Trang chủ Trang trước Mục lục Trang sau    
   

 Ở khách sạn Palace, người phục vụ sáng sáng lại thay hoa trên lò sưởi và các bàn ăn. Hái hoa ở vườn khách sạn, không mất tiền mua. Tôi lân la hỏi :  

- Ở Đà Lạt hoa gì đẹp nhất, hở anh ?  

Anh cười :  

- Ông hỏi thế cũng khó trả lời. Làm sao nói được hoa nào đẹp hơn hoa nào? Tuy nhiên làm việc lâu năm ở đây, tôi nhận thấy có ba loại được khách ưa chuộng hơn cả. Trước hết là huệ tây, mỗi năm chỉ nở rộ vài tuần, đẹp lắm, cứ là đếm cánh tính tiền, thưa ông. Thứ đến là lay-ơn và hồng. Đấy, ba loài được ưa chuộng nhất.  

Cô tiếp tân ở khách sạn, nữ sinh cũ của trường trung học Yersin, thì đáp :  

- Cháu thích nhất hoa hồng. Nhà cháu có mấy cây hồng vàng, không hoa nào sánh nổi nó.  

Theo yêu cầu của tôi, cô đưa tôi ra vườn. ở đây có trồng mấy luống hoa thông thường để trang trí hàng ngày trong phòng khách, phòng ăn của khách sạn.  

“Hoa cô-cơ-li-cơ cánh mỏng óng ả, nhiều màu có vẻ đẹp quý phái nhưng chóng tàn - cô nói - vừa đủ làm đẹp một buổi tiếp khách hay một bữa ăn. Hoa cốt-mốt cũng đẹp nhưng nó không phải là hoa cắt, để tự nhiên ngoài vườn thì rực rỡ, cắm vào bình chẳng mấy chốc héo ngay. Loại hoa vàng kia là xu-xi. Xu-xi của ta màu vàng nhạt, cánh đơn : giống nhập từ Nhật Bản vào màu vàng đậm, gần như da cam, cánh kép. Trông nó đơn điệu, chẳng có gì đáng gọi là băn khoăn cả. Bà con làm vườn gọi đó là cúc Nhật, cháu nghĩ như vậy có lẽ hay hơn. Hoa păng-xê chắc chắn phải thuộc họ lan, cháu chẳng hiểu sao trong từ điển lại gọi nó là  tử-la-lan, chúng cháu vẫn gọi là hoa tương tư. Còn kia là hoa đỗ quyên, cháu nghe ba cháu nói ngoài Bắc cũng đẹp nhưng không nhiều loại bông như ở đây. Còn mi-mô-da ở gần lối đi kia, dạo này không phải mùa, chú phải lên đây đúng mùa mi-mô-da trổ hoa thì mới thấy hết cái đẹp của nó. Hoa gì cũng có mùa, chú ạ. Kể cả những loại ra hoa quanh năm, cũng có mùa đẹp nhất. Như chú muốn xem anh đào thì phải lên đúng dịp lễ Chúa giáng sinh...”  

Bài học nhập môn với ngần ấy loại hoa đủ làm tôi chóng mặt. Thông minh, cô gái trẻ hiểu trong giờ đầu chỉ nên nhồi nhét cho học sinh chừng ấy. Để học trò yên tâm, cô kết luận :  

- Cháu cũng chỉ biết sơ sơ vậy thôi. Chú muốn tìm hiểu kỹ, mời chú đến các trại bán hoa, có nhiều người rành lắm. Hoặc mời chú sang bên trại hoa giống của thành phố, chú Sáu ở đấy có thể trả lời đầy đủ những điều chú muốn biết.  

