|
||||
Trang trước | Mục lục | Trang sau | ||
Đất Đà Lạt chủ yếu là nâu đỏ và nâu vàng, phân hóa từ trên đá mẹ granit, daxit, riolít. Đất hơi chua, có độ pH từ 4,8 - 5,2. Tất cả đều có tầng đất dày, chất hữu cơ còn khá. Trên mặt đồi thành phần cacbon có 3 - 4%, ở thung lũng còn nhiều hơn, khoảng 15%. Do rừng, đồi hoang chiếm với diện tích lớn nên đất dành cho nông nghiệp không nhiều, chỉ khoảng 3.600 ha. Với điều kiện đất đai và khí hậu thích hợp nên phần lớn diện tích trồng trọt ở đây là trồng rau. Mạng lưới rãnh, suối tương đối nhiều, nhưng Đà Lạt chỉ có một con sông nhỏ Cam Ly bắt nguồn từ những dãy núi đồi phía đông bắc chảy qua thành phố, hòa vào hồ Xuân Hương rồi đổ về thác Cam Ly, cuối cùng nhập vào sông Đa Dung ở huyện Đức Trọng. Do nằm giữa hai triền đồi nên về mùa mưa, đặc biệt ở những trận mưa có cường độ lớn vào tháng 9, nước sông dâng nhanh, uy hiếp những vùng rau màu nhà cửa ven sông. Đà Lạt có năm hồ, hồ ở đây hầu hết là hồ nhân tạo, đã bị bồi lấp khá nhiều qua mùa mưa, nên phần lớn các hồ cũng cạn dần. Gồm có hồ Xuân Hương, hồ Sương Mai, hồ Vạn Kiếp, hồ Đankia và hồ Chiến Thắng. Các hồ này là nguồn cung cấp nước đáng kể cho các vùng rau, nhất là về mùa khô. Đà Lạt là một sơn nguyên nên xét về mặt đệm của nó là xét đến tình hình rừng. Diện tích rừng Đà Lạt có chừng 16.400ha. Trong đó, rừng thông chiếm một diện tích đáng kể, hơn 10.300 ha. Đây là kho dự trữ quý giá về vật liệu cho công nghiệp, xây dựng... Ngoài ý nghĩa nói trên, rừng thông ở đây còn là vật "trang sức" của thành phố. Thật vậy, những giải rừng thông đã làm cho Đà Lạt thêm duyên dáng. Hơn nữa, nó cũng đóng một vai trò tích cực trong việc tạo nên những nét đặc sắc về tiểu khí hậu, môi sinh ở nơi này. Không khí trong rừng thông trong lành, dễ chịu là điều kiện tốt cho sự nghỉ dưỡng. Mặt khác, xét về ảnh hưởng đối với sản xuất nông nghiệp chúng ta cũng nên thấy rằng, về khả năng giữ ẩm, điều tiết nước, nhất là trong mùa khô, rừng thông kém hẳn so với rừng tạp giao hay rừng lá rộng. Vì rừng thông tán thưa, thoáng, bức xạ mặt trời có thể xuyên qua và đạt đến mặt đất, độ ẩm dưới tán cây bé, nên lượng bốc hơi mặt đất lớn, đất rừng thông khô. Cũng chính vì vậy, ta thấy nhịp điệu và mức độ giảm lưu lượng dòng chảy của các con sông, suối thuộc lưu vực rừng thông trong mùa khô nhanh và kiệt hơn so với các sông suối thuộc lưu vực của rừng lá rộng. Điều này cho ta lưu ý, có nên phát triển thông ở những dải rừng giữ nước đầu nguồn không. Hiển nhiên là điều kiện địa lý nó đã chi phối mạnh mẽ đặc điểm khí hậu của nơi này. Cả thành phố Đà Lạt được đặt trọn trên cao nguyên Lâm Viên với độ cao trên dưới 1.500 m, cùng với đặc điểm địa hình của nó nên không những có nền nhiệt độ khá thấp so với các nơi khác trong miền cùng vĩ độ mà về mùa khô độ ẩm không khí ở đây cũng rất thấp, trời luôn luôn khô hanh. Có thời gian tốc độ gió khá mạnh. Đà Lạt ở vào triền tây nam của dãy Trường Sơn nên lượng mưa chủ yếu là do hoàn lưu Tây Nam mang lại. Với địa hình lồi lõm - đồi, thung lũng xen kẽ nhau, phần lớn diện tích canh tác đều có độ dốc nên có hiện tượng xói mòn khá nghiêm trọng. Hàng năm lớp đất trồng trọt bị trôi đi vì mưa không ít. Mặt khác do địa hình phân hóa mạnh, mặt đệm khác nhau nhiều. Vì vậy, sự chênh lệch tiểu khí hậu tương đối lớn. Tiếc rằng hiện tại chưa có điều kiện đo đạc chính xác đánh giá đúng mức về sự khác biệt có ý nghĩa này. |
||||
Trang trước | Mục lục | Trang sau |