Trang trước Mục lục Trang sau    
   

 

au khi có dịp nghiên cứu người miền núi quanh Bà Rịa, vào tháng 5 và tháng 6 năm 1880, bác sĩ hải quân Paul Néis (Pôn Nê-ítx) muốn tiếp tục nghiên cứu các dân tộc sống ở phía Đông và Đông Bắc Nam Kỳ. Viên thống đốc giao cho ông nhiệm vụ tìm hiểu thượng lưu dòng sông Đồng Nai càng xa càng tốt.

Bác sĩ Paul Néis kể lại:

“Ngày 1-11-1880, mùa khô bắt đầu, chúng tôi đến Bà Rịa và sáng ngày 5 chúng tôi lên đường về hướng Đông. Trong đoàn có 2 người lính Việt, 1 người Khơ-me làm thông dịch và 1 người Việt chuyên giao dịch mua bán với người Thượng, làm thông dịch viên và hướng dẫn trong những ngày đầu chuyến thám hiểm. Hành lý chất trong 2 chiếc xe bò gồm có 1 tá thùng nhỏ có thể khuân vác dễ dàng”.

Chiều hôm sau, đoàn đến Xuyên Mộc, làng người Kinh cuối cùng. Đoàn đi ngang qua núi Chứa Chan, chân núi Mây Tào. Sau 2 ngày đi trong cánh rừng ngập nước của nhiều phụ lưu sông La Ngà (Da - Laghna), đoàn đến Võ Đắt (Vo - duoc).

Ngày 29 tháng 11, đoàn đến bờ sông Đồng Nai, gần Culao - tho. Viên chánh tổng người Việt tên là Hên rất hiếu khách sai một người Thượng đến làng Kiên báo trước, nếu không dân làng sẽ bỏ chạy. Viên chánh tổng cũng giới thiệu những người khuân vác, giao cho ông lý trưởng và một viên chức làng Dong-ly tháp tùng đoàn. Ông cũng giới thiệu ông Thoi ở Biên Hòa làm thông dịch. Ông Thoi chưa bao giờ vượt sông Đồng Nai phía trên hợp lưu sông Đồng Nai và Đạ Hu-oai (Da - hué). Ông Thoi cho biết phía thượng lưu là vùng của bộ tộc La-canh-dong. Ông không thể tháp tùng đến đây, chỉ dám hứa sẽ hướng dẫn đoàn đến làng gần nhất.

Đoàn đi dọc hữu ngạn sông Đồng Nai trong hai ngày qua một khu rừng đẹp, trên con đường mòn do voi và tê giác vạch ra.

Người Thượng (Trao) ở làng Kiên tiếp đoàn rất tử tế. Họ làm ruộng và làm trung gian với các bộ tộc sống xa hơn.

Bác sĩ Paul Néis kể tiếp:

“Từ Culao-tho, sông Đồng Nai chảy siết, nhưng từ làng Kiên, thuyền bè lưu thông được. Dân làng cung cấp cho chúng tôi thuyền để đi ngược dòng. Họ cũng báo trước với làng lân cận - làng Tà Lài (Ta-lay). Các viên chức đón chúng tôi bằng thuyền độc mộc. Giữa hai làng, đồi núi nhấp nhô với một dãy đồi cao từ 30 đến 40m.

Tà Lài không xa hợp lưu sông Đạ Hu-oai. Các viên chức cho chúng tôi biết có thể đi từ làng này đến làng khác, nhưng khuyên chúng tôi đi về hướng Đông và đừng đi theo hữu ngạn sông Đồng Nai mà họ gọi là Đạ Đờng (Da-dong) vì dân trong vùng hung dữ, họ rất sợ.

Họ báo tin với làng Palate trên sông Đạ Hu-oai. Dân làng đón chúng tôi với một số thuyền độc mộc dư sức chở chúng tôi và hành lý. Làng Palate nằm trên phía hữu ngạn, người ta dựng cho chúng tôi một căn nhà khá tiện nghi bên kia sông.

Tại hợp lưu với sông Đạ Hu-oai, sông Đạ Đờng chảy siết và không thể đi bằng thuyền độc mộc; ngược lại, sông Đạ Hu-oai chảy chậm nhưng dòng sông cũng rộng như sông Đạ Đờng.

Từ Palate, chúng tôi muốn đi bằng đường bộ đến sông Đạ Đờng, nhưng ông Thoi nói dân làng từ chối dẫn chúng tôi theo hướng này, họ đề nghị chúng tôi đi ngược sông Đạ Hu-oai đến thượng nguồn; khi đến đây, chúng tôi sẽ tìm thấy một con đường dẫn đến Bình Thuận. Không có thể làm gì khác, chúng tôi chấp nhận hành trình này”.