Theo lời khuyên của cô gái, tôi đến trại hoa của thành phố. Anh Sáu quả là người thành thạo và nhiệt tình. Suốt một buổi chiều, anh dẫn tôi quanh quẩn trong vườn dày đặc các loại hoa của anh, giới thiệu, giải thích và kiên nhẫn chờ tôi ghi vào sổ tay, những tên khoa học bông tiếng la tinh khó nhớ - một méo mó nghề nghiệp, chứ những tên thông thái ấy tôi biết chẳng bao giờ dùng làm gì trong cuốn sách định viết. Mấy lần tôi từ biệt, đã bắt tay, anh còn giữ lại giới thiệu nốt một số loại hoa bên lối đi. Trên đường anh tiễn tôi ra cổng, mấy lần tôi chào anh, và mấy lần tôi nán lại để say sưa nghe anh đưa vào thế giới các loài hoa. Lúc chia tay, chúng tôi đã trở thành đôi bạn tâm giao.  

Tôi còn lui tới trại hoa nhiều lần, lần nào cũng được anh hướng dẫn chí tình, nhưng cậu học sinh kém là tôi không tiến bộ được mấy. Hình như biết vậy, lúc tôi đến chào anh để về Hà Nội, anh đã cho tôi một tập giấy đánh máy liệt kê mấy trăm loại hoa có trong trại hoa của thành phố bông tiếng Việt và chữ La tinh, tên Nôm và tên chữ. Nhờ đó, tôi biết thêm hoa cô-cơ-li-cơ mà cô gái trẻ giới thiệu với tôi trong buổi học vỡ lòng còn được gọi là hoa nha phiến, còn loại giê-ra-ni-um vẫn đặt trên thành cửa sổ hay trang trí ở bờ tường, bà con gọi nôm na là bông tai tượng, nó còn một cái tên khá gợi cảm là phong lữ thảo. Gọi cô-cơ-li-cơ là hoa nha phiến, tôi e có sự hiểu lầm; người Trung Quốc chính danh gọi nó một cách trang trọng hơn: mỹ nhân thảo, cây người đẹp. Nhưng với túi cẩm nang ấy cộng với mấy tập sách chuyên khảo dày cộm mượn của thư viện Bộ Nông nghiệp, vốn liếng hiểu biết của tôi về thế giới hoa cũng chẳng được tăng bao nhiêu.  

Nửa năm sau những chuyện làm quen ấy, trở lại Đà Lạt, tôi tìm thăm anh Sáu. Cái trại hoa lộn xộn, di sản của chế độ cũ, mà có người từng lầm tưởng sẽ tàn lụi dưới chính quyền do những người cộng sản lãnh đạo, đã được chăm chút, sửa sang và mở rộng hơn so với trước. Gặp tôi, anh mừng rỡ:  

- Các anh ngoài Hà Nội vừa điện vào bảo chuẩn bị gửi ra lăng Bác các loại trà mi, lồng đèn, địa lan, thông xà, mỗi thứ hai mươi sáu chậu, đỗ quyên và hồng mỗi thứ hai mươi. Tôi đang cho người về Biên Hòa tìm mua chậu. Đồ gốm của ta được các nước anh em hoan nghênh, ngoại thương dành cho xuất khẩu; chọn được chậu hợp ý với từng loại hoa có phải dễ đâu anh. Giá các anh ấy cho người vào cùng chọn thì tốt hơn. Yêu cầu cao quá, tôi lo trại này không đủ sức đáp ứng. Anh xem cây trà mi kia, trong hàng chục năm mới cao được một mét rưỡi, hai mét, thông xà trông vừa mắt phải mười bảy, mười tám năm...  

Anh kéo tôi ra vườn hồng mà anh mới cho gây lại một tháng nay :  

- Anh xem loại hồng vàng này, bên châu Aõu quý lắm, gọi là Giô-dê-phin (Joséphine), bên ta bán được giá, nhưng có người chê vì hoa nó cụp xuống. Hoa hồng bạch được dùng để tết vòng cho cô dâu trong lễ cưới. Loại màu hồng phấn kia là Gra-xơ Mô-na-cô, màu áo của nữ hoàng tiểu quốc đấy. Còn đây là hồng B.B. mang tên nữ tài tử màn bạc Bri-gít Bác-đô (Brigitte Bardot) nổi tiếng. Các loại ấy đều đẹp nhưng chung quy vẫn không được chuộng bằng hồng nhung. Anh coi, có tuyệt không ? - vừa nói, anh Sáu vừa đưa tay trân trọng nâng một đóa hồng - ngày trước, mỗi năm riêng hồng bán đến mười triệu đồng. Về giá trị thương mại, hồng chỉ kém có lay-ơn.  

