Nội dung chính

Mục lục

Sở khoa học - công nghệ  môi trường

Những năm gần đây, cuộc cách mạng khoa  học và công nghệ trên thế giới phát triển nhanh chóng, có tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội loài người. Nhờ động lực của khoa học và công nghệ, chúng ta đang tiếp cận với nền văn minh mới - văn minh hậu công nghiệp.

Những quan điểm lớn của Đảng về khoa học và công nghệ trong các Nghị quyết 37, Nghị quyết 26, và gần đây là Nghị quyết 2 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đều chỉ rõ: khoa học và công nghệ phải góp phần xây dựng luận cứ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cho các chính sách, quy hoạch, kế hoạch, cho các dự án đầu tư ... cả ở tầm vĩ mô và vi mô; phải là công cụ đắc lực để đổi mới quản lý, đổi mới công nghệ, đưa lực lượng sản xuất phát triển, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng nền khoa học tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Được các Nghị quyết, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước chỉ dẫn, với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của các ngành, các cấp trong Tỉnh, hoạt động khoa học, công nghệ của địa phương trong 20 năm qua đã có bước chuyển biến rõ rệt. Khoa học và công nghệ đã gắn bó và phục vụ có hiệu quả hơn cho sản xuất và đời sống, góp phần xứng đáng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Ngay từ những năm tháng đầu tiên khi mới thành lập với cơ sở vật chất và kỹ thuật ban đầu vô cùng thiếu thốn, với đội ngũ cán bộ non trẻ, ít ỏi về số lượng, mới mẻ về nghiệp vụ chuyên môn, Ban Khoa học và Kỹ thuật đã bắt tay vào việc xây dựng nền tảng ban đầu cho hoạt động quản lý kỹ thuật về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng: tập trung vào nhiệm vụ quản lý định mức vật tư kỹ thuật đối với các ngành sản xuất theo kế hoạch, kiểm tra và đánh giá chất lượng sản phẩm, quản lý phương tiện đo..., thúc đẩy việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Hoạt động thông tin khoa học trong thời kỳ đầu hướng vào mục tiêu phổ biến kiến thức khoa học, tiến bộ kỹ thuật, phát động phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, góp phần khắc phục khó khăn trong sản xuất của thời kỳ khôi phục kinh tế sau chiến tranh.

Các hoạt động điều tra cơ bản được đẩy mạnh, trong đó đáng chú ý là 2 chương trình điều tra cơ bản cấp Nhà nước: Tây Nguyên I và Tây Nguyên II đã mang lại cho địa phương một khối lượng đồ sộ các số liệu đánh giá tài nguyên thiên nhiên, kinh tế - xã hội giúp ích một cách thiết thực đối với địa phương trong nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Vượt qua những thử thách gay go của khủng hoảng kinh tế đất nước; đón nhận đường lối đổi mới của Đảng, khoa học và công nghệ địa phương đã từng bước thích nghi với cơ chế kinh tế thị trường trên cơ sở quán triệt Nghị quyết 26/BCT về khoa học và công nghệ trong sự nghiệp đổi mới, Nghị định 35/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) cùng với nhiều văn bản pháp quy của Nhà nước về khoa học và công nghệ, thúc đẩy các hoạt động khoa học và công nghệ gắn kết với mục tiêu phục vụ sản xuất và đời sống.

Đến đây, kế hoạch khoa học và công nghệ hàng năm đã được Hội đồng khoa học và kỹ thuật từ cấp tỉnh, ngành, địa phương tham mưu xây dựng theo hướng phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, các công trình nghiên cứu trong nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông - lâm, khoáng sản được áp dụng nhiều hơn vào sản xuất, mang lại những kết quả có giá trị cho nền kinh tế.

