Trang trước || MỤC LỤC || Trang sau |
|
Chương I : NGUỒN GỐC CHUNG
Nguồn
gốc các dân tộc bản địa trên lãnh thổ Lâm Đồng ngày nay có quan hệ mật thiết đến lịch sử xuất hiện con người tiền sử ở Việt Nam.
Nhiều
triệu năm về trước, lãnh thổ Lâm Đồng cũng như miền Đông
Nam Bộ nói riêng và bán đảo Đông Dương nói chung đã ổn định
về kiến tạo. Các hoạt động tạo sơn đã chấm dứt, nham thạch
phun trào bazan đã bị phong hóa mạnh, tạo ra
một vùng đất đỏ rộng lớn bao trùm nhiều nơi ở miền Đông Nam Bộ. Đến kỷ đệ tứ trong lưu vực sông Đồng Nai và vùng ven biển trung bộ cũng như đồng bằng Nam Bộ, điều kiện tự nhiên đã thuận lợi cho sinh trưởng thực vật và động vật. Một chế
độ nhiệt đới ẩm gió mùa đã thúc đẩy sự phát triển rừng và nhiều loài chim thú. Chính trong hoàn cảnh đó đã tạo điều kiện xuất hiện con người nguyên thủy
Khảo
cổ học trong nửa sau thế kỷ XX, đã tìm thấy trong vùng đất
đỏ của lưu vực sông Đồng Nai nhiều bằng chứng về sự có mặt
của con người nguyên thủy. Tại Hang Gòn và Dầu Giây, thuộc vùng
Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai và tại Vườn Dũ, tỉnh Sông Bé, các
nhà khảo cổ đã tìm thấy những dụng cụ như rìu tay, đá ba mặt mũi nhọn, nạo, các hòn đá ném... Những phát hiện này, khẳng định vào sơ kỳ thời đại đá cũ cách nay 150 ngàn năm, người
nguyên thủy, đã có mặt ở vùng miền Đông Nam Bộ. Khảo cổ học, còn cho biết, cùng với thời đại này, người nguyên thủy cũng đã có mặt tại miền Bắc (di chỉ khảo cổ Núi Đọ, hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai...).
Nghĩa là trên lãnh thổ nước ta, kể cả ven biển miền Trung và Tây Nguyên cách đây hơn chục vạn năm đã có người nguyên thủy. Họ đã phát triển vượt qua giai đoạn đầu từ vượn tiến lên thành người, đạt đến giai đoạn người vượn
đứng thẳng khá phát triển (Homo erectus). Người Homo erectus này sống thành bầy, mỗi bầy 20-30 người.
Nhiều chứng tích chứng tỏ,
trong bầy người này xuất hiện gia đình mẫu quyền, và có khả
năng cộng đồng đó đã manh nha hình thức tiền thị tộc. Cuộc
sống của họ dựa vào săn bắt chim thú, có thể săn cả thú lớn
như voi răng kiếm, voi na- ma (Paleoloxodon namadicus)... Hẳn là họ
đã có một trình độ tổ chức phối hợp hành động cả bầy khéo
léo mới làm được việc săn đó, và có cách phân phối vật săn
công bằng hợp lý, nhằm bảo đảm bảo hiệu quả săn bắt và duy
trì phát triển tập đoàn. Nhưng nói chung, nguồn sản phẩm do săn
bắt cũng không dồi dào, công việc cũng rất khó khăn vì chỉ
dùng công cụ là gỗ, tre và những mảnh tước của đá nhọn chưa
gia công gì. Nên nguồn sống chính của họ là sản phẩm hái lượm
như trái cây, búp lá non, rễ củ... và nguồn sản phẩm dưới nước:
ốc, sò, trai, cá... Nguồn này dồi dào, dễ kiếm, sức lực riêng
lẻ từng người cũng kiếm được. Họ thường di chuyển từ nơi
này sang nơi khác để kiếm ăn, và để tránh khắc nghiệt của
khí hậu. Theo nguồn thức ăn, họ có thể di chuyển rất xa. Chẳng
hạn chủng người Môngôlôit từ phía Bắc đã thiên cư xuống
phía Nam, theo thung lũng các sông lớn, như sông MêKông hoặc
đi dọc bờ biển đến tận miền cực Nam nước ta. Trong lịch sử,
còn có những cơ hội cho những cuộc di chuyển trên những khoảng
cách rất lớn của các cộng đồng người nguyên thủy từ biển vào.