Lúc 7 giờ tối ngày 15 tháng 12, vào giờ cơm, những người Thượng và các viên chức làng Dong-ly bỏ trốn, đoàn phải quay trở về Tà Lài. Sau đó, đoàn lại tiếp tục ngược dòng sông Đạ Hu-oai.

Sau 3 ngày, đoàn đến Baké trên sông Đạ M’Ri (Da-mré) - phụ lưu chính của sông Đạ Hu-oai. Vào lúc 11 giờ sáng hôm sau, đoàn vào 4 làng nhưng dân làng đã trốn chạy.

Khi đoàn đến buôn Đạ M’Ri, dân làng đón tiếp niềm nở và ông trưởng buôn hứa cung cấp người khuân vác. Đoàn cho ông Thoi và những người Thượng trở về Tà Lài.

Bác sĩ Paul Néis viết về những khó khăn và vùng thượng lưu các dòng sông Đạ Hu-oai, La Ngà, Đạ Đờng:

“Chúng tôi không có thông dịch, không ai biết tiếng Thượng và Van biết rất ít tiếng của người Mạ (Tioma). Trước ngày ông Thoi trở về Tà Lài, chúng tôi biết được các chỉ dẫn sau: sông Đạ Hu-oai bắt nguồn từ núi (gnom) Bous-toun, cách Đạ M’Ri vài cây số; suối Đạ M’Ri (phụ lưu chính) xuất phát từ núi Contran-yan-yut đi mất 8 ngày về hướng Bắc, và sông Đạ Đờng khởi nguồn từ núi Lang-bian hay Tang-rian.

... Khi đi ngang qua núi Thion-lay, vì một trận mưa đá, đồng hồ không chạy được nữa, chúng tôi không xác định được phương hướng; chúng tôi và những người trong đoàn bị sốt rét và vết loét do vắt cắn. Vì thế, khi người ta chỉ cho chúng tôi núi Lang-bian về phía Đông Bắc, chúng tôi chỉ có thể nghĩ đến sự trở về càng nhanh càng tốt.

Sau một ngày đi trong vùng có nhiều đồi và hai ngày đi trong rừng núi theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, chúng tôi đến gần núi Rung (đỉnh cao nhất trong dãy núi) và từ đây, chúng tôi nhìn thấy biển Đông”.

Ngày 3 tháng 12, đoàn đến Phan Thiết. Viên công sứ tỉnh Bình Thuận nói với bác sĩ Paul Néis rằng người Việt hiểu rõ Lang Bi-an và biết đó là đầu nguồn dòng sông chảy qua Biên Hòa, nhưng ông từ chối tạo điều kiện thuận lợi nếu bác sĩ Paul Néis muốn thám hiểm.

Ngày 3-1-1881, đoàn đến Phan Rí quá giang thuyền chở nước mắm về Sài Gòn. Sau 4 ngày lênh đênh trên biển cả, chiều ngày 8 tháng 1, thuyền cặp bến Sài Gòn.

*

Khi vừa trở về Sài Gòn, viên thống đốc cho biết có một người xưng là vua của Vương quốc Mạ xin giao thương và kiến nghị sẽ đến Sài Gòn. Vài hôm sau, vua Mạ đến cùng với 13 người Thượng, trong số đó bác sĩ Paul Néis đã quen với 2 người trưởng buôn. Paul Néis tìm hiểu và kết thân với họ trong ba tuần họ lưu lại Sài Gòn.

Vua Mạ khác những người đồng hành về hình dáng và đường nét, không phải thuộc dòng giống người Thượng nhưng gốc Thái Lan. Ông cho biết, khi đoàn của Paul Néis đến quê hương ông, ông lẩn tránh, ra lệnh cho trưởng buôn và dân làng Đạ M’Ri đón đoàn, cung cấp phương tiện để đi đến Bình Thuận. Ông đề nghị dẫn đường cho Paul Néis đến xứ sở ông, hứa sẽ dẫn Paul Néis đến thượng nguồn sông Đồng Nai và hai phụ lưu chính - La Ngà và Đạ Huoai - tạo điều kiện dễ dàng cho việc nghiên cứu dân cư trong vùng.

Viên thống đốc sai Albert Septans (An-be Xép-tăn) - trung uý thủy quân lục chiến, phụ trách địa chính - tháp tùng bác sĩ Paul Néis.

Bốn ngày sau, Albert Septans dùng thuyền tam bản đến Biên Hòa cùng với vua Mạ (Patao), những người Thượng đồng hành và một người Hoa quê quán đảo Hải Nam.