Sau 10 năm đổi mới, dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 8 của Đảng và sự ra đời của Nghị quyết 2/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về khoa học và công nghệ đã tạo ra sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức và hành động của các ngành, các cấp về vai trò của khoa học và công nghệ. Các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết được xây dựng công phu, nội dung phong phú, bám sát các mục tiêu nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đây là giai đoạn thể hiện sự biến đổi về chất, thời kỳ ?ra hoa kết trái? của hoạt động khoa học và công nghệ, thời kỳ tập trung giải quyết những vấn đề có tính chiến lược như đổi mới công nghệ của các ngành sản xuất công nghiệp trọng yếu, hướng các nhà sản xuất vào nhiệm vụ quản lý hệ thống chất lượng; ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý hành chính Nhà nước, quản lý sản xuất kinh doanh, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường; xây dựng chiến lược quản lý chất thải, các quy định, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của địa phương, hướng tới mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ gắn liền với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường tỉnh Lâm Đồng đã có những bước tiến bộ, trưởng thành đáng kể; cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ quản lý ngành đến nay đã đủ sức tổ chức và điều hành công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, làm tham mưu cho lãnh đạo về những nhiệm vụ trước mắt cũng như những định hướng chiến lược lâu dài.

Có thể nêu lên những thành quả đạt được có tính tiêu biểu của hoạt động khoa học và công nghệ trong những năm qua:

Trong lĩnh vực nông nghiệp đã tiến hành khảo nghiệm, chọn lọc và đưa vào sản xuất nhiều giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của các vùng trồng lúa trong tỉnh: tập đoàn các giống lúa nước cho năng suất 50-70 tạ/ha, lúa lai: 75-80 tạ/ha, lúa cạn và lúa chịu hạn: 40-45 tạ/ha.

Các giống ngô lai cho năng suất 75-85 tạ/ha, cá biệt có những trường hợp đạt 100-110 tạ/ha, đưa sản lượng ngô đạt 98.498 tấn (1997) so với 26.876 tấn (1990), tăng hơn 3 lần. Từ đó nếu sản lượng lương thực quy thóc năm 1990 đạt 110.521 tấn thì đến năm 1997 đạt 180.802 tấn, tăng 63,5%.

Năng suất chè năm 1990 - 43,8 tạ/ha, đến 1999 đạt 85 tạ/ha, tăng 94%; cà phê đạt 7,7 tạ/ha (1990), đến 1999 đạt 20 tạ/ha, tăng 2,5 lần; dâu tằm năm 1990 đạt 53,9 tạ/ha, đến 1999 đạt 230 tạ/ha, tăng 4,2 lần.

Đến nay có khoảng 70% diện tích lúa của tỉnh đã được gieo trồng bằng các giống mới (IR56279, OMCS96, TN15, LC88-66, LC9-5...), ngô lai chiếm hơn 80% diện tích gieo trồng (DK888, LVN10, Cargill 1919). Hơn 95% diện tích trồng rau và hoa, khoảng 15-30% diện tích chè, cà phê và cây ăn quả được trồng bằng các giống mới.

Bằng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào, các trung tâm nghiên cứu khoa học ở Đà Lạt đã nhân giống cung cấp mạ khoai tây và các giống rau khác cho nông dân của thành phố và các vùng phụ cận, đáp ứng cho người sản xuất có giống sạch virút. Nuôi cấy mô tế bào thực vật đã trở thành biện pháp kỹ thuật hữu hiệu trong công tác nhân giống, chọn giống cây trong nông nghiệp. Không chỉ ở các cơ sở nghiên cứu, mà các doanh nghiệp, các địa phương, thậm chí ở cả các gia đình nông dân tiên tiến, kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật đã là công cụ sản xuất giống quy mô hàng hóa.