Chúng ta biết vào kỷ đệ tứ, trên hành tinh này đã xảy ra
nhiều thời kỳ băng hà phát triển (tiến) và rút lui (thoái).
Do nhiều hiệu ứng khác nhau, đã đưa đến hiện tượng mực nước
biển hạ thấp vào thời kỳ băng hà tiến, và dâng cao khi băng
hà thoái. Chẳng hạn vào thời kỳ băng hà tiến lần cuối cùng
cách đây 4 vạn năm, mực nước biển rút đến 90 m. Một vùng
đất mênh mông trước là đáy biển nông đã lộ ra, nối liền
bán đảo Đông Dương với quần đảo Mã Lai gồm các nước
Malaisia, Inđônêsia, Philíppin ngày nay. Vào thời kỳ đó, biển
Đông chỉ thông với Thái Bình Dương ở cửa ngõ phía Bắc trên
vùng biển Đài Loan ngày nay. Chính thời kỳ này đã diễn ra các
dòng thiên cư to lớn qua lại của hai cộng đồng người nguyên
thủy trên đất liền và ngoài hải đảo trong hàng trăm năm.
Do
thiên cư, trên bán đảọ Đông Dương trong một thời kỳ tới
vạn năm đã chung sống hai cộng đồng người nguyên thủy: người
tại chỗ (kể cả người di chuyển từ phía Bắc xuống) được gọi
là chủng người Môngôlôit phương nam; và người gốc hải đảo,
được gọi là chủng người Ôxtralôit. Qua quá trình lâu dài,
sự kết hợp hỗn giao giữa 2 chủng loại người đó, đã hình thành
một chủng người mới đặc thù của vùng này: đó là người
Anhđônêdiên. Dần dà, người Anhđônêdiên phát triển đông
thêm, lan tỏa có mặt khắp cả miền Nam bán đảo Đông Dương.
Đến vào cuối thời đại đá giữa cách đây gần vạn năm, họ
đã trở thành chủ nhân của vùng này. Trong cộng đồng người
Anhđônêdiên, tùy nguồn gốc xa xưa mà có đặc trưng trội
hơn về từng mặt. Như có nhóm thì nói theo ngữ hệ Môn Khơ
me, còn nhóm khác thì theo ngữ hệ Malayô- Pôlinêsia. Các đặc
trưng về hình thể nhân chủng, về văn hóa cũng có sự nổi trội
đó. Chính sự khác biệt này, đã dần dần hình thành các nhóm
người có cùng đặc trưng chủ yếu, là tiền thân của các dân
tộc khác nhau sau này.
Các
nhóm người Anhđônêdiên sống chung theo chế độ thị tộc rồi
phát triển thành bộ lạc. Trình độ của họ cao hơn tổ tiên xuất
phát của họ, tuy vẫn dùng đá làm công cụ sản xuất nhưng họ
đã biết chế tác đá, lúc đầu là đẽo gọt về sau là mài. Lúc
đầu chỉ dùng đá, về sau đã biết làm chuôi tra cán gỗ
tre... Nhờ vậy, sản xuất đã khá, đời sống tạm đủ hơn trước.
Về sau họ lại tìm được vật liệu mới, đó là đồng thau. Như
vậy, có thể cho rằng người Anhđônêdiên là chủ nhân của nền
văn hóa đá mới- đồng thau. Dấu vết thời kỳ văn hóa đá mới
được tìm thấy ở một số nơi. Ở Bàu Cạn, tỉnh Gia Lai, tìm
thấy những chiếc rìu hay bôn bằng đá dạng tứ giác hay có
vai, được mài rất đẹp. Những công cụ này có kích thước lớn
hơn so với cùng loại những nơi khác. Một số có thân cong, có
lẽ được dùng để xới đất hơn là để chặt đẽo.