Người Hoa này nhận nhiệm vụ làm thông dịch và tìm hiểu tài nguyên để buôn bán với người Mạ.

Trưa ngày 11-2-1881, đoàn khởi hành. Tuy đoàn không có phong vũ biểu, chỉ có nhiệt kế, nhưng tại một số nơi, đoàn đã ghi chép được nhiều số đo về khí tượng và nhân trắc học (mesures anthropométriques) của người dân trong vùng. Hành trình của đoàn có thể ước đoán như sau :

NGẦY ĐỊA ĐIỂM ĐẾN

(theo nguyên văn)

GHI CHÚ
20-2-1881

Voduoc

Võ Đắt, nay thuộc tỉnh Bình Thuận

22-2-1881

Krontouc

Dãy núi giữa Võ Đắt và Mê Pu

27-2-1881

Damré

Đạ M'Ri, nay thuộc huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng

3-3-1881

Conheim

Công Hinh, tên cũ của Bảo Lộc ngày nay

5-3-1881

Cayon

K'Dòn, nay thuộc huyện Đức Trọng

11-3-1881

Crang

Krăng, nay thuộc huyện Đơn Dương

13-3-1881

Diom

Đi-ôm, nay thuộc huyện Đơn Dương

15-3-1881

Melone

M'Lọn, nay là thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương

16-3-1881

Late

Lạch, Đà Lạt ngày nay

22-3-1881

Pateing

Păng Tiêng, nay thuộc huyện Lạc Dương

7-4-1881

Late

Lạch, Đà Lạt ngày nay

Nghiên cứu về cao nguyên Lâm Viên và sông Đồng Nai, Paul Néis và Albert Septans ghi nhận trong báo cáo ngày 1-8-1881:

“...Khi rời khỏi núi Tion-lay để đi về hướng Đông Bắc, chúng tôi đi ngang qua một dãy cao nguyên nhỏ không cao lắm, nhiều cây cối và cắt ngang qua nhiều dòng nước. Sau khoảng 11 ngày đường, chúng tôi gặp thoạt tiên một dãy núi khác đơn độc: Delmann và Miul (300m) đầy cây rừng và chạy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, tạo thành một dãy đồi mấp mô. Những ngọn đồi này tiếp giáp về hướng Đông Bắc với một cao nguyên thứ hai trống trải gồm một dãy đồi  hoàn hoàn trơ trụi, cao trung bình từ 30 đến 40m. Về hướng Bắc của cao nguyên, một ngọn núi có hình dáng đặc biệt, dễ nhìn thấy từ xa, trơ trụi về phía Tây, có rừng về phía Đông. Đây là núi Lang Bi-an (Lang-bian), đầu nguồn sông Đồng Nai mãi đến bây giờ vẫn chưa được biết đến.

Cao nguyên Lang Bi-an

...Sông Đồng Nai (Đạ Đờng (Da-dong) theo tiếng Thượng) do hai dòng suối nhỏ tạo nên: Đạ Lú (Da-lou) và Đạ M’Ri. Suối Đạ Lú bắt nguồn từ sườn phía Bắc núi Lang-bian, suối Đạ M’Ri từ sườn phía Nam. Hai dòng suối này chảy trên vùng đất sét, lòng sông nằm giữa hai bờ dốc hơi thẳng đứng, chiều sâu thay đổi, chiều rộng không đáng kể.

Ngay sau khi hai dòng nước này gặp nhau, dòng sông có chiều rộng trung bình từ 5 đến 6m, chiều sâu 70cm, đáy cát.

Sông Đồng Nai men theo những ngọn đồi nối liền Lang Bi-an với Tadoun-tadra, nghiêng theo hướng Tây Nam rồi gặp núi Bréang. Tại vùng buôn Lạch (Late), cách đầu nguồn 10km, có một thác nước cao 4-5m và nhiều thác ghềnh, chiều rộng trung bình 10m, độ sâu 1m, đáy đá. Giữa các làng Bờ Nơ (Bonor) và Ri Ông (Riom), dòng sông rộng 30-40m, đáy cát.

...Từ hợp lưu với sông Đạ Huoai, dòng sông vẫn chảy theo hướng Tây Nam, chiều rộng thay đổi từ 100 đến 120m; vài đảo nhỏ đầy cây cối, bờ sông cao 4-5m, đá lô nhô tại vài nơi.

...Từ núi Lang Bi-an đến hợp lưu, sông Đồng Nai dài khoảng 300km.

...Người Thượng sống trong từng làng gần như độc lập. Trong mỗi làng, cuộc sống là cuộc sống cộng đồng: họ cùng làm rẫy, chất hoa màu thu hoạch được vào trong kho và mỗi ngày lấy ra một lượng gạo cần thiết để tiêu dùng.