Sản xuất rau an toàn - một nội dung hấp dẫn của nền nông nghiệp sinh thái bao gồm hàng loạt các biện pháp tổng hợp như sử dụng giống mới ngắn ngày kháng sâu bệnh, sử dụng hợp lý thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học, bảo vệ và phát huy vai trò của các côn trùng thiên địch. Từ đó, người sản xuất ít dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, hạn chế được sự tích lũy dư lượng độc chất trong sản phẩm, làm sạch nguồn nước tưới và đất trồng trọt, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Qua 4 năm thực hiện dự án sản xuất thử rau an toàn tại Đà Lạt cho thấy có thể đưa vào sản xuất 2 quy trình: sản xuất rau an toàn có cách ly và không sử dụng nông dược thì sản phẩm được công nhận là an toàn tuyệt đối; hiện nay bình quân sản xuất 4 tấn/tuần để cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị, khách sạn cao cấp, hãng hàng không Cathay Pacific. Quy trình sản xuất không cách ly và sử dụng hạn chế nông dược trên một số loại rau trồng phổ biến tại Đà Lạt như cải bắp, cà rốt, sú lơ, khoai tây, củ cải, đậu Hà Lan... cho thấy qua phân tích các sản phẩm, dư lượng nitrat, nông dược, kim loại nặng, vi sinh vật gây bệnh đều đạt dưới ngưỡng cho phép; quy trình này đang được áp dụng rộng rãi ở quy mô lớn.

Chuyển giao kỹ thuật tiến bộ thích hợp cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người là một trong những nhiệm vụ hàng đầu được ngành đặc biệt quan tâm. Trong thời gian qua, đã cung cấp giống, vật tư, phân bón và chuyển giao kỹ thuật canh tác cà phê, lúa cạn, ngô lai; kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho bò, lợn để cải tạo đàn gia súc; lắp đặt các trạm thủy điện nhỏ 700W-1kW cung cấp điện cho các trạm y tế, trường học, điện sinh hoạt cho hàng trăm hộ gia đình mà điện lưới không có khả năng vươn tới.

Qua việc triển khai xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật, góp phần ổn định và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc xã Phi Liêng, huyện Lâm Hà (1997-1998),  xã Lộc Lâm, huyện bảo Lâm (1999-2000) cho thấy nếu có sự tác động trực tiếp của khoa học - công nghệ thích hợp, hữu hiệu vào những nơi nghèo đói như vùng đồng bào dân tộc thì có thể tạo cho họ những bước đi "không trình tự" trong quá trình phát triển, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tiến bộ, tài nguyên thiên nhiên sẽ được khai thác hợp lý, đáp ứng cho sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Về lĩnh vực công nghiệp, các nhà khoa học cùng các nhà quản lý xây dựng và triển khai thực hiện 8 đề án thuộc chương trình phát triển công nghiệp giai đoạn 1991-1995 và đến năm 2000 gồm những vấn đề công nghiệp năng lượng, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải và bưu chính viễn thông, công nghiệp chế biến nông lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp vật liệu xây dựng.

Điều tra, đánh giá trình độ công nghệ các ngành sản xuất công nghiệp làm căn cứ cho việc nghiên cứu xây dựng lộ trình công nghệ của địa phương trong những năm đầu thế kỷ 21. Thẩm định việc nhập thiết bị, công nghệ mới và thích hợp cho các ngành sản xuất chè, gạch ngói, gạch chịu lửa, sa mốt, các hệ thống ươm tơ tự động..., phát huy hiệu quả trong điều kiện thực tiễn của nền kinh tế, có lưu ý đến khía cạnh hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Nghị quyết hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về văn hóa văn nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, dân số kế hoạch hóa gia đình và công tác thanh niên đã khẳng định quan điểm cần bồi dưỡng phát huy nhân tố con người; đầu tư nhiều hơn vào vốn con người với tư cách là động lực và là mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Xuất phát từ những quan điểm ấy, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn địa phương trong thời gian qua tập trung vào các nội dung đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục toàn diện thế hệ học sinh từ mầm non đến phổ thông trung học; chăm lo đời sống, dinh dưỡng, vui chơi giải trí, bảo vệ đặc biệt trẻ em trước các tệ nạn xã hội; tổ chức đời sống trẻ em vùng dân tộc; chăm sóc sức khoẻ ban đầu; lao động và việc làm; tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức v.v... Ngoài ra còn có những đề tài nghiên cứu về vấn đề dân tộc, tôn giáo, bản sắc văn hóa dân tộc, các chính sách xã hội, truyền thống cách mạng, truyền thống giai cấp.