Ở
địa điểm
Đrai-xi bên phải sông Ia- mađo, tỉnh Đăklăk, bên cạnh rìu
đá, dao đá, bàn mài và đồ gốm, còn tìm được những chiếc
cuốc đá dài khoảng 20-30 cm, rộng 5-7 cm thân dài và cong, không
có chuôi cán. Rõ ràng là dùng để xới đất. Trong lưu vực sông
Đồng Nai, cũng đã tìm được các hiện vật của thời hậu kỳ
đá mới. Ở di chỉ Cầu Sắt huyện Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai, cách ranh giới Lâm Đồng không đến 100
km, tìm được nhiều đồ đá và đồ gốm, rìu và bôn làm bằng
đá bazan khai thác tại chỗ, hầu hết được mài toàn thân, nhưng
vẫn còn vài dấu đẽo. Trong số rìu, bôn không có vai, thì hơn
70%
có
hình gần tam giác, đốc nhọn, lưỡi xòe rộng, mặt cắt ngang hình
bầu dục dẹt. Rìu vai xuôi và rìu tam giác là các dụng cụ
đặc trưng cho di chỉ này. Ngoài ra còn khá nhiều dao đá hình
bán nguyệt, lưỡi cong và sống thẳng, phần lớn được mài nhẵn,
có thể đó là dao gặt lúa. Phần lớn đồ gốm ở đây làm bằng
bàn xoay, đặc biệt là những chiếc cốc, bát chân cao, thành mỏng
làm bằng đất sét trắng, chứng tỏ trình độ chế tác gốm đã
khá cao.
Các
dấu vết của giai đoạn cao hơn giai đoạn Cầu sắt, cũng đã tìm
được ở các di chỉ Bến Đò, Phước Tân, Hội Sơn, Ngãi Thắng...
ở các di chỉ này, rìu và bôn có vai, làm bằng đá chiếm tỉ
lệ nhiều hơn, đa số có vai xuôi. Có cái vai ngang và hợp với
chuôi thành một góc gần vuông. Những công cụ này thường
được chế tác rất đẹp. Có chiếc khá lớn, dài gần 16 cm, lưỡi
rộng gần 9cm và bề dày ở chuôi đến 5cm. Các dao đá ở di chỉ
này bản rộng, có thể dài hơn 20cm, hai đầu sống dao có hai cái
mấu nhô ra. Đã tìm thấy những chiếc cuốc đá mài nhẵn, có
chuôi. Các mẫu gốm ở đây cũng có trình độ cao hơn, gần giống
với kiểu trang trí văn hóa Phùng Nguyên ở phía Bắc.
Những
chứng cứ nói trên cho ta biết người Anhđônêdiên đã từng
sinh sống khắp cả miền Nam nước ta, kể cả ở Tây Nguyên, ven
biển miền Trung và lưu vực sông Đồng Nai. Họ đã trải qua thời
đại đá mới, đi vào thời đại đồng thau. Chính họ là tổ tiên
chung của các dân tộc bản địa Tây Nguyên và miền Nam nói
chung.
Sự
ra đời các dân tộc có nguồn gốc bản địa ở lãnh thổ Lâm
Đồng nói riêng, và miền Nam nói chung gắn liền với nền văn hóa
Sa Huỳnh. Tiếp nối với văn hóa đá - đồng đã nói ở phần trên,
khảo cổ học cho biết, vào thời kỳ từ giữa thiên niên kỷ thứ
I trước công nguyên đến một vài thế kỷ đầu công nguyên, trên
dải đất ven biển miền trung và lưu vực sông Đồng Nai, đã tìm
thấy nhiều dấu vết của một nền văn hóa vật chất đặc trưng
cho giai đoạn đồng-sắt của cư dân cổ gọi chung là văn hóa
Sa Huỳnh (Sa Huỳnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi).
Ở
di chỉ Sa Huỳnh, nổi
bật bên những rìu đá có vai, là những chiếc bôn độc đáo.
Đã tìm thấy một số ít vật bằng đồng như lưỡi giáo, chuông
nhỏ, và đồ trang sức Nhưng những dụng cụ bằng sắt lại còn
nhiều hơn cả về số lượng và loại hình từ công cụ sản xuất
(có cả liềm gặt), đến những vũ khí : giáo, mác, đao, kiếm và
những dụng cụ khác.
Trong
gốm Sa Huỳnh, các đồ đựng như bát, bình có chân đế, có thân
gãy ở vai hay đáy, chiếm tỷ lệ lớn. Mẫu gốm thường gặp là
vàng đỏ, nhiều khi có vệt đen bóng, có hoa văn chữ S có đệm
tam giác, những đường chấm hay đường in dấu răng vỏ sò.