Anh kéo tôi lại gần luống hoa hơn :  

- Hồng phải to và đẹp, đã đành, nhưng cần có hai yêu cầu nữa : lâu tàn, có cọng khỏe, cứng để cắm vào bình. Anh có biết cách chọn hồng không ? Dĩ nhiên muốn mang đi xa và chơi được lâu, cần lấy hồng nụ. Đưa hai ngón tay bóp nhẹ, nụ mềm là được, nụ rắn sẽ không nở kịp đâu. Những giống quý này ghép trên gốc hồng dại thì hoa mới khỏe. Muốn mang đi xa. Anh đừng lo nó héo. Cắt hoa, bọc lá chuối, bên ngoài gói lớp bao hoặc ny long. Đừng dấp nước, cứ để cho nó khô. Đêm, có thể trải ra sương. Cũng đừng vội cắm vào bình, nó sẽ nở sớm trước đêm ta cần. Lúc nào muốn chơi, cắt xéo xuống, cho vào bình nước, chỉ mười lăm phút sau hoa sẽ tươi lại và phát triển đầy đủ như vừa cắt ngoài vườn vào.  

Hết hồng đến thu hải đường, anh vẫn giới thiệu với giọng đầy say mê ấy:  

- Kỳ trước tôi đã giới thiệu với anh chưa nhỉ? loại Bégonia Rex này hồi mới đưa được một cây từ  I-ta-li-a về, tôi cưng lắm. Nay thì đã nhận được khá nhiều rồi. Anh xem: lá nó có những đốm rất đẹp, lại đổi màu nữa chứ. Trời mưa, lá tím lại, hôm nào nắng đẹp, lá thắm màu huyết dụ, trên có lớp tuyết mịn hơn nhung. Hoa ba khía, màu gì cũng có. Loại này có thể bày chơi trong nhà với Ficus đỏ.  

Vẫn giọng say sưa nồng nhiệt, anh vừa nói vừa kéo tôi tới dàn phong lan. Một chùm cẩm báo vừa ra hoa vàng nhạt, lốm đốm nâu và tỏa làn hương ngát:  

- Vanda parishii odorata, tôi lấy ở đèo Sông Pha. Lạ lắm, ở đấy hoa gì cũng thơm. Cũng những loại ấy, lấy ở Tùng Nghĩa chẳng hạn thì không có hương. Anh có thấy đúng mùi gỗ trầm không ? còn loại này - anh vừa nói vừa kéo một chùm hoa xuống cho vừa tầm mũi tôi - lan giáng hương. Anh thấy nó giống mùi hoa gì nào ?  

- Ngoài Bắc gọi là mùi hoa dẻ, tôi đáp.     

- Đúng, nó gợi mùi hoa dẻ. Cao nguyên này còn nhiều tập đoàn hoa mà chúng ta chưa biết đến. Chẳng hạn loại này, anh kéo tôi đến một khu khác cũng là đỗ quyên, tôi đem về từ núi Bà trên dãy Lang Bian, ở độ cao 2.200 mét, tận chóp núi. ở đấy có cả một tập đoàn đỗ quyên. Anh xem, lá nó có hơi khác lá những loại đỗ quyên thường thấy: cứng hơn, dày hơn và hơi chuyển sang màu nâu. Nó giỏi chịu đựng thời tiết khắc nghiệt. Châu Âu họ quý bộ này lắm. ở chân tháp Ep-phen, có khu đỗ quyên, họ để liền năm này qua năm khác mà chẳng phải chăm sóc gì mấy... còn những cây hồng tràm này của tôi, anh thấy có hay không?  