Các vấn đề nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn vừa có ý nghĩa thực sự phục vụ cho công tác quản lý lãnh đạo, góp phần giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc đặt ra ở địa phương, vừa nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và quản lý xã hội.

Trong 20 năm qua, công tác điều tra cơ bản đã được thực hiện có hệ thống, làm căn cứ khoa học cho các quyết định về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Đã điều tra, xây dựng các bản đồ đất, bản đồ nước ngầm, bản đồ sinh khí hậu, bản đồ phân bố lượng mưa hàng năm, bản đồ tổng hợp các yếu tố tự nhiên, bản đồ địa mạo thổ nhưỡng, bản đồ hiện trạng rừng và đất rừng, bản đồ địa chất khoáng sản, bản đồ địa mạo động lực, bản đồ địa chất thủy văn, bản đồ khoáng sản vật liệu xây dựng, bản đồ kiến tạo nứt gãy...; lập bản đồ đất theo phương pháp FAO/UNESCO của huyện Cát Tiên  và huyện Đạ Tẻh, đề xuất biện pháp khai thác sử dụng đất, bố trí cơ cấu cây trồng, thời vụ hợp lý, đặc biệt cho các vùng thường xuyên bị ngập lụt.

ứng dụng công nghệ GIS để xây dựng hệ thống thông tin địa lý về tài nguyên, môi trường tỉnh Lâm Đồng nhằm lưu trữ và quản lý có hệ thống các số liệu điều tra cơ bản hiện có.

Công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường địa phương trong những năm qua đã có những bước tiến bộ đáng kể. Đã tham mưu cho ủy ban Nhân dân Tỉnh ban hành các văn bản pháp quy, xây dựng chiến lược quản lý chất thải đến năm 2010; xây dựng quy định bảo vệ môi trường của Tỉnh, xây dựng chương trình hành động thực hiện chỉ thị 36-CT/TW về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đã đem lại những hiệu quả nhất định làm chuyển biến cả về nhận thức lẫn hành động của các chủ doanh nghiệp trong việc chấp hành luật bảo vệ môi trường.

Việc lập báo cáo hiện trạng môi trường được tiến hành từ năm 1995 đến nay có tác dụng tích cực đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, là tài liệu khoa học giúp đề ra được các giải pháp vĩ mô và vi mô trong việc khôi phục và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên của tỉnh như rừng, khoáng sản, nước mặt, nước ngầm, đa dạng sinh học.

 Chi cục tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng đã được trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật đầy đủ so với khi mới thành lập trước đây 10 năm. Đã xây dựng và ban hành 15 quy trình tạm thời, 12 tiêu chuẩn địa phương cho các sản phẩm đặc thù của Tỉnh. Hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở áp dụng các mô hình quản lý chất lượng hệ thống nhằm bảo đảm chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường khu vực và thế giới.

Chi cục đã được công nhận có khả năng kiểm định nhiều lĩnh vực đo như các loại cân thông dụng, cân lớn đến 30 tấn, cân phân tích, cân kỹ thuật, dụng cụ đo dung tích thông dụng, máy đong, đồng hồ áp suất, huyết áp kế, công tơ điện một pha v.v...

Đội ngũ cán bộ của Chi cục được đào tạo và bồi dưỡng có hệ thống, đảm bảo yêu cầu ngày càng cao của công tác kiểm nghiệm, kiểm định cũng như các mặt của công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng.

Ngành đã xây dựng được một thư viện khoa học với 13.400 đầu sách, trên 40 loại báo, tạp chí khoa học trong và ngoài nước, 122 băng video, 11 đĩa CD-ROM về tư liệu khoa học - công nghệ phục vụ bạn đọc tại chỗ và sao chép tài liệu theo yêu cầu.

Từ năm 1993 đến nay đã phát hành 26 số tập san Thông tin khoa học và công nghệ, phát hành bản tin KCM phục vụ cán bộ lãnh đạo từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố.

Trong 20 năm qua, toàn tỉnh có hàng ngàn sáng chế và sáng kiến các loại, làm lợi cho Nhà nước nhiều tỷ đồng; có 126 lượt cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen và huy hiệu lao động sáng tạo.