Trong các di chỉ mộ táng, phổ biến là mộ vò, trong vò chứa
nhiều đồ trang sức bằng đồng, đá quý, thủy tinh, đặc biệt
là loại khuyên tai ba mấu nhọn và khuyên tai hai đầu thú. Các
đặc trưng đó của văn hóa Sa Huỳnh cũng đã tìm được ở các
di chỉ trong lưu vực sông Đồng Nai. Có nơi còn có những đặc
trưng xưa hơn, mà khảo cổ học gọi là văn hóa thời tiền Sa
Huỳnh. Điều đó đã xác nhận cách đây gần 3 ngàn năm, trên
lưu vực sông Đồng Nai mà lãnh thổ Lâm Đồng là thượng nguồn,
đã có những bộ lạc sinh sống với một nền văn hóa đồng- sắt
đã phát triển và có đặc trưng riêng. Ta có thể nói các bộ
lạc này là tiền thân của các dân tộc bản địa. Sách ''lịch
sử Việt Nam'' (Phan Huy Lê chủ biên) cho biết, bấy giờ trên
địa bàn của văn hóa Sa Huỳnh có hai bộ lạc sinh sống. Bộ lạc
Cau (chữ Phạn là Kramuka vam'sa) cư trú vùng Phú Yên Khánh Hòa-
Ninh Thuận- Bình Thuận trở vào, và bộ lạc Dừa (chữ Phạn là
Narikela vam'sa) ở vùng Bình Định Quảng Nam ngày nay. Bộ lạc Dừa
từ thế kỷ đầu trước công nguyên bị nhà Hán đô hộ (cùng
thời kỳ với nước Âu Lạc) và đặt tên là huyện Tượng Lâm.
Năm 190- 193, nhân dân Tượng Lâm nổi dậy đánh đuổi giặc Hán,
lập nên nước Lâm ấp (theo tên gọi của thư tịch cổ Trung
Hoa). Bộ lạc Cau, khoảng đầu công nguyên, đã hình thành một
tiểu quốc riêng có tên là Panduranga (tên Phạn) hay Pan-Rãn (tiếng
Chăm cổ), về sau gọi là Chăm Pa, có địa bàn từ Nha Trang-
Phan Rang, Phan Thiết ngày nay. Tư sự ra đời nói trên của dân
tộc Chăm và nhà nước của họ, cho thấy ở nam Trung bộ thời ấy,
đã có hai cộng đồng lớn: cộng đồng người Chăm với ngôn ngữ
hệ Malayô-Pôlinêxia cư trú vùng ven biển và cộng đồng với
ngữ hệ Môn- Khơ Me (Mạ, Cơ Ho, M'Nông), cư trú vùng núi và
cao nguyên.
Nói
cách khác, trong giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh, người Mạ, Cơ Ho,
M'Nông, đã là cư dân bản địa vùng miền núi và cao nguyên,
kể cả lãnh thổ Lâm Đồng. Họ là các phân hệ đời sau của một
tổ tiên chung Anhđônêdiên.
Ở
người Mạ và người Cơ Ho, hai dân tộc đông nhất trên lãnh thổ này, thì dấu ấn ÔxtralÔit (da
đen, tóc quăn, sống mũi cao, vóc người thấp.:.) có phần trội
hơn so với dấu ấn Môngôlôit (da vàng, tóc thẳng, gò má cao,
mũi thấp...). Và trong dấu ấn Ôxtralôit thì ở người Cơ Ho, yếu
tố Mêlanêdiên (tóc hơi quăn, mũi lớn và thấp, người bé nhỏ...),
có phần đậm nét hơn (Mạc Đường- Vấn đề dân tộc ở Lâm
Đồng). Các khảo sát đặc điểm hình thái học chi tiết hơn cũng
xác nhận nguồn gốc bản địa (Anhđônêdiên) của người Cơ Ho
và người Mạ (Một số đặc trưng nhân chủng học của người
Chil- Võ Hưng- dân tộc học số l-1978).