Tôi nhìn theo tay anh : một cây dáng liễu rũ những cành mềm như một suối tóc điểm những đóa hoa hồng, đung đưa trước gió.  

- Chỉ là một cây thuộc họ bạch đàn, trong này quen gọi là khuynh diệp, Eucalyptus, mới nhập từ châu úc khoảng mười năm lại đây. Cây này muốn tạo dáng đẹp, lúc mới trồng cần bón thật nhiều đạm vào. Cành nó vồng lên rồi rũ xuống vì quá tốt. Hồng tràm trồng làm cảnh, ra hoa quanh năm mà không phải tốn công chăm sóc.  

Tôi có cảm tưởng, đối với anh, hoa gì cũng quý. Và tôi lại đặt ra câu hỏi vẫn ám ảnh mình:  

- Thế theo anh hoa gì đẹp nhất, quý nhất ?  

- Quý không hẳn là đẹp, và hiếm chưa chắc đã quý. Trước đây Đà Lạt nổi tiếng vì cung cấp được nhiều hoa đẹp cho Sài Gòn và cũng vì Đà Lạt có những loại không nơi nào có. Một số nhà giàu cho nhập những loại hoa lạ từ các nước về. Như biệt thự của Trần Trung Dung trước có một cây Jade Wine - anh em mình quen gọi nôm na là cây móng hổ - cả Đà Lạt chỉ có mỗi một cây.  

- Như vậy có khác gì chơi đồ cổ, tôi nói. Ngoài họ hàng thân thích, ai còn dám vào nhà bộ trưởng để biết ngài chơi hoa quý ?

 - Có những nhà thích chơi hoa muguet - linh lan - cứ vào dịp tháng năm, đặt mua từ bên Pháp. Trại của tôi cũng có gây một ít, phòng khi các bà lớn cần, khỏi bị rầy.

Anh nói tiếp :  

- Thật ra đây chỉ là nơi làm giống. Muốn xem những loài hoa quý, hoa lạ, đúng hơn là hoa đắt tiền, mời anh đến thăm một vài trại hoa tư nhân. Hoa nhập giống từ Hà Lan, Pháp , Nhật Bản về, và bán rất đắt.  

Một chiều hửng nắng sau mấy ngày mưa, tôi theo anh Phó chủ tịch thành phố, một kỹ sư nông nghiệp, đến thăm một trại hoa riêng, có thể gọi là một sân hoa, một kho hoa. Hoa chen nhau, lấn nhau, tầng trên lớp dưới, đến nỗi gần như không còn có lối đi cho khách chen chân. Chủ nhân là một người đàn bà đẹp, rất niềm nở :  

- Vâng, thưa ông, riêng về lan, nhà tôi có ba trăm loại. Giống mua bên Pháp, có củ giá tới hàng trăm đô. Chúng tôi cố giữ lấy giống. Thỉnh thoảng mới nhường cho cơ quan vài chậu, gọi là bán lỗ vốn. Bây giờ muốn có chậu để nhân giống cũng chẳng mua được. Phong lan thì không có gỗ và dây thép làm giàn. Ông xem bao nhiêu gốc bỏ không kia. Chỉ còn mỗi huyết nhung này ra hoa - bà chỉ một cụm hoa mới bị gió mưa đánh tơi tả - còn hồng, thưa ông, trước, nhà tôi trồng tám nghìn gốc. Một ngày bán một nghìn bông, tôi cung cấp cho suốt cả dãy kiosque đường Nguyễn Huệ đó ông. Gửi qua Air Vietnam, sáu giờ rưỡi đã ra sân bay, mười giờ đã có hoa bán ở Sài Gòn. Hồi đó chỉ mười đồng một bông hồng thôi chứ có mấy, ông. Vâng, đúng vậy, bán được nhất là hồng nhung. hồng vàng không nhiều bông, hồng trắng để làm vòng mariée, mùa cưới cũng bán được. Cái vườn hồng ấy, nhà tôi phá bớt đi trồng màu, vừa ăn được lứa đỗ... mời các ông quá bộ ra thăm vườn. Mấy bữa mưa dầm, ẩm ướt quá.  