Lĩnh vực công nghệ thông tin đã phát triển và ứng dụng rộng rãi trong các khu vực quản lý Nhà nước, các cơ quan tổng hợp, các ngành sản xuất kinh doanh, trong công tác đào tạo - dạy nghề, khu vực thông tin truyền thông. Đã hình thành hệ thống mạng thông tin văn phòng UBND Tỉnh, mạng thông tin nội bộ của các ngành; kết nối mạng thông tin diện rộng với 11 ngành và 11 huyện, thị, thành phố thuộc Tỉnh. Đã nghiên cứu thiết kế ứng dụng các phần mềm trong lĩnh vực kế toán, xây dựng cơ bản, điều khiển tự động, quảng cáo, nối mạng cục bộ, xử lý tín hiệu và xảo thuật cho chương trình truyền hình địa phương. Thiết kế và xây dựng cơ sở dữ liệu theo từng chuyên ngành, khai thác và sử dụng các dịch vụ của mạng Internet.

*

*      *

Tóm lại, trong 20 năm qua, hoạt động của ngành đã có những chuyển biến tiến bộ đáng khích lệ. Các phương hướng của nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngày càng gắn bó hơn, phục vụ thiết thực hơn cho các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Một số đề tài nghiên cứu khoa học, dự án phát triển đã được áp dụng đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp,  nhờ đưa nhiều kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất đã góp phần đáng kể làm tăng năng suất và sản lượng lương thực, rau, hoa, cây công nghiệp dài ngày..., bước đầu sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp sạch. Một số vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc ít người đã được hướng dẫn cách làm ăn tiến bộ, từng bước tổ chức và cải thiện cuộc sống được tốt hơn.

Công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường được thực hiện có hệ thống, có trọng điểm, làm căn cứ cho các quyết sách của các cấp lãnh đạo địa phương trong điều hành nền kinh tế. Tiếp thu và triển khai ứng dụng có hiệu quả những lĩnh vực khoa học hiện đại như công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ sinh học vào nông nghiệp, y học và đời sống.

Vai trò quản lý Nhà nước được cải tiến và tăng cường trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giám định công nghệ, thẩm định môi trường. Thực hiện tốt chức năng tham mưu trong việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với điều kiện của địa phương.

Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ địa phương chỉ mới thể hiện chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp; chưa có những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến các sản phẩm thế mạnh, chưa quan tâm đúng mức đến các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học quản lý, các chính sách kinh tế - xã hội..., nên chưa góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nền kinh tế địa phương. Một số cấp ủy và chính quyền tuy đã có nhận thức mới đối với khoa học và công nghệ, nhưng chưa thật sự coi khoa học và công nghệ là nội dung then chốt trong mọi hoạt động của tất cả các ngành các cấp, là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố quốc phòng - an ninh.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ quan trọng của khoa học và công nghệ địa phương là góp phần đưa nông nghiệp và nông thôn vào quỹ đạo của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị khóa VIII... về một số vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn... ; tập trung xây dựng và triển khai các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng hóa gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục triển khai chương trình hành động thực hiện chỉ thị 36-CT/TW của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với các mục tiêu: tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về môi trường và phát triển bền vững; ngăn chặn sự phát sinh các nguồn ô nhiễm mới, từng bước ngăn chặn có hiệu quả ô nhiễm môi trường trong sản xuất kinh doanh; đầu tư các dự án cải thiện môi trường các khu đô thị, nước sạch cho nông thôn.

Xây dựng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ địa phương đến năm 2010, một bộ phận hữu cơ của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng lộ trình công nghệ cho những ngành sản xuất quan trọng được phân chia giai đoạn đến năm 2005.

Tăng cường tiềm lực về cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao trình độ và năng lực đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có khả năng gánh vác nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn trong những năm đầu thế kỷ thứ XXI.

TS. PHẠM BÁ PHONG 
Giám đốc Sở KH,CN&MT

Nội dung chính

Mục lục

Sở khoa học - công nghệ  môi trường