Người
Mạ và người Cơ Ho là người bản địa, nhưng
địa vực cư trú ban đầu của họ ở đâu thì ta chưa biết. Cũng
như người Chăm, các tộc người Mạ, Cơ Ho, M'Nông, Ra glai
v.v... đều là chủ nhân của nền văn hóa Sa Huỳnh, đều là các
dân tộc của bản địa, lâu đời ở phía Nam Việt Nam. Nhưng cho
đến nay (1997) trên lãnh thổ Lâm Đồng vẫn chưa tìm được dấu
tích văn hóa Sa Huỳnh như ở các tỉnh lân cận. Vì thế, có thể
nghĩ rằng dân tộc Mạ và Cơ Ho đã từ vùng lân cận chuyển cư
đến lãnh thổ này. Trong các trường ca của dân tộc Mạ và Cơ
Ho, ta bắt gặp các dấu ấn về một thời kỳ biển trong ký ức của
họ. Có thể đó là do trong lịch sử, họ đã có thời kỳ lâu dài
ở với biển, rồi sau đó dưới sức ép của các cộng đồng dân
tộc khác lớn mạnh hơn, họ đã thiên cư mãi mãi đến lãnh thổ
này. Theo tiếng Chăm cổ, Cơ Ho có nghĩa là ở trên cao, người
miền núi (theo Mạc Đường). Như vậy thì có thể từ khi hình
thành vương quốc Chăm Pa ở ven biển miền trung và vương quốc
Phù nam ở phía Tây Nam khoảng thế kỷ I-II, người Mạ và người
Cơ Ho đã định cư ở Lâm Đồng rồi.
Địa
vực của người Mạ, có lẽ từ xưa đã ở trong vùng Cát Tiên -
Đạ Tẻh trở xuống phía Đồng Nai. Khi có vương quốc Phù
Nam,(và tiếp sau đó là một tiểu vương quốc khác mà di chỉ
khảo cổ Cát Tiên đã phát hiện), người Mạ mới thiên cư lên
vùng cao nguyên Di Linh thuộc địa phận Bảo Lộc, Bảo Lâm ngày
nay.
Như
vậy địa vực của người Mạ chính là lưu vực
của sông Đại Nga (Đar'gna) tức phần thượng nguồn sông La Ngà
ngày nay, trong vùng mà học giả Pháp Ông Jean Boulbet gọi là vòng
cung Đa Dâng (Boucle de la Đa Dâng: xem BSIE tom 32 No -2). Từ sau
tiểu vương quốc thuộc di chỉ Cát Tiên mất đi, người Mạ mới
trở lại vùng đất cũ của mình là vùng Đạ Tẻh- Cát Tiên, và
đến thế kỷ 17 thì họ xây dựng được tiểu vương quốc Mạ
(theo Mạc Đường), nhưng sau đó cũng không tồn tại. Nhưng người
Mạ vẫn ở đó cho đến thế kỷ 20. Trong thời Nguyễn (thế kỷ 16
- 19) có lẽ địa vực của người Mạ không có sự biến động lớn.
Mặc dù giai đoạn này, người Kinh đã dần dần định cư lớn
ở miền Nam Việt Nam, nhưng số người Kinh đến định cư đông
ở vùng người Mạ có thể chưa có. Bằng chứng là trong tờ trình
của Nguyễn Thông, gởi triều đình Huế năm 1867 về việc khảo sát
vùng thượng lưu sông La Ngà, chỉ gặp mấy người Kinh mà thôi.
Đến đầu thế kỷ này, địa vực người Mạ đã được Jean
Boulbet ghi lại ở bản đồ với tên
Cau Mạ, Caư Sre, ý cho rằng người Mạ và người Sre trước là
từ bộ tộc Cau mà ra.
Về
địa vực người Cơ Ho, sau khi chuyển cư lên cao nguyên, đã cư
trú ở cao nguyên Lâm viên và phần phía Bắc cao nguyên Di Linh.
Trong lịch sử, địa phận của người Cơ Ho (bao gồm các nhóm
Chil, Lat...) có lẽ không biến động lớn như của người Mạ. Phía
Duyên Hải ngăn cách họ với người Chăm có trình độ và lực
lượng hơn hẳn, và về sau thay người Chăm là người Kinh ở
triều Nguyễn là các dãy núi cao hiểm trở. Còn các phía khác
là các dân tộc lưc lượng tương đương với họ, nên cơ hội
lấn chiếm lớn cũng ít hơn tuy đụng độ có nhiều, nhưng không
ảnh hưởng lớn đến thay đổi địa vực và tồn vong của cả một
tộc người bản địa.