Bà chủ đi trước, tay khẽ chạm vào các cành cây cho rụng bớt nước mưa còn đọng trên lá, để khỏi làm ướt áo khách. Chúng tôi len lỏi giữa hoa. Trà mi trắng, trà mi đỏ. Nhất chi mai. Đỗ quyên tím. Một cây mận với những trái màu tím non. Nhiều loại cây trồng chậu xếp thành dãy dọc bờ tường, cây nào cũng vươn cành ra tranh ánh sáng làm chật thêm lối đi vốn hẹp.  

Đến một mảnh ao nhỏ, bà chủ giới thiệu :  

- Súng Nhật Bản, thưa ông.  

Tôi nhìn những đóa hoa súng : súng hồng, súng tím, súng màu mỡ gà. Hoa súng ở miền Nam quả là đẹp. Chợt nhớ mấy câu thơ Chế Lan Viên, không rõ tác giả làm khi vào Nam hay còn ở Bắc:  

Sáng nay ra đường gặp ai ? gặp đóa súng hồng,  

Hồng như chưa có môi nào hồng được vậy.  

Đến nỗi anh qua rồi, quay ngoắt lại hỏi : hoa súng hồng , hoa súng hồng, màu có phải hoa không ?  

Anh Nguyễn Khắc Viện thăm đồng bằng Sông Cửu Long, cũng ca ngợi hoa súng đẹp nhất Đồng Tháp Mười, khiến có bạn đọc gởi thư đến báo Nhân dân thắc mắc.  

Tôi từng được gặp hoa súng trong những trường hợp bất ngờ đến thú vị. Sau những giờ mải mê trong phòng đọc của Thư viện Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ra hành lang đón luồng gió mát cho nhẹ bớt đầu, tựa vào lan can tình cờ ngó xuống, chợt gặp một bông súng nở giữa bồn nước kín đáo chạy dài suốt mặt tiền của tòa nhà đẹp. Hoặc buổi sáng đi chợ Châu Đốc, thị xã biên giới nhìn ra sông Hậu mênh mang, chợt thấy cọng súng khoanh tròn trong rổ bà hàng rau, đầu mỗi cọng nở một đóa hoa hoặc đã mãn khai hoặc đang hàm tiếu.  

Hoa súng có vẻ đẹp thôn dã. Tự biết mình người trần mắt thịt, ngoại đạo với nghệ thuật chơi hoa, tôi chăm chú nghe bà chủ trại hoa giới thiệu tuy trong lòng vẫn không bớt phân vân : loại hoa mang từ đất nước Phù Tang về này đẹp hơn bông súng tôi gặp ở chợ Châu Đốc ở những chỗ nào; hay chung quy cũng là cách đánh vào thị hiếu sùng bái hàng ngoại của những người giàu có ở miền Nam ngày trước?  

Tôi từng biết, bưởi Biên Hòa quen thuộc được một số người buôn ở Chợ Lớn mua về cất giữ, đợi cho da héo nhăn, đóng mấy dấu triện son vào rồi tung ra chợ tết, bảo là nhập cảng từ ngoại quốc. Hoặc hoa bích đào trồng ở Đà Lạt đưa về Sài Gòn, nhập nhằng bảo là đào Hồng Kông, một cành đào bán gấp nhiều lần so với đào nội địa - điều này chính anh Sáu ở trại hoa thành phố cho tôi hay.  