Có thể tập hợp các buôn lại theo bộ tộc khác nhau về ngôn ngữ, phong tục và tập quán. Bộ tộc quan trọng nhất chúng tôi gặp là bộ tộc Châu Mạ (Traos Tioma). Ngày xưa, họ sống trong một vương quốc hùng cường trải dài từ Nam Kỳ đến phía bên kia núi Lang Bi-an, và từ sông Đồng Nai đến dãy núi chạy dọc theo bờ biển miền Trung.

Patao - hậu duệ nối dõi vua Mạ - chỉ cầm quyền phía Nam xứ này; tuy nhiên, ông cũng có một số uy quyền đối với các bộ tộc người Thượng khác.

Phía Nam của vùng người Mạ là vùng người Thượng Biên Hòa ngày xưa thuộc Vương quốc Mạ, vùng thấp hơn nữa là vùng người Thượng Bà Rịa.

Về hướng Đông Bắc, người ta gặp người Thượng Rắc Lay (Lays), Lạch, Ê Đê (Rdé) mà chúng tôi chưa đến được. Trở về hướng Tây, chúng tôi đi ngang qua vùng của người Chộp, lân cận với người Stiêng dường như cũng là một trong những bộ tộc quan trọng nhất.

Người trong các bộ tộc đều sử dụng một ngôn ngữ duy nhất: tiếng Mạ, nhưng chia ra vô số tiếng địa phương thường hơi khác nhau. Vốn từ không nhiều, hầu hết là đơn âm. Hình như không có chữ viết, chúng tôi không tìm thấy một vết tích nào về văn bia.

...Chúng tôi đã thu thập được các truyền thuyết, trường ca thường hát vào buổi tối sau khi say sưa với rượu cần (rnom):

Ngày xưa, toàn vùng đến tận núi Krontouc đều ngập nước, phần đất không bị lụt lội là vùng đầm lầy không có người ở, núi non đều hoang vắng. Một hôm, từ phương Nam, một con rùa chở một người trên lưng bơi chậm chạp đến vùng này. Không tìm thấy đất để dừng chân, rùa tiến đến núi Krontouc. Con người bước xuống và từ đó sinh ra người Thượng. Về sau, rùa biến thành đá, hiện vẫn còn, cách Krontouc về hướng Đông hai ngày đường. Người Thượng đã cất một mái nhà tranh trên hòn đá và bảo vệ chu đáo. Patao hứa dẫn chúng tôi đến nơi này nhưng chúng tôi không thể đi được.

...Đỉnh núi hoa cương Lú Mu gần Đạ M’Ri ngày xưa là một hòn núi rất lớn. Đỉnh núi mọc đầy chuối quả ngon. Dân cư trong vùng đến hái quả, nhưng một con quỷ khổng lồ vồ họ và ăn thịt hàng trăm người. Không biết cách nào để chống trả, người Thượng vội đi kêu cứu người Khơ-me. Người Khơ-me đến và đào trong núi một lỗ sâu đến tận trung tâm, rồi chất bông và thuốc nổ, châm lửa đốt. Núi vỡ ra thành 7 mảnh nghiền nát con quỷ khổng lồ. Núi Chứa Chan, Da-bakna và những mô đất ở phía sau làng Dong-ly là những mảnh của núi này.

Sau khi nghe kể truyện, chúng tôi có dịp đến nơi nhưng nhận thấy các địa điểm này được coi như chốn linh thiêng, người Thượng không bao giờ dám đến gần.

Phía Tây núi Lang Bi-an có một ngọn núi đỉnh tròn gọi là Păng Dút (Pang-yout). Đây là ngôi mộ của người khổng lồ Păng Dút - nhân vật trong nhiều huyền thoại.

Ở Contran-yanyut - đầu nguồn sông La Ngà - có một cánh đồng rộng phì nhiêu, dân cư đông đúc. Một ngày kia, một con ó khổng lồ bay xuống và ăn thịt nhiều người. Người Thượng kêu gọi người Kinh đến để chống lại con ó. Người Kinh đầu đội trống đồng để tránh bị chim mổ và rèn một cây cung sắt rất to, nhưng đều bị con ó tàn sát. Păng Dút thu gom hết tất cả cây rừng, làm một cây cung và một mũi tên, bắn xuyên qua đầu con chim. Con ó rớt xuống, thân nó tạo thành Contran-yanyut, cung tên do Păng Dút ném đi tạo thành Thion-lay.” [43, 5 - 14; 44, 15 - 80]

        Trang trước Mục lục Trang sau