửa đến hạt muối thì quả là đa đoan.
Đã thiếu ăn đến vậy mà giấc ngủ cũng chẳng được yên vì bọn Fulrô thỉnh thoảng lại mò về trấn lột vơ vét lương thực. Đêm nằm nghe tiếng chó sủa ai cũng nín thở, dỏng tai nghe ngóng xem thử chó sủa từ đường cái vào hay từ hốc núi ra, để liệu bề đối phó. Thanh niên ngày đã vất vả vì công việc, đêm còn phải ứng chiến.
Đến năm 1980 thì xóm Thác như được thay da đổi thịt để hồi sinh, đến cái tên cũng thay đổi: bây giờ là xóm Nam Thành, thuộc phường 3 thành phố Đà Lạt.
Bà con Nam Thành không còn tự trói buộc vào sản xuất lúa ngô, họ mạnh dạn đưa ngay vào vùng đất sét trắng này cây mía đường. Và, trúng ngay! Ban đầu làm ít thì còn phải thuê khuôn, chảo và thợ nấu đường từ vùng khác đến; đến lúc làm đại trà thì bà con hùn hạp nhau sắm đủ dụng cụ và làm được tất. Cây mía ở đây được đường, đường ở đây được ngọt thanh, được giá. Đời sống bà con đi lên từ cái "được ấy".
Có chút vốn tích lũy bà con tính đến chuyện phát triển vườn cây ăn trái - hồng Prenn cũng nổi tiếng ngọt - vườn cây ăn trái của bác Huệ, anh Luật, anh Thiết đã thành điển hình cho bà con học tập.
Bên cạnh cuộc sống ấm no ấy thì khu du lịch thắng cảnh thác Prenn đang phát triển, khu lập nghiệp hoạt động mạnh làm cho cuộc sống Nam Thành sôi động hẳn lên.
Trở lại xóm Nam Thành lần này tôi không thể không ngỡ ngàng: Trên 90% nhà cửa đã đươc xây dựng lại to đẹp hơn. Máy cày, máy xới đều có, vài ba gia đình đã sắm ôtô chở khách, chở hàng. Điện đã về Prenn, tivi, cassette đều có. Đêm bừng sáng... Rõ ràng là một sự hồi sinh! Tưởng chừng như đấy là một quy luật để đền bù về những hy sinh, mất mát cho bà con xóm nhỏ này, một xóm nhỏ mà trước năm 1975 có đến 80% gia đình có công với cách mạng.
DƯƠNG TRẦN
Tên thật: Dương Uẩn
Sinh năm 1949
Nguyên giáo viên
Đã nghỉ hưu
(BLĐ số 939 cuối tháng 8/1993).