Bà Phan Thị L., một nông dân trồng hoa ở khóm Đông Tĩnh, vốn quê Nghệ Tĩnh, mừng vui nói với tôi : “Dạo này hoa được giá, dạo trước hoa chỉ đắt vào dịp tết, ngày thường rẻ ê hề. Bây giờ tháng sáu, tháng bảy vẫn bán được ba đồng một chục lay-dơn”. Bà chủ trại hoa xinh đẹp, người Hà Nội thì phàn nàn hoa không bán được, đến những chiếc chậu đất để nhân lan - chậu đất thôi, đừng nói đến chậu gốm, bà nhấn mạnh - cũng không mua được. Cả hai bà đều rất thành thật. Phải chăng ngày nay, những gì sang trọng đắt tiền, kể cả cái đẹp, khó tiêu thụ, còn những gì thông dụng thì sẳn thị trường ? Nếu quả đúng như vậy, âu cũng là một nét đặc trưng của xã hội ta trong bước đầu xây dựng cuộc sống mới trong đó mọi người đều hưởng thụ những ưu đãi của thiên nhiên cũng như thành tựu khoa học. Sự cách biệt thái quá giữa người giàu kẻ nghèo dần dần thu hẹp, nhưng bởi đất nước còn nghèo cho nên chúng ta tạm bằng lòng với những thứ vừa túi tiền, kể cả cái làm đẹp cuộc sống.  

Hình như lịch sử thỉnh thoảng lập lại sự giễu cợt của mình. Hồi Hà Nội mới giải phóng, nhiều nhà trồng hoa ở Nhật Tân, Quảng Bá phá đào, phá lay-dơn. Họ nghĩ : các ông Việt Minh chắc chẳng có thời giờ ngắm hoa. Tết đầu tiên ở Sài Gòn giải phóng, một số người vô tình nuốt phải những luận điệu xuyên tạc. Họ biết Cách mạng đẹp, nhưng cái đẹp này đồng nghĩa với khắc khổ, với khô khan, trong xã hội mới  hoa sẽ không có chỗ đứng. Các ông Việt cộng tốt nhưng chắc chẳng thú hoa. Một số nhà vườn phá hoa trồng màu hoặc đào ao thả cá. Nhưng giá hoa vẫn đắt lên, hoa vẫn tiêu thụ được. Khi vỡ lẽ thì đã muộn, thời vụ trôi qua, có nhà vội vã trồng ớt kiểng là loại cây ngắn ngày để kịp đưa ra bán tết, mong vớt vát được phần nào.  

Tết ất Mùi (1955), phố phường Hà Nội có một nét đặc biệt. Lần đầu tiên trong lịch sử, hoa đào được mang ra làm đẹp cho những nơi công cộng. Vườn hoa Chí Linh và một số nơi rực rỡ những gốc bích đào lớn nhất, đẹp nhất mua từ những làng hoa nổi tiếng bên Hồ Tây mang về cho mọi người cùng thưởng thức. Lần đầu tiên trong lịch sử, hoa đào rời các phòng khách sang trọng, từ khuê các bước ra công viên. Từ đấy hầu như năm nào cũng có tổ chức hội hoa, thi hoa bên cạnh chợ hoa truyền thống mà tiêu điểm là mấy phố cổ kính cổng chéo, Hàng Lược...  

Những ngày Hà Nội bị ném bom ác liệt nhất lại là thời kỳ phong trào chơi hoa phong lan mở rộng - một ham mê làm kinh ngạc không ít khách nước ngoài đến thăm nước ta dạo ấy. Và Tết 1972. Tết B52 của Nixon, cũng là tết được mùa phong lan chưa từng có. Hoa tai trâu xinh đẹp và ngát hương tô điểm cả tháng xuân công viên Thống Nhất cũng như phòng khách của nhiều nhà chơi hoa.  

Trong một cuộc tranh luận về con người trong thời đại vũ trụ, một nhà văn Xô-Viết đã quá cố - E-ren-bua - viết một câu nổi tiếng: “Chúng ta đi vào vũ trụ với cánh hoa li-la trong tay”. Người Việt Nam có thể nói: “Đặt khẩu súng nòng còn nóng bỏng vì bắn máy bay Mỹ xuống, những người yêu cầm hoa đến nơi hẹn hò”.

 Đà Lạt, 1986 

  Trang chủ Trang trước Mục lục Trang sau