Địa
vực cư trú từ xa xưa của người M'nông là vùng phía Bắc dãy
Lang Bian-Bi Đúp, trên cao nguyên Buôn Mê Thuộc. Có lẽ trong lịch
sử, các tộc người M'nông, Cơ Ho và Mạ là chung một nguồn gốc
(theo Mạc Đường). Tổ tiên Anhđônêdiên, sau đó đã lách thành
các dân tộc có các đặc thiêng liêng. Trong lịch sử, dân tộc
M'nông và Cơ Ho luôn luôn là hai dân tộc kề cận nhau, ảnh hưởng
lẫn nhau, và có lẽ nhóm người Chil là kết
quả của giao lưu này. Vì vậy, trong dân Chil có người nhận mình
là dân tộc Cơ Ho, ở người khác thì coi mình là người M'nông.
Do ranh giới tự nhiên giữa người M'nông (lưu vực sông Krôngnô)
và người Cơ Ho (lưu vực sông Đa Dâng), là dãy núi cao nhất
phía Nam, nên địa phận của người M'nông cũng không biến động
lớn xét về phía lãnh thổ Lâm Đồng.
Trong
các dân tộc Lâm Đồng, người Raglai và người Chu Ru nói ngôn
ngữ thuộc hệ Malayô- Pôlinêsia, khác với nhóm Mạ - Cơ Ho - M'nông
ngôn ngữ thuộc hệ Môn- Khơ Me. Đối với vùng ven biển miền
trung (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận...) người Raglai có mặt cùng
thời với người Chăm. Tức là tộc người bản
địa xa xưa. Nhưng đối với Lâm Đồng, họ là dân tộc thiên cư
đến không sớm hoặc có thể muộn hơn so với người Mạ và người
Cơ Ho. Về người Chu Ru, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng họ không
phải là dân tộc có nguồn gốc bản địa như Cơ Ho hay Mạ, mà
là từ dân tộc bản địa tách ra (nửa bản địa). Sự hình thành
của dân tộc này, bắt rễ từ giao lưu giữa hai cộng đồng bản
địa nói hai hệ ngôn ngữ khác
nhau
là: Chăm và Cơ Ho. Trong sự giao lưu lâu dài đó một bộ phận
người ở cả hai phía, dần dần tách khỏi cộng
đồng gốc của mình tự tập họp lại. Quá trình này diễn ra một
cách tự nhiên trong vài trăm năm, và đến lúc chín muồi, họ
tự nhận là một dân tộc riêng, thiên cư đến một địa phận
thích hợp. Phần lớn nhà nghiên cứu cho rằng người Chu Ru tách
ra từ dân tộc Chăm (Nguyễn Văn Diệu), cũng có người cho là từ
người Raglai (Mạc Đường). Đặc điểm nửa bản địa của người
Chu Ru thể hiện trên nhiều mặt. Họ nói cùng ngữ hệ với người
Chăm, nhưng nhiều người Chu Ru rất thạo tiếng Cơ Ho -Mạ, và
trong vốn từ ngữ, họ tiếp nhận nhiều từ gốc ở tiếng Cơ Ho -
Mạ. Về trình độ, người Chu Ru có sự phát triển trên một số
mặt cao hơn người Mạ (ví dụ làm lúa nước), và cũng có mặt
cao hơn người Cơ Ho (giữ vai trò trung gian trong mua bán trao
đổi giữa người Cơ Ho - Chăm). Nhưng nhìn chung thì trình độ
phát triển của người Chu Ru vẫn thấp hơn người Chăm. Ngoài
ra trong các chuyện kể của người già, người Chu Ru cũng nhận
họ vốn là con cháu của người Chăm. Tộc danh Chu Ru có nghĩa là
''lấn đất'', điều đó giúp ta hiểu họ từ ngoài thiên cư
đến. Có thể từ rất lâu họ là cái ''đệm tự nhiên'' giữa
hai cộng đồng Chăm và Cơ Ho- Mạ, làm cầu nối cho hai cộng
đồng, và đến một lúc nào đó họ mới tự tách ra và nhận là
một dân tộc riêng.
|
Trang trước || MỤC LỤC|| Trang sau |